Đừng để đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp

Thứ Năm, 29/08/2019, 07:49
Xin hãy ghi nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền" và "Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước".


Sau khi Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng Chương trình giao lưu toàn quốc các điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019, với chủ đề "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng" nhân dịp sơ kết ba năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và 50 năm thực hiện Di chúc của Người. Những tấm gương được tôn vinh là rất xứng đáng, góp phần lan tỏa những hành động, những việc làm cao đẹp vào đời sống xã hội.

Tuy nhiên, người dân cho rằng, buổi giao lưu này sẽ trọn vẹn và có ý nghĩa hơn rất nhiều, khi có thêm những tấm gương làm theo Bác là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, địa phương. Cả đợt thi đua sôi nổi rộng khắp với hàng loạt mô hình, điển hình nở rộ ở mọi giai tầng, nhưng lại khó nhận ra bóng dáng của các điển hình là cán bộ lãnh đạo cấp huyện, tỉnh, cấp bộ, ngành và cấp Trung ương...?

Theo chương trình giao lưu, chỉ thấy những tấm gương là cán bộ ở cấp cơ sở, từ thôn, xã và cán bộ hưu trí... Phải chăng các lãnh đạo, thủ trưởng đã nhường thành tích cho cấp dưới, họ không muốn nhận khen thưởng, không thích được nêu gương?

Nếu đúng như thế thì câu nói mà lâu nay lan truyền trong dân gian "đường sữa thì được phát từ trên xuống, cuốc xẻng thì được phân từ dưới lên" giờ đây không còn đúng nữa?

Tìm hiểu nhanh thì thấy, trong bảng danh sách tổng hợp các cá nhân đề nghị phong tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua toàn quốc" đợt 2, năm 2018 có 19 người được đề nghị và trong bảng tổng hợp ý kiến của Thường trực Hội đồng - Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương đề nghị phong tặng "Chiến sĩ thi đua toàn quốc" năm 2019 có 33 người. Lướt qua hai danh sách này, thấy ngay không có một "chiến sĩ" nào là công nhân hay nông dân cả, mà toàn là những người có chức sắc.

Ứng viên có vị trí cao nhất là Ủy viên Trung ương Đảng, rồi tới các vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Thứ trưởng, Bí thư Huyện ủy, Giám đốc Sở, Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Hiệu trưởng, Trưởng khoa… và thấp nhất là Tiểu đội trưởng. Tiêu chuẩn để xem xét đề xuất Thủ tướng Chính phủ phong tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua toàn quốc" phải bảo đảm 2 lần là Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành. Tức là người được đề nghị vinh danh phải có ít nhất 6 năm liền phấn đấu liên tục và luôn có thành tích xuất sắc.

Những người ưu tú như vậy mà tại sao lại không được chọn, không có trong danh sách các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong buổi giao lưu này? Phải chăng tâm lý e ngại, quá khiêm tốn không muốn được tôn vinh, hay là ngại "lên báo chí, truyền hình" vì sợ sẽ "lợi bất cập hại"... Hay thực chất họ chưa gương mẫu nên không dám nhận?

Quả là khó khi làm người cán bộ gương mẫu, bởi vừa phải "làm gương" và vừa phải "làm mẫu". Rất nhiều lãnh đạo hiện nay thiếu 1 trong 2 yếu tố trên, thậm chí, có người không chỉ vừa thiếu ý thức "làm gương" mà còn thiếu luôn khả năng "làm mẫu". Làm người ta nghe mình đã khó, làm kẻ khác phục mình lại còn khó hơn.

"Làm gương" xem ra dễ hơn làm mẫu. Làm gương thì còn có thể nêu "gương giả", bằng cách bề ngoài thì ra vẻ sống giản dị, nhà cửa, xe cộ bình thường, luôn tỏ ra niềm nở, chân tình với mọi người, đi xuống địa phương thì luôn nói tới tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí, nhưng bản thân thì tiếp tay cho các đối tượng tham nhũng, cất nhắc, bổ nhiệm con cái vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, xây dựng "sân sau" để nhận thầu các dự án kiếm lời…

Nhà cửa, xe sang thì mua giấu ở chỗ khác. Nhưng "làm mẫu" thì buộc phải thật, không phải cứ xông ra trước, hô hào là đủ, mà khi làm mẫu người cán bộ lãnh đạo phải làm tốt hơn cả nhân viên của mình về cả mặt chuyên môn và hiệu quả mới được. Chứ không chỉ làm qua loa, làm chiếu lệ cho xong, rồi bảo "các đồng chí cứ thế mà làm theo" thì dẫn đến đổ vỡ và sai toàn hệ thống từ trên xuống dưới là điều hiển nhiên.

Không chỉ người dân mà công chức, viên chức nhà nước cũng rất mong được nghe, được thấy những việc làm sống động, tận tụy vì dân, vì nước của cán bộ lãnh đạo, của người đứng đầu. Bởi đây sẽ là những nhân tố tích cực, có sức lan tỏa mạnh và ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội.

Xin hãy ghi nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền" và "Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước".

Theo lời dạy của Bác thì khi cán bộ không nêu gương thì tất yếu đạo đức xã hội sẽ xuống cấp và sự giả dối sẽ có dịp lên ngôi. Chúng ta và con cháu chúng ta sẽ chẳng biết tin vào đâu cả. Muốn không để đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp thì hơn ai hết, phải nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ phải luôn gương mẫu và đi đầu trong mọi việc.

Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức giao lưu điển hình toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cù Tất Dũng
.
.