Điện ảnh phải là một thị trường
- “Kiều @” đương đầu COVID-19 để phục hồi thị trường điện ảnh?
- Điện ảnh Việt đầu năm: Kẻ khóc người cười
Con số ấy chắc chắn là một động lực rất lớn cho những nhà sản xuất phim khi nó mở ra những hi vọng có thật từ thị trường điện ảnh Việt. Song, nó cũng là một nỗi “tị hiềm” không nhỏ đối với nhiều nhà sản xuất khác, những người từng thất bại thảm hại chỉ sau 1 tuần đưa phim ra rạp.
Đã từng có nhiều câu chuyện cùng chung một mẫu số trong làng điện ảnh Việt là chuyện “phim Việt bị ép suất chiếu”. Không ít nhà làm phim khóc dở mếu dở và lên tiếng trên truyền thông tố các chủ cụm rạp chơi ép phim của mình khi đưa vào các khung giờ “hiểm” hoặc bớt suất chiếu so với các phim khác. Tình trạng ấy là có nhưng thực sự có phải là phổ biến hay không?
Thật sự, việc một ông lớn của nền điện ảnh giải trí thế giới đang lũng đoạn thị trường điện ảnh Việt Nam là có. Nếu mở xem lại một loạt phim Việt gần đây, chúng ta dễ nhận ra tên tuổi của ông lớn này đứng chung một liên doanh với các hãng phim nội.
Ngoài việc tham gia sản xuất, ông lớn ấy còn sở hữu cụm rạp mạnh, đồng thời là một trong những đơn vị nhập khẩu và phát hành phim ngoại hàng đầu ở Việt Nam. Như vậy, khả năng thao túng là có và nó dễ dẫn đến sự ngờ vực tính công bằng trong cạnh tranh trên thị trường điện ảnh giải trí.
Nhưng thực ra, không chỉ một mình ông lớn nước ngoài kia tham gia thị trường trong cả ba vai: sản xuất - nhập khẩu phim - cụm rạp phát hành. Các hãng phim nội địa hàng đầu cũng đều bao trọn cả ba khâu này. Rõ ràng, họ nhận biết được cạnh tranh khốc liệt thế nào và họ buộc phải tham gia mọi quá trình trong chuỗi cung ứng giải trí này. Vậy có hay không sự chèn ép?
Hãy nhìn vào phim “Bố Già” của Trấn Thành, và kiểm chứng thật kỹ với các phim có lãi trong suốt hơn 10 năm qua, chúng ta sẽ nhận thấy vẫn có những phim không phải con đẻ của các đại gia sở hữu cụm rạp đã thắng lớn.
Vấn đề ở đây rất đơn giản. Chủ cụm rạp luôn đo đếm, định lượng khả năng doanh thu của các phim mới công chiếu thông qua 3 ngày đầu và rộng hơn là 1 tuần đầu. Nếu phim không ăn khách, họ buộc phải huỷ suất chiếu để dành cho các phim ăn khách hơn. Đó là quy luật cơ bản của thị trường, quy luật cung cầu. Chính quy luật này chứ không phải là yêu - ghét vị kỷ của các chủ cụm rạp mới là thứ quyết định sống còn cho một bộ phim.
Chắc chắn sẽ có ưu ái hơn cho phim con đẻ của hãng và phim phát hành thuê cho nhà sản xuất khác nhưng ưu ái ấy không thể trắng trợn. Chủ cụm rạp còn phải gánh nhiều loại chi phí, từ bất động sản cho tới lương nhân viên, từ thuế cho tới năng lượng tiêu thụ v.v... và v.v... Do đó, họ không thể hi sinh doanh số của mình chỉ vì những lý do cảm tính được.
Song, điều đáng nói nhất ở thị trường điện ảnh Việt hiện nay chính là chưa có sự chặt chẽ trong việc thực hiện các quy định về cạnh tranh lành mạnh. Chính vì thế mới tồn tại tình trạng kêu ca bất công. Nếu nhìn nhận điện ảnh là một thị trường, nó sẽ gồm có các lực lượng: nhà sản xuất, người bán sỉ (nhập khẩu phim, tổng phát hành), và lực lượng bán lẻ (các rạp, cụm rạp).
Khi một cá nhân, tổ chức được bật đèn xanh tham gia toàn bộ các khâu trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị này, nỗi lo độc quyền hoặc cạnh tranh không lành mạnh sẽ lập tức xuất hiện. Đã đến lúc cần phải chặt chẽ lại, để điện ảnh được trả về đúng nghĩa như một thị trường giải trí. Và để làm được điều đó, không chỉ quy hết trách nhiệm cho ngành văn hóa, mà nhiều ngành khác cũng phải chung tay chịu trách nhiệm và chống lũng đoạn thị trường.