Cần có chiến lược về quy hoạch

Thứ Năm, 16/03/2017, 10:20
Ngay khi những thông tin dồn dập về việc lập lại trật tự, mỹ quan vỉa hè đô thị được đưa ra, nhiều người chợt nhớ tới một sự kiện cách nay gần 2 năm. Đó là kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khoá XIII, diễn ra cuối năm 2015. Ở kỳ họp ấy, Quốc hội đã thông qua dự án Luật phí, Lệ phí và song song đó cũng bàn thảo về ý kiến "Nên cho phép việc thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường kể từ năm 2017".


Bây giờ đã là tháng cuối cùng của quý I - 2017 và dự án kể trên vẫn chưa thấy chuyển động, dù là trên giấy. Điều đó khiến chúng ta phải suy nghĩ đến tính đồng bộ trong kế hoạch và hành động quy hoạch đô thị hôm nay.

Giữa tuần trước, có một bài trên một trang báo mạng lấy tựa đề là "Kinh tế vỉa hè thực ra chỉ là ảo giác", với đại ý xem thường những lợi ích của kinh tế vỉa hè và cho rằng việc coi giao thương vỉa hè chỉ là ảo giác đến từ tính tùy tiện của xã hội.

Bài báo ấy có những điểm chuẩn xác nhưng tựu trung lại, việc xem nhẹ kinh tế vỉa hè ở các đô thị lớn, đặc biệt là những đô thị du lịch lại cho thấy có một bộ phận đánh giá chưa đúng về kinh tế phi quy mô, kinh tế phi chính thức và đơn thuần chủ quan đổ lỗi hỗn loạn đô thị cho nền kinh tế vỉa hè ấy. Nguyên nhân chính của lầm lẫn đó đến từ chính công tác quy hoạch thực sự chưa có chiến lược và chiến thuật cụ thể.

Một ví dụ mà chúng ta không thể không tham khảo là những dữ kiện về vỉa hè Paris. Thủ đô nước Pháp có khoảng 25% diện tích vỉa hè đang được chính quyền cho các đơn vị kinh doanh thuê và số tiền thu được từ việc cho thuê vỉa hè ấy đang đóng góp dao động từ 13-17% GDP của Paris.

Nên nhớ, vùng Paris đóng góp khoảng 30% GDP của cả nước Pháp và nếu Paris được coi là một quốc gia độc lập, GDP của nó đứng thứ 17 trên thế giới, ngang hàng với Hà Lan. Những con số đó cho thấy rất rõ vai trò của kinh tế vỉa hè ở Paris là như thế nào.

Vỉa hè Hà Nội thông thoáng hơn sau ngày lập lại trật tự.

Tất nhiên, để có một nền kinh tế vỉa hè hoàn hảo và không ảo giác như vậy rất cần một chính sách quy hoạch cụ thể, chi tiết và khoa học. Ở mảng này, các đô thị văn minh thực hiện rất tốt và những gì họ làm hoàn toàn có thể là bài học kinh nghiệm cho Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ.

Cụ thể, quy hoạch chiến lược ấy cần sự tính toán trên thực tế để khoanh vùng khu vực có thể kinh doanh, khu vực tuyệt đối cấm mọi hình thức kinh doanh, phạm vi, giới hạn thời gian, mô hình, ngành hàng kinh doanh cũng như chính sách giấy phép thường niên, thứ có thể giúp chính quyền thành phố tạo ra một tinh thần tự giác cho các hộ kinh doanh đối với trách nhiệm thuế, vệ sinh, mỹ quan…

Nói như vậy để thấy, trong chiến dịch lập lại trật tự mỹ quan đô thị mà chúng ta đang thực hiện, một chiến dịch thực sự rất cần thiết, chúng ta rất cần tổ chức quy hoạch có chiến lược song  hành. Và quy hoạch có chiến lược cũng không đơn thuần chỉ áp dụng cho lĩnh vực giao thông, mỹ quan đô thị, hạ tầng đô thị mà nó còn cần cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác.

Một ví dụ chúng ta không thể không nhắc đến là chuyện quy hoạch kinh tế nông nghiệp. Mấy năm trước, chúng ta ngợi khen những hộ nông dân đang làm giàu nhờ ớt. Vậy mà hôm nay, khi đọc tin nông dân Nghệ An phải bỏ ớt đi vì không có người thu mua nữa, chúng ta hẳn không băn khoăn về một chiến lược quy hoạch kinh tế nông nghiệp.

Người nông dân Việt có thói quen thấy cái gì dễ thì làm theo ngay. Chính vì vậy, họ rất cần một định hướng được quy hoạch cụ thể rõ ràng, để khi thấy người khác làm giàu vì ớt chẳng hạn, họ không vội vàng bắt chước theo mà kiên nhẫn nuôi trồng nông phẩm khác mà vẫn đảm bảo được đời sống.

Bài học khủng hoảng thừa nông sản do phụ thuộc nguồn thu mua không hề cũ, nhưng nó vẫn mới ở mỗi năm khi không một định hướng hỗ trợ nào được vạch ra cho nông dân, những người ngoài kỹ năng nông nghiệp ra họ không có thêm tri thức nào về thị trường và kinh tế thị trường.

Quy hoạch chiến lược với ngành văn hoá, giáo dục, y tế cũng tương tự như vậy thôi. Sẽ không thể nào xây dựng một quốc gia tiên tiến nếu thiếu những quy hoạch ngành nghề được hoạch định cụ thể thành chiến lược và từng chiến thuật cho từng giai đoạn.

Và nhắc đến đây, thực sự chúng ta mới nhận ra rằng, chúng ta vẫn còn nhiều ảo tưởng trong những việc mình đang làm, những ảo tưởng mà cuối cùng, thế hệ trả giá, xót xa thay, lại không chỉ là thế hệ chúng ta hiện nay.

Hà Quang Minh
.
.