Dòng phim hôn nhân-gia đình: “áp đảo” truyền hình Việt

Thứ Bảy, 16/09/2017, 08:03
Thay cho những bộ phim hình sự hay chính luận đang tạm thời lắng xuống, phim về đề tài hôn nhân - gia đình đang trỗi dậy mạnh chiếm lĩnh màn ảnh Việt.


Ngay sau khi những bộ phim gây sốt trong dư luận như "Sống chung với mẹ chồng", "Người phán xử" kết thúc, một loạt những bộ phim được hứa hẹn là kịch tính và nóng hổi không kém lập tức chiếm sóng màn ảnh như "Ngang phố", "Ngược chiều nước mắt", "Ghét thì yêu thôi", "Đi qua mùa hạ"... Điều đáng nói là dù cốt truyện khác nhau nhưng hầu hết những bộ phim này đều có đề tài hôn nhân gia đình, các câu chuyện xoay quanh mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình hiện đại. Thay cho những bộ phim hình sự hay chính luận đang tạm thời lắng xuống, phim về đề tài hôn nhân - gia đình đang trỗi dậy mạnh.

Không thể phủ nhận, sau một thời gian rơi vào tình trạng tẻ nhạt, nhàm chán, kém hấp dẫn khán giả, phim truyền hình Việt đã có sự thay đổi, khởi sắc mạnh mẽ. Bằng chứng là những bộ phim gần đây như "Hôn nhân trong ngõ hẹp", "Sống chung với mẹ chồng", "Người phán xử"... đã nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Việc những bộ phim này kết thúc, hẳn đã đặt Trung tâm sản xuất phim truyền hình vào mối lo lắng không hề nhỏ: làm thế nào để những bộ phim phát sóng sau đó không khiến khán giả thất vọng và thu hút được dư luận như những bộ phim trước đó.

Phim “Ngược chiều nước mắt” đề cập đến nhiều vấn đề trong gia đình hiện đại.

Ngoại trừ bộ phim "Vực thẳm vô hình" là phim truyền hình được sản xuất ở phía Nam, mang hơi hướng hình sự, thì hầu hết những bộ phim đang được phát sóng hiện nay đều lấy chủ đề gia đình với những phức tạp đan xen làm nội dung phản ánh. "Ngược chiều nước mắt" - bộ phim mới nhất của đạo diễn Vũ Minh Trí được ví như tiếp nối mạch nguồn được mở từ "Bánh đúc có xương", "Hôn nhân trong ngõ hẹp", "Sống chung với mẹ chồng"...

Phim xoay quanh câu chuyện về gia đình ông Lâm - vốn được biết đến là nề nếp, gia phong. Ba người con của ông Lâm là Thành, Sơn, Trang đều đã khôn lớn và thành đạt. Nhưng những sóng gió bắt đầu ập đến khi họ đón thêm những thành viên mới trong gia đình. Vẫn khai thác những đề tài muôn thuở trong các mối quan hệ gia đình nhưng "Ngược chiều nước mắt" lại mạnh dạn đề cập đến những khía cạnh vô cùng gai góc, nhạy cảm như mối quan hệ anh rể - em dâu, hành trình làm mẹ đơn thân của một cô sinh viên trẻ...

Xuyên suốt bộ phim, khán giả sẽ được chứng kiến quá trình rạn vỡ và hàn gắn của một gia đình hiện đại. Thế giới nội tâm phức tạp, đầy biến động của các nhân vật cũng được phản ánh chân thực và rõ nét. Những điều táo bạo ấy đã khiến bộ phim mang một màu sắc hiện đại và khác biệt. Không chỉ có vậy, "Ngược chiều nước mắt" còn hứa hẹn sẽ thu hút khán giả nhờ dàn diễn viên trẻ nổi tiếng hiện nay như Huyền Lizzie, Mạnh Trường, Thu Quỳnh, Anh Dũng, Phương Oanh... bên cạnh những gương mặt gạo cội như NSND Lan Hương, NSƯT Hoàng Hải...

Thế chỗ vào khung giờ phát sóng của "Người phán xử" là bộ phim "Ghét thì yêu thôi". Phim là câu chuyện về cặp đôi trái Kim và Du. Kim là nữ vũ công, bất ngờ bị hủy hôn khi đang háo hức chuẩn bị cho đám cưới của mình. Chuyển sang làm ở một trung tâm thể dục thẩm mĩ, Kim gặp Du, một huấn luyện viên boxing trực tính và bốc đồng. Hai cá tính mạnh mẽ khác nhau đã liên tục có những va chạm nảy lửa...

Ngoài ra, phim có sự góp mặt của 2 nghệ sĩ hài nổi tiếng miền Bắc là NSƯT Chí Trung và nghệ sĩ Vân Dung, vào vai ông Quang, bà Diễm. Hai người vốn là bạn học cấp 3 cùng nhau. Sau những biến cố cuộc đời, bà Diễm trở thành một bà mẹ đơn thân, nhí nhảnh, ảo tưởng vào nhan sắc, ông Quang làm nghề buôn đồ giả cổ, là cao thủ trong giới "ăn vạ", thông minh và có phần "nham nhở".

Họ gặp lại nhau theo kiểu "tình cũ không rủ cũng tới" với đủ chuyện bi - hài... "Ghét thì yêu thôi" khai thác những mối quan hệ tình cảm cha mẹ - con cái, tình đồng nghiệp, tình yêu dù ở lứa tuổi nào nhưng cũng đều chứa đựng những tình huống dí dỏm, hài hước. Bên cạnh sự góp mặt của những nghệ sĩ hài thì những diễn viên trẻ như Phương Anh, Đình Tú, Danh Tùng, Thùy Trang... đã làm nên những sắc màu trẻ trung cho bộ phim.

Được biết tới với vai trò đạo diễn của những bộ phim có đề tài hình sự như "Cổ cồn trắng", "Vệt nắng cuối trời", lần này đạo diễn Trần Hoài Sơn lại thử sức với một bộ phim về đề tài gia đình có tên gọi "Giao mùa". Phim đi sâu khai thác những góc cạnh khác nhau của cuộc sống người Hà Nội, qua đó một Hà Nội dần hiện ra rõ nét với những màu sắc đặc trưng.

Một cảnh trong phim “Ghét thì yêu thôi”.

Đạo diễn Trần Hoài Sơn cho rằng anh làm phim này để dành tặng những người Hà Nội, có lẽ vì thế mà phim có lối kể chuyện trầm lắng với những tình huống vui - buồn của đời người, lúc lại trẻ trung, hài hước theo nhịp sống hiện đại. Anh cũng mô tả cuộc sống của người Hà Nội với những góc nhìn khác nhau: đó là khát khao lập nghiệp của thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên khi đất nước hòa bình, là cách nghĩ và nếp sống của các thế hệ trước đó hay cả những khác biệt, mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ trong cùng một gia đình...

Phim về đề tài hôn nhân - gia đình còn phải kể tới "Đi qua mùa hạ" phát sóng vào chiều Thứ 7, chủ nhật hàng tuần. Mặc dù nhân vật chính của phim là những bạn trẻ với khát vọng và không ít gian nan khi bắt đầu vào ngưỡng cửa cuộc đời nhưng đồng thời phản ánh những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hiện đại cả ở thành thị và nông thôn. Những mối quan hệ ngoài luồng, những định kiến tồn tại trong suy nghĩ... là những điều mà những người trong cuộc phải đối mặt và giải quyết...

Có thể nói, các bộ phim truyền hình khai thác các mối quan hệ trong gia đình, những vấn đề về ứng xử, hạnh phúc - hôn nhân gia đình, sự khác biệt giữa các thế hệ dưới một mái nhà... đang giành được thiện cảm từ phía khán giả. Sở dĩ, hôn nhân - gia đình trở thành đề tài được không ít nhà làm phim truyền hình ưa chuộng bởi bản thân gia đình là một đề tài khá rộng. Những người làm phim có thể khai thác, phản ánh ở nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau.

Đồng thời, gia đình luôn là thành tố của xã hội và nó có những vấn đề mà dù ở thời nào cũng được con người quan tâm. Xem những bộ phim như "Hôn nhân trong ngõ hẹp", "Sống chung với mẹ chồng" và gần đây là "Ngang phố", "Ngược chiều nước mắt", khán giả dường như bắt gặp đâu đó những tình huống, câu chuyện từng xảy ra trong gia đình mình. Những bài học về cách đối nhân xử thế, cách giải quyết mâu thuẫn trong một gia đình có nhiều thành viên trong phim là kinh nghiệm quý cho bất kỳ ai cũng có thể tham khảo.

Ngoài ra, làm phim về đề tài hôn nhân - gia đình có khá nhiều thuận lợi cho các nhà làm phim. Số lượng kịch bản nhiều hơn vì hầu như ai cũng có thể viết được về đề tài này. Cùng một mối quan hệ vợ chồng, mẹ chồng - con dâu nhưng những nhà làm phim có thể phản ánh ở nhiều góc độ khác nhau. Những câu chuyện không bao giờ cũ về các mối quan hệ phức tạp trong gia đình là cái cớ để các nhà biên kịch viết mãi không hết chuyện, đáp ứng được lịch phát sóng dày đặc của các kênh truyền hình.

Ngoài ra, dòng phim khai thác đề tài gia đình cũng phù hợp với tốc độ làm phim truyền hình hiện nay. Khi câu chuyện phim quanh quẩn về những chuyện trong gia đình thì bối cảnh cũng đơn giản, dễ thực hiện. Theo đó, kinh phí làm phim cũng dễ chịu hơn trong điều kiện các đạo diễn luôn phải "liệu cơm gắp mắm".

Ngay cả với diễn viên, khi nhập vai vào những bộ phim có đề tài này cũng là một thuận lợi bởi họ đã từng là con, là em, là anh, là bạn, là cha mẹ... và có khi đã từng phải đối diện với những câu chuyện này. Có diễn viên chia sẻ, thậm chí họ không cần phải diễn mà hoàn toàn nhập vai tự nhiên như ngoài đời.

Dù là một đề tài quen thuộc nhưng rõ ràng hôn nhân gia đình là một đề tài lớn. Thậm chí, với những đất nước có nền điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, Ấn Độ... thì chỉ với đề tài này thôi, họ đã làm hàng nghìn tập phim thu hút khán giả cả trong và ngoài nước. Chính vì vậy, ở một khía cạnh nào đó, khi phim truyền hình nở rộ phim về đề tài này cũng là một tín hiệu vui. Mong rằng, các nhà làm phim sẽ tận dụng được thế mạnh từ mảnh đất màu mỡ này để tạo nên những bộ phim hấp dẫn, thu hút khán giả.

Thảo Duyên
.
.