Văn học nghệ thuật cũng cần một "U23":

"Cú hích" từ đội ngũ trẻ - tìm đâu?

Thứ Bảy, 03/03/2018, 08:11
Tre già măng mọc là quy luật muôn đời. Thế nhưng, ở lĩnh vực văn học nghệ thuật, nhất là các loại hình hàn lâm và truyền thống, "tre" đã già mà đỏ mắt vẫn ít tìm được "măng". Nguồn nhân lực cho lĩnh vực này hiện nay rất mỏng và yếu. 


Ở các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đại chúng, nở rộ lên lớp nghệ sĩ đa năng. Số người chỉ hoạt động chuyên biệt ở một loại hình biểu diễn không còn nhiều. Diễn viên sân khấu không chỉ diễn kịch mà còn làm diễn viên điện ảnh, đóng phim truyền hình, làm vũ công, ca sĩ… Người mẫu thì đảm nhiệm thêm vai trò ca hát, đóng phim…

Đáng mừng nhưng cũng đáng lo. Nghệ sĩ trẻ không ngừng làm mới, khai phá tiềm năng bản thân nhưng cũng đồng nghĩa với việc lằn ranh giữa sự chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp đang bị xóa nhòa. Nó giúp chúng ta phát hiện nhiều tài năng mới nhưng cũng khiến nhiều người không có thực tài ngộ nhận, ảo tưởng về mình. Tay ngang đi liền với sự không chuyên nghiệp lên ngôi làm chất lượng nghệ sĩ trẻ hiện nay không cao. Đội ngũ biểu diễn trẻ thì thiếu chuyên nghiệp còn đội ngũ sáng tác thì thiếu hụt và chắp vá.

Đội tuyển U23 Việt Nam đã làm nên cơn địa chấn khi tham dự Giải vô địch U23 Châu Á 2018, tỏa sáng rực rỡ ở sân vận động Thường Châu (Trung Quốc). Từ bóng đá nhìn sang văn học nghệ thuật - cũng là lĩnh vực của tài năng - người ta lại ngậm ngùi cám cảnh. Đã lâu rồi văn học nghệ thuật không có một cơn địa chấn từ lứa văn nghệ sĩ trẻ. Nền văn học nghệ thuật nước ta vẫn đang trông chờ một thế hệ vàng nối tiếp bước cha anh. Thậm chí, người ta chỉ mong thế hệ ấy gây sốt cỡ "ao làng" chứ không dám mơ "so chân" với bạn bè quốc tế như những gì bóng đá đã làm được.

Văn học nghệ thuật, đặc biệt là các bộ môn nghệ thuật truyền thống đang khao khát “cú hích” từ đội ngũ trẻ.

Hầu hết các nghệ sĩ hiện nay đều tự bơi hoặc được đào tạo theo kiểu manh mún, tự phát chứ chưa nhiều người có bằng cấp chính quy, được đào tạo bài bản. Bà Dương Thị Liên Chi, Trưởng phòng Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhận định: Ở TP Hồ Chí Minh trong một thập niên qua, phim ảnh, gameshow nở rộ. Lượng diễn viên chính quy tốt nghiệp ở các trường sân khấu - điện ảnh không nhiều và khi ra trường nhiều người cũng không đáp ứng được ngay yêu cầu của hãng phim, sân khấu… nên lực lượng diễn viên từ các "lò luyện" kiểu cấp tốc của tư nhân có đất dụng võ. Không hiếm người bước ra từ "lò" nhanh chóng nổi tiếng nhờ công nghệ lăng xê.

Nhiều sân khấu chuyên nghiệp như sân khấu kịch Hồng Vân, Trịnh Kim Chi, Hoàng Thái Thanh … tự đào tạo nguồn diễn viên cho mình. Trong số các học viên này, không hiếm kẻ chực chờ cơ hội để được nổi tiếng chứ không phải một niềm say mê thực sự. Mang danh diễn viên nhưng rất nhiều kỹ năng bắt buộc của một diễn viên như đài từ, sắc thái tình cảm, hình thể, cảm thụ tác phẩm… đều đáng ngại.

NSND Hồng Vân cũng thừa nhận: "Kiến thức nền rất quan trọng. Các em có nhu cầu thì chúng tôi đào tạo để trang bị cho các em đủ kỹ năng tham gia các gameshow truyền hình. Còn nếu muốn theo nghề lâu dài, trở thành một diễn viên thực thụ, các em phải vào trường để học". Còn NSƯT Trần Minh Ngọc thì gay gắt: "Học từ 3 đến 6 tháng rồi trở thành diễn viên - một việc làm "ăn xổi", không hơn". Vì vậy, các tác phẩm nghệ thuật của họ vẫn tà tà theo kiểu giải trí mà thiếu vắng tác phẩm đỉnh cao có chiều sâu, gây dư chấn. Tác phẩm đó chỉ là thứ tài sản nhất thời chứ không thể trở thành di sản văn hóa.

Cũng như bóng đá, văn học nghệ thuật là lĩnh vực dành cho những người có năng khiếu. Nhưng năng khiếu chưa đủ, phải qua quá trình tôi luyện, rèn nghề. Ngay cả những thiên tài về văn học nghệ thuật thì bản thân cũng phải nỗ lực rất lớn để "tự đào tạo" chính mình, nếu không, dù sở hữu năng khiếu bẩm sinh xuất sắc đến mấy thì cũng khó mà có kết quả lâu bền.

Trong thời kỳ hội nhập, chương trình đào tạo của nước ta vẫn lạc hậu. Nội dung giảng dạy chưa theo kịp tình hình thực tế. Việc đào tạo nguồn nhân lực ở lĩnh vực đòi hỏi tài năng sáng tạo cần thầy giỏi và cơ chế, chính sách vượt trội bởi sáng tạo được xem là cái nghề khổ hơn tất cả mọi nghề - một nghề không phải dễ đào tạo.

Nhà văn Trầm Hương: Đừng để nhà văn đơn độc "tự dưỡng", "tự bơi"

Lực lượng nhà văn hiện nay gồm những ai? Họ là những cựu chiến binh trở về sau cuộc chiến tranh đánh Pháp, đánh Mỹ, cuộc chiến biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Họ là những sinh viên, học sinh, lái xe, kỹ sư, công nhân viên chức, nhà báo... Họ là những người phụ nữ tần tảo mưu sinh, là nông dân trên cánh đồng, công nhân nhọc nhằn trong xưởng máy. Họ là những người Việt Nam đang sinh sống tại nhiều miền đất trên thế giới...

Một số ít nhà văn sống được và giàu lên nhờ tiền nhuận bút. Nhưng sách bán chạy nhờ đáp ứng được thị hiếu, nhờ nghệ thuật quảng cáo chưa hẳn là sách có ích. Những tác phẩm tốt chưa hẳn được độc giả đón nhận, còn phải qua thời gian thử thách. Phần lớn chúng tôi ít ai sống được bằng tác phẩm. Người làm báo, người làm truyền thông, người làm viên chức, người nuôi heo gà... để kiếm sống trước đã rồi viết.

Công tác bồi dưỡng, đào tạo các tác giả trẻ còn bỏ ngỏ. Hơn 20 năm vào Hội Nhà văn Việt Nam, qua 4 kỳ đại hội, công tác đào tạo này tôi chưa từng được nghe nói đến. Các hội thảo thì số người được mời rất hạn chế. Các ấn phẩm của Hội Nhà văn như Báo Văn nghệ, Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, Tạp chí Thơ... cũng là một kênh để đào tạo. Chúng tôi học hỏi được nhiều từ những ấn phẩm này. Nhưng chỉ chưa đầy 1.000 hội viên khắp mọi miền đất nước có được ưu đãi này. Phần lớn, các nhà văn tự dưỡng, tự rèn luyện bằng cách đọc, đi, học ở trường đời, trường nghề...

Tôi được biết phần lớn các nhà văn trong chiến tranh đã viết những tác phẩm từ môi trường họ trải nghiệm, gắn bó. Sau khi tác phẩm trình làng, có tiếng vang, tác giả được đưa về các tờ báo, tạp chí, được đưa đi dự những khóa đào tạo nghề nghiệp.

Ngày nay, các trường bồi dưỡng viết văn ít dần. Có lẽ công nghệ truyền thông phát triển, những khóa học này không còn cần thiết chăng? Những nhà văn quân đội có lẽ may mắn hơn do Tổng cục Chính trị rất quan tâm công tác chính trị tư tưởng của cán bộ chiến sĩ mà văn học nghệ thuật là một mặt trận lợi hại, có sức mạnh hiệu triệu rất hiệu quả và to lớn. Cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xuất hiện nhiều nhà văn quân đội tên tuổi như chúng ta đã biết.

Ban Đối ngoại Hội Nhà văn cũng kết nối cho các hội viên tham dự học khóa viết văn ở Hàn Quốc, Mỹ... Nhưng rất ít tác giả may mắn có được cơ hội này. Việt Nam trước đây có Trường Viết văn Nguyễn Du. Nhưng không hẳn tác giả nào được chọn học trường viết văn này cũng trở thành nhà văn. Nhiều tác giả đang ẩn mình, cặm cụi viết những tác phẩm lớn ở những nơi xa xôi đó sao?!

Nói cho cùng, không có trường nào để dạy viết văn. Nhà văn tự tu dưỡng, tự rèn luyện, nuôi chí lớn nhưng vinh quang chẳng tự đến bao giờ nếu không dấn thân, nỗ lực, kiên trì, sáng tạo, bền bỉ. Để sở hữu chất liệu vàng, tư liệu vàng, nhà văn phải nỗ lực kiếm tìm.

Để nhà văn không đơn độc tự dưỡng, tự bơi, hoạt động Hội Nhà văn các cấp cần có chương trình tập huấn, đào tạo nghề nghiệp thông qua các tọa đàm, hội thảo, giao lưu để các nhà văn trao đổi, chia sẻ, học hỏi nhau và được truyền lửa đam mê từ đồng nghiệp...

Nhà văn cần được hỗ trợ không chỉ đầu tư quá trình hình thành tác phẩm mà còn giao quyền chủ động cho tác giả trong in ấn, phát hành, quảng bá. Sách được Nhà nước đặt hàng phải đưa đến đông đảo người đọc, không nên để "sách không bán" vì sẽ gây nên tâm lý thờ ơ của độc giả, do bị xem là công cụ tuyên truyền chứ không phải là tác phẩm văn học.

Chiến lược quảng bá tác phẩm cũng cần được đẩy mạnh. Quan sát thị trường sách, chúng ta thấy quá nhiều sách dịch nước ngoài nhưng rất ít tác phẩm Việt Nam được đưa ra thế giới. Chiến lược này cần kết nối những dịch giả tâm huyết trong và ngoài nước.

NSƯT Hải Phượng, giảng viên Nhạc viện TP Hồ Chí Minh: Ứng dụng công nghệ thông tin để nghệ thuật truyền thống hút người trẻ

Các bộ môn nghệ thuật truyền thống như chèo, hát bội, cải lương... ngày càng thưa vắng khán giả. Đi cùng với sự hội nhập về kinh tế, làn sóng văn hóa Tây phương đang từng ngày từng giờ xâm nhập vào mọi khía cạnh trong đời sống văn hóa người dân Việt Nam. 

Giới trẻ thích thú, say mê với những công nghệ mới, những thể loại nhạc sôi động, những âm thanh mạnh mẽ, những màn ảnh rộng lớn đầy màu sắc mê hoặc và quay lưng với những gì mộc mạc, chân chất, nhẹ nhàng như các bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc. Người trẻ hôm nay có thể thuộc lòng những bản nhạc thời thượng nhưng không thể cất lên một câu hò hay xem hát bội như một "game show" lạ lẫm.

Lượng người am hiểu các bộ môn này giảm đi, kéo theo việc không nhiều người trẻ chịu đầu tư công sức để theo đuổi các bộ môn này khi mà tương lai chưa được bảo đảm. Những "thầy đờn", những diễn viên ở các bộ môn nghệ thuật này ngày càng lớn tuổi mà lớp trẻ chưa được đào tạo để có thể thay thế.

Từ tín hiệu khả quan bước đầu của việc công chúng trẻ dần quan tâm tìm hiểu hát bội, cải lương, chèo... qua internet, kênh truyền hình, YouTube..., tôi cho rằng nghệ thuật truyền thống nên tận dụng tối đa sự phát triển kỹ thuật số, sự bùng nổ thông tin qua mạng internet, phim ảnh, truyền hình, báo chí... để tiếp cận công chúng. Tầng lớp thanh niên rất năng động và luôn muốn có một cuộc sống bắt kịp nhịp sống thời đại nên họ thích tiếp cận cái mới. Theo các thống kê cho thấy, họ cũng là lớp người tiếp cận với các tri thức qua các thiết bị kỹ thuật nhanh nhất.

Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, sự phổ biến và lan tỏa một hiện tượng văn hóa sẽ mau chóng tạo nên những hiệu ứng tâm lý đám đông. Nhìn quanh các nước phát triển, chúng ta thấy rằng họ đã ứng dụng những thành tựu công nghệ thông tin trong việc quảng bá văn hóa nước mình đến mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước. Những bộ phim thành công rực rỡ của Hàn Quốc đã tạo nên trào lưu văn hóa Hàn ở khắp mọi nơi.

Tuy đây không phải là nhiệm vụ của các trường chuyên nghiệp nhưng việc ứng dụng và phổ biến các thành tựu của công nghệ thông tin sẽ góp phần không nhỏ làm cho các giá trị văn hóa được lưu hành và phổ biến rộng rãi. Các cơ sở đào tạo nghệ sĩ hát bội, cải lương... có thể hợp tác với các công ty truyền thông tổ chức sản xuất các ấn phẩm, phổ biến hoạt động của mình đến công chúng. Các nhà đài có thể hợp tác với các đơn vị theo phương cách xã hội hóa để có thể xây dựng những chương trình quảng bá nghệ thuật truyền thống trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Ngoài ra, chúng ta cần xây dựng chương trình chuyên sâu về bộ môn âm nhạc truyền thống trong trường phổ thông, bởi hầu hết các em học sinh vẫn còn xa lạ với loại hình nghệ thuật này. Đây là cách cho em tìm hiểu về âm nhạc dân tộc, đồng thời cũng là cách phát hiện những em có năng khiếu để bồi dưỡng, đào tạo thành diễn viên, nhạc công trong tương lai. Đây là điều mà đờn ca tài tử đã và đang phát huy hiệu quả.

Hầu hết các nhạc công hiện nay không phải được đào tạo trong các trường chuyên nghiệp mà được đào tạo từ nhu cầu trực tiếp của các đoàn và được đào tạo từ các "lò" đào tạo tư nhân. Tuy nhiên, khi tham gia các đoàn chuyên nghiệp hay khi tham gia giảng dạy trong các trường thì các nghệ nhân thiếu những bằng cấp quy định của nhà nước để được có những chính sách đãi ngộ hợp lý. Có lẽ các trường nên có những khóa đào tạo đặc biệt để bổ sung kiến thức và tạo điều kiện cho đội ngũ nghệ nhân trẻ có được những tín chỉ, bằng cấp có giá trị, hầu khuyến khích lớp trẻ mạnh dạn đi vào con đường âm nhạc truyền thống.

TS Nguyễn Thị Kim Ửng, Tổng Biên tập Tạp chí Kiến thức Ngày nay: Một kiểu "du học tại chỗ" cho người đam mê điện ảnh

Hiện nay, ngoại trừ trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh đào tạo các bộ môn diễn xuất, biên kịch, đạo diễn, quay phim..., còn có trường Điện ảnh Quốc tế Sài Gòn được mở ra theo dạng xã hội hóa.

Bên cạnh đó còn có các hoạt động bồi dưỡng khác. Chẳng hạn như mỗi năm Hội Điện ảnh Việt Nam kết hợp với Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lớp bồi dưỡng điện ảnh cho hội viên. Qua lớp học, hội viên có cơ hội giao lưu, học hỏi từ các nhà làm phim giàu kinh nghiệm của Pháp, Trung Quốc, Đức, Bỉ, Hàn Quốc, Mỹ, Iran...

Trong đó có đạo diễn Đức Pepe Danquart, người từng đoạt giải cao qua các LHP quốc tế, đặc biệt là bộ phim "Scharzfahre" (Người trốn vé) của ông được trao giải Oscar dành cho thể loại phim ngắn xuất sắc nhất năm 1994. Pepe Danquart chia sẻ nhiều vấn đề cụ thể công việc nghề phim, kinh nghiệm thành công và thất bại của một dự án làm phim.

Lời khuyên cuối cùng ở lớp học, ông nhấn mạnh: "Kinh nghiệm làm phim ư? Đầu tiên là chúng ta phải tạo được niềm tin!". Nhưng niềm tin gì? Trước tiên là tạo được niềm tin cho những người cộng sự trong ekip của mình, nhất là đối với diễn viên, nhà sản xuất phim và quan trọng không kém chính là bộ phim phải mang thông điệp, tạo niềm tin gởi đến khán giả.

Cũng nhấn mạnh vào sự tạo được niềm tin, đạo diễn Hàn Quốc Kim Han Min chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu khi ông thực hiện hai bộ phim lịch sử "Cung thủ siêu phàm" và "Đại thủy chiến". Học viên Việt Nam học ở ông trong vấn đề chọn đề tài lịch sử khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nhưng nhất thiết các nhà làm phim hiện đại phải biết vận dụng những thủ pháp nghệ thuật, kỹ xảo tiên tiến, thể hiện tinh tế, hấp dẫn, tạo được cảm xúc mạnh mẽ để phim gia tăng sức thuyết phục khán giả ở mức độ khả quan nhất.

Năm 2016, Hội Điện ảnh mời hai giảng viên Hàn Quốc nổi tiếng là đạo diễn Kwon Byunggun và diễn viên Lydia Park phụ trách Lớp bồi dưỡng diễn xuất điện ảnh và truyền hình. Đây là lớp học mang lại hiệu quả vì tính thực hành cao.

Ngoài cách thức học với "thầy ngoại" từ chương trình trao đổi, giao lưu văn hóa giữa Hội Điện ảnh Việt Nam với Quỹ Văn hóa các nước..., còn có nhiều cách thức "du học tại chỗ" khác. Một nhóm bạn trẻ của dự án tiệc phim Yxineff may mắn mời được đạo diễn Australia nổi tiếng là đạo diễn Philipp Noyce (đạo diễn phim "Người Mỹ trầm lặng") để trao đổi kinh nghiệm làm phim qua mỗi mùa liên hoan phim của những nhà làm phim trẻ này.

Tuy nhiên, việc trao đổi học tập như vậy khá hiếm hoi. Một nhóm bạn trẻ khác mê nghề phim tìm cách kết hợp cùng một bạn trẻ Việt kiều học điện ảnh tại Mỹ, đã lập dự án hợp tác cùng công ty MFC để mời giảng viên Hollywood đến Việt Nam giảng dạy như kiểu một số nước từng làm theo cách gọi là "nhập khẩu Hollywood".

Với cách làm xã hội hóa này, các học viên sẽ tự đóng tiền vừa sức cho câu chuyện "du học tại chỗ" trong 3 ngày. Điều đáng nói là số học viên theo học khá đông. Họ mời được ông Dov Simens, "giảng viên số 1 Hollywood" và nhà biên kịch Mỹ Pilar Alessandra, người từng được đạo diễn danh tiếng Steven Spielberg chọn làm trưởng bộ phận phân tích kịch bản khi thành lập hãng Dream Works. Một trong những học viên ở Hà Nội tranh thủ sự góp ý của cô Pilar Alessandra là Lương Đình Dũng, tác giả kịch bản phim "Cha cõng con".

Tận dụng ưu thế mời chuyên gia nước ngoài bồi dưỡng cho người đam mê điện ảnh là điều cần thiết, bổ ích. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm với dạng lớp bồi dưỡng này là cần cải tiến tổ chức để đi vào chiều sâu nghề nghiệp. Chính vì vậy, việc thỉnh giảng các "thầy ngoại", dù dưới hình thức giao lưu văn hóa hay dạy chính khóa, vẫn cần một khung thời gian đào tạo dài hạn và mang tính thực hành nhiều hơn.

Kinh nghiệm này, trong thời kỳ chiến tranh, lớp diễn viên, đạo diễn khóa 1 trường Điện ảnh Việt Nam đã từng được các chuyên gia Liên Xô hướng dẫn, đào tạo chuyên môn điện ảnh tại Việt Nam. Hoạt động đào tạo này đã diễn ra trong thời gian 3 năm. Các nghệ sĩ điện ảnh như Trà Giang, Trần Phương, Tuệ Minh, Đức Hoàn, Lâm Tới..., các đạo diễn Hải Ninh, Huy Thành... ngày ấy đã học nghề phim dưới hình thức "du học tại chỗ" là vậy. 
Mai Quỳnh Nga
.
.