Mạng xã hội và việc cổ súy cho “cái ác hồn nhiên”

Thứ Hai, 17/10/2016, 07:49
Nói một cách không hề quá đáng, mạng xã hội đang cổ súy cho một hiện tượng đã thành phong trào và trái luân lý: Giải tỏa nhu cầu trả đũa, thậm chí trả thù vô cớ nhằm giải tỏa ẩn ức xã hội và bộc lộ con người cá nhân trong cái gọi là “quyền tự do suy nghĩ và phát ngôn”...


Quyền cá nhân đang hủy hoại trách nhiệm công dân

Nguyễn Hồng Lam

Vụ thảm án nổ ra với hung thủ và nạn nhân đều là những cán bộ cấp cao của tỉnh, rất đáng ngạc nhiên, rất nhiều chia sẻ trên mạng tỏ ra hả hê, khoái trá như thể đang nói về một câu chuyện, một bộ phim lạ, ly kỳ… nào đó. 

Trên mạng xã hội, được nhấn like (thích) và share (chia sẻ) nhiều nhất luôn luôn là những câu chuyện, những clip liên quan đến bạo lực, bạo hành. Một dạo, đó là cảnh học sinh đánh nhau trong lớp hoặc ngoài đường. Dạo khác, đó là chuyện sai trái bị ghi hình của Công an, công chức – những người ăn lương nhà nước. 

Nói một cách không hề quá đáng, mạng xã hội đang cổ súy cho một hiện tượng đã thành phong trào và trái luân lý: Giải tỏa nhu cầu trả đũa, thậm chí trả thù vô cớ nhằm giải tỏa ẩn ức xã hội và bộc lộ con người cá nhân trong cái gọi là “quyền tự do suy nghĩ và phát ngôn”.

Luật pháp chỉ xử lý công dân theo hành vi. Chế tài xã hội cũng chỉ mới dành cho những bài báo đăng trên báo, mạng nằm trong danh mục chịu sự quản lý của nhà nước. Với các trang cá nhân trong mạng xã hội, quyền lực chế tài có muốn cũng không thể quản lý, kiểm soát hết. Khi đưa ra lý lẽ cá nhân, quan điểm riêng tư để biện minh cho góc nhìn của bản thân, nhiều người đã quên mất rằng họ đang chân co chân duỗi đạp lên đạo lý. 

Việc họ cười cợt, hả hê trước một thảm án có thể nói cũng vô đạo đức không khác gì vào cười đùa, la hét trong một đám tang. Khi vỗ tay, ăn theo để chửi bới, mắng nhiếc một cán bộ nào đó vừa nhận kỷ luật, họ không hề để ý rằng bản thân đang tự biến mình thành hạng tiểu nhân đắc chí, dù đa số những kẻ đó đều chẳng thành công, hiển đạt gì để mà đắc chí. Họ chỉ cố hét thật to trước thất bại của người khác để khỏa lấp sự yếu kém, vô tích sự của chính bản thân mình. 

Mạng xã hội là con dao 2 lưỡi.

Thực trạng này hình thành sau cả một quá trình, nằm trong chuỗi suy thoái đạo đức xã hội. Con người trong xã hội dễ có xu hướng vừa thỏa hiệp với tiêu cực, vừa căm ghét và phản kháng với nó, trong đó dễ thấy nhất là phản kháng với bộ máy công quyền. Từ bất mãn với hàng loạt hiện tượng tiêu cực, người ta  dễ nhầm lẫn quy kết chúng thành bản chất xã hội, quay sang bất mãn với hệ thống chính trị. 

Tiếp đó, để phản ứng, những hành vi trái đạo lý và chống lại luật pháp sẽ diễn ra. Vì dị ứng với hiện tượng tiêu cực của CSGT, một bộ phận người tham gia giao thông sẽ có xu hướng cố tình phạm Luật Giao thông. Nếu bị xử lý, họ sẽ chống lại người đại diện luật pháp. Phương tiện nghe nhìn và mạng xã hội đang giúp nối dài sự phản kháng vô ý thức, gia tăng tốc độ “lây nhiễm” nó một cách chóng mặt.

Hầu như không thể tranh luận lý lẽ với những kẻ bất chấp đạo lý. Bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào  lên tiếng chống lại, cá nhân hay tổ chức đó sẽ gần như bị đè bẹp, bị “ném đá”, bị lăng mạ không thương tiếc bởi cơn cuồng nộ của đám đông vô ý thức. Lao theo cơn hú hét bầy đàn trên mạng ảo, đó gần như là một cách hữu hiệu để các cá nhân vô ý thức tự khẳng định và thể hiện mình. “Không bao giờ thắng được những thằng ngu vì chúng quá đông”, nhận định trứ danh của Einstein vẫn còn nguyên giá trị.

Được cổ suy bằng những giá trị ảo như “like”, “share”, “views”, đám đông vô ý thức trong xã hội đang ngày một phình ra về số lượng. Đó chính là khi con người cá nhân ích kỷ và phù phiếm, dại dột vượt lên đạp đổ, phủ nhận tư cách công dân, nghĩa vụ công dân. 

Một xã hội lành mạnh để phát triển thì không thể chấp nhận đám đông thiếu tư cách công dân nhưng vẫn tự do can thiệp (dù là chỉ bằng ngôn luận) vào đời sống tinh thần của xã hội. Bởi, ngôn luận đẻ ra tư tưởng và tư tưởng dẫn dắt hành động.

Không ai cảm thấy có lỗi. Kể cả khi nhân danh bảo vệ mội trường, nhiều người vẫn thản nhiên “thải” vào môi trường đủ loại rác rưởi ý nghĩ và tư tưởng. Nó không khác gì chuyện người ta tha hồ bịt mũi trước mùi xú uế từ bãi rác và ra rả nguyền rủa chuyện môi trường bị ô nhiễm nhưng vẫn cứ tiện tay vứt vỏ chuối, túi nilon hay mẩu thức ăn thừa ra đường phố, chỉ vì ngây thơ tin rằng mỗi hành vi của mình thì không thể là nguyên nhân gây nên sự ô uế, rằng bao nhiêu người đã làm thế nên mỗi mình mình gìn giữ thì cũng chẳng đáng vào đâu.

Tác động xã hội là quyền lực của đám đông, nhưng chịu trách nhiệm thì thuộc về từng cá nhân, với hành vi cụ thể. Đã đến lúc thay những khẩu hiệu, những mục tiêu vận động đao to búa lớn mơ hồ bằng những chế tài cụ thể nhằm nhắc nhở ý thức, trách nhiệm công dân trên mỗi cá nhân. Cũng đã đến lúc cần có những biện pháp mạnh mẽ và hữu hiệu hơn trong việc quản lý sự phát tán thông tin sai trái, thể hiện tư cách, quan điểm cá nhân một cách cực đoan, sai trái, dù chỉ là trên mạng xã hội, trên thế giới ảo đang tồn tại thật.

Những lưỡi dao thật đằng sau avatar ảo

Mai Quỳnh Nga 

Trên mạng xã hội, chúng ta chưa hẳn đã biết đằng sau avatar (ảnh đại diện) là ai vì những thông tin sơ sài mà có thể là giả dối, không đáng tin cậy. Núp sau tấm lá chắn ảo mà vô cùng hiệu nghiệm ấy, người ta tha hồ chứng tỏ mình, tha hồ làm “thánh nhân” mà dân mạng hay gọi là “anh hùng bàn phím”. Bởi mạng xã hội cho phép người dùng viết thoải mái, viết văng mạng mà không sợ ai kiểm duyệt. 

Để làm “anh hùng”, làm “thánh nhân”, làm trung tâm của sự chú ý thì phải có cái gì đó đáng để cư dân mạng ngưỡng mộ, trọng vọng. Người nào đẹp thì suốt ngày chụp hình khoe mặt, khoe thân; người nào tài thì đăng clip hát ca, nhảy múa, ảnh đồ ăn tự làm...

Trước thách thức nếu được 40.000 like sẽ tự thiêu và nhảy xuống hồ, hàng ngàn người đã ồ ạt like tấm hình của chàng trai này.

Nhưng cách này xem chừng bị vô hiệu hóa với những kẻ kém cỏi. Nên con đường nhanh nhất để nâng mình lên là dìm người khác xuống nhân danh chân lý. Khủng khiếp thay, lực lượng này hơi... bị đông. Họ tỏ ra “biết tuốt” và nhìn đời bằng con mắt hoài nghi, ném đá, chửi rủa từ kẻ phạm tội đến bất kỳ người nào không vừa mắt dù lắm lúc bản thân họ cũng không biết người mình rủa xả là ai. 

Vụ anh tài xế Phan Văn Bắc, người đã cứu hơn 30 người thoát chết ở chân đèo Bảo Lộc đầu tháng 9 vừa rồi là một ví dụ. Đến cứu người cũng bị hoài nghi, ném đá thì còn biết kêu ai? Nhìn vào đâu người ta cũng chăm chăm đặt câu hỏi: Động cơ gì?

Tỏ ra đạo đức, cám cảnh cũng là một cách để làm “thánh nhân”. Từ khi mạng xã hội như Facebook, YouTube... phát triển, clip về cảnh giường chiếu, clip quay cảnh học sinh đánh nhau, clip đánh ghen, chửi bới công an... cứ dồn dập đăng đàn. Rất nhiều “trẻ trâu” ham hố quay hoặc share (chia sẻ) các clip này để tỏ ra mình là người ngoài cuộc khách quan, đang rất phẫn nộ và đồng cảm cho nạn nhân, hô hào khắp chốn như thể ta đây là “anh hùng đi cứu thế giới”. 

Rốt cuộc, những “anh hùng” kiểu này không thể cứu được thế giới mà chỉ khiến thế giới thêm rối loạn, con người mất niềm tin trầm trọng.

Nghe phong thanh ở đâu có clip sốc là thiên hạ nháo nhào lên xem. Và những clip sex, bạo lực kiểu ấy lại được cư dân mạng like (thích) và share một cách nhiệt tình. Tôi tự hỏi họ like làm gì, share để làm gì? Điều cốt yếu, like và share tràn lan mà không có hành động cụ thể như thế có giúp được gì cho nạn nhân không, hay chỉ khiến cho nạn nhân thêm tủi hổ, nhục nhã mà tìm đến đường cùng?

Mấy ngày qua, dư luận phẫn nộ và đau đớn trước thông tin một học sinh THCS ở Yên Bái treo cổ tự tử vì xấu hổ khi clip em bị đánh, bị bắt quỳ gối xin lỗi trước cổng trường lan tràn trên Facebook. Clip của người phát tán đầu tiên đã bị rút xuống, nhưng còn hàng trăm clip bị sao chép và share lại thì làm sao có thể xóa. Công an vào cuộc. Những kẻ đánh, quay clip bị sờ tận gáy. Nhưng dường như số lượng vụ việc làm nhục người khác trên mạng được giải quyết rốt ráo quá ít ỏi so với số clip ghi hình tội ác ấy.

Tự hỏi, tại sao người quay clip lại có thể bình thản cầm điện thoại quay như thế mà không có một hành động nào can thiệp ngay lúc đó? Sao không gọi Công an hay người lớn? Nếu họ can thiệp ngay lúc đó thì đâu thể có hậu họa đau lòng. Hay họ nghĩ rằng đăng, share clip càng rộng rãi thì thiết thực hơn, để phẫn uất, để lên án kẻ gây ra thảm cảnh thì xã hội mới thêm trong sạch, mới thêm nhân văn? 

Nhưng có vẻ như cơn phẫn uất vì clip này chưa kịp lắng thì người ta lại tiếp tục phẫn uất vì clip khác. Lâu dần, chúng ta bị đầu độc trong mớ thông tin u tối, rùng rợn, để trở nên vô cảm, dửng dưng trước cái ác, thậm chí nguy hiểm hơn là nghiện nó. Sẽ thật phũ phàng nhưng phải xác nhận rằng không hiếm người coi những clip ấy như trò tiêu khiển, gặm nhấm nỗi bất hạnh của người khác để thỏa mãn sự tò mò, thỏa mãn ẩn ức xấu xa của mình.

Kẻ đưa clip lên thì coi đó như một chiến tích. Thế nên không ngoa khi có bức tranh biếm họa vẽ nạn nhân sắp chết đuối đến nơi nhưng đám đông vây quanh vẫn bình thản cầm điện thoại quay giống như đó là khoảnh khắc hy hữu để về đăng lên mạng khoe. Hội chứng cuồng like, cuồng comment đến nỗi có khối “trẻ trâu” xin like bằng trò sốc như: Nếu bức hình này được 1.000 like thì mình sẽ uống hết lít nước mắm; nếu được 1.000 like thì tớ sẽ đăng hình khỏa thân hoặc rạch tay... Mới đây, một cu cậu ở TP Hồ Chí Minh thách nếu bức hình chân dung của mình có đủ 40.000 like thì sẽ tẩm xăng tự thiêu rồi nhảy xuống hồ. Cuối cùng cu cậu suýt một phen đi chầu Diêm Vương. Một hành động hay, ý nghĩa thì chẳng mấy ai quan tâm nhưng trò ngông thế này được giới trẻ cổ vũ nhiệt liệt.

Chiếc hộp Pandora mang tên Internet mở ra. Hạt mầm của những điều xấu xa lẫn tốt đẹp tràn xuống nhân gian. Mặc hạt mầm tốt đẹp còi cọc, một bộ phận cư dân mạng đang chăm sóc chu đáo cho vô số hạt mầm xấu xa vươn mình bằng giọt nước của chàng Narcissus. Chắc họ không biết ở đoạn kết, Narcissus cũng lộn cổ xuống hồ chết đuối chỉ vì quá yêu bản thân mình một cách ngu xuẩn.

Mua vui vô lương

Ngô Nguyệt Hữu

Tôi không nghĩ đám đông đang ngày càng tàn nhẫn, tôi chỉ cho rằng họ vô lương khi đặt mục tiêu thỏa mãn sự hiếu kỳ, niềm vui của bản thân trước nỗi đau hay tình huống bất hạnh của đồng loại.

Cậu thiếu niên ở Yên Bái đã chọn cách tự khép lại cuộc sống của chính mình ở độ tuổi mười lăm. Cậu ấy là một điển hình của sự mua vui vô lương của đám đông. Cậu bị một nhóm người thân của bạn cùng trường hành hung, bắt quỳ xuống xin lỗi. Những người chứng kiến quay clip và post lên mạng. 

Cậu sốc vì hoảng loạn, gia đình đã đưa đến bệnh viện chữa trị một tuần. Nhưng rời bệnh viện, cậu lên mạng internet và phát hiện những đoạn clip ấy đang được chia sẻ. Cậu chọn một lối thoát đầy buồn bã. Internet, trang mạng xã hội, sự tích cực và hệ lụy là chủ đề đã được nói nhiều, nói rất nhiều.

Bản thân tôi với tư cách là một nhà báo đã viết hàng trăm bài về chủ đề này, nhưng rồi bất lực. Bởi đám đông bao giờ cũng hồn nhiên và đầy hiếu động. Sự hiếu động nào cộng với hồn nhiên lại không là khởi thủy của một bi kịch. Nữ sinh đánh nhau, thay vì can ngăn, những người chứng kiến quay clip. 

Một vụ đánh ghen, thay vì ngăn chặn, những người chứng kiến quay clip. Một vụ truy sát, thay vì báo chính quyền địa phương, những người chứng kiến quay clip… Có rất nhiều câu chuyện xảy ra, những người chứng kiến chọn cách bật điện thoại ở chế độ quay video và đưa lên thay vì tìm một biện pháp nhằm ngăn chặn. Khi có một đoạn clip được lưu trữ trong điện thoại, họ chuyển tải lên facebook. Họ chuyển tải để có bàn luận, để bày tỏ bức xúc, để ủng hộ hoặc để đồng tình, tôi không quan tâm đến những ý niệm của cá nhân. 

Tôi chỉ không hiểu tại sao họ lại không làm một điều gì đó có ích hơn ngoài việc chăm chú giữ chặt điện thoại. Đôi lúc, tôi tự hỏi rằng những người quay clip hôm cậu thiếu niên đó bị hành hung, họ có bao giờ nghĩ rằng họ đã tiếp tay cho một bi kịch vừa hiện hữu ấy không? Lẩn thẩn nghĩ vậy thôi, chứ chắc rằng họ không nghĩ đến về vấn đề này. Đơn giản, ai cũng quay, ai cũng post Facebook chứ có phải riêng mình đâu mà phải nghĩ.

Có chi tiết này trong điển tích xin được nhắc lại. Nhà Lê mạt vận, Ngọa triều Lê Long Đĩnh tiêu khiển bằng cách róc mía trên đầu sư. Thi thoảng vờ lỡ tay, để dao chém vào đầu sư tóe máu, lấy đó làm điều thích thú phá lên cười. Mua vui vô lương trước nỗi đau của đồng loại bằng những đoạn clip, bằng một cái click post đoạn clip ấy trên mạng xã hội rồi chờ đợi sự phản ứng đám đông thay vì cố gắng ngăn chặn một điều không đúng vừa diễn ra. Có lẽ là, cũng từa tựa như thói tiêu khiển của Ngọa triều Lê Long Đĩnh vậy.

Ca sĩ Ánh Tuyết: Làm gì cũng phải suy nghĩ trước sau

Phan Thi Uyên (ghi) 

Kiểu clip quay các tệ nạn xã hội, đạo đức xuống cấp, thực phẩm bẩn... hay trào lưu “ném đá” tập thể, bình phẩm làm nhục người khác trên mạng xã hội... đang mài mòn đạo đức, nhân cách con người. Đồng ý rằng trong xã hội luôn có mặt trái và mặt phải, cái ác và cái thiện song hành. 

Ở đời thực, mọi người luôn nhìn vào nên người ta lúc nào cũng phấn đấu hướng thiện, trau chuốt mặt phải, hạn chế mặt trái của mình để sống tốt, giúp ích cho đời. Người ta ăn nói đều phải lựa lời để giữ phong thái, cốt cách của mình và không làm buồn lòng người nghe.

Nhưng từ khi có mạng xã hội, người ta ỷ vào thế giới ảo hiếm khi bị xử lý và cũng khó bị điểm mặt chỉ tên nên mặt trái của họ bộc lộ nhiều hơn. Người ta thích thể hiện mình và trở nên bạo miệng, văng tục chí mạng nếu cần và thậm chí lăng nhục, lừa lọc nhau. 

Người tử tế, hướng thiện cũng từ đó mà bị ảnh hưởng. Cái ác dần lấn át. Lên Facebook, tôi rất mệt mỏi vì nhiều người cứ tỏ ra cái gì mình cũng biết hết nên hở tí là vào bình luận, chỉ trích mọi vấn đề (dù rằng điều họ nói hoàn toàn sai mà họ không biết).

Cái ác đầy rẫy trên mạng, hở ra là bị “ném đá” khiến người ta không biết tin vào ai. Mạng xã hội cho người ta tự do ngôn luận nên trước một sự kiện thì có vô số thông tin trái ngược nhiều chiều, tranh cãi ầm ĩ, ai nói gì cũng được khiến mọi người hoang mang. Những người tử tế sẽ bị xoáy vào sự nhiễu loạn thông tin đó hoặc là họ sẽ tin nhầm. Người thiếu bình tĩnh, hay nóng nảy thì lại tranh cãi bằng lời lẽ thô tục. 

Tôi nhận thấy nhiều người tham gia mạng xã hội bây giờ hở tí là văng tục, làm nhục người khác để bảo vệ ý kiến của mình mà không đếm xỉa đến hậu quả của nó. Ngay cả người lớn cũng vậy chứ đừng nói gì đến lớp trẻ. Bình thường cha mẹ giáo dục con là phải cẩn trọng ăn nói. Nhưng nhiều người cứ nghĩ mình chửi bới trên mạng xã hội thì con cái không biết. Họ lầm.

Tôi nghĩ trước khi đăng gì đó, mỗi người hãy tự suy ngẫm cho kỹ. Xem thử mình làm như vậy, nói như vậy đã đúng chưa? Điều mình nói, mình làm có nguy hại đến ai không? Khi làm cái gì trên Facebook, điều trước tiên là họ phải có trách nhiệm với bản thân mình. Mình làm gì cũng phải cẩn thận, nói gì cũng có lý có tình, có trước có sau. Cha mẹ thì cần làm gương cho con em. 

Người xưa dạy “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” thì bây giờ cũng nên “Uốn lưỡi bảy lần trước khi like, comment”, không thể hùa theo đám đông chửi bới người khác bằng từ ngữ thiếu văn hóa hay vô tình cổ vũ cho cái ác. Muốn góp ý, trao đổi, phản biện thì nên dùng từ ngữ từ tốn, văn minh trên cơ sở tôn trọng nhau. 

PV
.
.