Livestream phim chiếu rạp trên facebook: Hành vi nhỏ, hậu quả lớn

Thứ Sáu, 14/07/2017, 08:34

Sau 5 ngày ra rạp, "Xóm Trọ 3D" (nhà sản xuất NSND Hồng Vân, đạo diễn Hoàng Tuấn Cường) - bộ phim được coi là "bom tấn" mùa hè năm nay của điện ảnh Việt đã bị quay lén và livestream (tính năng phát trực tiếp trên facebook). Câu chuyện một lần nữa cho thấy, ý thức về bản quyền, vi phạm bản quyền của một bộ phận khán giả trẻ Việt đang ở mức đáng báo động. Cần phải xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm để tránh sự việc tương tự xảy ra.


Hàng loạt phim Việt khi ra rạp bị livestream

Theo thông tin từ nhà sản xuất, "Xóm Trọ 3D" đã đạt mức doanh thu hơn 12 tỷ đồng với khoảng 200 nghìn vé bán ra sau 5 ngày công chiếu chính thức (phim ra rạp hôm 30/6/2017). Câu chuyện với tiếng cười, giọt nước mắt của những nhân vật mang giới tính thứ ba ở khu xóm trọ nghèo nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả. Đây là tín hiệu đáng mừng trong hành trình chinh phục khán giả của "Xóm Trọ 3D". Tuy nhiên, doanh thu của phim chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều sau sự việc khán giả thiếu ý thức quay lén, livestream trên mạng xã hội mặc dù các clip quay lén đã được nhà sản xuất xử lý kịp thời.

Ê kip sản xuất "Xóm Trọ 3D" đã lên tiếng kêu gọi khán giả nêu cao ý thức  khi xem phim, nói "không" với tình trạng quay lén, phát tán phim lên mạng xã hội. NSND Hồng Vân bức xúc chia sẻ trên facebook: "Mọi người ơi, để làm ra một tác phẩm cả 100 con người phải vắt kiệt sức lực, đổ mồ hôi thậm chí cả máu và nước mắt. Sao bạn lại có thể cướp công sức của bao nhiêu con người bằng hành động quay lén như vậy. Khán giả iu quý của xóm trọ 3D ơi hãy tẩy chay hành động này giúp Vân và tập thể xóm trọ nhé".

Bộ phim "Xóm Trọ 3D" bị quay lén, livestream trên facebook sau 5 ngày công chiếu.

Tình trạng khán giả Việt đến rạp xem phim, quay lén rồi tung lên mạng chia sẻ với bạn bè đã trở thành "chuyện xưa như trái đất". Một thực tế là, rất nhiều phim Việt Nam khi ra rạp rơi vào tình huống tương tự. Gần đây, bộ phim đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử Việt Nam - "Em chưa 18" (đạo diễn Lê Thanh Sơn) cũng bị một khán giả nữ phát trực tuyến từ cụm rạp CGV Cần Thơ ngay trong suất chiếu sớm.

Điều đáng nói là, ekip sản xuất phim "Em chưa 18" rất "cảnh giác" với nạn quay lén nên đã xây dựng hẳn một clip tuyên truyền để khán giả không quay lén, phát vào thời điểm trước khi phim chính thức diễn ra. Charlie Nguyễn, nhà sản xuất phim "Em chưa 18" nói đại ý rằng, anh thực sự cảm thấy buồn vì ý thức của những bạn trẻ này. Không chỉ nói riêng cho bộ phim và việc phạm luật, những gì họ đang làm sẽ gây hậu quả tiêu cực cho cả nền điện ảnh mà trong đó có họ là khán giả.

Đạo diễn Ngô Thanh Vân và ekip sản xuất cũng từng lên tiếng gay gắt khi bộ phim "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" bị quay lén. Một khán giả nữ tại TP Hồ Chí Minh thản nhiên dùng điện thoại di động quay phim và đưa lên mạng xã hội. Sự việc bị phát hiện và các cơ quan chức năng, nhà sản xuất đã mời nữ khán giả ra ngoài, lập biên bản xử lý tại rạp, yêu cầu gỡ toàn bộ đoạn video.

Ngoài những bộ phim kể trên, còn có không ít phim Việt trở thành nạn nhân của nạn vi phạm bản quyền như "Bụi đời Chợ Lớn" (đạo diễn Charlie Nguyễn), "Chạy đi rồi tính" (đạo diễn Nam Cito và Bảo Nhân), "Vòng eo 56" (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng), "4 năm, 2 chàng, 1 tình yêu" (đạo diễn Luk Vân), "Lô tô" (đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh)…

Quan trọng là nâng cao ý thức của khán giả

Nguyên nhân của nạn quay lén, vi phạm bản quyền phim chiếu rạp bắt nguồn từ đâu?. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến chính là vấn đề nhận thức, ý thức của khán giả. Nhiều bạn trẻ cho rằng, khi đã bỏ tiền ra rạp mua vé xem phìm thì họ có thể chụp ảnh, quay phim một cách "thoải mái" mà không nghĩ rằng, hành động đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công sức lao động của ekip sản xuất. Một số khán giả trẻ còn có tâm lý muốn phô trương, ra oai với bạn bè nên livestream phim để "câu like", "câu view".

Khi những đoạn phim được phát trực tiếp trên facebook, có bình luận cho rằng, hành vi đó là vi phạm bản quyền và cần phải dừng lại ngay. Tuy nhiên, chính những bạn trẻ có hành vi quay lén đó lại phớt lờ cảnh báo, có thái độ bất cần, thậm chí là phản ứng tục tĩu với cư dân mạng. Rõ ràng, trong số những người vi phạm bản quyền phim chiếu rạp có trường hợp vi phạm do thiếu hiểu biết nhưng cũng có trường hợp cố tình vi phạm.

Một vấn đề đặt ra là, tình trạng vi phạm bản quyền phim chiếu rạp có "lỗi" của những nhà quản lý, nhân viên ở rạp chiếu phim hay không?. Trước giờ chiếu phim chính thức, các rạp chiếu phim bao giờ cũng nhắc nhở khán giả có hành vi ứng xử văn minh khi xem phim, trong đó có việc không quay  phim, chụp ảnh trong rạp. Không khó để phát hiện khán giả quay lén phim trong rạp nhưng tại sao hành vi đó vẫn xảy ra mà không bị nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời. Phải chăng nhân viên quản lý vẫn còn "dễ dãi", thiếu kiên quyết với các trường hợp vi phạm?.

Theo nhiều chuyên gia, các quy định của pháp luật hiện hành đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm bản quyền phim chiếu rạp. Theo đó, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính (Theo Điều 27, Nghị định 131/2013/NĐ-CP) về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, người thực hiện hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình sẽ bị phạt tiền từ 15-35 triệu đồng). Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả); nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự (theo Điều 225 của Bộ Luật Hình sự 2015).

Dù phát hành cả poster tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của khán giả về nạn quay lén nhưng "Em chưa 18" vẫn trở thành "nạn nhân" của hành vi này.

Vấn đề nằm ở chỗ, công tác thực thi pháp luật trong việc bảo vệ bản quyền còn lỏng lẻo. Những trường hợp quay lén phim, phát tán trên mạng bị phát hiện trong thời gian qua ở Việt Nam mới dừng lại ở việc lập biên bản, nhắc nhở, yêu cầu gỡ bỏ toàn bộ các đoạn phim trên mạng xã hội và kêu gọi "tẩy chay" nạn vi phạm bản quyền… Cách làm này được cho chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe những đối tượng khác.

Trong thời kỳ công nghệ, việc vi phạm bản quyền phim chiếu rạp trở nên vô cùng dễ dàng. Chỉ cần có trong tay một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) có kết nối internet, khán giả có thể tường thuật trực tiếp một bộ phim cho hàng trăm, hàng ngàn khán giả khác cùng xem phim. Quay phim, livestream trên mạng xã hội là hành vi nhỏ của cư dân mạng thời @ nhưng gây tổn thất rất lớn đối với nhà sản xuất phim cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của cả nền điện ảnh. Một đường link phim khi được chia sẻ có thể tiếp cận hàng ngàn, hàng triệu khán giả. Điều đó đồng nghĩa rằng, sẽ có bấy nhiêu khán giả xem phim "chùa" và không đến rạp mua vé xem phim.

Phim quay lén có chất lượng thấp và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khán giả. Phim quay lén là hành vi vi phạm bản quyền và chia sẻ những đường link phim quay lén trên mạng xã hội là "tiếp tay" cho hành vi vi phạm bản quyền. Rất đáng lo ngại nếu thói quen xem "phim chùa" trở nên phổ biến trong giới trẻ.

Điện ảnh Việt đang trong giai đoạn phát triển mạnh. Để rút ngắn khoảng cách với những nền điện ảnh tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, điện ảnh Việt cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, trong đó có khán giả. Bảo vệ bản quyền điện ảnh là một việc làm quan trọng để xây dựng nền điện ảnh chuyên nghiệp, tiên tiến. Đây là bài toán không hề đơn giản. Thiết nghĩ, ngoài việc nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, xử lý "mạnh tay" với các trường hợp vi phạm thì việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của khán giả về vấn đề bản quyền cần được hết sức coi trọng.

Tường Phạm
.
.