Nhà văn Thiên Sơn: “Đạo đức xã hội đang sụt lở”

Thứ Bảy, 16/03/2019, 08:37
Có lẽ ít khi chúng ta lại phải chứng kiến một cuộc khủng hoảng nặng nề về đạo đức xã hội như hiện nay. Điều đó đặt chúng ta trước những thách thức và đòi hỏi sự kiến giải. Đó cũng là nội dung cuộc trò chuyện của chúng tôi với nhà văn Thiên Sơn - người luôn bám sát hiện thực và dấn thân vào đề tài đương đại với những vấn đề nóng bỏng thể hiện qua các tác phẩm gây được ấn tượng như: “Người bên lề”, “Dòng sông chết”, “Đại gia”...


- Xin chào nhà văn Thiên Sơn. Chúng ta bắt đầu câu chuyện với những dòng viết này của anh: “Ngày nay con người trở nên hung ác vô cùng. Người ta vứt bỏ đạo lý, nghĩa thầy trò, tình chồng vợ… Người ta quên nghĩa cha con… Kẻ thì giết người, kẻ thì phản trắc, kẻ thì hóa điên rồ chạy theo lợi nhuận… Trước mắt người ta không còn tình nghĩa mà chỉ có bạc vàng…”. Tâm thế của anh khi viết những dòng này?

+ Tôi viết những dòng này trong phần đầu tiểu thuyết “Đại gia” cách đây hơn mười năm, vào mùa đông của năm 2008. Lúc ấy, có lẽ thời điểm ấy rất nhiều người chưa thể hình dung ra những vấn đề cực kỳ phức tạp về đạo đức, về một cuộc tha hóa mà đến bây giờ trưng ra trước xã hội như một bức tranh đầy kinh hãi và hàng ngày người ta cứ phải chạy theo những sự kiện hết sức đau buồn. Tôi không hiểu sao mình lại viết đến như thế, ngẫm lại thấy dường như có sự mách bảo của trực giác bừng lóe thành một sự dự báo.

- Hiện thực cuộc sống hôm nay đem tới cho anh những chất liệu mới như thế nào, với mức độ cảm xúc ra sao?

+ Từ đó đến giờ tôi vẫn luôn bám sát những biến động của đời sống và tìm cách lý giải nó để đưa vào trang viết. Về mặt đạo đức xã hội, nhiều vấn đề mới đang đặt ra, thậm chí vượt qua mọi sự tưởng tượng trước đây. Mức độ của tội ác, của những mưu ma chước quỷ đang được phóng lên với kích thước khổng lồ.

Mỗi ngày trôi đi có biết bao nhiêu chuyện khủng khiếp: một đường dây đánh bạc trên mạng có hàng chục triệu tài khoản, với quy mô hàng ngàn tỉ đồng; một vụ tư túng chiếm dụng của nhà nước gần chục ngàn tỉ đồng; chuyện những ông quan cỡ lớn lần lượt vào nhà đá; chuyện người mẹ vứt con từ trên ban công căn hộ một cao ốc xuống; chuyện buôn bán người lấy nội tạng…

Thực là nhiều không kể xiết… Nhưng như chúng ta đều thấy, cuộc đấu tranh chống lại những tội ác cũng trở nên quyết liệt hơn nhiều, sự phẫn nộ của lương tâm con người cũng mãnh liệt hơn nhiều. Và những điều đó đang được phân tích, nhào nặn, trở thành chất liệu đưa vào các trang sách của tôi trong những bộ tiểu thuyết còn đang viết tiếp.

- Những câu chuyện, những vấn đề, những hệ lụy liên quan đến đạo đức xã hội đã được nhà văn Thiên Sơn chuyển tải qua nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, như tập truyện ngắn “Người bên lề”, tiểu thuyết “Dòng sông chết”, hay tiểu thuyết “Đại gia”. Ở các tác phẩm đó anh đã mổ xẻ những căn nguyên của sự xuống cấp đạo đức hiện nay như thế nào?

+ Lúc đầu tôi nhìn thấy hiện tượng. Ví dụ như trong tập truyện “Người bên lề”, tôi có viết truyện ngắn “Người đàn bà điên”. Đó là một người đàn bà điên bị cả một đám đông hỗn loạn giết chết. Đến tận sau khi cô chết nằm ở trên đường, máu me đầm đìa, người ta mới tìm thấy trong cái lều cũ ở ngoài cánh đồng một con búp bê gói trong một chiếc áo cánh phụ nữ màu đen.

Nghĩa là, đằng sau những con người tưởng chừng điên loạn đó còn có tính người, còn có tình mẫu tử. Bằng truyện này, tôi muốn nói đến sự thiếu hiểu biết, những định kiến của xã hội đang tiêu diệt con người.

Tiếp sau đó tôi viết truyện “Hắn”. Nhân vật là một tên cướp vô cùng độc ác, sau này, vợ hắn đẻ ra một đứa con mất hoàn toàn trí tuệ, và người ta bày cho hắn lấy xương sọ người để làm thuốc chữa cho con. Hắn nhớ tới vụ giết người trước kia nên đi đào lại cái sọ người, tán thành thuốc và cho đứa con đó uống. Sau đó thì đứa bé chết.

Truyện này nói tới sự vô luân đang thống trị, sự tham lam và sự vị kỷ đang làm mù quáng con người. Trong các tác phẩm của tôi, càng về sau càng đề cập đến nhiều vấn đề rộng lớn và phức tạp khác, ví dụ như những thành kiến hạn hẹp mù quáng, sự thiếu hiểu biết, sự tham lam, sự quẫn bách biến thành tội ác… Tất cả điều đó đang là tác nhân đẩy con người vào khủng hoảng đạo đức. 

- Vâng, nhưng tôi muốn hỏi căn nguyên sâu xa hơn, đẩy con người tới những hành động, đến những ứng xử rất đau lòng?

+  Gốc rễ của tình trạng mất đạo đức là sự thiếu trí tuệ, sự tham lam, sự vị kỷ. Tất nhiên những yếu tố đó bộc lộ ra thành hành động như thế nào còn lệ thuộc vào điều kiện xã hội cụ thể, các thiết chế chính trị và luật pháp và thực trạng nền giáo dục. Cho nên, ngày nay muốn cải cách xã hội, muốn biến đổi xã hội thì rất nhiều người cùng phải làm, trong đó, giới nhà văn phải đem đến sự biến đổi về mặt nhận thức. Đặc biệt là nhận thức về mặt thẩm mĩ, hướng con người tới sự rung động tinh tế, tới cái đẹp và lòng yêu thương đồng loại, đến lý tưởng cao quý vì con người, cảnh báo những điều nguy hiểm đang đe dọa con người.

-  Tiếng nói nhà văn hôm nay rất mờ nhạt trong xã hội, nhà văn chưa thực sự nhập cuộc, chưa thực sự đối diện và mổ xẻ trước sự suy thoái của đạo đức xã hội. Nhận xét này có “vơ đũa cả nắm” không, thưa anh?

+ Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng văn học mất dần vị thế trong đời sống xã hội. Trong đó đáng nói là văn hóa nghe nhìn lên ngôi, văn hóa đọc đang suy thoái; sự chèn lấn của công nghệ vào nhu cầu tinh thần, giải trí của con người…

Cũng cần nói thêm về những yếu tố cản trở tự do sáng tác và công tác xuất bản, phát hành còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, tôi nghĩ, để văn học rơi vào tình trạng hiện nay thì trước hết, giới nhà văn phải tự đánh giá về năng lực và trách nhiệm của mình.

Nếu nhà văn chỉ nói những tiếng nói bình thường như mọi người, không tạo được một ấn tượng riêng biệt, độc đáo, không dấn thân một cách mạnh mẽ thì anh ta sẽ thất bại. Đạo đức, tài năng của nhà văn và sự dấn thân, sự táo bạo, dũng cảm và sự lao động cần cù sẽ tạo nên tác phẩm có giá trị. Nhà văn phải có ý thức về sứ mệnh của mình trước cộng đồng. Đó không phải là một tuyên ngôn to tát mà là một điều cốt yếu. Không có ý thức về sứ mệnh, anh đừng làm nhà văn. Ông Lỗ Tấn, khi đang theo học ngành y ở Nhật Bản, một lần xem cái cảnh người Trung Quốc đứng cạnh nhau, nhe những hàm răng đen xỉn ra và cười trước những người Nhật đang hành quyết người Trung Hoa, ông hết sức đau xót và ông nghĩ: “Đói hay ốm mà chết là điều bình thường, nhưng sống mà ngu xuẩn thì thật kinh khủng”.

Sau đó, ông bỏ luôn nghề y, chuyển sang làm nghề viết văn với mục đích làm thay đổi nhận thức của xã hội. Câu chuyện ấy luôn để lại trong tôi một bài học sâu sắc. Tất nhiên, cũng phải nói thêm rằng, những con người có tài năng xuất chúng và bản lĩnh phi thường thì thời nào cũng hiếm. Hiện nay, không phải không có tài năng, nhưng đôi khi tài năng bị những cái làng nhàng, bị lối truyền thông cánh hẩu, bị sự trục lợi và vô trách nhiệm của một số người làm mờ nhòa đi và chúng ta dễ đẩy chúng vào cảnh phủ nhận sạch trơn hoặc hoang mang vì vàng thau lẫn lộn.

-  Vậy theo anh nhà văn phải làm gì để thực sự có tác phẩm hay? Có những nhà văn nào gây cho mình ấn tượng sâu sắc trong văn học đương đại?

+  Để tạo nên tác phẩm có giá trị, tôi nghĩ, nhà văn phải thâm nhập sâu sắc vào đời sống, nắm lấy những chi tiết, những điển hình, phải nói được những điều người khác chưa nói hoặc không nói. Trong quá khứ, có những nhà văn đã làm được một cách thành công.

Chẳng hạn, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, năm 1986, viết truyện ngắn “Tướng về hưu”, trong đó có chi tiết cô con dâu ông tướng, là bác sĩ sản khoa, lén mang thai nhi về, xay ra làm thức ăn nuôi những con chó cảnh để bán, lấy tiền và làm giàu. Khi đã giàu, một lần cô ta cầm một nắm tiền gí vào mặt ông chú chồng và nói: “Cái này, chỉ có cái này mới là quyền lực thật sự, sức mạnh thật sự”.

Tôi cho đó là lời cảnh báo sâu sắc về sự lên ngôi của đồng tiền khi nước ta bắt đầu xây dựng kinh tế thị trường. Khi đồng tiền lên ngôi, đồng tiền có sức mạnh mà không có sự kiểm soát của đạo đức, của nhận thức thì nó sẽ giẫm đạp lên tất cả mọi giá trị, làm nghiêng lệch xã hội, hủy hoại những giềng mối đạo đức. Và chúng ta thấy, đến nay sự dự đoán ấy đã đúng, khi đồng tiền như một cơn xoáy lốc đang làm điên đảo cả xã hội, gây nên biết bao bi kịch đau lòng.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Vũ Anh Thư (thực hiện)
.
.