Hài kịch trên truyền hình đã bớt nhạt và nhảm?

Chủ Nhật, 11/12/2016, 08:00
Có lẽ, chưa bao giờ các chương trình hài kịch lại "nở rộ" trên sóng truyền hình như hiện nay. Theo thống kê sơ bộ, có đến hơn 20 chương trình hài các loại đã và đang được phát sóng trên các kênh truyền hình từ trung ương đến địa phương. Theo nhận định chung của các khán giả thì hài kịch đang từng bước đi vào quỹ đạo, có những "điếm sáng" gây được sự chú ý của công chúng, bớt nhạt và nhảm.


Hài kịch đang từng bước đi vào quỹ đạo

Những tập đầu tiên của chương trình "Ơn giời cậu đây rồi" mùa thứ ba đã lên sóng VTV3 vào 21h thứ 7 hằng tuần. Điểm hấp dẫn nhất của chương trình này chính là sự bất ngờ, khả năng ứng biến của người chơi khi bị "đẩy" vào những tình huống "oái oăm" mà không được biết trước kịch bản.

Sự thông minh, tài năng, khả năng xử lý tình huống linh hoạt, hợp lý nhưng vẫn gây được tiếng cười của người chơi quyết định lớn đến sự thành công của chương trình. So với hai mùa trước, "Ơn giời cậu đây rồi" 2016 được đánh giá là "hài sạch", ít những tình huống lố lăng, phản cảm hơn.

Một điểm rất đáng ghi nhận là kịch bản của các tác phẩm trên sân khấu "Ơn giời cậu đây rồi" năm nay chất lượng do được đầu tư có chiều sâu. Các nghệ sỹ không chỉ mang đến tiếng cười mà còn khiến khán giả khóc vì những bi kịch xảy ra với nhân vật. Chính vì vậy, "sức nặng" và giá trị của tiếng cười cũng được nâng lên.

Phần thi của nghệ sỹ Kiều Mai Lý với Trưởng phòng Trường Giang và Phó phòng Lâm Vỹ Dạ trong tập 1 của chương trình khiến người xem "xoay như chong chóng" vì hàng loạt tình huống trớ trêu đặt ra. Ban đầu, nghệ sỹ Kiều Mai Lý vào vai bà mụ giải quyết khiếu nại của chàng trai (Trường Giang) vì đã "nặn" anh ta quá xấu.

Diễn viên Trường Giang (trái) và Kiều Mai Lý trong chương trình "Ơn giời cậu đây rồi" tập đầu tiên.

Khi người chơi và Trưởng phòng đang có những màn đối đáp hài hước thì bất ngờ Trường Giang nói rằng đang tập kịch, Lâm Vỹ Dạ xuất hiện trong vai người con báo tin dữ là chồng người chơi đang hấp hối và buộc người chơi phải lựa chọn hoặc là tiếp tục lên sân khấu biểu diễn với niềm đam mê của mình hoặc trở về nhà chăm chồng ngay lập tức. Lúc này, kịch bản chuyển hướng đột ngột từ tình huống hài hước sang bi kịch.

Tương tự như vậy, phần dự thi của thí sinh Nam Thư trong tập 5 của chương trình với Trưởng phòng Trấn Thành và Phó phòng Trương Thế Vinh cũng gây được ấn tượng mạnh với khán giả. Sự đan xen giữa tiếng cười và tình huống bất ngờ trong tác phẩm đã khiến người xem khóc, cười cùng bước chuyển biến tâm lý, cảm xúc của nhân vật mà Nam Thư thủ vai.

"Cười xuyên Việt" (phát sóng trên Đài Truyền hình Vĩnh Long) là một trong những chương trình giải trí có lượng khán giả xem nhiều nhất ở khu vực TP Hồ Chí Minh thời gian gần đây. "Cười xuyên Việt" - phiên bản nghệ sỹ 2016 (với sự tham gia của 6 gương mặt hài nổi bật là MaiKa, Tấn Bo, Lê Nam, Puka, Gia Bảo, Trịnh Tú Trung) đang lên sóng vào thời điểm này tiếp tục chứng tỏ sức hút, sự lan tỏa của chương trình hài được đầu tư nghiêm túc, bài bản.

Trong tập 4 của chương trình phát sóng hôm 1/12, cả ba tiết mục của Gia Bảo, Maika, Trịnh Tú Trung đều mang ý nghĩa trào phúng, châm biếm các hiện tượng xã hội. Nếu tiết mục "Nhiệm vụ bất khả thi" của Gia Bảo liên tục cập nhật các hiện tượng như giới trẻ mải chơi Pokemon Go mà bỏ bê công việc, trò chơi xổ số điện toán, nạn bắt cóc trẻ em, buôn bán nội tạng thì "Vợ thằng Đậu" của Maika đã đưa hình ảnh xả lũ, vỡ đập thủy điện vì hành động ngốc nghếch của cô Đen, "Xấu từng centimet" của Trịnh Tú Trung nói về cuộc hành trình đi tìm tình yêu đích thực, lên án lối sống chạy theo hình thức bên ngoài…

Châm biếm, trào phúng là những nét đặc trưng của hài kịch nhưng lâu nay dường như bị né tránh hoặc quên lãng. Ý nghĩa và thông điệp rõ ràng sau tiếng cười chính là một trong những yêu tố khiến "Cười xuyên Việt" hay "Ơn giời cậu đây rồi" nhận được sự yêu mến của khán giả. Hài kịch trên truyền hình đang từng bước đi vào quỹ đạo, trở về đúng với "bản chất" của hài kịch là thông qua tiếng cười để đề cập đến những vấn đề nổi cộm trong cuộc sống. Mỗi tác phẩm hài kịch phải mang một thông điệp nghệ thuật có giá trị nhân văn sâu sắc.

"Hài sạch" sẽ đẩy lùi "hài thảm họa"

Phiên bản "Cười xuyên Việt- Tiếu lâm hội" dành cho các nhóm hài lên sóng hồi đầu năm cũng thành công vang dội, mở ra hướng đi mới cho sân khấu hài kịch. Những nhóm hài kịch được vinh danh tại "Cười xuyên Việt - Tiếu lâm hội" đều đã tạo dựng được phong cách riêng cho nhóm. Những tác phẩm như "Bến vắng", "Nối lại tình xưa", "Bí mật ngôi nhà ma ám", "Tình nghệ sỹ"… của nhóm X-Pro thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội nhờ kịch bản trau chuốt, sự đa dạng trong "mảng miếng" dàn dựng.

Những tác phẩm của Buffalo như "Đoàn lo tô Năm Phượng", "Tình muộn", "Mình ơi", "Thương lắm miền Tây", "Tôi sẽ trở về"… được dàn dựng theo lối nhạc kịch không chỉ mang đến tiếng cười từ những ca khúc ngọt ngào, vũ đạo sôi động mà còn có những khoảnh khắc lắng đọng, gây xúc động. Bên cạnh đó, nhóm hài kịch "Chuồn chuồn giấy" lại xây dựng theo phong cách kịch cổ trang, nhóm hài kịch "Đời" có phong cách diễn khá riêng, lạ và ấn tượng.

Sự xuất hiện của các nhóm hài kịch trên truyền hình đã "thổi một luồng gió mới" vào sân khấu hài kịch. Những tác phẩm được đầu tư xây dựng kịch bản kỹ lưỡng, có tư tưởng chủ đề rõ ràng, được dàn dựng theo phong cách riêng đã khằng định, "hài sạch" luôn được công chúng đón nhận.

Bên cạnh những "tín hiệu vui" thì cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, hài kịch trên truyền hình vẫn còn rất nhiều điều phải bàn luận. Hài kịch trên truyền hình phát triển theo kiểu "trăm hoa đua nở" nhưng để tìm những bông hoa thực sự có sắc hương lại không hề dễ dàng.

Thực trạng phổ biến là các chương trình hài "na ná" như nhau, sân khấu thiếu vắng nhân tố mới trong khi những diễn viên "có máu mặt" như Hoài Linh, Trấn Thành, Việt Hương, Thu Trang, Tiến Luật… "phủ sóng" ở hầu khắp các chương trình. Format của các chương trình có thay đổi nhưng cái "vỏ bọc" bên ngoài đó không thể phủ lấp được những yếu kém, thiếu hụt về nội dung chương trình cần được khẳng định thông qua tác phẩm nghệ thuật. Kịch bản yếu, nhân lực thiếu ắt sẽ dẫn đến chương trình hài nhạt nhẽo, nhàm chán.

Để gây sự chú ý, các nhà sản xuất buộc phải sử dụng đến chiêu trò là yếu tố dung tục, gây sốc như giả gái, đồng tính, bạo lực, chọc cười bằng những tình huống lố bịch, sử dụng ngôn ngữ phản cảm trong chương trình.

Một điều dễ nhận thấy là một số chương trình hài ngày càng chú trọng đến việc đào tạo, rèn luyện, giúp thí sinh đi đường dài trên con đường phát triển sự nghiệp. Ngoài "Cười xuyên Việt", những chương trình như "Đấu trường tiếu lâm", "Tiếu lâm tứ trụ", "Vua làng cười Việt" đều có thể coi là những "lò" đào tạo nghề từ kỹ năng nghề nghiệp đến tác phong, đạo đức làm nghề cho diễn viên.

Tuy nhiên, khó có thể kỳ vọng, những chương trình truyền hình thực tế ngắn ngủi có thể đào tạo ra dàn diễn viên hài thực thụ. Đôi khi, chính "ngôi sao mì ăn liền" bước ra từ truyền hình thực tế lại tạo nên những "thảm họa" cho sân khấu hài.

Cùng với âm nhạc, hài kịch hẳn vẫn là sân chơi "thống trị" các chương trình giải trí ở Việt Nam trong thời gian tới. Nguyên nhân của vấn đề này là do hài kịch luôn là "món ăn tinh thần" không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Trong khi đó, kết cấu chương trình hài kịch không quá phức tạp, chi phí đầu tư không cao nhưng do phù hợp với nhiều đối tượng khán giả nên vẫn có thể thu hút quảng cáo. Hài kịch vẫn sẽ "thống trị" truyền hình và khi đó,"bài toán" làm thế nào để có"hài sạch", từng bước đẩy lùi "hài thảm họa" vẫn chưa hết "nóng"...

Tường Phạm
.
.