Mong chờ gì ở những cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc?

Thứ Sáu, 06/04/2018, 08:48
Cuộc thi tìm kiếm ban nhạc tài năng - "The Band by VinaPhone" đã bắt đầu khởi động và nhận được sự quan tâm của khá nhiều bạn trẻ yêu nhạc trên khắp cả nước. Cuộc thi được kỳ vọng sẽ là sân chơi nghệ thuật nghiêm túc, công bằng, không màu mè, "đúng chất" của các nhóm nhạc trẻ.

Cuộc thi không có format hay chiêu trò của một gameshow truyền hình, tất cả là sự cạnh tranh công bằng của tài năng đích thực. Tuy nhiên, cũng có ý kiến hoài nghi rằng, liệu những ban nhạc được vinh danh có thể tỏa sáng khi mà sự cạnh tranh trong showbiz ngày càng khốc liệt.

Tìm kiếm tài năng hay là "kênh" để kết nối fan hâm mộ?

Theo đó, "The Band by VinaPhone" là sân chơi dành cho các nhóm nhạc Việt đang sinh sống trong nước và nước ngoài; yêu thích âm nhạc, có khả năng sáng tác, ca hát và biểu diễn. Các nhóm nhạc dự thi sẽ được thoải mái sáng tạo, tự chủ trong sáng tác, chọn ca khúc và định hình phong cách biểu diễn của mình.

Nhạc sỹ Lê Minh Sơn, Trưởng ban Giám khảo chia sẻ đại ý rằng, anh rất tâm huyết với "The Band" bởi đây là một cuộc thi chứ không phải một gameshow truyền hình. Chính vì lẽ đó, chất lượng nghệ thuật là yếu tố được đặt lên hàng đầu.

Cuộc thi "The Band by VinaPhone" được kỳ vọng sẽ là nơi phát hiện, đưa những ban nhạc tài năng đích thực đến với công chúng.

Không phải gameshow nên cuộc thi "The Band by VinaPhone" không có kịch bản chương trình. Đêm thi chung kết khu vực, chung kết toàn quốc diễn ra từ trung tuần tháng 4, đầu tháng 5 tới đây sẽ được tổ chức tại các sân vận động lớn.

Ban Giám khảo và khán giả sẽ là những người quyết định ban nhạc chiến thắng.Trong bối cảnh nở rộ các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình với vô số kịch bản, chiêu trò được sắp đặt một cách có chủ ý thì sự xuất hiện của "The Band by VinaPhone" ngay lập tức gây chú ý. Có lẽ, khán giả muốn tìm về những giá trị của âm nhạc và tài năng đích thực thay vì những chiêu trò bị "làm màu" một cách thái quá.

Nhiều khán giả đã nhắc tới "The Band by VinaPhone" với khái niệm "cuộc thi vì nghệ thuật" và kỳ vọng, đây sẽ là nơi mà những người chưa có tên tuổi; tài năng chưa được biết đến được tìm thấy, thổi bùng lên trong họ ngọn lửa đam mê nghệ thuật. Những gương mặt bước ra từ cuộc thi sẽ là nhân tố mới góp phần làm phong phú thêm thị trường âm nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho rằng, những cuộc thi "vì nghệ thuật" luôn có chỗ đứng. "The Band by VinaPhone" hy vọng sẽ làm khán giả hài lòng.

Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là, những cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc đơn thuần, "sạch sẽ", lại không tạo được hiệu ứng truyền thông tốt như những cuộc thi có nhiều chiêu trò. Cuộc thi "Sao Mai", "Sao Mai điểm hẹn" của Đài truyền hình Việt Nam là một ví dụ. Hai cuộc thi này được đánh giá là sân chơi nghệ thuật nghiêm túc, từng là "bệ phóng" cho nhiều nghệ sỹ trẻ thành danh trên con đường âm nhạc.

Giữa cơn bão gameshow tìm kiếm tài năng âm nhạc "đổ bộ" trên các kênh truyền hình từ trung ương đến địa phương, "Sao Mai", "Sao Mai điểm hẹn" tỏ ra "hụt hơi", không đủ sức hấp dẫn để cạnh tranh. Thí sinh, khán giả không còn mặn mà với "Sao Mai", "Sao Mai điểm hẹn" mặc dù những thí sinh tham gia cuộc thi này vẫn là những giọng ca có chất lượng, được đào tạo bài bản trong các trường nghệ thuật trên cả nước.

Với các thí sinh, việc được nhiều khán giả "nhớ mặt, gọi tên" qua mỗi cuộc thi có ý nghĩa vô cùng quan trọng để họ tự tin bước vào showbiz. Điều này lý giải vì sao các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình luôn có sức hút mạnh mẽ với các bạn trẻ yêu âm nhạc. Không ít thí sinh đã có "thâm niên" hoạt động âm nhạc, từng giành giải quán quân, á quân của "Sao Mai", "Sao Mai điểm hẹn" cũng không ngần ngại ghi danh vào các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình với mong muốn tên tuổi của mình được công chúng biết đến nhiều hơn.

Phân tích như vậy để thấy rằng, trong thời kỳ công nghệ số, một cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc không chỉ đơn thuần là việc phát hiện tài năng mà còn là nơi để đưa tên tuổi của tài năng đó đến gần hơn với công chúng. Đến với cuộc thi, phần lớn thí sinh là những người có tài năng âm nhạc và khi đó, việc tìm kiếm, phát hiện tài năng không còn là yếu tố quan trọng nhất mà điều các thí sinh cần là danh tiếng, mong muốn được khán giả biết đến.

Điều này đòi hỏi bản thân chương trình phải có sức hấp dẫn đối với khán giả. Sự khác biệt, hấp dẫn vượt trội về format của các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc nhập ngoại là điều không thể phủ nhận. Cùng với mục đích tìm kiếm tài năng âm nhạc nhưng các chương trình có format nước ngoài lại có cách làm mới lạ, sáng tạo, đầy hấp dẫn nên có sức hút hơn nhiều so với những chương trình "made in Việt Nam". Những chương trình hấp dẫn mới có thể tạo ra "hiện tượng", đưa một ca sĩ vô danh thành người nổi tiếng sau vài phút lên sóng ngắn ngủi.

Với format hấp dẫn, các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình có sức hấp dẫn, giúp thí sinh kết nối khán giả tốt hơn so với các chương trình thuần Việt. Trong ảnh: Phần trình diễn của thí sinh Nguyễn Đình Khương trong Chương trình "Sing My Song - Bài hát hay nhất" 2018.

Quá nhiều chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc xuất hiện tất yếu dẫn tới sự bão hòa và ngay cả những chương trình có format hấp dẫn nhất cũng không duy trì được "phong độ" như những mùa giải đầu tiên. Chiêu trò là điều khó tránh khỏi khi mà sự cạnh tranh trong lĩnh vực gameshow truyền hình ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên, lạm dụng chiêu trò sẽ biến chương trình "đi chệch" quỹ đạo của một chương trình tìm kiếm tài năng.

Cuộc thi không phải là yếu tố quyết định nhất thành công của người nghệ sỹ

Trở lại cuộc thi "The Band by VinaPhone", không ít khán giả hoài nghi rằng, với một chương trình thuần túy nghệ thuật, không chiêu trò, liệu những ban nhạc được phát hiện, vinh danh sau cuộc thi có "chìm nghỉm" như nhiều tài năng âm nhạc bước ra từ các cuộc thi trên truyền hình hiện nay. Ban Tổ chức "The Band by VinaPhone" cho hay, ban nhạc đoạt giải sẽ được hỗ trợ tối đa để có thể phát triển sự nghiệp âm nhạc.

Cụ thể là ngoài giải thưởng bằng tiền mặt, ban nhạc sẽ được đầu tư sản xuất, phát hành album đầu tay và được tư vấn chuyên nghiệp bởi những "cây đa, cây đề" trong làng âm nhạc Việt. Đồng thời, ban nhạc đạt giải cao nhất cũng có cơ hội trở thành ban nhạc đại diện của VinaPhone, tham gia các sự kiện do đơn vị này tổ chức.

Một câu hỏi đặt ra là, những cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc có cần thiết hay không? Câu trả lời là có. Nghệ thuật là lĩnh vực của tài năng và tài năng là yếu tố quyết định sự "sống còn" của nghệ thuật. Các cuộc thi đã góp phần tìm kiếm, phát hiện tài năng, bổ sung những gương mặt mới cho thị trường âm nhạc Việt Nam.

Cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc là cần thiết. Trải nghiệm và giải thưởng từ cuộc thi là hành trang quý báu cho mỗi nghệ sỹ trên con đường hoạt động nghệ thuật sau này. Tuy nhiên, đó không phải là yếu tố duy nhất, quyết định nhất đến thành công của người nghệ sỹ. Một người có thể đi "từ con số không thành người hùng" (from zero to hero - slogan của cuộc thi "Thần tượng âm nhạc"), từ cái tên chưa ai biết đến thành người có hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội sau một đêm thi… nhưng đó chỉ là một lát cắt nhỏ trong cuộc hành trình nghệ thuật gian nan mà người nghệ sỹ phải trải qua. Ngủ quên trên chiến thắng, ảo tưởng về bản thân là người nghệ sỹ tự tay khép lại cánh cửa nghệ thuật của chính mình.

Thực tế cho thấy, nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng xuất hiện nhưng cũng nhiều người được tung hô là "tài năng", "thần đồng", quán quân, á quân "lặn mất tăm" sau cuộc thi. Rõ ràng, hào quang của cuộc thi chỉ có thể là "đòn bẩy" cho những nghệ sỹ có tài năng, đam mê, biết tận dụng cơ hội và không ngừng nỗ lực vươn lên.

Sự "trỗi dậy" của những nghệ sỹ dòng nhạc underground, ca sĩ, nhóm nhạc độc lập thời gian gần đây đã cho thấy những góc nhìn khác của showbiz trong thời kỳ công nghệ số. Không cần phải tham gia các cuộc thi, không cần sở hữu vẻ bề ngoài như những "hot boy", "hot girl", nếu có đam mê và tài năng đích thực thì hãy cứ bền bỉ, tận tâm sáng tạo và cống hiến, chắc chắn bạn sẽ có được chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ.

Tường Phạm
.
.