Giành lại vỉa hè lần này có “thắng”?

Thứ Hai, 13/03/2017, 09:09
Vỉa hè chịu trận bị giẫm đạp bởi xe cộ, chân người, đập gò thùng chậu…bốc ra đủ thứ mùi khó ngửi suốt từ sáng sớm đến khuya. Khi mọi người đã đi vào giấc ngủ mệt nhọc, vỉa hè mới được hít thở không khí trong lành vài giờ lấy hơi để tồn tại cho ngày mới tiếp tục chịu trận.


1. Ba mươi năm không thay đổi?

Anh bạn tôi người Hà Nội lập nghiệp ở nước ngoài từ những năm đầu đổi mới. Mải làm ăn mới về quê được đôi ba lần. Đầu năm nay về ăn tết với gia đình, ngồi với nhau anh tâm sự: "Hà Nội thay đổi nhanh quá, nhiều nhà cao tầng mọc lên, nhiều khu phố, đường phố mở rộng. Riêng có một thứ 30 năm nay không thay đổi - thậm chí còn tệ hơn - là sự lộn xộn, bát nháo giao thông, vỉa hè nói chung và khu phố cổ nói riêng. 

Những thập niên trước, khi chúng mình tuổi học trò, những con phố có vỉa hè rộng như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng... là nơi lý tưởng cho bọn trẻ chơi đùa, chạy nhảy và các cụ già thanh thản dạo bộ, nay bị chiếm đóng bởi các lô cốt hàng ăn, giải khát và đủ thứ bà rằn tấp nập bán mua tới khuya. Xe cộ để dọc ngang, ngáng chân người đi bộ. 

Đặc biệt khu phố cổ mật độ dân số cao, nhà ở chen chúc chật hẹp nở rộ buôn bán từ khi đất nước mở cửa thành phần kinh tế tư nhân bung ra mạnh mẽ. Cửa hàng cửa hiệu ken nhau san sát, mặt tiền chỉ 1m cũng kinh doanh. Bao nhiêu thứ đẹp xấu, từ chổi cùn rế rách, vàng bạc đều tống ra vỉa hè. Đồ may mặc, đồ lót treo lủng lẳng, bát đĩa sành sứ, dao kéo, thùng chậu… xếp khít từng xăng ti mét. 

Tệ hơn họ còn đưa cả bếp than, bếp củi nấu nướng ngay trên vỉa hè để phục vụ "thượng đế" ăn vặt. Không gian vỉa hè được tận dụng triệt để. Mái che, mái vẩy, ô dù đủ kiểu. Cây xanh thì quấn dây đèn nhấp nháy lập lòe; đóng đinh treo lồng chim để bán, là nơi xích chó…thật  hết sức bệ rạc. Nói không ngoa, chẳng còn  nổi vài cm để lách chân giữa ngổn ngang trăm thứ vật cản…".

Vỉa hè không có lối dành cho người đi bộ.

Vỉa hè chịu trận bị giẫm đạp bởi xe cộ, chân người, đập gò thùng chậu…bốc ra đủ thứ mùi khó ngửi suốt từ sáng sớm đến khuya. Khi mọi người đã đi vào giấc ngủ mệt nhọc, vỉa hè mới được hít thở không khí trong lành vài giờ lấy hơi để tồn tại cho ngày mới tiếp tục chịu trận.

2.Vì đâu nên nỗi?

Đã có tới vài chục quyết định, quy chế, quy định... các loại văn bản từ cấp thành phố đến quận, phường và nhiều cuộc hội thảo hiến kế, các cuộc thanh kiểm tra, truy quét rầm rộ, nhưng rồi đâu vẫn hoàn đó. Vì sao ư? Vì thời buổi tấc đất tấc vàng. Vỉa hè là con gà đẻ trứng vàng, là "của trời cho" chẳng phải mất tiền mua, không phải đầu tư mà sinh lời lớn. Không những ăn đậm mà còn ăn kép. 

Có cửa hiệu còn cho ông bán kính mắt, bán sửa đồng hồ đeo tay có chiếc tủ kính con con và chiếc ghế ngồi chỉ 1m2 cũng thu về tiền triệu mỗi tháng? Nên bắt cóc bỏ đĩa, cóc lại nhảy ra. Lỗi tại ai? Tại cả hai phía - người dân và chính quyền - trong đó lỗi to thuộc chính quyền. Với người dân ở nước nào cũng vậy. Cứ có lợi cho gia đình, cá nhân là họ làm tới. 

Ở Nhật, Âu Mỹ có được trật tự như ngày nay đều phải sử dụng công cụ luật pháp cứng rắn mà gò vào khuôn khổ. Đừng quá tin tưởng vào sự tự giác của dân. Lòng tham con người vô đáy. Cứ phải làm quyết liệt, thường xuyên không nhân nhượng, công bằng không có ngoại lệ. Lúc đầu sẽ khó khăn nhưng trật tự sẽ được thiết lập và dân buộc phải quen.

Về phía chính quyền, ta có đủ luật, quy chế quy định mà không làm được là mắc ở khâu thực hiện, những con người thực hiện. Do người buôn bán chiếm dụng vỉa hè có "bảo kê, chỗ dựa, sân sau, bảo lãnh, người quen" ở phường, quận. 

Tất cả những danh từ ấy đều nằm trong cái "RỌ" có tên là nhóm lợi ích. Lệ bất thành văn, tất cả các loại buôn bán từ người cắt tóc, bán giải khát, bán hoa quả, trông giữ, sửa xe đến các cỡ cửa hàng nhỏ to, cửa hiệu, quán nhậu, muốn tồn tại đều phải "cống" cho các lực lượng bét nhất từ vài trăm nghìn đến tiền triệu trở lên mà không có hóa đơn chứng từ gì? 

Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Thông tấn và một số báo đã phản ánh qua các phóng sự, phỏng vấn nhà chức trách và người dân những ngóc ngách của vấn đề. Cứ mỗi khi có đoàn thanh tra kiểm tra hay có đợt truy quét, dân buôn bán đều biết trước để dọn dẹp gọn gẽ. Xe kiểm tra "lướt phố" cho có lệ, xe đi qua, đâu lại hoàn đấy. Thu biển hiệu, ô dù thì hôm sau lên phường xin lấy về. 

Khó khăn khi lấy lại vỉa hè và lòng đường ở Thủ đô.

Vì đã ăn tiền rồi, được "trả lương" tháng hậu hỹ hơn lương nhà nước nhiều lần, có là "thằng điên" mới đi dẹp chỗ béo bở mang lại tiền bạc cho mình. Một tháng vài lần ông nào, bà nào, cán bộ phường dắt khách vào ăn miễn phí ở quán nhậu…dân đều biết cả, nhưng tặc lưỡi: Bây giờ cán bộ đều thế cả, phản ánh, nói ai nghe - có mà "nước đổ lá khoai" không chừng nó thù mình. Chả dại! 

Theo một anh bạn ngành kinh tế tính toán: Tùy theo địa phận, mật độ buôn bán các phường Hà Nội mỗi năm cấp phường thu không sổ sách ít nhất từ 200 triệu đến 500 triệu, có phường tới tiền tỷ. Nên một khi nhóm lợi ích còn gắn bó với người buôn bán, làm lợi cho nhau, còn kiếm ăn phi pháp, cán bộ, nhân viên chức năng phường quận không liêm chính, trong sạch, không thực sự vì dân vì nước mà vì cái túi của mình  thì không bao giờ dẹp được vỉa hè.

3. Lần này có thắng?

Đa số người dân không tin việc dẹp vỉa hè sẽ có kết quả. Xưa các cụ nói "không quá tam ba bận", nay đã hàng trăm bận suốt mấy chục năm qua còn chẳng làm nổi. Dân hết tin là phải. Nhưng cũng có người vẫn còn hy vọng với lý lẽ chẳng qua là không muốn làm, chứ quyết tâm là xong hết. Đã từng có đa số người dân tin việc Chính phủ cấm đốt pháo sẽ thất bại. 

Bởi dám đánh vào truyền thống hàng nghìn năm của dân tộc? Thế mà thành công. Ban đầu, cũng có lo ngại cả các làng pháo huyện Bình Đà phen này mất nghề có dễ phải đi ăn xin để sống. Thế nhưng, dân làng pháo chuyển đổi nghề hóa ra lại giàu lên? 

Hay chuyện đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm bị phản đối với mọi lý do cũng thành công? Đó là những minh chứng sinh động gần đây thể hiện chân lý "mềm nắn, rắn buông", không ai có thể đứng trên luật pháp. Không thể chấp nhận những ngụy biện, lý do thế này thế nọ mà chùn bước. Không thể vì lợi ích của một bộ phận mà không vì tuyệt đại đa số của hơn 90 triệu dân cả nước?

Thành phố Hồ Chí Minh lĩnh ấn tiên phong (không hiểu sao Hà Nội là Thủ đô có Trung ương cận kề mà cứ thường đi sau?), Hà Nội lần này hưởng ứng mạnh mẽ. UBND, Công an Thành phố đã có chỉ đạo, Bí thư Thành ủy lên tiếng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chỉ thị cho Công an các cấp lần này quyết không để tái chiếm vỉa hè. 

Tôi còn nhớ Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng phát biểu mạnh mẽ trong buổi tái lập lực lượng săn bắt cướp: Đó phải là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, giỏi võ thuật để mỗi khi tội phạm nghe tên phải bạt vía kinh hồn, phải truy nã chúng tận hang cùng ngõ hẻm để chúng không còn nơi ẩn nấp. Thật vô lý hơn chục triệu dân thành phố chịu thua mấy thằng lục lâm thảo khấu? 

Phải dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Sau hơn tháng triển khai, Thành phố mang tên Bác quyết định làm đồng bộ khắp 24 quận để giành lại vỉa hè. Có lẽ Hà Nội cũng nên mở rộng khắp địa bàn thành phố đến các vỉa hè, đường dân sinh, sân chơi ở các khu tập thể hiện cũng trong tình trạng bị chiếm dụng phi pháp. Sau khi dẹp xong, giao cho người đứng đầu là Chủ tịch phường duy trì, quản lý. Đồng thời cũng sớm quy hoạch lại vỉa hè, chú ý tới người kinh doanh buôn bán, bảo đảm một cách hợp lý giữa lợi ích của họ với cái chung của xã hội, của đa số nhân dân. 

Trước mắt xe cộ phải gửi ở các địa điểm đã cho phép, xa xung quanh khu phố cổ, phố trung tâm thành phố. Rèn dần thói quen đi bộ cho người dân. Đoạn đường trên dưới 1km đến các bến xe buýt, các phố buôn bán đông đúc, các danh lam di tích lịch sử cấm xe cộ…với người nước ngoài đi bộ là chuyện bình thường. 

Những phố cho buôn bán phải để tối thiểu rộng 1,5m  cho người đi bộ sát mép lòng đường. Phía trong áp sát các cửa hiệu phải sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, không cho phép ô dù, mái che mái vẩy, biển hiệu xâm chiếm không gian vỉa hè và nhô ra phần dành cho đi bộ. Cùng đó xây dựng biểu mã thuế công bằng không có ngoại lệ; hợp lý cho mỗi cửa hàng, cửa hiệu, hàng hóa, diện tích v v…

Phải cắt được cái bầu nuôi dưỡng nhóm lợi ích, đồng thời người buôn bán phải hy sinh một phần lời lãi của mình, tuân thủ luật pháp, vì lợi ích chung của xã hội, cuộc chiến giành vỉa hè chắc chắn thắng lợi và ổn định lâu dài, bền vững.

Lưu Chí Thiện
.
.