Cựu tổng thống Barack Obama về hưu vẫn kiếm bộn tiền

Thứ Ba, 08/08/2017, 08:00
Rời Nhà Trắng, khép lại sau lưng quãng thời gian làm Tổng thống Mỹ hai nhiệm kỳ liên tục, có vẻ như vợ chồng Barack Obama càng giàu có khi kiếm bộn tiền nhờ vào các hợp đồng diễn thuyết và viết sách. Thông tin mới nhất, vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ đang chuẩn bị ra mắt hai cuốn hồi ký song đôi và hiện một trong những nhà xuất bản lừng danh đã bỏ ra 60 triệu đô la (tương đương 1.300 tỷ Việt Nam đồng), một số tiền kỷ lục nhất từ trước đến nay để được quyền in ấn và phát hành bộ đôi hồi ký này.


Ra mắt bộ đôi hồi ký đình đám

Truyền thông thế giới đang tràn ngập trong thông tin về hai cuốn hồi ký của vợ chồng Cựu Tổng thống Barack Obama với giá tiền bản quyền khủng hơn 60 triệu đô la . Đây là cặp hồi ký riêng của hai vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ, song bản quyền của hai cuốn sách được gộp trong một hợp đồng xuất bản chung. Nhà sách lừng danh Penguin Random House có trụ sở tại New York - đơn vị từng xuất bản ba cuốn sách trước của Obama - là nơi chi 60 triệu đô la để giành được hợp đồng xuất bản hai cuốn hồi ký lịch sử này.

Với số tiền bản quyền khủng, đây là hai cuốn hồi ký có xuất bản phí lớn nhất từ trước đến nay, đồng thời đưa tên tuổi cặp vợ chồng cựu Tổng thống Barack và Michelle Obama lên hàng đẳng cấp mới, vượt xa những cuốn hồi ký nổi đình nổi đám được xuất bản trước đó của các cựu Tổng thống: Bill Clinton, George W. Bush; cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.

Hãng thông tấn AP đưa tin, cựu Tổng thống  Barack Obama đã thuê các luật sư nổi tiếng là Robert Barnett và Deneen Howell đứng ra đàm phán ký kết và xử lý các hợp đồng viết sách của mình. Ông Barnett cũng từng đại diện cho nhà Clinton và ông Bush trong các hợp đồng viết sách trước đó.

Tờ The New York Times tiết lộ lịch sử chưa từng có thỏa thuận về quyền xuất bản nào của một tác giả được trả cao như vậy. Người từng kiếm được nhiều nhất từ tiền bản quyền là James Patterson, nhận từ nhà xuất bản Hachette 150 triệu USD cho 17 cuốn sách năm 2009.

Tính ra, mỗi cuốn của James Patterson chỉ đạt hơn 10 triệu USD, không thể bằng 60 triệu USD/ 2 cuốn của vợ chồng Barack Obama. Số tiền khủng khiếp này làm lu mờ những người tiền nhiệm từng xuất bản hồi ký và thu lợi đáng kể trước họ. Đó là cuốn hồi ký "My Life" của Bill Clinton, phát hành vào năm 2004 với thỏa thuận 15 triệu USD; "Decision Points" (2010) của George W. Bush với 10 triệu USD; "Living History" (2001) và "Hard Choices" (2014) của Hillary Clinton với lần lượt 8 và 14 triệu USD.

Vợ chồng Tổng thống Barack Obama.

Tổng thống đương nhiệm Donald Trump thậm chí chỉ nhận tác quyền 500.000 USD cho "The Art of the Deal" (chia cho cả tác giả và người chấp bút). Tuy nhiên, sau đó cuốn sách lại đem về cho ông một số tiền lớn khi bỗng dưng quay lại danh sách "Những cuốn sách bán chạy nhất năm 2004" nhờ thời điểm đó, ông Donald Trump tung ra chương trình "The Apprentice" và lúc ông công bố ứng cử tổng thống Mỹ vào năm 2015.

Trước đây, Barack Obama, chủ nhân của giải Nobel Hòa bình, đã viết hai cuốn sách "Dream of my father" (Những giấc mơ từ cha tôi) vào năm 1995 và "The audacity of hope" (Hy vọng táo bạo) năm 2006, cả hai đều được xuất bản tại Pháp năm 2007 trên trang báo Presses de la cité và trong một cuốn sách dành cho trẻ em "Of Thee I Sing: A Letter to My Daughters" (Về con, Cha hát), xuất bản tại Pháp năm 2011 tại NXB La Martinière, và hồi ký "Dreams from My Father" năm 2004.

Tạp chí Forbes cho biết những cuốn sách của Obama đều thành công, kiếm được hàng chục triệu USD.  Barack Obama được đánh giá là một trong những tác giả hay nhất trong số Tổng thống Mỹ hiện đại, và các cuốn sách của ông bán chạy nhất, thu về hàng triệu bản. Trong số đó, hai cuốn sách  "Dreams from My Father" phát hành năm 1995 và "The Audacity of Hope" năm 2006 được xem là quan trọng đánh dấu mốc trong con đường vào Nhà Trắng để trở thành Tổng thống da màu đầu tiên ở Mỹ của Barack Obama.

Không kém cạnh chồng, và chứng tỏ tài năng trong lĩnh vực bút sách, bà Michelle Obama cũng đã viết cuốn "American Grown" về thực phẩm và làm vườn, phát hành năm 2012 gây nhiều tiếng vang khi bà là Đệ nhất phu nhân.

Theo nguồn tin từ hãng thông tấn AP, hai cuốn hồi ký sắp tới sẽ kể về cuộc sống của gia đình Obama trong những năm ở Nhà Trắng một cách chân thật nhất, kỹ lưỡng nhất về nhiệm kỳ tổng thống của ông. Còn bà Obama viết một tác phẩm truyền cảm hứng cho giới trẻ rút ra từ câu chuyện cuộc đời bà. Đó là hành trình lột xác từ gốc gác con cháu của những người nô lệ da đen ở Mỹ, bà Michelle đã trở thành Đệ nhất Phu nhân đa đen đầu tiên của nước Mỹ nhận được nhiều sự kính trọng và yêu thích của công chúng.

Cựu Tổng thống Mỹ Obama từng nhiều lần tuyên bố, bản thân ông có "sự nhạy cảm của người viết sách" và từng nói rằng ông không muốn viết một quyển sách tẻ nhạt miêu tả tỉ mỉ theo truyền thống về thời gian khi ông ở Nhà Trắng. Điều đó có nghĩa rằng, cựu Tổng thống người da màu đầu tiên của Mỹ sẽ tiết lộ nhiều điều bất ngờ và thú vị trong cuốn hồi ký lịch sử của mình. Tuy nhiên, nội dung của hai cuốn hồi ký cho đến giờ phút này vẫn là một ẩn số lớn đối với độc giả ngoài việc họ chỉ biết nhà xuất bản Penguin Random House đã trả một số tiền khổng lồ để được quyền xuất bản và phát hành bộ đôi hồi ký này.

Ông Markus Dohle - Tổng Giám đốc của Penguin Random House - đơn vị giành được quyền xuất bản bộ hồi ký của vợ chồng Obama đã chia sẻ với báo giới: "Chúng tôi rất mong chờ để được làm việc cùng với (cựu) Tổng thống và phu nhân Obama để công bố những cuốn sách của họ trong các sự kiện xuất bản sách toàn cầu quy mô lớn. Với những lời nói và sự lãnh đạo của mình, họ đã thay đổi thế giới".

Mặc dù vậy, các điều khoản trong hợp đồng in bộ hồi ký song đôi của vợ chồng cựu Tổng thống vẫn chưa được tiết lộ. Công chúng chưa được biết tên sách, hay ngày phát hành bộ đôi hồi ký nói trên. Nhưng  ông Markus Dohle, đại diện cho phía xuất bản tiết lộ hai bên  thỏa thuận bao gồm điều kiện nhà xuất bản sẽ quyên tặng 1 triệu cuốn sách dưới danh nghĩa ông Obama cho tổ chức từ thiện First Book, một tổ chức từ thiện được thành lập từ năm 1992 với mục đích tặng sách và các học liệu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các gia đình cựu chiến binh, cung cấp học bổng cho con cái của những người lính đã bị thương hoặc thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ.

Kiếm bộn tiền nhờ diễn thuyết

Gia đình ông Obama đã có một kỳ nghỉ dài sau khi rời khỏi Nhà Trắng. Đến nay ông Obama vẫn rất hạn chế xuất hiện tại các sự kiện công cộng và chỉ lên tiếng khi cảm thấy các "giá trị" của nước Mỹ đang bị đe dọa. Theo nhiều nguồn tin, khoảng thời gian im lặng của Obama chính là lúc cựu Tổng thống Mỹ đang chuẩn bị cho những dự án mới mẻ, những lựa chọn mới. Dành thời gian để viết hồi ký và đi diễn thuyết trên khắp thế giới là lựa chọn số một của cặp vợ chồng cựu Tổng thống. Và có vẻ như Obama đã sáng suốt vì số tiền thù lao kiếm được từ hai hoạt động này luôn luôn ở con số khủng.

Các luật sư nổi tiếng là Robert Barnett và Deneen Howell cũng đã liên lạc với  công ty quản lý quan hệ công chúng nổi tiếng của Mỹ là Harry Walker để thực hiện các hợp đồng về diễn thuyết trước công chúng.

Harry Walker là hãng đại diện độc quyền của cựu Tổng thống Bill Clinton, cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew, cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, và các cựu Phó Tổng thống Dick Cheney, Al Gore, và giờ đây họ tiếp tục giúp Obama ký kết các hợp đồng diễn thuyết. Theo phát ngôn viên Kevin Lewis của Obama, từ giờ Harry Walker sẽ xử lý các bài phát biểu thời hậu Nhà Trắng của vợ chồng Obama.

Peter Shankman, người sáng lập và là CEO của The Geek Factory - hãng truyền thông xã hội, marketing và chiến lược PR - nói với hãng tin FOX rằng, cứ mỗi bài phát biểu, ông Obama sẽ kiếm được hơn một nửa mức lương Tổng thống hằng năm 400.000 USD của ông (khoảng 250.000USD).  Hãng The Geek Factory có nhiều khách hàng nổi tiếng, trong đó có American Express, Walt Disney World và Bộ Quốc phòng Mỹ. Và không chỉ cựu Tổng thống, cựu Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama cũng sẽ kiếm được nhiều tiền không kém gì chồng. Michelle cũng sẽ chứng kiến những con số tương đương 250.000USD/bài phát biểu.

Những con số trên tương đương với mức thù lao của cựu Tổng thống Bill Clinton kiếm được với mỗi bài diễn thuyết. Theo hồ sơ theo dõi tài chính của Hillary Clinton, chỉ tính riêng năm 2011, với 54 bài phát biểu, Bill Clinton kiếm được tổng cộng 13.434.000USD. So với chồng, bà Clinton kiếm ít hơn chút, với trung bình 235.000USD/bài phát biểu. Theo CNN, từ năm 2001 cho tới khi Hillary bắt đầu chiến dịch tranh cử Tổng thống, cặp vợ chồng quyền lực kiếm được 153 triệu USD từ việc diễn thuyết.

Theo một phân tích của tạp chí Politico năm 2015, cựu Tổng thống George W. Bush được trả khoảng 100.000-175.000USD cho mỗi lần ông xuất hiện.

Rõ ràng, các đời Tổng thống Mỹ sau khi về hưu, họ đều kiếm được bộn tiền từ các hoạt động diễn thuyết và viết sách. Xem ra các Tổng thống Mỹ luôn hiểu giá trị của bản thân và biết khai thác danh tiếng của mình ngay khi họ rời Nhà Trắng.

Shophia Kim (tổng hợp)
.
.