“ Cơn bão mạng xã hội” : “ Cứu cánh” hay “ Chủ nghĩa phán xét nghệ thuật” ?

Thứ Sáu, 09/09/2016, 08:21
Chương trình truyền hình thực tế “Gương mặt thương hiệu – The Face” mùa đầu tiên kết thúc bằng một đêm chung kết được đánh giá là hoành tráng, hấp dẫn hôm 3-9 vừa qua. Khi Chương trình kết thúc cũng là lúc các “anh hùng bàn phím” mổ xẻ về chương trình. Nào là nghi án vị trí quán quân Phí Phương Anh đã được “sắp đặt từ trước”, nào là chiếc áo Sơn Tùng M-TP mặc khi biểu diễn nhái của một ca sĩ nước ngoài, nào là Mai Ngô bị xử ép... Mạng xã hội là thế, kết nối không biên giới và người sử dụng nó đôi khi cũng rơi vào “chủ nghĩa phán xét” không cần thiết.


Nhìn từ hai chương trình “hot”

Phải thừa nhận một điều rằng, khán giả Việt rất giỏi trong việc “phát hiện vấn đề”, tìm ra khiếm khuyết, sai sót trong các chương trình, sự kiện giải trí… Có lẽ, truyền hình là lĩnh vực bị “soi” nhiều nhất. Dường như bất kỳ chương trình truyền hình thực tế nào khi lên sóng đều bị khán giả “bắt lỗi” và nhiều lỗi được phát hiện là đúng và có cơ sở. Tuy nhiên, những lỗi đó có cần phải “khui” ra, bàn tán, mổ xẻ hay không lại là câu chuyện khác.

Trở lại câu chuyện của đêm chung kết “Gương mặt thương hiệu” 2016, khán giả đã phát hiện ra nhiều vấn đề gây tranh cãi. Thứ nhất, việc Ban Tổ chức để Sơn Tùng M-TP trình bày ca khúc “Chúng ta không thuộc về nhau” từng bị “tố” đạo nhái một ca khúc nước ngoài là điều đáng tiếc.

Đoạn rap mở đầu của ca khúc này có nhiều lời lẽ được cho là “ngông”, lại giống với ca khúc “The Baddest Female” của ca sĩ Hàn Quốc - CL, chiếc áo lông chàng ca sĩ này mặc giống hệt trang phục của trưởng nhóm nhạc Big Bang (Hàn Quốc) từng mặc trong MV Crooked phát hành năm 2013.

Mạng xã hội là công cụ hữu hiệu phát hiện nhiều vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là vấn nạn "đạo", "nhái". Trong ảnh: Sơn Tùng M-TP biểu diễn ca khúc gây tranh cãi "Chúng ta không thuộc về nhau" trong đêm chung kết "Gương mặt thương hiệu".

Thứ hai, bức ảnh hiện trên màn hình và phần trình diễn trên sân khấu của thí sinh Chúng Huyền Thanh (đội Hồ Ngọc Hà) trong phần thi “Tương tác với màn hình, hiểu rõ tính năng sản phẩm” không đồng nhất, nghi án phần thi của thí sinh này đã được Ban Tổ chức dàn dựng.

Thứ ba, nhiều ý kiến cho rằng, các phần thi của thí sinh Phí Phương Anh (đội Hồ Ngọc Hà) đều diễn ra rất thuận lợi, trong khi đó, Mai Ngô (đội Lan Khuê), ứng viên tiềm năng của cuộc thi lại luôn bị “đẩy” vào thế khó. Những vấn đề nêu trên gây nên những cuộc tranh luận trên mạng xã hội, có người còn chỉ trích rằng, “Gương mặt thương hiệu” nên đổi tên thành “Gương mặt sắp đặt”…

Công bằng mà nói, những phát hiện của cư dân mạng đều có cơ sở và là khán giả, họ có quyền “đi đến tận cùng sự thật”. Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, xét về tổng thể, chung kết “Gương mặt thương hiệu” đã thành công về nhiều mặt. Nhìn cả chặng đường mà Phí Phương Anh đã trải qua, cô hoàn toàn xứng đáng với ngôi vị quán quân của chương trình. Nên nhìn vào cái tổng thể mà bỏ qua những “lỗi” nhỏ trong công tác tổ chức chăng?. “Gương mặt thương hiệu” không đáng bị cư dân mạng “ném đá” và phán xét nặng nề như vậy.

“Gương mặt thương hiệu” không phải là chương trình duy nhất bị cư dân mạng “soi từng cm”. Trước đó một tuần, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 khép lại chặng đường nhiều ồn ào bằng một vấn đề gây tranh cãi khác.

Đỗ Mỹ Linh, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội đăng quang ngôi vị cao nhất của cuộc thi bị đánh giá là không xứng đáng, kém tài, sắc so với hai Á hậu còn lại. Ngay sau khi đăng quang, Mỹ Linh đã phải đối mặt với hàng loạt những vấn đề mà cư dân mạng “khui ra” từ chính tài khoản mạng xã hội của cô như: nghi án sửa răng, vô lễ với giáo viên, thiếu điểm khi vào đại học…

Tương tự như vậy, Á hậu Ngô Thanh Thanh Tú cũng rơi vào nghi vấn không có tên trong danh sách thí sinh trúng tuyển vào Đại học Ngoại giao năm 2012. Tôi cho rằng, khán giả quan tâm về đời tư của những nhan sắc Việt là điều dễ hiểu nhưng việc khai thác, phán xét quá sâu vào đời tư của họ thì không nên.

Với Hoa hậu Mỹ Linh, quan niệm, góc nhìn về cái đẹp mỗi người mỗi khác nên nhan sắc này khó có thể làm hài lòng tất cả. Những lời nói vui, bông đùa của Mỹ Linh với bạn bè khi mới là học sinh cấp hai cũng không nên bị “đào bới”, “nâng cao quan điểm” như vậy.

Hoa hậu Việt Nam 2016 đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích về nhan sắc, đời tư... từ cộng đồng mạng.

Đan xen cả yếu tố tích cực và tiêu cực

Trong thời kỳ bùng nổ công nghệ như hiện nay, mạng xã hội được ví như “con dao hai lưỡi”, tồn tại đan xen cả yêu tố tích cực và tiêu cực. Ở góc độ tích cực, mạng xã hội chính là công cụ hữu hiệu, phát hiện nhiều vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là vấn nạn “đạo”, “nhái” – vốn đã tồn tại dai dẳng trong showbiz Việt.

Chính cư dân mạng là những người đầu tiên đặt nghi án ca khúc “Chúng ta không thuộc về nhau” của Sơn Tùng M-TP “đạo” ca khúc “We dont talk any more” của Charlie Puth và Selena Gomez. Trước đó, hàng loạt ca khúc của chàng ca sĩ 9X này cũng bị “tố” đạo nhạc như “Em của ngày hôm qua” giống “Every Night” của EXID, “Cơn mưa ngang qua” có nét giống “Sarangi Mareul Deutjianha” của Namolla Family, “Nắng ấm xa dần” có nhiều nét “hao hao” ca khúc “Monologue” của As One, “Chắc ai đó sẽ về” “nhái” ca khúc “Because I love you” của Jung Yong Hwa.

Ngoài Sơn Tùng M-TP, một số ca khúc của các ca sĩ trẻ khác khi ra mắt cũng bị khán giả phát hiện “có vấn đề” như ca khúc “Chàng trai tháng 12” của ca sĩ Thủy Tiên, “Đơn giản ta yêu nhau”, “Mất cảm giác – Anh khác hay em khác”, “Anh muốn quay lại” của Khắc Việt, “Mùa thu vắng em” của Cao Thái Sơn…

Không chỉ trong lĩnh vực ca nhạc, cư dân mạng còn có “công lớn” trong việc phát hiện những nghi án “đạo nhái” trong các lĩnh vực nghệ thuật khác. Trong lĩnh vực thời trang, không ít bộ cánh của những người nổi tiếng khi xuất hiện trước công chúng bị phát hiện giống một sản phẩm của thương hiệu thời trang nào đó.

“Đình đám nhất” phải kể đến vụ trang phục của ca sĩ Mỹ Tâm mặc khi ngồi ghế nóng chương trình “Thần tượng âm nhạc Việt Nam” 2014, live show 3 “giống y chang” một mẫu thiết kế ra mắt năm 2007 của thương hiệu Viktor & Rolf. Một số phần thi của chương trình “Người mẫu Việt Nam” cũng bị cho là giống các thử thách của các cuộc thi tìm kiếm người mẫu ở nước ngoài. Tương tự như vậy, một tiết mục dự thi trong chương trình “Thử thách cùng bước nhảy” năm 2013 bị phát hiện giống tiết mục trong cuộc thi về nhảy múa ở Ukraina…

Đưa ra những dẫn chứng như vậy để thấy rằng, “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt”, những tác phẩm nghệ thuật khi xuất hiện trong thời kỳ hiện nay khó mà “qua mặt” được sự soi xét của hàng triệu người. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, mạng Internet, người xem có thể dễ dàng phát hiện, đưa ra bằng chứng về sự gian dối của người nghệ sỹ. Chính điều này đòi hỏi, mỗi nghệ sỹ phải nghiêm túc, cẩn trọng trong sáng tạo để “đứa con tinh thần” khi ra đời mang dấu ấn riêng, khẳng định bản sắc, giá trị nghệ thuật của mình.

Nhìn ở góc độ tiêu cực, có thể thấy rằng, cư dân mạng dễ rơi vào tình trạng phán xét người khác một cách thái quá. Thực tế cho thấy, đời tư của các nghệ sỹ luôn là “mồi ngon” bị “những anh hùng bàn phím” khai thác, mổ xẻ quá sâu. Nhiều cuộc tranh cãi trên mạng xã hội xoay quanh đời tư nghệ sỹ đã khiến showbiz Việt vốn đã đầy rẫy thị phi càng thêm bát nháo. Giá trị đích thực của nghệ thuật bị lu mờ bởi những ồn ào ngoài sàn diễn.

Bên cạnh đó, những trào lưu mà mạng xã hội tạo ra đôi khi không công bằng với các nghệ sỹ lao động nghệ thuật nghiêm túc. Câu chuyện của Sơn Tùng M-TP là một ví dụ điển hình. Mặc dù nhiều lần bị “tố” đạo, nhái trong các sản phẩm âm nhạc, có hành vi ứng xử thiếu văn hóa, “ngông” với các bậc đàn anh, đàn chị nhưng vẫn được cư dân mạng cổ vũ, tung hô.

Độ “hot” của Sơn Tùng M-TP cũng chính vì thế mà càng được nhân lên gấp nhiều lần. Không ít nghệ sỹ đã sử dụng mặt trái của mạng xã hội để PR cho bản thân hoặc sản phẩm nghệ thuật mới. Những “thảm họa showbiz” như Lệ Rơi, Quân Kun, Bà Tưng… đã bước vào showbiz từ mạng xã hội. Những giá trị ảo mà mạng xã hội tạo ra cũng chính là rào cản cho sự phát triển của showbiz. 

Tường Phạm
.
.