Có hay không cơn sốt của trào lưu ca khúc nhạc Hoa lời Việt?

Thứ Sáu, 24/04/2020, 07:57
Những ngày gần đây, “Tình sầu thiên thu muôn lối”, ca khúc nhạc Hoa lời Việt của chàng trai 10X Doãn Hiếu đến từ Nghệ An gây sốt trên các diễn đàn mạng. Không ít người dành lời khen tặng cho chàng trai trẻ, đồng thời, một số khác đặt câu hỏi, phải chăng, ca khúc nhạc Hoa lời Việt đang hồi sinh?


Những ca khúc nhạc Hoa lời Việt gây bão cộng đồng mạng

“Tình sầu thiên thu muôn lối” bắt nguồn từ bài hát “Cô phương tự thưởng” của ca sĩ Trung Quốc Dương Tiểu Tráng được Doãn Hiếu phối khí và viết lời Việt cho ca khúc. Ngay sau khi xuất hiện, “Tình sầu thiên thu muôn lối” nhanh chóng chiếm lĩnh các bảng xếp hạng âm nhạc Việt và nhận được nhiều phản hồi tích cực của cộng đồng mạng. 

Video ca khúc trên YouTube cũng đạt được hàng triệu lượt xem trong thời gian ngắn. “Tình sầu thiên thu muôn lối” được đánh giá là “hiện tượng” âm nhạc đáng chú ý nhất trong mấy tháng trở lại đây.

Nội dung bài hát viết về một cuộc tình, nỗi tương tư của chàng trai khi xa người yêu, những ký ức không thể phai nhòa về mối tình đẹp. Tác giả ca khúc Doãn Hiếu trực tiếp biểu diễn ca khúc. Giọng hát trầm ấm, cảm xúc của chàng trai trẻ gây thiện cảm với người xem.

Ca sĩ Đan Trường quyết định làm mới ca khúc đình đám một thời “Mưa trên cuộc tình” bằng một MV đẹp mắt phát hành năm 2019.

Điều đáng chú ý là Doãn Hiếu mới là học sinh lớp 12. Chia sẻ với báo giới về ca khúc “Tình sầu thiên thu muôn lối”, Doãn Hiếu cho biết, anh viết nhạc bằng cảm âm và luôn tạo cảm hứng để sáng tác. “Tình sầu thiên thu muôn lối là ca khúc Hiếu viết lại lời Việt nhưng phần bố cục ca khúc cũng thay đổi nhiều. Để hoàn thành được ca khúc, Hiếu mất hai ngày để hoàn thành phần lời, 10 ngày để hoàn thiện phần âm nhạc”, Doãn Hiếu chia sẻ.

Hiếu mê nhạc từ bé và bắt đầu tập luyện, cover, sáng tác nhạc từ khi lên lớp 7. Được biết, “Tình sầu thiên thu muôn lối” không phải ca khúc đầu tiên của Doãn Hiếu. Năm 15 tuổi, Doãn Hiếu đã có ca khúc đầu tay “Em chỉ cần nói có” và “Bình yên nơi này” ít nhiều gây được sự chú ý của cộng đồng mạng. “Em chỉ cần nói có” có giai điệu bắt tai, ca từ mới lạ, hài hước nhưng cũng khá lãng mạn. Tuy nhiên, phải sau “Tình sầu thiên thu muôn lối”, Doãn Hiếu mới trở thành từ khóa hot được tìm kiếm nhiều trên Google.

Doãn Hiếu được đánh giá là có “gu” âm nhạc tốt, hoạt động theo cách tự sáng tác và biểu diễn - xu hướng phổ biến của thế hệ nhạc sĩ – ca sĩ trẻ hiện nay.  Nhiều khán giả kỳ vọng và đặt niềm tin, Doãn Hiếu sẽ là nhân tố “làm nên chuyện” trong showbiz Việt trong tương lai gần. Với “Tình sầu thiên thu muôn lối”, phải khẳng định rằng, đó là ca khúc có giai điệu đẹp, bắt tai, ca từ được trau chuốt kỹ nhưng điểm yếu chính là ở chiều sâu cảm xúc, sự lắng đọng. Tất nhiên, điều này cần đến sự trải nghiệm của người sáng tác cũng như kỹ năng trình diễn của người nghệ sĩ. Có lẽ, đó là đòi hỏi quá nhiều ở một chàng trai mới bước vào tuổi 18.

Hồi tháng 6 năm ngoái, ca khúc “Độ ta không độ nàng” trở thành ca khúc hot nhất showbiz Việt. Trước khi xuất hiện tại Việt Nam, “Độ ta không độ nàng” được sử dụng phổ biến trong những clip Tik Tok của giới trẻ Trung Quốc. Trong một thời gian, “Độ ta không độ nàng” xuất hiện dày đặc trong những clip cover của nhiều nghệ sĩ và các bạn trẻ trên khắp cả nước.

Phiên bản gốc cùng tên do Tô Đàm Đàm và Giai Bằng thể hiện, gắn liền với một bộ phim ngôn tình của Trung Quốc. Bài hát là lời độc thoại của một vị hòa thượng còn vướng bận chuyện tình cảm với cô gái đang sống trong những ngày dằn vặt, đau khổ, chờ anh trở về. Lời oán thán của vị hòa thượng với câu nói “Vì sao độ ta mà không độ nàng” trở thành chủ đề xuyên suốt ca khúc. “Độ ta không độ nàng” lôi cuốn khán giả nhờ giai điệu bắt tai, ca từ đậm chất ngôn tình cùng câu chuyện tình yêu ngang trái.

Có thể khẳng định rằng, “Tình sầu thiên thu muôn lối” và “Độ ta không độ nàng” là hai ca khúc nhạc Hoa lời Việt đáng chú ý nhất trong vài năm trở lại đây. Ra đời vào thời điểm khác nhau nhưng điểm chung của hai ca khúc này là đều nhanh chóng trở thành “hot trend”, liên tiếp dẫn đầu các bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến lấy tiêu chí lượt xem, nghe, tải về để đánh giá ca khúc. Điều đó chứng tỏ, ca khúc nhạc Hoa lời Việt vẫn có sức hấp dẫn riêng và là món ăn “lạ” với thế hệ trẻ ngày nay. Tuy nhiên, ca khúc nhạc Hoa lời Việt có trở thành một trào lưu như đã từng có trong lịch sử âm nhạc Việt Nam đương đại hay không lại là câu chuyện khác.

Không dễ tạo nên xu hướng

Nhìn lại dòng chảy âm nhạc Việt Nam, có thể thấy rằng, ca khúc nhạc Hoa lời Việt đã có thời phát triển đỉnh cao, là một “lát cắt” đáng chú ý, tạo nên tên tuổi của nhiều ca sĩ trong nước. Vào đầu những năm 90, “Chàng trai Bắc Kinh”, một bản hit đồng thời là tên album chung đầu tiên của đôi ca sĩ Minh Thuận - Nhật Hào gây sốt trong làng nhạc trẻ lúc bấy giờ. Sau đó, cả hai liên tục thu âm, phát hành album riêng mang tên “Chàng trai Bắc Kinh” cho đến tận số 16.

Đến giữa thập niên 1990, một làn sóng ca sĩ mới tại Việt Nam như Sỹ Ben, Lam Trường, Đan Trường, Cẩm Ly... với nhiều ca khúc nhạc Hoa lời Việt được  đông đảo công chúng đón nhận. Vào thời điểm đó, ca sĩ Lam Trường, Đan Trường là những cái tên có sức hút mạnh mẽ với lượng người hâm mộ cực kỳ đông đảo. Anh Hai Lam Trường thực hiện album nhạc Hoa lời Việt có tên là “Mãi mãi” với những ca khúc như “Tuyết lạnh”, “Tuyết sơn phi hồ”, “Vầng trăng khuyết”... “Mãi mãi” nhanh chóng trở thành album được yêu thích nhất của Lam Trường trong năm 1998.

Có lẽ, rất ít người thuộc thế hệ 7X, 8X mà không biết đến một số ca khúc nhạc Hoa lời Việt như: “Tình nhạt phai”, “999 đóa hồng”,  “Mộng uyên ương hồ điệp”, “Nụ hôn biệt ly”, “Tiếng sáo phiêu bồng”, “Người đến từ Triều Châu”, “Xa em kỷ niệm”, “Ảo mộng tình yêu”. “Kiếp ve sầu”, “Mưa trên cuộc tình”, “Tâm hồn xao động”, “Biệt khúc chờ nhau”, “Phong ba tình đời” “Người tình mùa đông”…

“Tình sầu thiên thu muôn lối”, một ca khúc nhạc Hoa lời Việt gây chú ý trong những ngày gần đây.

Đến tận bây giờ, giai điệu của nhiều ca khúc nhạc Hoa lời Việt vẫn ngân vang trong tâm thức nhiều người thuộc thế hệ này. Ca khúc nhạc Hoa lời Việt thu hút khán giả nhờ giai điệu dễ nghe, dễ nhớ, thường gắn với một bộ phim đình đám nào đó. Như quy luật vận động, sau thời gian phát triển rầm rộ ở thời kỳ đỉnh cao, những ca khúc nhạc Hoa lời Việt đi vào thoái trào, nhường chỗ cho những ca khúc trẻ trung, sôi động với những màn vũ đạo đông người mang đậm màu sắc âm nhạc Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…

Nhiều người cho rằng, nhạc Hoa lời Việt đang quay trở lại sau gần hai thập kỷ từng “gây bão” trong thị trường âm nhạc. Bằng chứng là sự xuất hiện một số ca khúc mới thuộc dòng nhạc này vẫn có sức hút mạnh mẽ. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, không ít ca sĩ, trong đó có cả những tên tuổi lớn như Đan Trường, Lam Trường đã triển khai dự án cover lại ca khúc nhạc Hoa lời Việt “một thời vang bóng”.

Nhận định này không phải không có lý bởi thực tế cho thấy, xu hướng tìm lại những ca khúc nhạc xưa, ca khúc hit một thời được nhiều nghệ sĩ Việt thực hiện trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, có người cho rằng, xu hướng tìm lại những ca khúc cũ cũng cho thấy một góc nhìn khác về thị trường nhạc Việt là tình trạng thiếu, thậm chí là “khan hiếm” những ca khúc hay, có sức hấp dẫn, có “sức sống” lâu dài trong lòng khán giả.

Tôi cho rằng, sự xuất hiện của một vài ca khúc nhạc Hoa lời Việt chưa thể khẳng định sự trở lại của xu hướng này trong thời gian tới. Thị trường âm nhạc Việt đang phát triển đa dạng về hình thức và thể loại nên sẽ khó xuất hiện xu hướng sáng tác ca khúc nào một cách rõ ràng. Các ca khúc thuộc nhiều thể loại, dòng nhạc sẽ cùng tồn tại song hành với nhau. Bên cạnh đó, nói gì thì nói, chúng ta vẫn mong chờ những ca khúc hit “thuần Việt” hơn là những ca khúc nhạc Hoa lời Việt.

Tường Phạm
.
.