Đừng nhân danh văn hóa để ứng xử thiếu văn hóa

Thứ Sáu, 18/10/2019, 10:27
Giới trẻ với tâm lý nhanh, nhạy, thích thể hiện cá tính và cái tôi, thích đầy mạnh những gì là lạ, thích phản ứng đôi lúc đã đẩy mình lao vào chiếc bẫy của sự ngộ nhận không thương tiếc. Đó là chưa kể những giá trị ảo có thể thành thật, những xu thế không thực sự đáng trân trọng lại thành điểm đến…


Hội An - Mã Pì Lèng và câu chuyện định vị văn hoá

Đinh Hiền

Khi một cô gái 20, cô ấy thường tự tin trước nhan sắc của mình, trước sự trẻ trung mà không một thứ son phấn, mỹ phẩm nào so bì được. Lợi thế của tuổi trẻ cho phép cô ấy tự tin trước cuộc đời. Sự ngông cuồng, bồng bột của tuổi trẻ đôi khi cũng khiến cô ấy có những phát ngôn, những hành động sốc nổi, không phù hợp với truyền thống, với lứa tuổi, với văn hoá Á Đông. 

Tôi đang muốn nói đến cô gái xinh đẹp làm dậy sóng dân mạng những ngày qua. Trên nền những nóc nhà phố cổ, những mái ngói lô xô, rêu phong, gắn với hàng nghìn câu chuyện cổ, làm nên một di sản văn hoá thế giới Hội An - bỗng có một cô gái xinh đẹp, trong trang phục hở hang, cực kì phản cảm, xuất hiện trong clip rất ngắn, nhưng cũng đủ làm “nóng” các con mắt nhìn thấy. Chính xác là cô ấy dùng một cái nón úp lên khuôn ngực thanh xuân của mình với cái quần hờ hững không thể phản cảm hơn.

Câu chuyện ở đây là gì? Là cô ấy đã đặt nhầm chỗ bộ trang phục của mình vào một nơi đã trở thành biểu tượng văn hóa của một vùng đất có bề dày lịch sử, là nơi mà cả thế giới muốn đến và đã được UNESCO vinh danh.

Hình ảnh phản cảm của bốn người đàn ông khỏa thân tại Mã Pì Lèng.

Người ủng hộ cô ấy cho rằng, cơ thể của cô ấy thì cô ấy có quyền tự do biểu đạt theo cách của mình. Họ thường là những người trẻ và mơ hồ về khái niệm văn hóa. Người phản đối cô ấy chiếm phần nhiều hơn, cho rằng cô đã chạm vào lòng tự tôn của người dân đất Quảng, rằng cô đã đem cái thứ trần trụi, xác thịt vào cái nơi đã như là tinh thần của tầng tầng lớp lớp người dân nơi đây.

Nhưng nói thế cũng là chưa chính xác. Hội An bây giờ không chỉ là niềm tự hào của người Quảng Nam, Hội An đã là niềm tự hào của cả Việt Nam và được cả thế giới công nhận giá trị lịch sử. Bởi thế, bất cứ hành động nào xâm phạm lên giá trị lịch sử, văn hóa cũng cần phải được “tuýt còi” và lên án.

Khi vô tình xem được clip của cô gái đẹp này, tôi đã nghĩ đến ngày tôi 20, cũng đã từng rất tự hào về giá trị thanh xuân của mình, cũng đã từng dào dạt năng lượng sống, đã từng có lúc cảm thấy ngộp thở trước nguồn năng lượng vô biên của tuổi trẻ. Khi ấy, con người ta thường muốn làm một điều gì đó khác biệt, đôi khi là những sai lầm mà phải rất lâu sau đó mới có thể nhận thức được đó là sai.

Còn một điều này nữa, có vẻ nó rất thực tế, phù hợp với tâm lý, cá tính tuổi trẻ: Đó là khi 20, người ta cũng thường thích “khoe khoang” những gì đang thuộc về “bề nổi” của mình, đó là nhan sắc, là trí tuệ (đôi khi là ngộ nhận mình thông minh nữa). Vì họ quá tự tin nên mới sẵn sàng thể hiện cơ thể, khoe thân nơi công cộng, chỗ đông người, trên các không gian mạng hư ảo và tin là mình được tung hô, ủng hộ. Đôi khi, vì quá tự tin nên họ không quan tâm đến cảm xúc của những người xung quanh, những người vô tình nhìn thấy và cũng không đủ tỉnh táo, không đủ nhận thức để hiểu rằng việc gì mình làm là sai trái, gây phản cảm cho cộng đồng và chà đạp lên một giá trị văn hoá.

Nhưng đó là câu chuyện của những người trẻ, cụ thể là của một cô gái tuổi 20 ở Hội An vừa qua, còn câu chuyện mới xảy ra vẫn đang nóng giãy, vẫn đang là chủ đề bàn luận của dư luận và báo chí, đó là việc bốn người đàn ông không còn trẻ, đã đi qua tuổi 20 rất lâu rồi, đã bắt đầu tuột sang nửa sườn dốc bên kia. Họ nhân danh việc bảo vệ môi trường, đã có những hành động lố lăng, cực kì đáng lên án: Khoả thân và đi xe máy phân khối lớn đến nhà hàng Panorama xây dựng trái phép trên đỉnh Mã Pì Lèng - một địa danh văn hoá - du lịch - một biểu tượng tự hào của bà con vùng cao nguyên đá Hà Giang. Để làm gì? Để bảo vệ môi trường và kêu gọi dư luận ủng hộ cho việc tồn tại của nhà hàng với màu sắc sặc sỡ, mọc lên như cái mụn trên gương mặt thiếu nữ xinh đẹp hoang sơ này.

Sau khi clip rất ngắn được tung lên mạng xã hội, lập tức vấp phải hàng nghìn chỉ trích, lên án, thậm chí cư dân mạng không tiếc lời dành cho nhóm người này những từ ngữ nặng nề. Người chủ cuộc chơi sau khi phản thùng khá dữ dội với cư dân mạng thì chợt nhận ra mình có gì đó sai sai, bèn tỉnh ngộ gỡ clip, gỡ hình ảnh khỏi tất cả các trang mà anh ta đã đưa lên. Nhưng rất tiếc, cư dân mạng nhanh hơn điện, và cho đến hôm nay, những bức ảnh phản cảm vẫn được lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Người đứng đầu nhóm bốn người, lập ra ý tưởng này, vốn được coi là “ông trùm truyền thông”, chuyên giải cứu những khủng hoảng truyền thông và cũng là một facebooker nổi tiếng với hàng trăm nghìn người theo dõi. Khi phân tích về sự việc này, điều duy nhất khiến tôi cho rằng là nguyên nhân sâu xa khiến họ có thể làm được những điều kỳ cục này, đó chính là họ  quá tự tin. Tự tin vì mình được yêu quý, tự tin vì mình có quá đông người theo dõi và ủng hộ suốt thời gian qua.

Nhưng họ sai lầm ở chỗ, cư dân mạng giờ đây rất thông minh, họ không dễ bị dắt mũi bởi một vài định hướng do một vài người được coi là có tầm ảnh hưởng. Nhiều người xem mạng xã hội chỉ để tham khảo. Bởi thế, không phải cứ yêu quý anh thì cái sai của anh người ta cũng chấp nhận.

Và sau tất cả hàng trăm bài học anh ta đã truyền đạt cho học viên của mình về xử lý khủng hoảng truyền thông, có một bài học anh ta đã áp dụng (dù tôi không chắc anh ta có dạy các học viên của mình), cách tốt nhất để dập truyền thông, chính là tắt facebook, khỏi tương tác nữa là... xong. Mạng xã hội tuy ảo mà thật, đó là nơi phơi bày tất cả tốt xấu, thực giả, đen trắng, đúng sai, văn hoá của một con người. Nhưng quan trọng nhất, quan sát một người chơi mạng xã hội sẽ định vị được phông văn hóa của anh ta ở vị trí nào. Đôi khi, không phải cứ cầm micro đứng trên bục giảng, nói những điều to tát, lớn lao, đã là người hành xử có văn hóa. 

Sau scandal tự tạo, tự tay đốt nhà và cũng đóng cửa Facebook mấy ngày, mới đây đạo diễn vụ “khỏa thân ở Panorama” đã lên tiếng trên trang Facebook cá nhân của mình nhằm xin lỗi những người yêu mến, đồng thời trong bài giảng mới nhất anh ta cũng đưa chính câu chuyện của mình vào giảng cho học viên. Nhưng những người hiểu chuyện lại cho rằng, đó chỉ là cách dập lửa dư luận chứ thực ra, anh ta vẫn bảo thủ quan điểm của mình rằng làm thế để bảo vệ môi trường. Tôi không nghĩ thế, bảo vệ môi trường có nhiều cách, đâu cứ cởi hết quần áo mới bảo vệ được môi trường?

Xin được kết thúc bài viết này bằng ý kiến của nhà báo Hà Quang Minh: "Mạng xã hội đã tạo ra một xu thế truyền thông và marketing cực mới mẻ, nhanh nhạy trong khoảng gần chục năm trở lại đây. Nhưng ở trong cơn đại hồng thủy của thông tin trên mạng xã hội, chắc chắn sẽ xuất hiện đầy rẫy, thậm chí chiếm đa số, những cách thực hiện truyền thông, marketing rất bẩn.

Mạng xã hội, với ngôn ngữ gần với đời thường, trở nên môi trường lý tưởng cho các nội dung truyền thông với ngôn ngữ khá “lầy” hoặc “bựa” (theo cách nói thông tục). Nhưng kiểm soát cái độ “lầy” và “bựa” ấy thế nào lại là một thách thức rất khó. Và khi sự dung tục đã trở thành thứ thời thượng, điều đáng sợ là chính những kẻ có được đôi chút thành tựu nhờ sự dung tục ấy lại đang đi rao giảng về cái gọi là “làm truyền thông số thế nào cho hiệu quả”.

Song, ở vào thời đại mạng xã hội là môi trường lý tưởng cho tin giả, truyền thông bẩn như hiện nay, việc cần có kiểm soát nội dung chương trình giảng dạy từ các cơ quan quản lý văn hoá là vô cùng cần thiết. Đó không phải là sự kiểm duyệt đi ngược lại tinh thần dân chủ mà là cách bảo vệ, ngăn ngừa để làm sạch môi trường thông tin, thứ không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng đang rất quan tâm".

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: Khỏa thân cũng phải đúng lúc, đúng chỗ, đúng mục đích

Mai Quỳnh Nga (ghi)

Theo tôi, vấn đề không phải là khỏa thân đẹp hay xấu, người ta có ngoại hình xồ xề, không chuẩn cũng không sao, vấn đề là mục đích, hình thức thể hiện việc khỏa thân quyết định sự văn minh của hành vi này. Khỏa thân là một hành vi mang tính tự do cá nhân. Phong trào khỏa thân xuất phát từ các nước châu Âu hàm chứa tính đánh động và phản kháng nhiều hơn. Vì không ai chứng minh được rằng khỏa thân sẽ làm tầng ozon có thể lành lại và băng ngừng tan.

Văn hóa khỏa thân chẳng qua chỉ là một hành vi phụ, hành vi kéo theo. Tức là dùng hiện tượng khỏa thân để gây sốc, gây chú ý nhằm mục đích đánh động dư luận quan tâm đến một vấn đề gốc. Nhưng khỏa thân ở nơi công cộng, di sản mà bản chất không để đi đến một mục đích gì cụ thể thì đó là phản văn hóa. Đừng lấp liếm ngụy biện rằng khỏa thân vì môi trường, vì di sản. Chẳng thà nói thẳng: khỏa thân vì quyết định cá nhân, vì muốn lưu lại bộ ảnh kỷ niệm… vẫn dễ chịu hơn.

Có vài cô người mẫu chọn đúng địa điểm phù hợp là vùng núi non, bãi biển vắng vẻ để khỏa thân và cũng dán mác cho bộ ảnh khỏa thân là bảo vệ môi trường. Nhưng các cô vẫn bị “ném đá”. Vì sao? Tại vì mục tiêu khỏa thân của các cô không rõ ràng mà rất chung chung. Nhìn vào bộ ảnh, người ta thấy các cô khoe thân là chủ yếu.

Ở phương Tây, có không ít người nổi tiếng cho đến người dân bình thường khỏa thân vì mục đích xã hội. Người ta dùng chuyện gây sốc đó để đánh động dư luận, kéo sự chú ý của dư luận về vấn đề gốc. Họ được ủng hộ vì hành vi khỏa thân có mục tiêu rõ ràng, cụ thể và chính đáng. Với ta, đó là học đòi, chơi trội. Ở Việt Nam, có hàng ngàn vấn đề cần được lên tiếng, thì họ lại không lên tiếng. Có những vấn đề rất nhảm nhí thì lại đi khỏa thân bảo vệ.

Ngoài khỏa thân đúng lúc, đúng thời điểm, đúng mục tiêu thì hình thức thể hiện cũng là vấn đề cần chú trọng. Họ phải thể hiện sao để không phản cảm. Ví dụ như tuần hành thì tuần hành thế nào. Chụp hình thì phải cho ra đời những bộ ảnh đẹp chứ không được dung tục.

Ứng xử phản cảm với di tích, hành động lố lăng tại nơi công cộng không chỉ có những hotgirl, hotboy mới nổi mà còn kéo cả những gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng. Nghệ sĩ là người thụ hưởng cũng như tuyên truyền, giúp công chúng hiểu hơn, yêu hơn di sản thông qua các tác phẩm và hoạt động nghệ thuật của mình. Tuy nhiên, ngay trong giới nghệ sĩ, nhiều người không hiểu rõ tầm quan trọng này. Họ không mấy quan tâm đến di sản nên có những ứng xử không đúng mực, thậm chí là vô văn hóa với di sản. Nguyên do bắt nguồn từ giáo dục trong nhà trường. Anh không có kiến thức, không am hiểu về di sản thì làm sao bắt anh yêu được. Mà không yêu thì làm sao họ có ý thức bảo vệ, ứng xử đúng mực với di sản.

PGS. TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn: Tâm lý đám đông - một nguồn cơn tiếp tay cho chiêu trò lố bịch

Phan Thi Uyên (thực hiện)

- Có ý kiến cho rằng, tâm lý đám đông đã khiến không ít người muốn chơi trội, thu hút sự chú ý bằng cách nhân danh văn hóa để làm trò lố bịch, giật gân. Quan điểm của PGS. TS về vấn đề này?

Có thể nói đám đông bao giờ cũng có những sức mạnh nhất định. Sức mạnh đám đông lan tỏa bằng những luồng tâm lý đôi lúc chính nó cũng không định hình. Tuy vậy, những xúc cảm tiêu cực, sự dồn nén hay những khuynh hướng thể hiện sự khó chịu, sự công kích và những biểu hiện mang tính thiếu cân bằng thường có sức mạnh đặc biệt.

Ngày nay, dễ thấy đám đông có sức chi phối lớn khi người ta tạo thành nhóm, đám đông trên thế giới phẳng. Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, lợi dụng vô điều này để “dắt mũi” dư luận, tạo sự chú ý nhưng nhiều khi chính họ cũng bị “đứt tay”.

Giới trẻ với tâm lý nhanh, nhạy, thích thể hiện cá tính và cái tôi, thích đầy mạnh những gì là lạ, thích phản ứng đôi lúc đã đẩy mình lao vào chiếc bẫy của sự ngộ nhận không thương tiếc. Đó là chưa kể những giá trị ảo có thể thành thật, những xu thế không thực sự đáng trân trọng lại thành điểm đến…

- Theo ông, tâm lý đám đông có phải là một trong 4 nguyên nhân (3 nguyên nhân khác gồm: hệ giá trị bị đảo lộn, nền giáo dục nhiều lúng túng, pháp luật chưa nghiêm minh) gây nên sự xuống cấp về văn hóa, suy thoái về đạo đức? Tác động của nó ra sao, nhất là từ khi có mạng xã hội tiếp tay?

Thực tế cho thấy có thể nói có quá nhiều trò lố trong cuộc sống làm cho những xúc cảm tiêu cực xuất hiện, những băn khoăn mang tính thiếu cân bằng, những sự buông trôi nhất định trong cảm xúc và suy nghĩ của một số người. Tôi nghĩ sự đánh giá về đạo đức của một xã hội, một lớp người cần có sự cân nhắc, nhưng riêng tôi nhận thấy những biểu hiện này có sự tồn tại nhất định.

Dễ nhìn thấy một số cá nhân có những biểu hiện vô tư hơn trong cuộc sống, hùa theo đám đông, dễ dãi với chính mình. Tất cả đều có thể phụ thuộc vào sự thiếu sâu sắc của cá nhân cũng như sức mạnh lạ kỳ của đám đông trong thực tiễn mà đôi khi chỉ từ thế giới ảo mà thôi. Chúng ta có thể nói đã quá lo lắng về một thái độ quá cuồng của đám đông, thái độ thiếu định hướng của một nhóm và thậm chí đó là sự a dua mang tính chất phi lý mà vẫn không thể nhận ra hay không thể dừng lại…

- Theo PGS. TS, để hạn chế những tác động tiêu cực của tâm lý đám đông - nguồn cổ xúy cho những cá nhân muốn bóp méo các chuẩn mực văn hóa, đạo đức, chúng ta phải làm gì?

Việc rèn luyện bản thân mình trong cuộc sống là một hành trình dài. Điều đó cần được nhìn nhận một cách toàn cục. Hơn thế nữa, cần xem xét vấn đề ở mặt giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường. Mặt khác, việc xây dựng mình thành một bộ lọc không phải không cần thiết. Chính bộ lọc thông minh này sẽ cho phép người ta tỉnh táo hơn để có thể có sự ứng xử cân bằng, văn minh dù vẫn giữ được bản lĩnh của mình trong cuộc sống.

Nhà văn Trương Huỳnh Như Trân: Họ lựa chọn không mặc, tôi lựa chọn không nhìn

Phải nói ngay rằng tôi không có tí gì lấy làm “phẫn nộ", “tức giận” với hiện tượng khoả thân trên đỉnh Mã Pì Lèng. Vì thật ra, mặc hay không mặc, mặc cái gì, đó là quan điểm cá nhân mỗi người. Tất nhiên tôi không thấy việc đó có gì hay ho cả, và như vậy không có gì để tôi bận tâm. Tại sao không lên án, không ném đá ư? Tôi không thấy việc đó làm ô nhiễm môi trường, không làm hại đến cảnh quan, di tích như cái khách sạn 7 tầng, địa điểm 4 người ấy chọn check in trong trang phục gây shock.

Với 4 anh chàng tồng ngồng đó, họ đến và rời đi, tôi được chọn lựa để mắt, để tâm tới họ hay không. Nếu tôi không quan tâm, họ sẽ biến mất. Nhưng cái khách sạn bảy tầng kia, cùng với trùng trùng bê tông cốt thép lấn lướt cảnh quan xinh đẹp ở khắp nơi trên đất nước này, nếu tôi không quan tâm, không lên tiếng, nó vẫn ở đó, vẫn tiếp tục mọc lên, môi trường sống bị ảnh hưởng, cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp bị mất mát. Đó mới là điều tôi cảm thấy shock, cảm xúc mới bị lay động.

Tôi quan tâm và cảm thấy phiền lòng khi người ta thải rác nhựa ra môi trường ngày càng nhiều, người ta hút thuốc thải khí độc vào mẹ thiên nhiên, người ta phá rừng xây biệt thự, khách sạn, núi rừng bị xẻ thịt, dòng sông bị bức tử, bụi mịn bao phủ thành phố… hơn là chàng trai cô gái nào đó hứng chí cởi đồ nơi công cộng.

Chỉ trích họ gây scandal để nổi tiếng ư? Nếu cộng đồng mạng không quan tâm, coi đó là trò lố, chẳng xứng đáng bỏ công xem, bình luận, thì làm sao họ đạt được mục đích câu like, câu view.

Có những điều cần chúng ta lên tiếng hơn những vụ “khoả thân vì môi trường” này rất nhiều. Những điều ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của chúng ta và cộng đồng như ô nhiễm môi trường, sự vô cảm của con người trước thiên nhiên, trước đồng loại,  cái ác lên ngôi… Những điều đó cần chúng ta chỉ trích, lên án, “làm nóng” mỗi ngày để đừng đi vào quên lãng, vì nó là thứ đang âm thầm làm tổn hại đến cuộc sống của cá nhân và cả cộng đồng. Nhưng những điều đó lại bị quên đi, chìm lắng, chỉ bởi những sự kiện cởi đồ, khoả thân của một ai đó.

Trở lại vụ bốn anh chàng gây bão mạng kia…. Đứa con nít 1 tuổi cũng thừa hiểu cần phải mặc quần áo khi ra ngoài. Những người lớn với thần kinh bình thường, lại “tồng ngồng" ra ngoài đường, hẳn nhiên chúng ta đều biết rõ mục đích, vậy sao còn xúm vào giúp họ mau chóng đạt được mục đích đó?

Một đứa con nít muốn người lớn quan tâm thì sẽ thường “làm chuyện để ý". Nếu người lớn lờ đi, đứa bé sẽ hiểu rằng cách đó không có tác dụng. Vậy chuyện nude hay bán nude, cởi hay không cởi, cũng chỉ là “làm chuyện để ý" thôi mà. Sao phải quá bận tâm vào một điều vô thưởng vô phạt như vậy?

Bốn anh chàng trần trùng trục giữa tiết trời giá lạnh, với tôi, chẳng khác gì việc họ mặc 7 lớp áo len giữa tiết trời nóng bức, một sở thích trái khoáy khác người thôi, chẳng có gì để ý kiến. Vì họ có quyền chọn lựa trang phục cho mình mà. Tôi xem đó là lựa chọn cá nhân, miễn nó đừng làm ảnh hưởng tới người khác. Họ lựa chọn không mặc, tôi lựa chọn không nhìn, vì chẳng có gì đặc sắc để mà chiêm ngưỡng hay bình luận.

Suy cho cùng, vụ “khoả thân vì môi trường" trên đỉnh Mã Pì Lèng này cũng có một cái “được", đó là làm cho khách sạn 7 tầng kia quay trở lại tâm điểm, để nó sớm được xử lý. Đó mới chính là điều chướng tai gai mắt cần gỡ khỏi cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Chứ những anh chàng “tô hô" kia, họ có đứng đấy mãi được đâu.
PV
.
.