Cơn sốt phim remake:Xu thế hay sự bế tắc sáng tạo?

Thứ Bảy, 31/12/2016, 08:03
Phim remake vốn quen thuộc, thịnh hành trong giới truyền hình và dường như đang dần thoái trào vì sự ngán ngẩm, nguội lạnh của khán giả  thì giờ đây nó lên cơn sốt và trở thành miếng bánh béo bở của điện ảnh Việt...


Hết truyền hình đến lượt điện ảnh

Nói tới dòng phim remake (tức phiên bản làm lại các bộ phim nổi tiếng), người ta hay nghĩ ngay đến hàng loạt phiên bản Việt hóa các bộ phim nước ngoài đình đám như: “Ngôi nhà hạnh phúc”, “Anh em nhà bác sĩ”, “Gia đình là số một”, “Người mẫu” (Hàn Quốc), “Cô gái xấu xí” (phim“Betty la Fea”của Colombia); Váy hồng tầng 24 (phim “Unbeatable 1” của Đài Loan), “Niềm đau chôn giấu”(Thái Lan)...

Phim thành công, được khen ngợi thì ít mà ném đá thì nhiều vô kể. Rất nhiều phim Việt hóa trước đó như bị cho là không vượt qua cái bóng quá lớn của bản gốc, thậm chí là phiên bản lỗi.

Việc bê nguyên xi kịch bản của nước ngoài mà không có sự thay đổi để phù hợp với văn hóa Việt khiến khán giả trong nước phản ứng. Một số phiên bản làm lại của phim Hàn lại sao y kiểu trừng mắt, quát của diễn viên Hàn vào phiên bản Việt. Hình ảnh nhà cửa, món ăn, thời trang và cách thể hiện tình cảm quá mùi mẫn như Hàn cũng trở nên ngượng ngập khi bị lạm dụng.

Phim remake vốn quen thuộc, thịnh hành trong giới truyền hình và dường như đang dần thoái trào vì sự ngán ngẩm, nguội lạnh của khán giả  thì giờ đây nó lên cơn sốt và trở thành miếng bánh béo bở của điện ảnh Việt.

Cú hích bắt đầu từ sự thành công ngoài sự mong đợi của bộ phim remake “Em là bà nội của anh” (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh). Làm lại từ tác phẩm “Miss Granny” của Hàn Quốc, tính đến tháng 2-2016, “Em là bà nội của anh” chạm mốc doanh thu 102 tỷ đồng. Một con số đáng mơ ước với các nhà làm phim Việt. Phim còn nhận được sự phản hồi tích cực của giới chuyên môn lẫn công chúng.

Dàn diễn viên và ekip sản xuất phiên bản Việt bộ phim “Sắc đẹp ngàn cân” (bản gốc của Hàn Quốc).

Các diễn viên chính trong phiên bản gốc cũng không ngại ngần cho rằng phiên bản Việt thậm chí còn hay hơn bản gốc. Đạo diễn Việt Max thì tạo được hiệu ứng tốt khi làm lại “The love of Siam” của Thái Lan thành phiên bản Việt mang tên “Yêu” với sự diễn xuất của Chipu, Gil Lê.

Đó là chưa kể sự thành công của hàng loạt phim ở dạng “mượn ý tưởng kịch bản nước ngoài” mà không tốn một đồng bản quyền như “49 ngày” (làm lại từ phim “Hello ghost”), “Gái già lắm chiêu” (Not Suitable for Children), “Nắng” (Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7)… đã khiến các nhà sản xuất chộn rộn mua lại kịch bản các bộ phim gốc đình đám.

Thời gian tới, rất nhiều bộ phim remake chen nhau ra rạp. Chào sân tháng 12 này là “Bạn gái tôi là sếp”của đạo diễn Hàm Trần, remake lại phim“ATM, Lỗi tình yêu” của Thái Lan. Diễn viên, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cũng vừa ra mắt dàn diễn viên phiên bản Việt “Sắc đẹp ngàn cân” – bộ phim từng tạo tiếng vang tại xứ sở kim chi, đưa nhiều diễn viên vụt thành ngôi sao hạng A. Đảm nhận vai chính của bản Việt hóa là ca sĩ, diễn viên Minh Hằng. Năm 2017, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng làm lại bộ phim “Sunny” (Hàn Quốc) vốn lấy rất nhiều nước mắt của khán giả.

Chạy theo trào lưu phim remake chứng tỏ các nhà làm phim đã coi trọng vai trò của kịch bản. Đây là yếu tố mà bấy lâu nay trong phim Việt vẫn bị đánh giá là yếu, lủng củng và thiếu sự sáng tạo. Trong khi đó vài năm gần đây, thị trường phim Việt nở nồi.

Phim ra rạp liên tục, thậm chí một tuần có hai, ba phim đụng lịch. Số lượng nhiều, cạnh tranh nhau khốc liệt nhưng rất nhiều phim bị thờ ơ, trôi vào quên lãng vì nội dung hời hợt, thiếu thuyết phục hoặc motip quá quen thuộc, nhàm chán.

Để hút khách và đối phó thế bí, kịch bản các bộ phim nổi tiếng là sự lựa chọn khá an toàn. Nó đã có sẵn lượng người xem nhất định, chất lượng đã được kiểm chứng, kịch bản chặt chẽ để dựa vào mà “thêm mắm, dặm muối” cho hợp khẩu vị Việt.

Sự lên ngôi của dòng phim remake không biết nên mừng hay nên lo?  Bởi như đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tâm sự: dưới góc độ nghề nghiệp, chuyện làm phim remake là bình thường; nhưng dưới góc độ cá nhân, anh lại thấy tự ái vì mình chỉ là người bám víu vào những cái có sẵn, chứ không phải là một tác phẩm riêng của mình. Nhất là khi nó thuộc phim điện ảnh – nơi nghệ thuật thứ bảy thể hiện đỉnh cao sáng tạo. Và tất nhiên, trong xu hướng “nhà nhà làm phim remake” cũng không hiếm người chỉ cốt ăn theo, làm sang theo độ nổi tiếng của bản gốc.

Dòng phim remake đã thổi vào một luồng gió mới mẻ cho thị trường điện ảnh Việt, giúp khán giả có nhiều sự lựa chọn từ đề tài, thể loại, cách thể hiện… Thế nhưng, khi phim remake ở thế thượng phong so với phim có kịch bản thuần Việt, nhiều người không khỏi giật mình.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh:Quan trọng là có bộ phim hay

Với tôi, một trong những điều quan trọng nhất khi làm phim, chính là bạn phải trả lời được câu hỏi "Bộ phim này nó nói về cái gì" và "Tại sao bạn muốn làm bộ phim này?". “Em là bà nội của anh” là một bộ phim về tình gia đình, tình mẫu tử và tuổi thanh xuân, và với tôi, đó là những giá trị quan trọng đối với bản thân tôi, và tôi luôn muốn được làm một bộ phim đề cao những giá trị ấy.

Trong khi điện ảnh Việt Nam hiếm khi có những kịch bản phim hay, vừa hài hước nhưng lại cảm động, vừa giải trí vui vẻ nhưng cũng sâu lắng với những thông điệp nhân văn, thì không có lý do gì để tôi từ chối một kịch bản xuất sắc như “Em là bà nội của anh”, để chạy theo những kịch bản phim được gọi là "thuần Việt", "mới mẻ" nhưng nghèo nàn ý tưởng, hời hợt về thông điệp và yếu kém về chất lượng.

Tôi nghĩ rằng, có những phim remake cố gắng bắt chước cho giống phiên bản gốc. Và có những phim remake cố gắng làm sao cho khác phiên bản gốc, và dù cách làm nào - trung thành với bản gốc hay sáng tạo với bản gốc - thì cũng là sự sai lầm trong cách tiếp cận ngay từ đầu. Lẽ ra mọi "cố gắng" không nên đặt vào việc so sánh với phiên bản gốc mà phải đặt vào việc "làm sao để làm một bộ phim hay".

Ở Việt Nam thì quả đúng là chúng ta thiếu kịch bản hay. Thế nhưng cả thế giới này, từ Hàn Quốc đến Trung Quốc và đến cả Hollywood, đều thịnh hành xu hướng làm lại kịch bản thành công của các nước khác. Không hẳn vì họ thiếu kịch bản hay, mà họ muốn tiết kiệm thời gian đầu tư vào một kịch bản phim hay nhưng vẫn đạt hiệu quả cao.

Thế nhưng, những người ngoài nghề không có chuyên môn dễ lầm tưởng rằng việc làm lại các bộ phim ăn khách là một việc "dễ ăn" và "không tốn nhiều công sáng tạo", mặc dù họ vẫn luôn thấy có hằng hà sa số những bộ phim làm lại thất bại, ngay cả ở Hollywood. Nếu "dễ ăn" và "không cần tốn nhiều công sáng tạo", hẳn các tác phẩm làm lại mà thành công đã nhiều vô số kể, chứ không phải chỉ vài ba bộ phim gây được tiếng vang.

Nếu bạn nhìn vào Hollywood vốn từng làm lại rất nhiều tác phẩm điện ảnh thành công của các nước khác, từ châu Á đến châu Âu, bạn sẽ thấy vô số trong những bộ phim làm lại ấy trở thành thảm họa điện ảnh, như “Bangkok Dangerous” với Nicolas Cage (làm lại từ một phim Thái cùng tên), “Old Boy” với Josh Brolin (làm lại bộ phim thành công vang dội của điện ảnh Hàn Quốc), “The Tourist” với Angelina Jolie và Johnny Depp (làm lại từ phim “Anthony Zimmer” của Pháp)...

Kinh doanh điện ảnh là một ngành đầy rủi ro, và việc làm lại một tác phẩm điện ảnh đã thành công giúp giảm thiểu rủi ro ấy, bởi kịch bản phim vốn đã được kiểm chứng sự thành công về mặt doanh thu.

Trước nhất, điều kiện làm phim, từ kinh phí đến đội ngũ làm nghề của chúng ta không được như điều kiện làm phim các nước, nhưng khán giả của chúng ta đòi hỏi các nhà làm phim trong nước phải làm phim hay hơn phiên bản gốc, cộng thêm một định kiến mạnh mẽ rằng "phim Việt Nam dù thế nào đi nữa cũng không có cách gì hay hơn phim nước ngoài".

Trong trường hợp của “Em là bà nội của anh”, chúng tôi thua xa các bạn làm phim Hàn Quốc và Trung Quốc về mặt kinh phí - 600.000 USD so với 3,2 triệu USD của Hàn Quốc và 7 triệu USD của phiên bản Trung Quốc. Khi không có đủ kinh phí, chúng ta bắt đầu phải "liệu cơm gắp mắm" và thay đổi kịch bản để phù hợp với điều kiện sản xuất ra bộ phim, thay vì thay đổi kịch bản để phù hợp với văn hóa xã hội Việt Nam trong bộ phim.

Cũng như tôi đã nói ở trên, nhiều nhà làm phim nỗ lực làm cho giống, hoặc làm cho khác với phiên bản gốc, mà không tập trung vào việc nỗ lực để tạo ra một bộ phim độc lập riêng mình nó, có đời sống riêng của nó và không cần quan tâm đến việc nó giống hay khác với phiên bản gốc.

Cũng nhiều trong số họ cũng chưa thực sự hiểu được giá trị cốt lõi của bộ phim là gì, thông điệp của nó là gì, để từ đó có thể phát triển, nhào nặn bộ phim theo ý riêng của mình mà không lo lắng về việc nó sẽ bị so sánh thế nào với phiên bản gốc.

Khán giả Đoàn Thị Điểm, quận 3, TP Hồ Chí Minh:Nên ngưng làm phim remake, đầu tư phim thuần Việt

Thời gian gần đây phim Việt đổ xô ra rạp, nhưng chất lượng thì thượng vàng hạ cám. Chỉ có một vài phim chất lượng, còn lại phim Việt chưa thể kéo khán giả đến rạp. Việc Việt hóa các bộ phim ăn khách là một cách kéo người xem đến rạp vì họ tò mò với phiên bản Việt. Đây giống như một trào lưu mua format gameshow truyền hình của nước ngoài về sản xuất và khá ăn khách ở Việt Nam. Thị trường phim Việt hóa cũng vậy, nó khơi dậy sự tò mò của khán giả. Họ sẽ chờ đợi bản Việt hóa có gì mới lạ không.

Bộ phim Việt hóa mà tôi yêu thích đó là phim “Em là bà nội của anh”. Mặc dù phim mang tính chất hư cấu nhưng nội dung khá hay, nhiều tình tiết bất ngờ và liên kết mạch kịch bản từ đầu đến cuối. So với bản gốc của Hàn Quốc, phim được chỉnh sửa một phần kịch bản, bối cảnh quay tại Việt Nam nên gần gũi hơn.

Những câu thoại cũng được chỉnh sửa phù hợp với nền văn hóa của Việt Nam. Có thể nói, đây là một phim Việt hóa thành công, tạo ra sự nhẹ nhàng, xúc động với câu chuyện tình yêu, gia đình. Đặc biệt lựa chọn ca khúc trong phim là các sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như “Diễm xưa”, “Còn tuổi nào cho em” đều rất hợp với bộ phim, tạo cho khán giả gần gũi, như êkíp đặt hàng cho nhạc sĩ sáng tác riêng vậy.

Nhưng rất nhiều phim Việt hóa tôi chưa hài lòng, chẳng hạn như phim “Ngôi nhà hạnh phúc”. Diễn viên diễn gượng gạo, không tự nhiên như bản gốc Hàn Quốc.  Tôi nghĩ phim dở có lẽ  do ê kíp quá dựa dẫm vào phiên bản gốc, dẫn đến lời thoại gượng ép và sến sẩm.

Vì Việt hóa phim hành động rất tốt kém chi phí, do đó nhà sản xuất thường chọn các phim đề tài gia đình, tình yêu nhẹ nhàng. Nhưng đây cũng là điểm yếu, vì nếu rập khuôn mô típ “tình cảm” này mà không có sự sáng tạo, đổi mới thì phim trở nên xơ cứng, gượng gạo, sến sẩm. Do đó, khán giả luôn chờ đợi, đòi hỏi cao hơn phiên bản gốc. Là một khán giả chúng tôi chờ đợi ở sự đổi mới, sáng tạo hơn. Kể cả Việt hóa cũng cần sự đổi mới và nghiên cứu để phù hợp.

Tôi không thích xem phim Việt hóa cho lắm nên tôi mong muốn thời gian tới nhà sản xuất sẽ ngưng sản xuất loại phim này. Tôi kỳ vọng ở phim Việt. Trong năm 2016, bộ phim “ Tấm Cám - chuyện chưa kể” để lại cho tôi ấn tượng bởi sự đổi mới kịch bản truyện Tấm Cám, phim hay và có cảnh quay hành động.  Nếu làm phim với sự đầu tư nghiêm túc, tôn vinh văn hóa Việt, tôi nghĩ phim Việt Nam vẫn có chỗ đứng đấy chứ. Tôi hy vọng nhà sản xuất phim Việt không vì lợi nhuận mà mua bản quyền phim nước ngoài để Việt hóa. Việc đó chẳng tốt gì cho nền điện ảnh Việt Nam, ngoài chuyện đưa về doanh thu cho quý vị.

Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân:Phim remake “khích” nhà biên kịch cầm bút

- Thưa ông, có vẻ như phim điện ảnh đang ăn nên làm ra với dòng remake trong khi phim truyền hình đã “thấm đòn”?

+ Remake phim điện ảnh cũng là xu hướng giống phim truyền hình thôi. Chỉ có điều bây giờ nó mới bắt đầu trong giới điện ảnh. Sở dĩ phim remake chiếu rạp được lòng khán giả hơn là vì thời lượng của phim chỉ khoảng 100 phút. Nhà sản xuất chỉ bỏ chừng 7, 8 tỉ là đã có được một tác phẩm remake chỉn chu, kiếm thêm vài gương mặt hút khách nữa là bán được vé.

Còn phim truyền hình nước ta lâu nay vẫn chủ trương kinh phí thấp, để ít tốn kém thì kéo theo việc quay nhanh, mà quay nhanh thì ẩu là điều đương nhiên. Ở phiên bản gốc, dù là phim truyền hình, họ cũng đầu tư rất công phu.

Chẳng hạn như “Anh em nhà bác sĩ” có bối cảnh chỉn chu, kỹ lưỡng không khác gì phim điện ảnh. Dàn diễn viên chính của họ quá xuất sắc trong khi phiên bản Việt không có được diễn viên diễn xuất thần như vậy để ra tính cách và số phận nhân vật. Diễn viên quay như chạy giặc thì lấy đâu thì giờ nhập tâm. Nếu “Anh em nhà bác sĩ” của Hàn Quốc là món kim chi ngon tuyệt thì “Anh em nhà bác sĩ” Việt Nam như món ăn bị hỏng, không ăn nổi.

 - So với việt viết mới hoặc làm phim chuyển thể, dường như việc làm phim remake nhẹ nhàng và ít rủi ro hơn?

+ Đúng là khi nhà biên kịch được mời tham dự làm phim remake, công việc của họ rất nhàn nhã, chỉ thêm thắt đôi chút. Với kịch bản tự viết, nhà biên kịch phải vò đầu bứt tóc, đầu tư thời gian, công sức để khai phá và tạo nên tác phẩm. Phim chuyển thể từ tác phẩm văn học, sân khấu… cũng đòi hỏi sự sáng tạo cao nên nhà biên kịch thỏa sức thể hiện dấu ấn cá nhân. Riêng phim remake, bạn chỉ việc dựa vào đường dây của người ta, vào nhân vật của người ta.

Nói vậy nhưng làm thế nào để người xem cảm thấy đây là một bộ phim của Việt Nam. Phim remake cũng như con tắc kè, nó vẫn là con tắc kè nhưng nó cần đổi màu để thích ứng với công chúng ở đó. Nếu không, bạn sẽ mang tiếng lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia.

Phim remake mang tính quốc tế cũng bởi ở chỗ đó. Điểm này buộc phim remake phải có sự sáng tạo riêng từ bối cảnh, lời thoại, tình huống… và sự sáng tạo đó phải lắp ghép logic với đường dây kịch bản gốc. Nếu mình làm y chang bản gốc thì khán giả không thấy gì mới mẻ, nó chỉ là bản bắt chước mà thôi. Bản làm lại phải mang sức sống mới.

- Theo ông, dòng phim remake có nên được ủng hộ, coi đó là một lối thoát khi các nhà sản xuất bí kịch bản?

+ Tôi cho rằng làm phim remake là một hoạt động nghề nghiệp bình thường. Nó không xa lạ gì với điện ảnh thế giới. Những người chạy theo dòng phim này không có gì đáng trách hết khi người ta sử dụng bản quyền hợp pháp. Sau “Em là bà nội của anh”, điện ảnh trong nước rộ lên trào lưu phim remake là điều hiển nhiên. Các nhà chuyên môn, nhà quản lý và công chúng đừng lấy đó làm khó chịu, cau mày lo lắng. Bởi vì điện ảnh cũng là ngành kinh doanh, thấy lợi thì người ta nhảy vào đầu tư là quy luật bình thường.

- Như vậy chúng ta không nên đặt câu hỏi: nền điện ảnh trong nước sẽ đi về đâu nếu số lượng phim remake áp đảo phòng vé, chèn ép phim thuần Việt? Là nhà biên kịch, có lẽ nó cũng khiến ông tự ái nghề nghiệp chứ?

+ Tất nhiên, nhà biên kịch trong nước dễ bị tự ái khi nhà nhà, người người chạy theo kịch bản ngoại. Người ta remake phim ngoại vì trong nước chưa có phim nào quá xuất sắc đáng để làm lại. Tôi có nghe thông tin người ta sẽ remake phim “Ván bài lật ngửa”, nhưng bây giờ đó vẫn chỉ là dự định. Là người trong nghề, lý ra tôi phải ủng hộ điện ảnh trong nước vì nó dính tới quyền lợi của mình.

Phim remake mà ra nhiều thì đơn đặt hàng cho nhà biên kịch bị giảm sút trầm trọng. Ngoài ra, phim ảnh không chỉ là hàng hóa kinh doanh mà còn có yếu tố văn hóa, bản sắc dân tộc. Đau lòng là số kịch bản Việt hay, chất lượng ít ỏi lắm, số lượng đếm trên đầu ngón tay.

Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, mọi người đừng nên lo lắng thái quá. Bởi vì thị trường sẽ là nơi đào thải khắc nghiệt nhất. Nếu bản remake tồi thì nó sẽ bị khán giả tẩy chay, thờ ơ như tình trạng mà phim truyền hình đã từng hứng chịu. Còn nếu nó hay, hút khách thì rất đáng được khen ngợi.

Hơn nữa, nhờ làm phim remake, các nhà biên kịch như tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm thú vị. Bởi những phim mà ta mua kịch bản đều là phim xuất sắc cả. Tôi có tham gia sửa lại kịch bản một số phim remake như “Bay lên ước mơ” (phim truyền hình) và mới hoàn thành kịch bản remake phim “Sunny” (Hàn Quốc) do Nguyễn Quang Dũng làm đạo diễn.

Đọc kịch bản gốc, tôi phải công nhận rằng họ quá giỏi. Cách chuyển cảnh từ hiện tại về quá khứ của họ rất mới lạ, sáng tạo. Chẳng hạn như trong “Sunny”, một bà mẹ đi vào trường trung học tìm con lúc tan trường nhưng bà đi ngược chiều bọn trẻ và cứ thế trở lại ngày còn cắp sách của mình. Cảnh bà mẹ đi ngược chiều tụi nhỏ là thủ pháp khiến khán giả ngầm hiểu rằng bà ấy đang đi ngược thời gian.

Học được nhiều điều hay đó, nếu là một nhà biên kịch chân chính, anh sẽ bị lửa nghề thúc giục. Sự tự trọng nghề nghiệp sẽ buộc anh phải viết cái gì đó hay ho của riêng mình. 

Mai Quỳnh Nga
.
.