Giải tỏa “cơn khát” truyện tranh “Made in Việt Nam”
“Truyền lửa” truyện tranh cho các bạn trẻ
Tổ chức vào đúng thời điểm diễn ra “Hội sách mùa thu 2016”, “Vietnam Comics Day 2016” được tổ chức với quy mô nhỏ hơn, cũng không có nhiều đầu sách mới được giới thiệu như năm 2015 nhưng vẫn khiến không ít bạn trẻ háo hức, chờ đợi. Nhiều bạn trẻ nhẫn nại xếp hàng dài, chờ đến lượt để xin được chữ ký của tác giả cuốn truyện tranh mà mình yêu thích. Trong khi đó, hội trường dự tọa đàm, trao đổi với các tác giả, nhóm tác giả truyện tranh “hot” nhất hiện nay cũng diễn ra sôi nổi, hào hứng.
Khánh Dương, tác giả kịch bản “Long Thần tướng”, người đại diện cho Comicola –chia sẻ, trong năm 2016, số lượng truyện tranh Việt mới được xuất bản không rầm rộ như năm 2016 nhưng “đi vào chiều sâu”.
Truyện tranh Việt đã giành được một số giải thưởng đáng khích lệ như “Long thần tướng” đạt giải thưởng Manga Quốc tế (International Manga Award) của Nhật Bản, Đình Lân, tác giả của “Project Icon” đạt giải nhì cuộc thi “Silent Manga”, “Cuộc hành trình đầu tiên – The First Journey” của hai tác giả trẻ Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên đạt giải “Truyện tranh màu về giáo dục xuất sắc – Schoolastic Picture Book Award” của Hội đồng Phát triển Văn học Singapore và Châu Á.
Cuốn sách dạy vẽ truyện tranh mang tên “Tôi vẽ” được nhiều bạn trẻ yêu thích. |
Bên cạnh đó, tác phẩm “Lớp học Mật Ngữ” của nhóm BRO đạt thành tích “đáng nể” khi lọt top 3 cuốn sác bán chạy nhất của hệ thống phát hành sách Fahasa với 50.000 bản trong lần “ra quân” đầu tiên.
Có thể nói rằng, truyện tranh Việt có sự khởi sắc rõ nét trong khoảng thời gian một vài năm trở lại đây. Sự “vào cuộc” của những tác giả trẻ - những người đam mê, nhiệt huyết với mong muốn xây dựng, phát triển truyện tranh Việt đã mang đến một làn gió mới, rất mạnh mẽ.
Không ít cuốn truyện tranh đã gây “sốt” trong giới trẻ thời gian qua như truyền thuyết lịch sử “Long thần tướng” (nhóm tác giả Thành Phong, Mỹ Anh, Khánh Dương), truyện tranh hài ngắn “Vùng trời hư cấu” (tác giả Phan Thành Trí), truyện tranh dành cho học sinh “Nhóm máu O” (tác giả Dương Minh Đức), “Học sinh chân kinh” (HRO), truyện tranh “Project Icon” của Đình Lân, “Con gấu, con mèo và cái vực thẳm” (tác giả Châu Chặt Chém), “Vĩ Thanh” (tác giả Tống Tất Tuệ), “Mưa trên thiên đường” (tác giả Thăng Fly), “50 sắc màu” (tác giả Nie)…
Top 5 bộ truyện tranh Việt được đánh giá cao trong năm 2015 có: series truyện cực ngắn xoay quanh cuộc sống “dở khóc, dở cười” của cô bé An mang tên “Bad luck” (tác giả Châu Chặt Chém), “Địa ngục môn” của Can Tiểu Hy kể về câu chuyện của cô gái bị tai nạn và phải xuống địa ngục tăm tối, “Tam Tấu Violon”(tác giả Mèo Ú Sáu Múi) kể về cuộc phiêu lưu đầy kỳ thú của bộ ba nhạc công Dế, Ếch, Chuột, “Ông lão đánh cá và con cá vàng – hậu truyện” (tác giả Tống Tất Tuệ) tạo nên cơn sốt trong cộng đồng mạng khi mang đến phiên bản khác của câu chuyện cổ “Ông lão đánh cá và con cá vàng”, những câu chuyện giản dị, hài hước, cung bậc tình cảm trong tình yêu trong “Tai Mèo và mặt ngầu” (tác giả Mèo Mun Đen).
Thành công của cộng đồng truyện tranh Việt trẻ còn thể hiện ở chỗ, đã khơi dậy sự yêu thích, “thói quen” tìm đọc truyện tranh Việt. Đây là yếu tố hết sức cần thiết để tạo động lực cho truyện tranh Việt “đi đường dài” bởi truyện tranh cũng như bất cứ loại hình nghệ thuật nào muốn phát triển cũng cần phải có độc giả của riêng mình.
Tôi cho rằng, sự ủng hộ của độc giả đang là một lợi thế rất lớn của truyện tranh Việt. Điều quan trọng là các tác giả phải giữ gìn sự ủng hộ đó bằng niềm tin và những tác phẩm thực sự chất lượng. Tại “Vietnam Comics Day 2015”, giáo trình dạy vẽ truyện tranh mang tên “Tôi vẽ” (do Công ty Idea Production xuất bản) nhận được sự quan tâm rất lớn của các bạn trẻ.
Nhiều bạn trẻ tỏ ra thích thú trước những kiến thức, kinh nghiệm mà cuốn giáo trình mang lại. Hy vọng, từ sự yêu thích truyện tranh, qua những cuốn sách tự học vẽ như “Tôi vẽ”, truyện tranh Việt sẽ có thêm những gương mặt tác giả mới tài năng.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Truyện tranh Việt có thể khởi sắc bắt nguồn từ nhiều lý do. Trước tiên, truyện tranh Việt được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng nhưng chưa được “đánh thức”. Thực tế cho thấy, trong suốt một thời gian dài, truyện tranh Việt “ngủ quên”, bị phủ lấp bởi các tác phẩm truyện tranh đình đám của nước ngoài.
“Vietnam Comics Day” là điểm nhấn đáng chú ý của cộng đồng truyện tranh Việt. |
Một vài tác phẩm xuất hiện lác đác (chủ yếu là truyện cổ tích được minh họa bằng tranh) không đủ tạo nên dòng chảy cho truyện tranh Việt. Sự xuất hiện của đội ngũ sáng tác truyện tranh trẻ với những tác phẩm mới vào thời điểm hiện nay được đánh giá là đúng thời điểm và cần thiết.
Những câu chuyện, cách thể hiện của tác giả trẻ đã “bắt đúng sóng” tâm lý của giới trẻ Việt. Nếu như trước đây, truyện tranh Việt thường được cho là mang nặng tính giáo dục, khô khan thì những câu chuyện giản dị, gần gũi về tình bạn, tình yêu, tuổi học trò, sự tưởng tượng về một thế giới khác… khiến các bạn trẻ như tìm thấy chính mình trong mỗi câu chuyện. Đây cũng là một trong những nguyên nhân rất quan trọng lý giải vì sao truyện tranh Việt dần tạo được chỗ đứng vững chắc trong lòng độc giả.
Công nghệ quảng bá, cách tiếp cận độc giả của những nhà sản xuất truyện tranh trẻ ngày càng chuyên nghiệp. Nhiều tác phẩm truyện tranh khi ra đời đều được quảng bá, giới thiệu rầm rộ trên các phương tiện truyền thông. Gây quỹ cộng đồng (Crowdfunding) để xuất bản truyện là cách làm sáng tạo của các bạn trẻ. Những ưu đãi cho người ủng hộ như quà tặng đặc biệt, được xem trước bản thảo, có thể xuất hiện với tư cách một nhân vật trong truyện…
Tác giả của “Long thần tướng” còn làm hẳn cả trailer quảng bá truyện, đăng tải trên mạng trước khi phát hành – một việc làm khá hiếm trong việc quảng bá sách. Bộ truyện tranh lịch sử này cũng là tựa truyện Việt Nam đầu tiên có màn cosplay (hóa thân thành nhân vật mà mình yêu thích) riêng. Người thể hiện (cosplayer) nhân vật nữ sát thủ Lê Nhật Lan trong truyện chính là hotgirl đình đám Khả Ngân. “Lớp học mật ngữ” được đăng rải rác từng kỳ trên báo Hoa học trò nên khi xuất bản sách đã có sẵn một lượng fan “trung thành”…
Một câu hỏi đặt ra là, liệu truyện tranh Việt có thể đi đường dài và phát triển mạnh mẽ hay những tín hiệu vui được nhen lên rồi sẽ lụi tàn?. Không dễ để đưa ra câu trả lời chính xác cho vấn đề này. Nhiều độc giả đồng quan điểm cho rằng, đề tài mà các tác giả trẻ khai thác hiện nay mới chỉ là những câu chuyện tản mạn, nhỏ lẻ, chưa đủ khả năng tạo ra series truyện dài kỳ hấp dẫn. Truyện tranh mới đang chú trọng về phần “tranh”, phần “truyện” chưa được đầu tư đúng mức.
Bên cạnh đó, điều đáng lưu tâm nhất với truyện tranh hiện nay là cách vẽ của tác giả Việt chưa tìm được cách thể hiện riêng. Phần lớn bị “nhiễm” phong cách của truyện tranh nước ngoài, đặc biệt là phong cách manga của Nhật Bản. Điều này cũng là dễ hiểu bởi các bạn trẻ vẽ truyện tranh cũng bắt đầu là người đam mê truyện tranh và những tác phẩm đầu tiên mà họ tiếp cận đến từ nước ngoài.
Dù muốn hay không, những tác phẩm truyện tranh ngoại đã ảnh hưởng đến tư duy, “gu” thẩm mỹ của các bạn trẻ. Không tìm được cách thể hiện riêng thì truyện tranh Việt khó thoát ra được “cái bóng” của truyện tranh ngoại và như vậy, sẽ rất khó để có thể xây dựng và phát triển nền truyện tranh “made in Việt Nam” đúng nghĩa.