Cơn khát truyện tranh ‘made in Việt Nam’

Thứ Sáu, 15/05/2015, 08:26
Truyện tranh Việt thiếu những tác phẩm dài hơi đủ sức mê hoặc độc giả, có khả năng khơi gợi, phát huy trí tuệ, trí tưởng tượng của các em nhỏ. Sở dĩ những bộ truyện tranh của nước ngoài như "Doraemon", "Thám tử lừng danh Connan", "Bảy viên ngọc rồng", "Shin - Cậu bé bút chì"… được chờ đón và có sức sống lâu bền là do có kịch bản hấp dẫn và sáng tạo...

Những tín hiệu vui

Tường Phạm

Hai bộ truyện tranh "made in Việt Nam" đang được các bạn trẻ chờ đón là "Mật ngọt chết Mèo" tập 1 (tác giả Mèo Mun Đen), "Long Thần Tướng" tập 2 (tác giả Phong Dương Comics) đã được xếp lịch "ra lò" trong tháng 4, tháng 5 này. Làn sóng truyện tranh ra đời bằng phương pháp "xã hội hóa" của các bạn trẻ mang đến làn gió mới cho truyện tranh Việt. Tuy nhiên, công bằng mà nói, truyện tranh Việt mới có được những bước đi đầu tiên và còn rất nhiều điều phải làm để giải tỏa cơn khát truyện tranh "made in Việt Nam" cho các bạn trẻ.

Loay hoay với mảng đề tài cũ

Phải thừa nhận một điều rằng, đề tài truyện tranh Việt rất bó hẹp. Mảng đề tài phổ biến nhất là truyện lịch sử và truyện dân gian với mục đích giáo dục lịch sử truyền thống cho các em nhỏ. Dạo qua một số nhà sách, có thể dễ dàng bắt gặp những câu chuyện như "Tấm cám", "Bánh chưng bánh dày", "Sơn Tinh thủy tinh", "Sọ dừa", "Cây tre trăm đốt", "Núi cười", "Trí khôn của ta đây"… được nhiều nhà xuất bản cùng thực hiện và chỉ khác nhau chút ít về hình vẽ minh họa, hình thức trình bày bên ngoài.

Tập 1 của "Truyền thuyết Long Thần Tướng" - bộ truyện tranh ra đời bằng hình thức "xã hội hóa" thời gian gần đây.

Nhìn chung, truyện tranh dân gian Việt Nam phần lớn dừng lại ở mức minh họa cho câu chuyện đã được lưu truyền qua bao thế hệ chứ chưa hẳn là truyện tranh đúng nghĩa. Với mỗi câu chuyện, các em nhỏ chỉ cần đọc một đến hai lần là chán, không muốn nghe kể lại thêm nữa.

Một số tác phẩm truyện tranh lịch sử ra đời trong thời gian qua ít nhiều gây được tiếng vang như "Hào khí đất phương Nam", "Cậu bé rồng" (NXB Kim Đồng), "Lịch sử Việt Nam bằng tranh" (NXB trẻ), "Một thuở non nước này" (NXB Giáo dục), "Thần đồng đất Việt", "Hoàng Sa - Trường Sa khẳng định chủ quyền" (Công ty Phan Thị), "Bác Hồ sống mãi" (Liên kết giữa NXB Kim Đồng và Công ty Phan Thị)…  Nổi bật nhất trong dòng truyện tranh lịch sử phải kể đến "Thần đồng đất Việt" và "Cậu bé rồng".

"Thần đồng đất Việt" là bộ truyện tranh đắt khách của Công ty Phan Thị ra đời cách đây hơn chục năm và liên tục được tái bản với số lượng lớn. Loạt chuyện về cuộc đời và tài trí của Lê Tí, một Trạng Nguyên của Đại Việt cùng với những người bạn thân như Sửu ẹo, Dần béo và Cả Mẹo đã một thời trở thành "hiện tượng" trong làng truyện tranh Việt Nam. "Cậu bé rồng" của Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt những tập đầu vào năm 2009 với chiến lược "dài hơi" lên đến 250 tập tiếp tục nhận được sự ủng hộ lớn của các bạn trẻ. Đáng tiếc là những tác phẩm như "Thần đồng đất Việt", "Cậu bé rồng" vẫn là hàng hiếm ở Việt Nam hiện nay.

Ngoài mảng đề tài lịch sử, dân gian thì truyện tranh Việt dường như nói "không" với những đề tài hiện đại, phản ánh suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, ước vọng của các bạn trẻ. Đây là những thiếu hụt khiến truyện tranh Việt chưa thể hút độc giả trẻ như các sản phẩm đến từ Nhật Bản (manga), Hàn Quốc (Manhwa), Trung Quốc (Manhua) và một số ít của Âu - Mỹ (Comic). Những bộ truyện tranh như "Những người sống quanh em", "Tập tục quê em", "Hành trình biến đổi"… của NXB Kim Đồng đã mang đến hướng tiếp cận, đề tài mới cho truyện tranh Việt nhưng thực sự chưa gây được ấn tượng. Một số truyện khai thác đề tài mới về cuộc sống, tình yêu của giới trẻ cũng  đang manh nha về ý tưởng hoặc chập chững những bước đi đầu tiên. 

Mới chỉ là "truyện minh họa"?

Ưu điểm lớn nhất của truyện tranh là phương thức truyền cảm độc đáo, có sự kết hợp hài hòa giữa ngôn từ và hình vẽ. Nhưng điểm yếu nhất của truyện tranh Việt Nam theo cách nhìn của cá nhân tôi là thiếu kịch bản hay và hình vẽ sống động. Truyện tranh mang tính giải trí thì chưa ngộ nghĩnh, dí dỏm, chưa có nhiều tình tiết hấp dẫn. Trong khi đó, truyện mang tính giáo dục, lịch sử thì lại khô khan, đan xen quá nhiều triết lý.

Truyện tranh Việt thiếu những tác phẩm dài hơi đủ sức mê hoặc độc giả, có khả năng khơi gợi, phát huy trí tuệ, trí tưởng tượng của các em nhỏ. Sở dĩ những bộ truyện tranh của nước ngoài như "Doraemon", "Thám tử lừng danh Connan", "Bảy viên ngọc rồng", "Shin - Cậu bé bút chì"… được chờ đón và có sức sống lâu bền là do có kịch bản hấp dẫn và sáng tạo.

Trong tâm thức của nhiều bạn trẻ Việt, những nhân vật như chú mèo máy thông minh Đoraemon, cậu bé "hậu đậu" Nobita, cô nàng Xuka, chàng trai "mỏ nhọn" Xekô hay chàng "ca sĩ bất đắc dĩ" Chaien trong bộ truyện "Doraemon" sẽ khó có thể phai mờ. Tương tự như vậy, những tình tiết của bộ truyện trinh thám "Thám tử lừng danh Connan" cũng khiến nhiều thế hệ bạn đọc "đứng ngồi không yên" để cùng suy ngẫm, tìm cách phá án cùng các nhân vật trong truyện…

Rõ ràng, một kịch bản hay, chặt chẽ, logic, dài hơi có ý nghĩa hết sức quan trọng với sự thành bại của một tác phẩm. Truyện tranh cần khơi gợi được sự sáng tạo, bay bổng từ người đọc để "kéo" họ cùng sáng tạo với tác phẩm. Điều này lý giải vì sao một số truyện tranh nước ngoài có đề tài rất phi lý (như mèo máy thông minh Doraemon có cỗ máy quay ngược thời gian hay nhìn thấy tương lai), lại vẫn được yêu thích.

Truyện tranh không đơn thuần là những bức tranh đẹp mà còn phải đảm bảo tính động, truyền tải được cảm xúc nhân vật trên nền kịch bản hay. Bên cạnh tính giải trí, cần chú trọng tính giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ.  Truyện tranh Việt đang thiếu vắng những yếu tố này.

Nhiều người thậm chí còn cho rằng, Việt Nam chưa có truyện tranh đích thực. Đó chỉ là truyện tranh theo cách gọi của người Việt Nam nhưng thực chất là truyện minh họa. Cách làm truyện tranh phổ biến hiện nay là nhà xuất bản giao kịch bản cho họa sĩ và họa sĩ vẽ tranh theo cốt truyện, thể hiện ý tưởng kịch bản chứ không sáng tác cốt truyện. Điều này đồng nghĩa rằng, sự sáng tạo của họa sĩ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố kịch bản sẵn có nên phần nào hạn chế khả năng sáng tạo của họa sĩ.

Đội ngũ tác giả trẻ đang thổi một luồng gió mới vào truyện tranh Việt Nam. Trong ảnh: Tập truyện tranh "Cả nhà thương nhau" của Thăng Fly.

Tranh vẽ của truyện tranh Việt bị đánh giá là chưa đẹp và bị ảnh hưởng nhiều trong cách vẽ của truyện tranh Nhật Bản (manga). Bên cạnh đó, yếu tố bản sắc Việt qua nhân vật, phong tục tập quán, lễ hội, trang phục… cũng rất khó tìm thấy trong truyện tranh Việt, ngay cả trong bộ truyện được coi là "hiện tượng" xuất bản như "Thần đồng đất Việt".

Chờ đợi gì từ đội ngũ tác giả trẻ?

Thời gian gần đây, thị trường truyện tranh Việt Nam xuất hiện làn gió mới từ những tác giả truyện tranh trẻ. Một số tác phẩm như "Nhật ký Mèo Mốc" (tác giả Mèo Mốc), "Mật ngọt chết Mèo" (Mèo Mun Đen), "Học viện bóng đá" (Trưởng nhóm Long Huỳnh, viết lời Bá Diệp, họa sĩ Bách Lê), "Chuyện tào lao của Vàng Vàng" (Phan Kim Thanh), "Long Thần Tướng" (Phong Dương Comics), "Vạn sự khởi đầu nan, gian nan đừng có nản", "Cả nhà thương nhau" (tác giả Thăng Fly)… nhận được sự ủng hộ của các bạn trẻ vì tạo được nét riêng trong cách vẽ, có cốt chuyện hay, khai thác mảng đề tài gần gũi với đời sống.

Cách làm "phi truyền thống" của các bạn trẻ đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong cộng đồng. Lần đầu tiên dự án "xã hội hóa truyện tranh" xuất hiện ở Việt Nam như một cách nối dài giấc mơ của họ. "Long Thần Tướng", "Mật ngọt chết Mèo" đã nhận được số tiền ủng hộ cao hơn dự toán ban đầu chứng tỏ sự quan tâm của công chúng với truyện tranh "made in Việt Nam".

Mô hình sáng tác một biên kịch - một họa sĩ mà các bạn trẻ thực hiện cũng tiếp cận gần hơn với phương pháp sáng tác truyện tranh trên thế giới. Sự thành công của "Long Thần Tướng" là một ví dụ. Sáng tạo truyện tranh không chỉ là công việc đơn lẻ của một mình họa sĩ mà còn là sự phối hợp ăn ý của một nhóm người. Bên cạnh đó, một điều rất đáng ghi nhận ở các bạn trẻ là tích cực khai thác công nghệ thông tin, mạng xã hội vào quảng bá tác phẩm của mình.

Long Huỳnh, trưởng nhóm tác giả bộ truyện tranh "Học viện bóng đá" nói rằng, "Học viện bóng đá được nhen nhóm từ những ngọn lửa đam mê truyện tranh, chọn đúng đề tài được quan tâm, ra mắt đúng thời điểm nên tạo được hiệu ứng tích cực. Tôi nghĩ đây sẽ là nguồn động lực cho những bạn trẻ từng yêu nhưng cũng từng từ bỏ sáng tác truyện tranh có thêm niềm tin, cảm hứng quay trở lại với nghề".

Đam mê, nhiệt huyết của các bạn trẻ là điều rất đáng ghi nhận nhưng có lẽ đam mê thôi chưa đủ mà còn cần đến những chiến lược, chính sách dài hơi từ các cơ quan quản lý. Cần có chiến lược trong đào tạo đội ngũ sáng tác kịch bản, họa sĩ trẻ cũng như ưu tiên, tạo "lợi thế so sánh" để khuyến khích truyện tranh "made in Việt Nam" phát triển.

Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển và hội nhập, truyện tranh Việt Nam cần tiếp thu, chọn lọc những tinh hoa từ truyện tranh của các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Một điều dễ nhận thấy là, truyện tranh nước ngoài, dù ở phương Đông hay phương Tây cũng luôn có những bài học, giá trị sống ẩn sau những lớp câu chữ, hình ảnh. Đây là điều mà truyện tranh Việt rất cần học hỏi nếu muốn "làm nên chuyện" trong tương lai gần.

Giới hạn nào cho sự sáng tạo?

Quỳnh Yên (thực hiện)

Truyện cổ tích phải giàu tính nhân văn

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu.

Không riêng gì ở Việt Nam mà trên thế giới, có nhiều truyện cổ chứa đựng những đoạn hung ác hoặc cái kết đầy bạo lực. Chính vì vậy, chúng ta phải chọn bản nào ít bạo lực nhất, giàu tính nhân văn nhất. Trong trường hợp không có dị bản mà chỉ có một bản duy nhất thì khi tiếp cận với đối tượng nhỏ tuổi chúng ta phải kể lại, không cần thiết giữ đúng từng lời với bản truyền thống vì bản thân truyện cổ là không có lời văn xác định, không có bản nào được cho là duy nhất đúng.

Người ta vẫn ví tâm hồn của trẻ em như tờ giấy trắng. Cho nên khi viết cái gì lên đó, chúng ta đều phải hết sức cẩn thận. Từ những câu chuyện không được chăm chút, các em có thể bắt chước một cách ngớ ngẩn, rồi hành hung bạn mình mà bạo lực học đường là điều chúng ta đang thấy. Và giáo dục không thể chối bỏ trách nhiệm của mình, không thể lập luận rằng chúng tôi không dạy điều này.

Tất nhiên trực tiếp thì không nhưng gián tiếp liệu chúng ta có hoàn toàn vô tội? Chúng ta có thể phủi tay được không khi mà truyện cổ tích, truyện trong sách giáo khoa lại có nhiều tính bạo lực như vậy? Liệu những câu chuyện đó có giúp các em tránh xa cái ác hay là “cảm hứng” để các em làm ác? Nguy cơ này hoàn toàn có thể xảy ra một khi chúng ta đang tâm làm những cuốn sách vô tội vạ như thời gian qua.

Truyện cổ tích phải có nghệ thuật riêng

Nhà văn Lê Phương Liên.

Văn phong của truyện cổ tích có nghệ thuật riêng, không giống với văn xuôi "hiện đại" hay "hậu hiện đại". Truyện cổ tích mang những cốt truyện phản ánh đời sống cả nghìn năm trước, hàng trăm năm trước, mang những tư tưởng triết lý của Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo thấm đượm trong từng chi tiết, do đó từ bản gốc để biên soạn thành bản mới đòi hỏi người thực hiện phải có một trình độ văn hóa đủ để thấu hiểu và đồng cảm với tiền nhân.

Theo tôi, các nhà quản lý cần có biện pháp cụ thể trong việc cấp giấy phép cho các truyện thiếu nhi nói chung và truyện cổ tích nói riêng. Cần phải loại bỏ hẳn tư tưởng cho rằng "nhà văn viết cho thiếu nhi là nhà văn loại hai!". Các trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, cần có bộ môn Văn học thiếu nhi. Học viện Báo chí & Tuyên truyền nên có Khoa xuất bản cho thiếu nhi. Chúng ta cần chú ý đến nguồn đào tạo nhân lực cho việc làm sách cho thiếu nhi từ gốc!

Trào lưu "chế", viết tiếp truyện cổ tích trong giới trẻ

Phạm Mạnh Tường

Trong khi dư luận vẫn chưa hết "bàng hoàng" về hàng loạt ấn phẩm truyện dân gian, truyện cổ tích "rác" bị báo chí phanh phui thì trào lưu "chế", viết tiếp truyện cổ tích trong giới trẻ lại nổi lên. Gần đây nhất, phiên bản truyện tranh về Tấm Cám với cái kết gây sốc được các bạn trẻ đưa lên mạng. Điều đáng quan tâm là "Phiên bản kinh dị của Tấm Cám Việt Nam" thu hút hàng ngàn bạn trẻ like và share trên mạng xã hội.

Một đoạn trong "Phiên bản kinh dị của Tấm Cám Việt Nam" đang gây xôn xao dư luận.

Sốc với truyện cổ tích nhảm thời @

Trào lưu "chế" hay viết tiếp truyện cổ tích trong giới trẻ đã xuất hiện từ lâu nhưng đến bây giờ mới thực sự được nhiều người lớn "để mắt" tới. "Phiên bản kinh dị của Tấm Cám Việt Nam" được thể hiện dưới hình thức truyện tranh và đăng tải trên một số trang web những ngày đầu tháng tư này khiến dư luận bức xúc.

Đúng như tên gọi của phiên bản kinh dị, cô Tấm dịu hiền đã được "hóa thân" thành con người đầy thù hận và độc ác. Do phải trải qua nhiều nỗi cơ cực, cay đắng trong cuộc sống nên "sự thù hằn ở Tấm đã lên đến cực độ" và cô biến thành quỷ dữ ăn thịt biết bao nhiêu người. Những hình ảnh ghê rợn trong "Tấm Cám thời @" đã được minh họa sinh động bằng ngôn ngữ của truyện tranh.

Chỉ ít giờ sau khi được đăng tải trên mạng, "Phiên bản kinh dị của Tấm Cám Việt Nam" đã thu hút số lượng khá lớn các bạn trẻ tìm đọc, kèm theo đó là những lời bình luận cũng "dị" không kém. Phải công nhận rằng, nhóm bạn trẻ tự nhận mình là những người yêu truyện tranh đã rất kỳ công và có trí tưởng tượng "vượt bậc" mới sáng tác được "Phiên bản kinh dị của Tấm Cám Việt Nam". Tuy nhiên, câu chuyện này đã bóp méo truyện cổ tích Tấm Cám nguyên bản với nhiều bài học về quy luật nhân quả, về cái thiện, cái ác trong cuộc sống… đã được lưu truyền qua biết bao thế hệ.

Một ấn phẩm truyện cổ tích có "lỗi" bị báo chí "phanh phui" thời gian qua.

Lên mạng internet chỉ cần gõ mấy chữ "Truyện cổ tích chế", ngay lập tức hàng loạt trang web được tìm thấy. Vào đó mới hay, thế giới truyện cổ tích thời hiện đại "phong phú" đến mức nào. Hàng trăm truyện cổ tích của cả nước ngoài và Việt Nam đều được gắn với cụm từ "siêu hài hước". Từ "Cô bé bán diêm", "Ông lão đánh cá và con cá vàng" đến "Sọ dừa", "Cây khế", "Thạch Sanh", "Cây tre trăm đốt"… đều được viết lại với giọng văn hài hước cùng nhiều chi tiết hoàn toàn mới.

Trong truyện cổ tích "Thạch Sanh - Lý Thông siêu hài hước" có đoạn viết như sau: "… Trước khi đi, tiên ông để lại ba cuốn bí kíp cho Thạch Sanh tu luyện đó là: "Tuyệt đỉnh kiếm pháp", "Cửu âm chân kinh" và "Nghệ thuật làm quen bạn gái". Sau đó Thạch Sanh tu luyện được bí kíp tán gái, trở thành sát thủ lừa tình (...). Đối tượng của chàng thường là ca sĩ, nghệ sỹ nổi tiếng. Chẳng mấy chốc Thạch Sanh trở nên nổi danh, làm náo loạn giới showbiz. Các trang báo liên tục đưa tin, điển hình như bài báo: "Thạch Sanh đang hẹn hò với Ngọc Trinh…".

Đọc những đoạn viết này, hẳn ai cũng phải phá lên cười và "thán phục" trí tưởng tượng "siêu phàm", "xuyên thời gian" của người viết. Dù nhiều bạn trẻ nói rằng, "chế" truyện cổ tích chỉ đơn giản là trào lưu gây cười, giải trí nhưng đằng sau tiếng cười thoáng qua ấy lại là nỗi buồn vì văn hóa nhảm đang len lỏi vào tâm thức của các bạn trẻ, làm lu mờ giá trị của truyện cổ tích dân tộc.

Nối dài sức sống hay bóp nghẹt sự tồn tại của truyện cổ tích?

Trào lưu "chế", viết tiếp truyện cổ tích phản ánh nhu cầu giải trí cũng như góc nhìn của người trẻ trong xã hội hiện đại. Nhiều bạn trẻ tìm đọc thể loại truyện này đơn giản là để thư giãn sau khoảng thời gian học tập, làm việc mệt mỏi. Tuy nhiên, nội dung nhảm nhí được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng internet là những hiểm họa khôn lường với giới trẻ. Đó giống như những "viên đạn bọc đường" hằng ngày, hằng giờ thấm vào suy nghĩ, tư duy của giới trẻ.

Ban đầu, truyện cổ tích "nhiễm độc" có thể mang đến tiếng cười giải trí nhưng sau đó là sự hủy hoại về tâm hồn, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ em. Nhiều em nhỏ chưa đủ nhận thức để phân biệt đâu là truyện cổ tích thực, đâu là sản phẩm "chế", từ đó có thể dẫn đến cách hiểu không đúng về tính cách và các giá trị hình tượng mà ông cha ta đã xây dựng nên. Chính sản phẩm "chế" sẽ bóp nghẹt sự tồn tại của truyện cổ tích đích thực.

Giá trị của truyện cổ tích trong việc nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ đã được khẳng định qua bao thế hệ. Bằng việc trung thành với cốt truyện cái thiện luôn thắng ác, người tham lam, dối trá sẽ gặp quả báo… truyện cổ tích đã đi vào giấc mơ, khơi gợi trí tưởng tượng và sáng tạo của biết bao trẻ em Việt. Tuy nhiên, bối cảnh cuộc sống đã có sự thay đổi và nhiều câu truyện cổ tích đã trở nên "lạc điệu" với những gì đang diễn ra. Nhiều nhà khoa học đã đề cập đến việc phải sửa đổi truyện cổ tích theo hướng "thực tế" hơn với dòng chảy hiện đại.

Việc chỉnh sửa truyện cổ tích theo tâm lý, xã hội hiện đại cần phải có những bàn luận về mặt khoa học kỹ lưỡng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, rất cần khơi gợi sự sáng tạo của các bạn trẻ như một cách "nối dài sức sống" của truyện cổ tích. Tất nhiên, đó phải là sự khơi gợi có định hướng và chủ đích rõ ràng.

Một tín hiệu đáng mừng là gần đây, một số trường học đã thử nghiệm cách làm này, tiêu biểu như: dự án "Sáng tác và thiết kế sách truyện dân gian" với mục đích giúp học sinh hóa thân thành nghệ sĩ dân gian để viết tiếp những tác phẩm văn học (Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý, TP HCM); cuộc thi "Sáng tác lại đoạn kết truyện cổ tích" nhằm khuyến khích các em học sinh nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách, qua đó định hướng suy nghĩ, nhận thức của học sinh một cách tích cực (Trường THCS Nguyễn Tri Phương, TP Huế)…

Thiết nghĩ, đây là những cách làm hay cần được nhân rộng để gìn giữ những giá trị tốt đẹp của truyện cổ tích đang có nguy cơ mai một vì những "dị bản" thời công nghệ số…

Tường Phạm - Quỳnh Yên - Phạm Mạnh Tường (thực hiện)
.
.