Thành lập Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam:

Bước đột phá cho phim Việt ra thế giới

Thứ Bảy, 03/08/2019, 08:54
Ngày 25-7, Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam đã được thành lập với mục tiêu hỗ trợ các hoạt động đầu tư sản xuất, liên doanh, liên kết giữa các nhà làm phim trong nước và quốc tế. Trước đó không lâu, bộ phim "Hai Phượng" đã ghi dấu là bộ phim Việt Nam đầu tiên phát hành cùng lúc ở cả hai thị trường Việt Nam và Bắc Mỹ. Đây thực sự là những tín hiệu vui cho sự hòa nhập của điện ảnh Việt với thế giới.


Được biết, Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động dưới sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và của các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội. Tiến sĩ Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam được bầu làm Chủ tịch.

Theo đó, Hiệp hội sẽ tập hợp các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân làm công tác sản xuất phim, các nhà đầu tư, xúc tiến và phát triển điện ảnh. Đồng thời hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư sản xuất, liên doanh, liên kết với các nhà làm phim trong nước và quốc tế, phát triển nội lực điện ảnh Việt.

Ở khía cạnh thương mại, Hiệp hội góp phần mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu điện ảnh Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng hợp tác quốc tế, cũng như quảng bá bối cảnh quay phim ra thế giới nhằm thu hút các đoàn sản xuất phim quốc tế tới Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, hỗ trợ ngành du lịch, góp phần tăng nguồn thu cho nền kinh tế.

“Hai Phượng” là bộ phim đầu tiên của Việt Nam ra mắt cùng lúc cả ở Việt Nam và Bắc Mỹ.

Theo báo cáo của Hiệp hội thì kế hoạch hoạt động trong 5 năm đầu tiên là xây dựng bộ tài liệu tổng hợp giới thiệu về môi trường làm phim tại Việt Nam, thu hút các dự án phim nước ngoài vào Việt Nam và xúc tiến phát triển hợp tác làm phim với đối tác nước ngoài. Xây dựng kho dữ liệu điện ảnh; hỗ trợ liên kết và bảo vệ quyền lợi các nhà sản xuất phim; tư vấn, đề xuất về xây dựng chủ trương, chính sách điện ảnh, đào tạo, quảng bá hình ảnh của Hiệp hội và phát triển hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế.

Cụ thể đó sẽ được phổ biến và cập nhật trên website, in tờ rơi/album giới thiệu những thông tin tổng hợp về hợp tác làm phim hoặc quay phim tại Việt Nam mà các đối tác nước ngoài cần biết. Đồng thời tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động, sự kiện điện ảnh ở trong nước và quốc tế để thu hút các nhà sản xuất phim vào làm phim tại Việt Nam...

Hiệp hội cũng đề ra mục tiêu gia nhập, đặt mối quan hệ hợp tác với các tổ chức điện ảnh khu vực và quốc tế, như với mạng lưới ủy ban Điện ảnh châu Á (AFCnet), Hiệp hội các nhà sản xuất phim châu Á - Thái Bình Dương (FPA), Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA), Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), Mạng lưới khuyến khích phát triển điện ảnh châu Á (NETPAC), Ủy ban Điện ảnh châu Âu...

Có thể nói, việc ra đời của Hiệp hội là cần thiết và hợp xu hướng quốc tế. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, Hiệp hội xúc tiến và phát triển điện ảnh có mặt từ khá lâu và đã thành công trong việc thực hiện chức năng của mình.

Tiêu biểu như ở các nước có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Anh, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... Hầu hết các nước trong cộng đồng ASEAN cũng đã có Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh, ngay cả các nước có nền điện ảnh khiêm tốn như Lào, Campuchia, Myanmar.

Đặc biệt, Hiệp hội xúc tiến và phát triển điện ảnh Thái Lan đã có nhiều hoạt động hiệu quả thu hút được nhiều dự án phim lớn của Hollywood và các nước tới thực hiện sản xuất phim. Hiệp hội xúc tiến và phát triển điện ảnh Hàn Quốc cũng góp phần không nhỏ vào việc đưa xứ sở kim chi trở thành quốc gia có nền công nghiệp điện ảnh phát triển, kéo theo sự lớn mạnh của công nghiệp văn hóa, thời trang, mỹ phẩm và du lịch.

Việc ra đời của Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam mang đến nhiều hy vọng trong bối cảnh điện ảnh nước ta thời gian qua có những chuyển biến tích cực. Thị trường điện ảnh sôi động với số lượng phim sản xuất hằng năm ngày một tăng. Nhiều phim có được doanh thu "khủng" tại thị trường trong nước.

Điện ảnh cũng từng bước hội nhập và quảng bá đến thị trường điện ảnh thế giới. Những người quan tâm tới điện ảnh trong nước hẳn còn nhớ sự kiện bộ phim "Hai Phượng" là bộ phim đầu tiên phát hành song song và cùng đạt doanh thu cao ở cả hai thị trường Việt Nam - Mỹ. Mạnh dạn đưa phim tới Mỹ - nơi được coi là "cái nôi" của những bộ phim "bom tấn" đã cho thấy sự dũng cảm của nhà sản xuất. Không chỉ những lời khen ngợi của báo chí nước ngoài, mà doanh thu ấn tượng 200 tỷ đồng (con số do nhà sản xuất cung cấp) đã khiến "Hai Phượng" trở thành một hiện tượng đặc biệt đáng mơ ước.

Được biết, dù ban đầu chỉ được phát hành trên diện hạn chế (gần 600 rạp) ở Bắc Mỹ, nhưng chỉ sau 3 ngày cuối trình chiếu, "Hai Phượng" đã kịp đứng ở vị trí thứ 27 trong bảng xếp hạng doanh thu phòng vé tại thị trường lớn nhất thế giới này.

Một trong những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh cơ hội hợp tác với nước ngoài ở lĩnh vực điện ảnh vì Việt Nam có môi trường thuận lợi để sản xuất phim. Đất nước ta có nhiều cảnh đẹp, trải khắp các vùng miền, sự đa dạng về văn hóa, nguồn nhân lực dồi dào. Trong lịch sử điện ảnh Việt Nam đã có những dự án phim lớn của nước ngoài sử dụng bối cảnh quay ở Việt Nam.

Không ít trong số đó trở thành tác phẩm điện ảnh kinh điển như "Đông Dương", "Người tình", "Điện Biên Phủ", "Người Mỹ trầm lặng". Gần đây nhất, bộ phim "Kong: Đảo đầu lâu" của Hollywood được thực hiện ở Quảng Bình, Ninh Bình... đã góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất phim lớn trên thế giới.

Nhiều năm qua, việc xúc tiến giao lưu giữa điện ảnh trong nước và quốc tế thực hiện đều đặn nhưng chủ yếu thông qua những ngày hội điện ảnh quốc tế và khu vực, thông qua các chợ phim trong khuôn khổ các liên hoan phim quốc tế. Thông qua hình thức đó, một số phim đã có cơ hội tiếp cận với khán giả quốc tế, tuy nhiên vẫn gói gọn trong hoạt động có tính chất tri ân khán giả, giao lưu văn hóa...

Phim “Em chưa 18” từng được một nhà sản xuất quốc tế đề nghị mua bản quyền.

Nếu như trước đây, hầu hết các phim Việt Nam tại thị trường nước ngoài được phát hành dưới dạng DVD, trên một số ít kênh truyền hình hoặc tại rạp chiếu trong phạm vi hẹp, nơi có cộng đồng người Việt sinh sống. Nhưng một số năm gần đây, thị trường xuất khẩu phim Việt đã có những tín hiệu mới.

Một số phim được mua bản quyền phát hành thương mại như "Lửa Phật", "Bẫy rồng", "Dòng máu anh hùng", "Chung cư ma", "Ngủ với hồn ma", "Cha và con"... Hầu hết đều là những bộ phim hành động và kinh dị. Một số phim hướng đến một thị trường hẹp hơn là khu vực có đông đảo cộng đồng người Việt sinh sống như "Dạ cổ hoài lang", "Quyên", "Giấc mơ Mỹ"... Tuy nhiên, doanh thu từ cộng đồng khán giả Việt này vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn.

Việc hợp tác sản xuất cũng là hướng đi mà nhiều nhà sản xuất phim trong nước lựa chọn. Lâu nay, đối tượng mà các nhà sản xuất lựa chọn đa phần đều thuộc các quốc gia châu Á với những tương đồng về văn hóa và nhu cầu thưởng thức điện ảnh. Có thể kể tới những bộ phim như "Những cô gái và gangster 2", "Yêu em từ khi nào" (Hợp tác với Hồng Kông, Trung Quốc), "Lala: Hãy để anh yêu em", "Sắc đẹp ngàn cân" (Hàn Quốc), "Cuộc gọi định mệnh" (Mông Cổ)...

Tuy nhiên, những dự án này không thành công như mong đợi vì doanh thu thấp ngay trên sân nhà. Bên cạnh việc phát hành ở các rạp chiếu, một đích đến tiếp theo là Netflix - dịch vụ xem video trực tuyến hàng đầu thế giới đã có mặt tại 190 nước, trong đó có Việt Nam. Trước đây đã có một số phim Việt như "Trúng số", "Chung cư ma" được phát hành trên nền tảng này.

Gần đây nhất, cặp đôi đạo diễn Nam Cito - Bảo Nhân cũng đã xây dựng "Gái già lắm chiêu 3 - Tứ đại mỹ nhân" trên cơ sở đạt chuẩn trình chiếu trên Netflix.

Việc ra đời của Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam được hy vọng là sẽ góp phần giúp điện ảnh Việt đi vào hoạt động chuyên nghiệp, khắc phục những hạn chế tồn tại lâu nay trong hợp tác, giao lưu với nước ngoài. Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu cao nhất ấy, cần mối liên kết giữa các nhà làm phim và chính sách nhất quán từ cơ quan quản lý để có được sự đồng sức, đồng lòng.

Tuấn Phong
.
.