Game show đang bủa vây đời sống trẻ em

Thứ Sáu, 12/06/2020, 08:07
Dù đã bước vào giai đoạn thoái trào, nhưng các game show vẫn gắng gượng bám lấy màn ảnh truyền hình bằng cách chiêu mộ trẻ em tham gia. Hầu hết các game show dành cho người lớn, đều có thêm phiên bản dành cho trẻ em. Hiện nay, có hơn 20 game show mà đối tượng ứng thí chủ yếu là lứa tuổi cắp sách đến trường.


Trước đây, những nhà sản xuất tìm mọi cách phân bua, rằng game show chỉ tạo sân chơi cho thiếu nhi trong những ngày tháng nghỉ hè. Thực tế hoàn toàn ngược lại, game show diễn ra quanh năm và có không ít đứa trẻ đã dang dở học hành vì giấc mộng ngôi sao được thêu dệt trên các game show.

Một báo cáo giám sát về tình trạng xâm hại trẻ em đã được trình bày khá gay gắt trước Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đã lưu ý đến sự tác động tiêu cực của các hiện tượng giải trí lên trẻ em, mà cụ thể là game show.

Đại biểu Quốc hội - Phạm Trọng Nhân ở Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương khẳng định: "Dù các hành vi xâm hại trẻ em đã được soi rọi qua nhiều lăng kính quy định pháp luật, các vụ xâm hại được đưa ra công luận và xử lý tới cùng, song tôi cho rằng vẫn còn nhiều góc khuất khác về hành vi xâm hại mà một trong số đó vẫn đang diễn ra công khai, thậm chí còn được cổ súy nhưng chưa được nhìn nhận trong báo cáo giám sát lần này, vì có lẽ nó được khoác lên mình lớp vỏ bọc văn hóa".

Game show "Thiếu niên nói".

Cái "vỏ bọc văn hóa" đáng lo ngại kia, có thể được thống kê bằng hàng loạt game show lôi kéo trẻ em vào thế giới giải trí. Ngoài những sân chơi ca hát nhảy múa như "Giọng hát Việt nhí", "Tuyệt đỉnh song ca nhí", "Tiếu lâm tứ trụ nhí", "Siêu mẫu nhí", "Ai sẽ thành sao nhí", "Hãy nghe tôi hát nhí", "Sao nối ngôi nhí"… còn có các talk show như "Thiếu niên nói", "Điều con muốn nói", "Tôi tuổi teen"… và những chương trình thực tế như "Thử thách lớn khôn", "Đấu trường ẩm thực nhí", "Vua đầu bếp nhí", "Nhanh như chớp nhí", "Nhà thiết kế tương lai nhí"… Chưa kể, những game show tưởng dành riêng cho người lớn cũng đông đảo thiếu nhi góp mặt như "Gia đình thông thái", "Siêu trí tuệ Việt Nam", "Thách thức danh hài"…

Vì sao các game show hớn hở với đối tượng "nhí"? Thứ nhất, sự hồn nhiên của trẻ em trước ống kính, rất dễ tạo ra những điểm nhấn đáng nhớ cho từng chương trình. Thứ hai, trẻ em đến với game show thì kéo theo cả bố mẹ và người thân cùng quan tâm, khiến mỗi chương trình đều có lượt xem tăng vọt.

Bởi vậy, không có gì khó hiểu, khi game show tập trung tối đa vào trẻ em. Thậm chí, có game show chưa làm cho người lớn, đã được thử nghiệm với trẻ em. Ví dụ, chương trình "Nhà thiết kế tương lai" có ba phiên bản dành cho người lớn, thanh thiếu niên và thiếu nhi, nhưng đơn vị sản xuất đã không chút đắn đo để khởi động "Nhà thiết kế tương lai nhí" trước tiên. Và dĩ nhiên, những nhà đầu tư tin tưởng thành công của "Nhà thiết kê tương lai nhí" sẽ kích hoạt hai phiên bản còn lại.

Xô đẩy trẻ em vào show biz, rõ ràng là một toan tính của người lớn. Trẻ em vô tư, thấy đông vui thì hào hứng, nên trẻ em làm sao biết được những hệ lụy không lường phía sau ánh đèn sân khấu. Đã có rất nhiều học sinh vì mải mê hết game show nọ đến game show kia mà phải nghỉ học nửa chừng. Lỗi đầu tiên thuộc về phụ huynh, nhưng có phải những người làm game show vô can không?

Game show khoa trương và quảng bá thứ hào quang ảo, về sự nổi tiếng và sự giàu có, để những bậc làm cha làm mẹ đang vất vả áo cơm bỗng dưng ồ lên như tìm đường con đường thoát nghèo thoát khổ nhanh chóng cho con em mình.

Thử một lần đến phim trường đang quay các game show thiếu nhi sẽ được chứng kiến nhiều hình ảnh rất thảm thương. Phụ huynh dắt díu con cái từ các miền quê lên Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh ăn ngủ vạ vật để ứng thí. Rồi phụ huynh cũng khóc cười theo quá trình được thua của con em. Game show nhân danh sân chơi văn hóa, nhưng lại tạo ra những xáo trộn cực kỳ vớ vẩn cho đời sống cộng đồng. Đáng buồn hơn, những tiếng vỗ tay và những lời tán dương của dăm nghệ sĩ rảnh rỗi trên sân khấu đã khiến nhiều trái tim trẻ thơ xao xuyến và hình thành ảo tưởng sẽ một bước lên đẳng cấp ngôi sao nay mai.

Đã có trường hợp trẻ em không muốn đi học nữa, mà chỉ muốn đi thi game show để thành người nổi tiếng. Ôi, giấc mộng hào hoa và bi thương. Cái khái niệm "từ zero đến hero" của giới kiếm tiền phương Tây đã tác động trực tiếp đến tâm lý cầu may của trẻ em Việt Nam. Thực tế, những nghệ sĩ sớm thành danh như Hồng Nhung, Hiền Thục, Quang Vinh, Tóc Tiên… đều được hun đúc từ môi trường học đường và sinh hoạt văn nghệ ở Nhà thiếu nhi, chứ không ai nhảy vọt từ game show.

Thí sinh cuộc thi "Siêu mẫu nhí 2020".

Có phải trẻ em đang là con rối cho các game show giật dây tùy thích không? Đại biểu Quốc hội - Phạm Trọng Nhân bức xúc ngay trên diễn đàn Quốc hội: "Đã có nghiên cứu nào đong đếm những tổn hại mà trẻ em phải gánh chịu so với những gì mà các cháu và gia đình nhận được sau mỗi chương trình?

Các kịch bản game show đều hướng đến sự cạnh tranh khốc liệt với những chiêu trò nhằm thu hút người xem mà ở đó trẻ em không khác gì những con rối trong tay các nhà sản xuất. Nhiều quốc gia trên thế giới đã cấm các chương trình thực tế có trẻ em. Lý do đầy nhân văn mà họ đưa ra là để bảo vệ các em khỏi các nguy cơ tiềm ẩn khi bất ngờ nổi tiếng và cho các em một môi trường bình thường để phát triển. Tuy nhiên, các game show thiếu nhi ở Việt Nam vẫn chưa có điểm dừng khi cơn khát tìm kiếm lợi nhuận của nhà sản xuất và giấc mộng đổi đời từ showbiz của các bậc phụ huynh chưa có hồi kết.

Nhìn những giọt nước mắt khi bị loại khỏi cuộc chơi hay những lúc căng như dây đàn mong đến lượt biểu diễn và chờ nghe kết quả, tôi tự hỏi những đứa trẻ có tội tình gì mà phải chịu áp lực như vậy? Ngay cả phụ huynh cũng phải bật khóc tức tưởi sau cánh gà. Đâu là tình thương và đâu là sự bất nhẫn của người lớn đối với tâm hồn của những đứa trẻ chỉ mới lên 5, lên 6 tuổi".

Điều âu lo của Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân không phải không có cơ sở. Cứ xem các game show nhí thì không khỏi giật mình cho thế hệ tương lai. Chương trình "Siêu mẫu nhí" đã cho các bé mặc trang phục hở hang và uốn éo những động tác gợi cảm kiểu người lớn. Còn chương trình "Đấu trường âm nhạc nhí" thì cho một thí sinh 6 tuổi hát ca khúc "Chị tôi" không phù hợp lứa tuổi của mình, cũng sướt mướt và nỉ non như người lớn.

Còn chuyện trẻ em bị đặt vào sự thắng thua trong các game show thì sao? Đại diện đơn vị sản xuất chương trình "Đấu trường ẩm thực nhí", "Điều con muốn nói", "Hãy nghe tôi hát nhí", "Tiếu lâm tứ trụ nhí", "Sao nối ngôi nhí" đã giải thích khá nhẹ nhàng: "Chuyện thắng thua trong một chương trình cần phải được thể hiện khéo léo để làm sao khi tham gia các bé cảm thấy vui vẻ hạnh phúc, không bị tủi thân khi thua cuộc.

Điều này đòi hỏi MC và biên tập phải có kinh nghiệm, biết cách giảm nhẹ kịch tính". Nói thì nói vậy, nhưng liệu có làm được không? Người mẫu Hoàng Yến với tư cách người dẫn chương trình "Nhà thiết kế tương lai nhí" cam kết: "Chúng tôi bảo vệ các con để các con trải nghiệm tốt nhất. Vì thế những kịch tính sẽ được đẩy qua cho dàn huấn luyện viên người lớn và MC…"

Game show đang xô đẩy trẻ em vào show biz một cách táo tợn. Đó là thực tế cần cảnh tỉnh. Và phải lưu ý thêm, Việt Nam vẫn chưa có ngành đào tạo nghệ thuật cho trẻ em, được mệnh danh "thần đồng ca nhạc" như Xuân Mai chỉ tồn tại giai đoạn "con cò bé bé" mà thôi.

Tuy Hòa
.
.