Di sản nghệ thuật Trần Văn Cẩn: Ứng xử thế nào cho đúng?

Thứ Bảy, 02/11/2019, 08:01
Trong bài "Người đi theo mép biển" đăng trên Văn nghệ Công an cách đây ít số, họa sĩ Trần Huy Oánh đã kể với chúng ta niềm nuối tiếc cuối đời của danh họa Trần Văn Cẩn. Sự nuối tiếc có thể hiểu được khi một người nghệ sĩ không còn đủ thời gian và sức lực để làm những điều mình muốn, để vươn tới tầm cao không có điểm dừng của nghệ thuật.


Tuy nhiên, khi tổng kết toàn bộ cuộc đời nghệ thuật danh họa Trần Văn Cẩn, không ai có thể phủ nhận tài năng, trí tuệ và những cống hiến của ông. Di sản ông để lại đã vượt khỏi dấu ấn cá nhân của một người làm nghệ thuật, góp tiếng nói tạo nên cả một thế hệ chuyển mình trong nền Mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

1.Là 1 trong 149 sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ Trần Văn Cẩn - người thường được nhắc đến với bức tranh "Em Thúy" là 1 danh họa trong 2 bộ tứ thời kỳ đầu của mỹ thuật Việt Nam hiện đại: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn; và Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái. Năm 1946, họa sĩ Nguyễn Tường Lân mất, những năm sau đó các họa sĩ thuộc bộ tứ lần lượt qua đời; đến năm 2016, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm cũng đã khép lại vòng sinh - tử thế hệ họa sĩ tài danh này.

Điều lý tưởng nhất đối với một nghệ sĩ sau khi qua đời, là các tác phẩm được giữ trọn vẹn, tại đất nước mình để công chúng sau này được biết đến và thưởng thức. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tượng "chảy máu tranh" Việt Nam ra nước ngoài vẫn đang phổ biến, thì việc giữ gìn từng bức tranh, từng đứa con tinh thần của người nghệ sĩ theo ý nguyện, là điều không đơn giản.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, ngoài các bức tranh "Em Thúy", "Gội đầu", "Tát nước đồng chiêm", "Thằng cu đất mỏ", "Mưa mai trên sông Kiến", "Mùa thu đan len", 5-6 tranh áp phích, cổ động đã được Bảo tàng Mỹ thuật sưu tầm nhân triển lãm cá nhân duy nhất khi họa sĩ 70 tuổi (1980), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã sưu tầm thêm 100 ký họa màu nước của ông. Số tranh còn lại họa sĩ Trần Văn Cẩn đã di chúc cho nhà điêu khắc Trần Thị Hồng (1946-2017), người học trò - bạn đời của ông trông nom.

Bức tranh “Tát nước đồng chiêm” của danh họa Trần Văn Cẩn hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Trong bản di chúc viết tại nhà riêng, ngày 26-10-1990, họa sĩ Trần Văn Cẩn ghi: "Sau này, khi tôi qua đời, tôi để lại toàn bộ tài sản của tôi cho cô Trần Thị Hồng. Tài sản gồm có: Toàn bộ tranh do tôi sáng tác đã xong, hoặc dở dang, hiện còn lưu trữ tại 10 Nguyễn Thượng Hiền và được quyền thay tôi hưởng bản quyền in ấn, nhuận bút tác phẩm do các cơ quan báo chí in ấn, xuất bản, sử dụng hoặc mượn để làm triển lãm, cùng với tất cả đồ nghề cùng đồ sinh hoạt cá nhân và các tài sản khác của tôi… Mong cô gìn giữ, bảo vệ những tác phẩm đồ nghề cũng như tất cả các tài liệu, sách vở của tôi cũng như khi tôi còn sống".

Gần 4 năm, sau khi soạn di chúc, họa sĩ Trần Văn Cẩn qua đời (tháng 7-1994).

2.20 sống bên nhau nhiều kỷ niệm và hạnh phúc, bà Trần Thị Hồng đã ý thức rõ tầm quan trọng của việc gìn giữ di sản họa sĩ Trần Văn Cẩn để lại. Bà rất cẩn trọng trong việc bảo vệ di sản này, tìm cách để vinh danh di sản cũng như sự nghiệp của danh họa, nhưng chưa thực hiện được đúng ý. Sau nhiều năm bị bệnh (ung thư), ngày 12-2-2017 bà Hồng qua đời. Do vẫn tin vào khả năng sống, và muốn chính mình hoàn thành những dự định dang dở đối với di sản của họa sĩ Trần Văn Cẩn, nên bà Hồng không để lại di chúc hoặc ủy quyền cho bất kỳ ai thay bà tiếp nhận, trông nom di sản của danh họa.  

Những di sản này, bên cạnh giá trị nghệ thuật, còn trị giá rất lớn về mặt tiền bạc; nhiều người có quan hệ, quen biết bà Hồng đều quan tâm.

Trong số những người nhiều khả năng được ủy quyền tiếp nhận di sản, có 3 nhóm chính: Thứ nhất là một Việt kiều Mỹ về nước từ năm 2008 có quan hệ thân thiết với bà Hồng. Người này là bạn học cùng Trường Mỹ thuật (khóa II lớp Sơ Trung, sau bà Hồng 1 khóa). Thứ hai là Chủ tịch Hội đồng quản trị của một ngân hàng, có am hiểu về nghệ thuật, qua bà Hồng đã từng mua một số tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Thứ ba là 8 người em cùng cha khác mẹ với bà Hồng ở Đồng Tháp, trong đó một số người thuộc diện có chức sắc trong các cơ quan công quyền ở huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp.

Nhận thấy sự phức tạp của việc thừa kế nên ngay khi bà Trần Thị Hồng vào điều trị ở bệnh viện (tháng 11.2016); nhóm họa sĩ khóa I, II lớp Sơ Trung Mỹ thuật là bạn học với bà Hồng, trong đó có Đại tá Công an về hưu - họa sĩ Nguyễn Lê Vinh đã liên hệ với cơ quan chức năng cùng những người thân của bà Hồng làm báo cáo, trình bày sự việc để bảo vệ nguyên vẹn toàn bộ di sản tranh, tài sản của họa sĩ Trần Văn Cẩn và bà Hồng để lại trong khi bà Hồng nằm viện vắng mặt ở nhà, và sau khi bà qua đời.

Di sản tranh họa sĩ Trần Văn Cẩn để lại, sau kiểm kê ngày 28-2-2017 tại nhà 27C/416 Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) gần như được giữ trọn vẹn, gồm: 60 bức sơn dầu (trong đó 14 bức đã bị mang ra khỏi nhà, sau đó được trả lại 5 bức), 2 bức sơn mài và 1.544 bức tranh giấy, ký họa nhiều kích cỡ.

Di sản tranh này cùng các tài sản khác (2 ngôi nhà, 6 sổ tiết kiệm đứng tên bà Hồng trị giá 18 tỉ đồng, các vật dụng cá nhân), căn cứ vào luật pháp, 8 người em cùng cha khác mẹ của bà Hồng được thừa hưởng.

3."Kết quả gìn giữ được di sản tranh và tài sản của họa sĩ Trần Văn Cẩn và nhà điêu khắc Trần Thị Hồng được giới Mỹ thuật đánh giá là một thành quả tốt đẹp và nhân văn, được coi là một sự kiện Mỹ thuật năm 2017. Đây là việc làm vô tư, xuất phát từ lòng kính trọng nhân cách, trí tuệ, tài năng của họa sĩ Trần Văn Cẩn và tình cảm bạn học với bà Trần Thị Hồng", theo Đại tá Nguyễn Lê Vinh và nhóm cựu học sinh lớp Sơ Trung Mỹ thuật khóa I, II.

Đánh giá di sản họa sĩ Trần Văn Cẩn để lại, không chỉ ở giá trị vật chất, mà lớn hơn còn có ý nghĩa về mặt nghệ thuật - đóng góp cho sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Mong muốn mà họa sĩ Trần Văn Cẩn viết trong di chúc trao lại cho bà Hồng trở thành ý nguyện, tâm niệm, trăn trở của bà lúc còn sống. Đó là ra được cuốn sách tổng kết cuộc đời, sự nghiệp của họa sĩ Trần Văn Cẩn và thành lập một quỹ Mỹ thuật mang tên danh họa góp phần phát triển sự nghiệp, mỹ thuật Việt Nam.

Những người thừa kế không am tường nghệ thuật đã quyết định bán rất nhanh toàn bộ những tác phẩm và kỷ vật lưu niệm của danh họa. Số tiền thu được rất lớn, chưa kể 18 tỉ từ sổ tiết kiệm của bà Hồng (thu được từ tháng 4-2017) và tiền bán ngôi nhà 27C/416 sau đó. Hiện nay toàn bộ tác phẩm này vẫn ở trong nước, trong bộ sưu tập một nhà sưu tầm Việt Nam, mở ra cơ hội cho chính người Việt có thể được tận mắt thưởng lãm các tác phẩm của danh họa.

Theo ông Nguyễn Lê Vinh, từ đầu năm 2018, sau nhiều lần trao đổi điện thoại, gửi thư từ cho một số người em của bà Hồng với mục đích động viên trách nhiệm, nghĩa cử của họ trong việc trích ra một phần số tiền tương xứng với công sức, trí tuệ, tài năng cả cuộc đời lao động nghệ thuật của danh họa Trần Văn Cẩn để lại, để triển khai thực hiện di chúc của danh họa và ý nguyện của nhà điêu khắc Trần Thị Hồng, nhưng các ông đã không liên lạc được và cũng không được hồi âm lại.

Các họa sĩ, nhà điêu khắc giới mỹ thuật Việt Nam, công chúng yêu nghệ thuật mong muốn những người được thừa kế di sản sớm có trách nhiệm và nghĩa cử đẹp đối với di sản của danh họa Trần Văn Cẩn và ý nguyện của bà Trần Thị Hồng, như đại diện gia đình - ông Trần Quốc Sơn đã phát biểu trong lễ tang bà Hồng ngày 15-2-2017 tại Hà Nội.

Nếu chúng ta không nhanh chóng, thì việc thực hiện cuốn sách tổng kết đầy đủ cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của danh họa không thể hoàn thành - vì những nhà nghiên cứu mỹ thuật, những họa sĩ, học trò thân cận với danh họa thời gian ông còn sống đều đã ở vào tuổi "xưa nay hiếm". Và chưa đầy 1 năm nữa (năm 2020) chúng ta kỷ niệm 110 năm ngày sinh của danh họa.

Trong khi, cùng thời với danh họa Trần Văn Cẩn, danh họa Bùi Xuân Phái đã được gia đình thành lập và duy trì quỹ Bùi Xuân Phái, sẽ bước sang năm thứ 13 (2008-2020) trao giải thưởng "Vì tình yêu Hà Nội" để tôn vinh những đóng góp, cống hiến có tác động xã hội rộng rãi, tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. 

Hải An
.
.