Khi phim tâm lý chiếm lĩnh màn ảnh

Thứ Ba, 02/05/2017, 07:18
Thời gian vừa qua, một loạt bộ phim tâm lý - tình cảm liên tục ra mắt khán giả như "Dạ cổ hoài lang", "Cha cõng con", trước đó là "Có căn nhà nằm nghe nắng mưa", "Nắng"... Gần đây nhất, việc bộ phim "Sài Gòn anh yêu em" vinh danh ở giải thưởng cao nhất Cánh diều vàng cũng đã cho thấy dòng phim tâm lý tình cảm - mà khán giả hiện đại hay gọi là "phim ngôn tình"- đã quay trở lại và ngày càng chiếm lĩnh màn ảnh cả về mặt số lượng và chất lượng.


Cách đây không lâu, phim hài chiếm thế thượng phong với sự bùng nổ về mặt số lượng. Theo thống kê, trong tổng số các phim được sản xuất trong năm thì phần lớn là những bộ phim hài. Một phần nhỏ còn lại là thị phần của những dòng phim như tâm lý, kinh dị, remake...Và, không chỉ chiếm lĩnh về mặt số lượng, nhiều bộ phim hài đã đạt được doanh thu đáng nể như "Cô dâu đại chiến", "Để Hội tính", "Long ruồi", "Công chúa teen và ngũ hổ tướng"...

Thời kỳ đỉnh cao của phim hài đã làm nên những "ngôi sao phòng vé" như Thái Hòa, Hoài Linh, Việt Hương... Thậm chí, có thời điểm ấy, người ta cho rằng, chỉ cần có tên Thái Hòa là đảm bảo cho phim về mặt doanh thu. Tuy nhiên, chạy theo trào lưu làm phim hài nhưng không có sự đầu tư đúng mức về mặt kịch bản, diễn xuất... đã khiến không ít phim hài trở thành phim hài nhảm. Thậm chí nhảm và nhạt tới mức thảm họa.

Dù có sự góp mặt của những nghệ sĩ tên tuổi nhưng “Dạ cổ hoài lang” vẫn chưa có được doanh thu như kỳ vọng.

Phim hài vẫn tiếp tục ra mắt khán giả nhưng không nhận được sự hào hứng của khán giả như ban đầu. Một số phim đã nhận sự thất bại thảm hại về mặt doanh thu khi ra rạp mà không có khán giả. Gần đây nhất, bộ phim "Fan cuồng" được đầu tư 26 tỷ đồng, với sự góp mặt của "ngôi sao phòng vé" Thái Hòa nhưng rốt cuộc vẫn lỗ vốn. Sự xuống dốc của dòng phim hài đã cho thấy, cái gì nhiều quá cũng trở nên bão hòa, nhàm chán.

Chưa kể tới việc nhiều phim hài nhưng xem mà không thể cười nổi. Phim mang mác phim điện ảnh nhưng xem không phải điện ảnh, không phải truyền hình. Tình huống hài gượng ép, vô lý. Rõ ràng, tiếng cười vẫn luôn cần thiết trong đời sống hiện đại, cũng như phim hài vẫn luôn có sức hấp dẫn riêng nhưng chính những bộ phim hài sản xuất chóng vánh với chất lượng ẩu đã khiến người xem không còn mặn mà với phim hài Việt.

Sự thoái trào của dòng phim hài vừa tạo điều kiện cũng như vừa để khán giả thấy rõ hơn sự trỗi dậy của các phim tâm lý - tình cảm. Kể từ sự thành công vang dội của "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" cả về mặt nghệ thuật lẫn doanh thu đã khiến không ít nhà làm phim nhìn lại mình.

Một câu chuyện giản dị, đầy chất nhân văn được kể một cách kỹ lưỡng và sáng tạo qua ngôn ngữ điện ảnh đã chinh phục được hàng triệu khán giả. Sau "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", bộ phim "Nắng" được sản xuất với kinh phí thấp cũng đã thành công ngoài mong đợi. "Nắng" là câu chuyện về hai mẹ con Nắng và Mưa bị thiểu năng, hằng ngày đi thu mua đồng nát, bán vé số.

Cùng hành trình lao động cực nhọc để mưu sinh ấy, là những câu chuyện xúc động, ấm áp về tình cảm gia đình, tình người trong cuộc đời... Không chỉ có được doanh thu vượt xa số tiền đầu tư, bộ phim còn có được hiệu ứng truyền thông khá tốt cũng như lấy được cảm xúc của khán giả.

Sau một thời gian dài ngưng làm phim, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng đã chọn một kịch bản từng nổi tiếng ở sân khấu kịch là "Dạ cổ hoài lang" cho sự ra mắt gần đây nhất của mình. Với sự góp mặt của cặp đôi nghệ sĩ nổi tiếng Hoài Linh - Chí Tài cùng kịch bản từng lấy được khá nhiều nước mắt của khán giả, "Dạ cổ hoài lang" đã tạo được hiệu ứng truyền thông khá tốt.

Dòng phim tâm lý - tình cảm trở lại không chỉ bằng những bộ phim xúc động, đậm chất nhân văn mà còn bằng một loạt bộ phim dành cho giới trẻ, với sự xuất hiện của các "soái ca". Đề tài tình yêu nhẹ nhàng, ngọt ngào đã thu hút đông đảo đạo diễn khai thác làm nên một loạt những bộ phim như "Sài Gòn anh yêu em", "Cho em gần anh thêm chút nữa", "Sứ mệnh trái tim", "Đời cho ta bao lần đôi mươi", "Chạy đi rồi tính"...

Những bộ phim "ngôn tình" thời hiện đại này mang hơi hướng khá nhiều của những bộ phim Hàn Quốc từng làm mưa làm gió trên các rạp chiếu. Trong số những bộ phim này phải kể tới "Sài Gòn anh yêu em" (đạo diễn Lý Minh Thắng, La Quốc Hùng).

Bộ phim không tập trung vào một, hai nhân vật chính như các bộ phim thông thường mà xây dựng cốt truyện theo lối đa tuyến nhân vật. Tình yêu của các cặp đôi thuộc nhiều độ tuổi, nhiều tầng lớp xã hội thoạt đầu tưởng không liên quan nhưng rồi đã cùng nảy sinh trên mảnh đất Sài Gòn. Những tình yêu vừa hồn nhiên, vừa chân thành qua cách làm phim hiện đại, tươi mới đã giúp "Sài Gòn anh yêu em" chinh phục được khán giả và ban giám khảo tại giải thưởng.

Phim “Sài Gòn anh yêu em” vinh danh ở giải thưởng Cánh diều vàng 2016.

Cánh diều vàng 2016 để vinh danh ở ngôi vị cao nhất. Tương tự như vậy, một bộ phim cũng không kém phần lãng mạn  với hình ảnh"soái ca" khiến bao trái tim nữ tan chảy là "Tik Tak anh yêu em". Trong đó nhân vật Tài là thanh niên sinh ra trong một gia đình nghèo, anh làm đủ mọi việc để hy vọng trang trải đủ tiền mua thuốc cho mẹ. Nhưng rồi, cuộc đời như một giấc mơ đã biến chàng trai nghèo khó ấy thành một nhân vật nổi tiếng trong giới showbiz và có được tình yêu chân thành của một cô gái xinh đẹp, thông minh, con nhà khá giả...

Có thể thấy, dòng phim tâm lý - tình cảm này không phải là mới. Nó đã từng là trào lưu khi điện ảnh Việt Nam bắt đầu khởi sắc ở thập niên 90 của thế kỷ trước. Sau một thời gian chững lại và ít dần đi, phim tâm lý - tình cảm xuất hiện nhiều từ cuối năm 2016 và tiếp tục nở rộ đến nay.

Không thể phủ nhận, đây là dòng phim khá kén khán giả, kinh phí đầu tư cao, có yêu cầu nhất định về mặt nghề nghiệp, chất lượng nghệ thuật nên không phải đạo diễn nào cũng hào hứng bắt tay sản xuất. Tuy nhiên, nó lại là mong ước của không ít đạo diễn say nghề, muốn mang tới cho khán giả những bộ phim điện ảnh đúng nghĩa.

Nhà sản xuất kiêm đạo diễn Mai Thế Hiệp của "Có căn nhà nằm nghe nắng mưa" cũng đã từng chia sẻ với báo chí rằng khi ấp ủ dự án này, không ít nhà đầu tư đã từ chối vì họ không thấy có yếu tố hài, hành động trong đó. Tức là, không có sự đảm bảo về mặt doanh thu để đầu tư.

Bản thân đạo diễn Lương Đình Dũng khi dồn cả sức lực và kinh phí để thực hiện bộ phim của mơ ước "Cha cõng con" cũng bộc bạch rằng muốn mang một thông điệp nhân văn, ý nghĩa, khơi gợi và tìm được sự đồng cảm nơi khán giả.

Sự quay lại của dòng phim tâm lý, tình cảm rõ ràng là một tín hiệu vui cho nền điện ảnh Việt Nam vì suy đến cùng đó vẫn là dòng phim chính, nếu làm tốt sẽ tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội. Mỗi câu chuyện nhân văn, xúc động, sẽ khơi gợi được những tình cảm tốt đẹp trong mỗi con người.

Chưa kể tới việc, so với phim hành động tốn kém, phim hài dễ bị nhảm, lố, phim kinh dị không dễ làm thì phim tâm lý, tình cảm lại là sự lựa chọn khá an toàn. Tuy nhiên, phim tâm lý dễ làm nhưng để không bị nhàn nhạt, để tạo dấu ấn trong lòng khán giả cũng không phải là điều đơn giản. Cái khó nhất với dòng phim này chính là việc đẩy cảm xúc câu chuyện lên cao trào, đặc biệt là chăm chút cho tâm lý, tính cách nhân vật để khán giả tin vào câu chuyện ấy.

Sự quay lại của dòng phim tâm lý cho thấy, các đạo diễn thay vì chạy theo trào lưu hài, kinh dị... đã quan tâm tới những câu chuyện giản dị, những vẻ đẹp hồn hậu, những góc khuất của đời sống, mang đến những thông điệp nhân văn. Tuy nhiên, sự thành bại của mỗi bộ phim luôn phụ thuộc vào nhiều yếu tố không chỉ đề tài.

Thực tế đã cho thấy dù có một câu chuyện xúc động, đầu tư khá kỹ lưỡng nhưng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết, "Dạ cổ hoài lang" vẫn chưa "huề vốn". Tương tự, "Cha cõng con" của đạo diễn Lương Đình Dũng dù chinh chiến khá nhiều liên hoan phim quốc tế nhưng chưa có được doanh thu như kỳ vọng ở thị trường trong nước. Luôn tìm tòi, thay đổi và làm mới chính mình sẽ vẫn mãi là bí quyết của các đạo diễn nếu muốn chạm tay tới thành công.

Khánh Thảo
.
.