Hài kịch loay hoay tìm đất diễn

Thứ Hai, 12/03/2012, 09:00
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sân khấu hài nói chung cũng như các nhóm hài kém hấp dẫn khán giả hiện nay là tình trạng thiếu kịch bản hay. Để có một kịch bản hài diễn trong 10 - 15 phút mà khán giả cười nghiêng ngả là điều không dễ chút nào. Chính vì thế, tình trạng dùng kịch bản cũ là điều phổ biến trên sân khấu hài hiện nay. Hầu hết các kịch bản hài đều đã tồn tại nhiều năm qua. Không khó để kể những cái tên kịch bản hài thuộc diện "phổ biến" như: "Kén rể", "Gậy ông đập lưng ông"…

Lâu nay, hài kịch là một thành tố không thể thiếu trên sân khấu truyền thống và luôn là một trong những món ăn tinh thần quan trọng đối với khán giả. Những tưởng, trong khi nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân ngày càng cao thì hài kịch sẽ càng có cơ hội khẳng định mình trong lòng công chúng. Vậy mà việc một số sân khấu chuyên diễn hài ở phía Nam như 135 Hai Bà Trưng, Nam Quang đóng cửa hay thu hẹp suất diễn, sự sụt giảm các sô diễn của các diễn viên hài xứ Bắc cho thấy sân khấu hài đang gặp phải không ít khó khăn.

Có thể nói, giai đoạn hoàng kim nhất của sân khấu hài chính là thời điểm xuất hiện chương trình "Gặp nhau cuối tuần" trên sóng truyền hình. Mỗi tuần một lần, với thời lượng không hề ngắn, đây là cơ hội cho các nghệ sĩ hài cả trong Nam lẫn ngoài Bắc thể hiện tài năng của mình trước đông đảo khán giả. Có thể nói, ở thời điểm đó, để đáp ứng cho nhu cầu phát sóng liên tục, các nghệ sĩ hài đã làm không hết việc. Đó cũng là cơ hội để những nghệ sĩ như Đức Hải, Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý... ở phía Bắc và Anh Vũ, Minh Nhí, Hồng Tơ, Tấn Bo, Tấn Beo... ở phía Nam khẳng định tên tuổi. Đây còn là một sân chơi lý tưởng để  các nghệ sĩ ở hai miền Nam, Bắc có cơ hội giao lưu, gần gũi nhau hơn. Thế nhưng, khi chương trình này ngừng phát sóng, thay vào đó là một vài chương trình hài khác nhưng thưa thớt và kém tập trung hơn thì cũng là lúc các nghệ sĩ hài cảm thấy ngơ ngác vì thiếu mất một sân chơi lớn. Việc này dẫn đến các nghệ sĩ không còn chơi tập trung nữa mà tản mát. Hình ảnh các nghệ sĩ cũng không được đến với khán giả thường xuyên, liên tục như xưa.

Sự đìu hiu của sân khấu hài thể hiện rõ nhất ở sân khấu phía Nam - nơi được coi là mảnh đất khai sinh của sân khấu hài. Trong khi các sân khấu chính kịch liên tục có vở mới và thường xuyên đỏ đèn thì sự đóng cửa của sân khấu chuyên diễn hài 135 Hai Bà Trưng và rạp Nam Quang hay một số điểm khác như Trống Đồng, 126 Công nhân, Thủ đô, Chăm pa, 123 Lý Chính Thắng, MTV... đang bớt dần các suất diễn cho thấy sân khấu hài phía Nam đã không còn là đặc sản thu hút khán giả.

Theo ước tính, hiện nay,Tp HCM có khoảng 50 nhóm hài đang hoạt động. Tuy nhiên, số lượng các nhóm hài có tiếng, có khả năng bán vé chỉ đếm trên đầu ngón tay như Hồng Vân, Hoài Linh, Nhật Cường, Tấn Beo... Còn lại là những tên tuổi ít được khán giả biết nên chủ yếu đi diễn ở các tỉnh lẻ, các sân khấu, tụ điểm nhỏ. Nhiều người cho rằng, sân khấu hài Tp HCM đang sa sút cả về số lượng lẫn chất lượng. Một nguyên nhân hàng đầu là vì các nhóm hài liên tục tách nhóm. Nguyên nhân tách nhóm thì rất nhiều: từ việc bất đồng về cátsê đến việc các nghệ sĩ nghĩ mình đã trưởng thành nên muốn đi riêng hoặc muốn tách ra để tìm cơ hội nổi tiếng. Việc tách nhập liên tục như vậy khiến cho chất lượng vở diễn bị sa sút. Các thành viên mới không đủ thời gian hiểu cách diễn của các thành viên trong nhóm để có thể tung hứng phù hợp - một điều tối quan trọng trong diễn hài. Chưa kể, việc tách nhóm quá nhiều còn dẫn tới tình trạng các nhóm hài khác nhau nhưng diễn những tiểu phẩm na ná nhau. Vì các tiểu phẩm này, trước đây là của nhóm cũ.

Sau khi tách ra, các thành viên đều nghiễm nhiên cho rằng đó là của mình. Những mảng miếng đương nhiên cũng bị sao chép lại khiến khán giả thấy nhàm chán. Điều này tạo nên một nghịch lý, các nhóm hài tăng lên không giúp cho làng hài thêm sôi động mà trái lại rơi vào cảnh tẻ nhạt, nhàm chán. Đơn cử như nhóm Kiều Linh - Mai Sơn, trước đây thu hút khán giả bởi những vở diễn thú vị nhưng sau khi tách ra cũng đã không còn giữ được phong độ cũ

Các nhóm hài Tp HCM đang rơi vào tình trạng thiếu kịch bản hay.

Không có cái mới, đặc sắc, sân khấu hài đi vào cảnh đìu hiu chợ chiều. Nhiều nghệ sĩ hài nổi tiếng đang lựa chọn cho mình một con đường khác để phát triển. Một số nghệ sĩ đầu quân về các sân khấu chính kịch như Tiết Cương, Anh Vũ, Minh Nhí, Cát Phượng... Đây là giải pháp an toàn, đảm bảo thu nhập bởi vì ngoài thu nhập từ sân khấu chính kịch, họ vẫn có thể chạy show diễn hài mỗi khi có thời gian. Một cách nữa mà nhiều nghệ sĩ hài hướng tới là đóng phim. Nhiều nghệ sĩ như Hoài Linh, Thái Hòa, Tấn Beo... đã chọn điện ảnh làm nơi tỏa sáng tài năng diễn hài của mình. Và thực sự những vai diễn hài của họ trên màn ảnh đã tạo nên những cơn sốt, mang về doanh thu không nhỏ cho mỗi bộ phim.

Khác với phía Nam, các nghệ sĩ ở phía Bắc dù xuất hiện chung trên sân khấu hài nhưng hầu như mỗi nghệ sĩ đều thuộc biên chế một nhà hát, đơn vị nào đó. Cho nên, khi chương trình "Gặp nhau cuối tuần" kết thúc thì các nghệ sĩ hài vẫn làm công việc ở đoàn. Chính vì vậy, sự cạnh tranh giữa các nghệ sĩ hài cũng ít hơn. Hơn nữa, ở ngoài Bắc, các nghệ sĩ ít khi phải tự đi tìm bầu sô mà tự khán giả yêu cầu, đề xuất. Tuy nhiên, số lượng các chương trình hài ở phía Bắc hạn chế nên các nghệ sĩ có ít cơ hội thể hiện. Thỉnh thoảng mới có một chương trình dài hơi nhân các ngày lễ như mùng 8-3, Quốc tế Thiếu nhi hay dịp Tết do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng. Còn lại, những tiểu phẩm ngắn thường được lồng ghép trong các chương trình ca nhạc tạp kỹ diễn tại các địa phương. Dù ít nhưng gần đây nhất, một tiết mục hài của một nhà hát có tiếng ở phía Bắc trong chương trình "Nụ cười vàng 2012" đã bị khán giả la ó vì sự thiếu hấp dẫn đã chứng minh rằng, việc lấy được nụ cười của khán giả không hề dễ. Hiện nay ở miền Bắc chỉ có một số nghệ sĩ như Chí Trung, Xuân Hinh, Tự Long, Quang Thắng, Vân Dung... là những tên tuổi có thể xuất hiện ở những sân khấu lớn. Những nghệ sĩ khác đều phải chịu khó chạy show các tỉnh. Một số nghệ sĩ như Thành Trung, Xuân Bắc lại theo kiểu đa năng như vừa diễn hài vừa tham gia dẫn các chương trình game show truyền hình...

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sân khấu hài nói chung cũng như các nhóm hài kém hấp dẫn khán giả hiện nay là tình trạng thiếu kịch bản hay. Để có một kịch bản hài diễn trong 10 - 15 phút mà khán giả cười nghiêng ngả là điều không dễ chút nào. Chính vì thế, tình trạng dùng kịch bản cũ là điều phổ biến trên sân khấu hài hiện nay. Hầu hết các kịch bản hài đều đã tồn tại nhiều năm qua. Không khó để kể những cái tên kịch bản hài thuộc diện "phổ biến" như: "Kén rể", "Gậy ông đập lưng ông"…

Vì kịch bản cũ nên tiếng cười chủ yếu được gây bằng hình thể: nghệ sĩ nào có thân hình to béo hay gầy còm thì sẽ chủ yếu khai thác vào đặc điểm hình thể này. Với các nghệ sĩ trẻ thì theo mô típ ăn mặc lòe loẹt, phục sức rườm rà, vẽ thêm những chi tiết quái dị lên mặt... Hoặc phục trang theo kiểu trai giả gái, gái giả trai trở nên quá quen thuộc hiện nay. Thay vì tìm những kịch bản sâu sắc, đa phần các tiểu phẩm hài hiện nay chọc cười bằng những tiểu phẩm có nội dung bôi bác, lời thoại dung tục. Ví dụ như hình ảnh một anh chàng pêđê xanh xanh đỏ đỏ hành nghề xem bói cho khách nhưng nói về những bộ phận trên cơ thể phụ nữ một cách thô thiển. Những ngôn từ dung tục, mắng chửi nhau kiểu như "má mày", "đồ súc vật"... thường xuyên xuất hiện trên sân khấu hài, đặc biệt là các sân khấu ở vùng sâu, vùng xa. Các nghệ sĩ trong nước, quốc tế cũng thường xuyên được mang ra chọc cười trong các tiểu phẩm hài theo kiểu: "Đố mày, Đàm Vĩnh Hưng mặc quần xà lỏn màu gì"... Đặc biệt, nạn chế lời hai, lời ba ca khúc nổi tiếng đang bị lạm dụng quá đà. Hoàn toàn có thể chấp nhận nếu lời một bài hát quen thuộc được chuyển lời sang một nội dung khác có ý nghĩa giáo dục lành mạnh bổ ích. Nhưng không ít bài hát bị chế thành những ca từ sống sượng, nội dung nhăng nhít.

Kịch bản sân khấu hài đang bị cùn, mòn là điều khiến sân khấu hài đang tự xa rời khán giả. Ngay như nghệ sĩ Tự Long cũng công nhận rằng các anh đang tạm thời rơi vào tình trạng "tự biên tự diễn". Nghĩ ra cái gì hay thì viết, viết ra rồi tự tập, sửa. Thiết nghĩ, nếu sân khấu hài vẫn chỉ dựa vào những người sáng tác không chuyên mà không có được những cuộc thi tìm kiếm kịch bản hài hấp dẫn thì sẽ ngày càng nghèo nàn, ảm đạm

K.T.
.
.