Cải lương đang về đâu?

Thứ Bảy, 12/05/2018, 08:08
Là gạch nối giữa sân khấu kịch hát truyền thống Việt Nam và kịch nói phương Tây, cải lương còn chinh phục công chúng nhờ hệ thống bài bản, làn điệu phong phú, dễ đi vào lòng người, cùng với đó là đặc tính thẩm mỹ nổi bật: tính thương cảm...


Một thế kỷ “cải cách hát ca theo tiến bộ”

Mai Quỳnh Nga

Năm 1918, vở cải lương đầu tiên “Kim Vân Kiều” (soạn giả Trương Duy Toản) của gánh hát thầy Năm Tú ra mắt tại Mỹ Tho, đặt nền móng cho nghệ thuật sân khấu cải lương. Một thế kỷ hình thành và phát triển, cải lương trải qua biết bao thăng trầm nhưng vẫn khẳng định giá trị mà cha ông đã dày công vun đắp.

Tại Hội nghị Văn hóa ở Việt Bắc năm 1950, cải lương từng bị một số người lên án là sân khấu duy cảm, bi lụy của giai cấp tư sản và tiểu tư sản, là một thứ “thuốc phiện văn hóa” được thực dân phong kiến sử dụng làm bạc nhược tinh thần nhân dân để dễ bề cai trị đất nước. Thực tế, lịch sử cải lương từ khởi thủy đến nay cùng những thành tựu mà nó đạt được đã bác bỏ định kiến sai lệch này.

100 năm qua, từ thân phận “sinh sau đẻ muộn” so với các bộ môn nghệ thuật dân tộc khác, cải lương đã trở thành bộ môn sân khấu dân tộc phổ biến rộng rãi nhất, được đông đảo nhân dân cả nước từ đô thị đến nông thôn yêu thích. Khắp Bắc, Trung, Nam, đâu đâu cũng có các gánh cải lương nổi tiếng. Những năm 1960 – 1970 được coi là thời hoàng kim của môn nghệ thuật này với thế hệ vàng như: Út Trà Ôn, Hữu Phước, Út Bạch Lan, Thành Được, Thanh Nga, Tấn Tài, Phượng Liên, Hùng Cường, Bạch Tuyết, Thanh Sang, Thanh Kim Huệ, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Minh Phụng, Minh Vương, Ngọc Giàu…

Thời đại hội nhập đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với việc bảo tồn và phát triển sân khấu cải lương.

Trước thập niên 80, Nam Bộ có trên 20 đoàn nghệ thuật thì có đến 17 đoàn cải lương, còn lại là các đoàn kịch, hát bội và ca nhạc. Trong đó, TP Hồ Chí Minh được coi là “thánh địa” của cải lương, thu hút hàng chục ngàn khán giả mỗi đêm. Hàng loạt vở cải lương của các nghệ sĩ tài danh để lại ấn tượng khó phai trong lòng công chúng.

Lý giải những thành tựu đáng kinh ngạc trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa phân tích, cải lương được đông đảo công chúng yêu mến bởi nó là sản phẩm của lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và trách nhiệm xã hội.

Trong cuốn sách “Năm mươi năm cải lương”, học giả Vương Hồng Sển nhận định: “Nếu tôi không lầm thì buổi sơ khởi của cải lương là do lòng ái quốc mà nên”. Từ đờn ca tài tử phát triển thành ca ra bộ, hát chập rồi những vở cải lương đầu tiên như “Lục Vân Tiên”, “Kim Vân Kiều” của Trương Duy Toản ra đời là quá trình các trí thức yêu nước và người dân Nam Bộ sáng tạo một hình thức sân khấu mới, có khả năng thu hút quần chúng rộng rãi không chỉ như một hình thức giải trí đơn thuần mà là một công cụ hữu hiệu để truyền bá tư tưởng yêu nước và tinh thần dân tộc. Cải lương đã có vô số vở tuồng nêu cao tinh thần yêu nước, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giai đoạn 1920 -1930, dưới chế độ thuộc địa, các kịch bản cải lương cổ trang dựa vào tích truyện Việt Nam hay Trung Quốc đều có nội dung ca ngợi những con người tận trung, tận hiếu, vì nghĩa quên thân như: “Lục Vân Tiên”, “Phụng nghi đình”, “Võ Tòng sát tẩu”, “Xử án Bàng Quý Phi”…

Thời kỳ 1930 -1945, xuất hiện các vở cải lương mang tính hiện thực, phản ánh sự hình thành xã hội Âu hóa thuộc địa, lên án cường quyền và bất công trong xã hội thực dân phong kiến thuộc địa, công khai đòi dân chủ, bênh vực người cùng khổ… như “Đời cô Lựu”, “Tô Ánh Nguyệt”… Hiện thực cách mạng, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trở thành nguồn cảm hứng của cải lương các vùng kháng chiến, giải phóng và ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa thời kỳ 1945-1975.

Sau năm 1975, cải lương là nơi ca ngợi lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng qua nghìn năm lịch sử cùng các chiến công vĩ đại, chủ nghĩa anh hùng dân tộc trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, chỉ ra những ung nhọt để xây dựng xã hội mới như “Câu thơ yên ngựa”, “Nhụy Kiều tướng quân”, “Tiếng trống Mê Linh”, “Người con gái Đất Đỏ”, “Đường phố Sài Gòn rực lửa”, “Chuyện trên vỉa hè”…

Khác với chèo và tuồng, cải lương có tính mở theo đúng tinh thần “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh” nên nó là bộ môn nghệ thuật có khả năng thể hiện mọi đề tài, mọi loại nhân vật từ lịch sử cổ trang, cổ tích dân gian đến tâm lý xã hội hiện đại, hiện thực cách mạng, hương xa (lấy cảm hứng từ cốt truyện nước ngoài)…

Và cũng từ câu tuyên ngôn được ghi trên đôi liễn trước rạp hát gánh Tân Thinh năm 1920 ấy, cải lương cuốn hút khán giả mọi miền bởi khát vọng không ngừng đổi mới, dung nạp các tố chất nghệ thuật “theo tiến bộ, sánh văn minh” để không bao giờ lạc hậu, lỗi thời. Nó hội tụ tinh hoa của các loại hình nghệ thuật từ dân gian đến bác học, từ xưa cũ đến hiện đại (như tuồng, nhã nhạc cung đình Huế, dân ca Nam Bộ, bolero…).

Là gạch nối giữa sân khấu kịch hát truyền thống Việt Nam và kịch nói phương Tây, cải lương còn chinh phục công chúng nhờ hệ thống bài bản, làn điệu phong phú, dễ đi vào lòng người, cùng với đó là đặc tính thẩm mỹ nổi bật: tính thương cảm.

Tuy nhiên, cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, dưới sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình giải trí mới mẻ thời hội nhập, cải lương đang đứng trước vô vàn thách thức, khó khăn. Khán giả thưa vắng, kịch bản và nguồn nhân lực thiếu hụt trầm trọng, các đoàn hát sụt giảm số lượng và thiếu chỗ biểu diễn, nghệ sĩ cải lương không thể bám trụ với nghề…

Đã có nhiều nỗ lực đổi mới để vực dậy cải lương như giới thiệu cải lương vào trường học, mở các cuộc thi tìm kiếm giọng ca trẻ… nhưng sân khấu cải lương vẫn “sống mòn” tại chính nơi mình sinh ra chứ đừng mong trở lại thời vàng son. Thậm chí, vì chạy theo kim tiền, cải lương bị lạm dụng, biến tướng bằng đủ chiêu trò trong gameshow truyền hình hay hài hóa một cách lố bịch.

Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai: Cải lương phải sáng tạo không ngừng để đứng vững trong thời đại mới

Hiện nay, chúng ta đang có cải lương Nam và cải lương Bắc. NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam gọi là: “Gốc cội miền Nam, lá cành đất Bắc”. Cải lương như một thân cây vững chãi với gốc rễ gắn liền với mảnh đất phương Nam và tỏa bóng lớn mạnh với lá cành gắn liền với miền Bắc. Chính vì vậy, khung phát triển hiện nay của cải lương hai miền đều có những điểm chung và điểm riêng.

Cải lương là biến đổi “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Như vậy, chúng ta luôn phải định hướng cho bộ môn nghệ thuật này phát triển với khung hướng rõ ràng. Việc sinh sau đẻ muộn của cải lương cũng có lợi là tiếp thu được nhiều kinh nghiệm thực tiễn về học thuật ở các bộ môn sân khấu ra đời trước, để cải lương có thể tránh được những hạn chế, bỏ qua được những khúc quanh mày mò mà các thể loại đi trước đã mất hàng thế kỷ, nhất là quán triệt tính khoa học và khẳng định bản sắc dân tộc trong quá trình phát triển “đi tắt” của mình. Cho dù trong quá trình tìm tòi, phát triển ấy sẽ có những mặt được và chưa được. Nhưng có một điều chắc chắn rằng cần phải luôn điều chỉnh, sáng tạo không ngừng để tìm tòi cái mới, giúp cho cải lương đứng vững trong đời sống hiện đại.

Để đi tìm giải pháp cho sân khấu cải lương, việc đầu tiên là trả lời câu hỏi tại sao chúng ta thiếu kịch bản hay. Chúng ta biết cốt truyện là linh hồn của vở diễn, làm sao để xây dựng được một cốt truyện hay, đó là điều mà tác giả nào cũng muốn hướng tới. Mà cơ sở của cốt truyện là hiện thực cuộc sống. Vậy hiện thực cuộc sống của chúng ta thiếu sinh động?

Hay nó phức tạp và khó nắm bắt đến nỗi tác giả phải chịu bó tay để bao lâu nay chúng ta vẫn nói rằng tác phẩm sân khấu chưa phản ánh xứng tầm với hiện thực cuộc sống? Hay vì tâm lý “sợ”, “ngại” đụng chạm đến những vấn đề nóng bỏng, nhạy cảm của đất nước như tham nhũng, chạy chức, chạy quyền…, những vấn đề quan thiết đến đời sống nhân dân.

Một khi người làm sân khấu cải lương còn ngại như vậy thì làm sao kéo khán giả tới rạp? Bởi khán giả đến rạp hát không chỉ để nghe những bài giảng về đạo lý, nghe những tuồng tích sáng tác theo “định hướng” mà họ đến với sân khấu để đồng cảm, để chia sẻ với tình cảm và câu chuyện trên sân khấu. Đó phải chăng là một căn nguyên lớn làm cải lương ngày càng mất khán giả?

Khó khăn nữa của cải lương là tầng lớp lão thành tàn lụi trong khi lớp trẻ kế cận ngày càng ít. Đồng lương ít ỏi, eo hẹp… thì cải lương khó thu hút lớp trẻ theo đuổi. Để tìm tài năng trẻ cho sân khấu cải lương, những năm gần đây chúng ta có chương trình thu hút thí sinh mọi miền đất nước như “Chuông vàng vọng cổ”, “Đường đến danh ca vọng cổ”, “Ngân mãi chuông vàng”, “Vầng trăng cổ nhạc”… nhưng những cố gắng đó có ai đã nói đại ý rằng “đó là những cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân của cải lương”.

Bên cạnh đó, cơ chế trao giải thưởng, huy chương trong các kỳ hội diễn còn mang tính chất động viên, chưa thực sự khuyến khích nghệ sĩ tâm huyết với nghề. Chúng ta chưa kêu gọi được xã hội hóa sân khấu thực sự. Những doanh nhân, Mạnh Thường Quân chưa sẵn sàng bỏ tiền tài trợ cho sân khấu cải lương nếu so sánh với gameshow, chương trình giải trí trên truyền hình.

Cải lương là bộ môn kịch hát truyền thống, là hồn cốt của dân tộc Việt. Để bảo tồn và phát triển cải lương thì không thể áp dụng cơ chế tự chủ đối với các đoàn nghệ thuật. Như vậy, khác nào đẩy bộ môn nghệ thuật có tuổi đời trăm năm này rơi vào bế tắc, mai một.

Nhà biên kịch Vương Huyền Cơ: Có nhiều cách để cải lương cuốn hút giới trẻ

Người trẻ có quay lưng với cải lương không? Không hề. Tôi biết một cô bé sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Em biết cải lương qua YouTube và giống như một cú sét ái tình, em si mê cải lương, nghe mọi lúc mọi nơi. Điều này chứng tỏ sức quyến rũ “không hề nhẹ” của cải lương.

Bảo tồn cải lương không phải bằng cách “đập ra xây mới” hoặc “bôi son trét phấn” bằng chiêu trò. Hãy bảo tồn cải lương như nó vốn có từ lúc khai sinh và được hoàn thiện cho đến nay.

Chúng ta nên mở kênh YouTube cho cải lương. Đây là kênh tiếp cận với giới trẻ hiện đại nhất. Nhà hát cải lương, đài phát thanh, đài truyền hình hãy sản xuất chương trình những bài bản cải lương hay nhất, thông dụng nhất với cách trình diễn hoàn hảo cùng lời dẫn giải. Mọi tầng lớp công chúng sẽ tiếp cận cải lương qua YouTube và họ sẽ cảm nhận, thấu hiểu “Xuân tình” hát như thế nào, “Văn Thiên Tường” hát ra sao... Mưa dầm thấm lâu, dần dần công chúng sẽ có kiến thức về cải lương.

Cách thứ hai là tiếp cận với học sinh, sinh viên qua trường học. Giờ học nghệ thuật dân tộc phải là những giờ học sôi động, hấp dẫn. Nhiệm vụ của các nghệ sĩ là tiếp cận với các em học sinh, sinh viên bằng cách trình diễn và diễn giải. Phải có kiến thức, am hiểu về nó các em mới yêu nó được. Muốn làm được điều này, ngoài các nghệ sĩ, chúng ta cần sự chung tay góp sức của các ban, ngành, đoàn thể và có nguồn kinh phí hoạt động ổn định. Chúng ta không thể muốn bảo tồn nhưng lại sợ tốn kém.

Cải lương muốn phát triển thì phải cạnh tranh với muôn vàn loại hình giải trí sôi động khác, cho nên ta không thể làm cải lương cẩu thả tùy tiện hoặc chỉ làm bằng ý chí. Có những kịch bản cải lương yếu toàn diện về nội dung đến kỹ thuật, nhưng thời gian sau lại thấy được phát trên tivi. Cũng khó trách tác giả và nhà đài, bởi kinh phí dàn dựng quá thấp nên chỉ có thể cho ra đời những “thứ phẩm”. Một mặt chúng ta hô hào bảo tồn và phát triển cải lương, nhưng mặt khác ta lại coi cải lương quá rẻ rúng. Truyền hình trả tiền tác quyền cho một kịch bản cải lương là 7 triệu đồng, chừng đó có đủ cho tác giả vắt tim óc cả tháng trời cho sáng tạo?

Tôi nghĩ mỗi tháng, truyền hình chỉ cần phát một vở nhưng phải hay, khiến khán giả trông chờ giờ phát sóng để thưởng thức. Các sân khấu cải lương chuyên nghiệp một năm chỉ cần làm hai vở nhưng phải là tuyệt phẩm. Mỗi lần công diễn là một sự kiện văn hóa và vở có thể thu hút đông đảo khán giả nhiều năm liền. Làm được điều đó thì cải lương đã đứng ngang hàng với các loại hình giải trí khác và hơn hẳn về mặt nghệ thuật.

Bản chất của cải lương là tự sự, nó đi vào lòng người bằng sự mộc mạc, chân chất, mùi mẫn nên hãy để cải lương làm tốt nhiệm vụ của mình là ca ngợi cái Chân – Thiện – Mỹ của cuộc sống, đừng quá gò cải lương phải phục vụ cho tuyên truyền, định hướng chính trị một cách khiên cưỡng. Việc đó dành cho văn, thơ, báo chí. Chúng ta tốn kém làm những vở cải lương với mục đích trên nhưng khán giả không xem thì chúng ta tuyên truyền cho ai?

Nhà báo, nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long: Video cải lương cẩu thả, chụp giật “giết” sân khấu cải lương

Nhiều năm nay, cải lương trở nên vắng lặng và không còn sáng đèn hằng đêm ở TP Hồ Chí Minh. Rạp cải lương chỉ còn thu lại một nơi là rạp Trần Hưng Đạo và khán giả cũng teo tóp dần đi. Những hoạt động vực lại niềm tin trong công chúng cải lương như chương trình “Những dấu ấn không phai” của các nghệ sĩ ở tuổi trên 60 buộc chúng ta phải suy nghĩ.

Bởi khi thế hệ nghệ sĩ như Thanh Nga, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Thanh Sang, Minh Vương, Lệ Thủy… vẫn sống trong lòng công chúng có nghĩa là ánh hào quang của cải lương thập niên 60- 70 luôn khắc đậm dấu ấn khó quên. Khán giả vẫn vô cùng hào hứng đến với những chương trình kỷ niệm của các nghệ sĩ lão thành để được sống lại ánh hào quang sân khấu cải lương ngày nào. Hiện tượng này cho thấy cải lương những thập niên sau này đã có một bước lùi, đi ngược quy luật “thầy già, con hát trẻ”.

Nghệ sĩ cải lương ngày trước mỗi người đều có một giọng ca, cách diễn riêng biệt, không ai lẫn với ai. Họ như kỳ hoa dị thảo hội tụ trong khu vườn cải lương khiến khán giả mê đắm. Bây giờ, Giải Trần Hữu Trang tôn vinh những nghệ sĩ cải lương trẻ hằng năm dường như ít để lại dấu ấn trong lòng công chúng. Tên nghệ sĩ trẻ nhận giải nhiều đến nỗi công chúng mộ điệu cũng khó lòng mà nhớ hết. Những gương mặt ấy gần như trộn lẫn vào nhau, những giọng ca, cách diễn gần như cùng một khuôn.

Và cũng buồn thay, khi diễn lại những vở cũ, hầu hết diễn viên trẻ chỉ cốt làm sao ca diễn cho giống thế hệ diễn viên của mấy mươi năm trước mà không có ý thức sáng tạo riêng cho nhân vật của mình. Đó phải chăng là chỗ hổng rất rõ của sân khấu cải lương hiện nay?

Đương nhiên, sân khấu cải lương không thiếu những nghệ sĩ trẻ thật sự tài năng, nhưng vì sao họ không đủ sức hút như thế hệ cha anh trước đây? Tôi cho rằng chính các băng video cải lương kém chất lượng với kiểu làm ăn chụp giật đã góp phần làm bào mòn tình yêu của công chúng đối với cải lương. Những video cải lương được đầu tư công phu, kỹ lưỡng như “San Hậu” năm 1988 đã trở thành chuyện xưa. Muốn hốt được nhiều đơn hàng, người ta hạ giá thành và làm càng nhanh càng tốt.

Thời gian làm một phim video cải lương đồng loạt gần giống như nhau, tất cả đều gom vào trong vòng 5-7 ngày. Sau khi đạo diễn nhận kịch bản và làm phân cảnh xong thì cho các diễn viên ráp tuồng. Sau đó cho thu tiếng một ngày, thu hình 3 ngày và dựng… Vậy là xong. Như thế các diễn viên có kịp thuộc tuồng không? Có thánh mới thuộc nổi. Có diễn viên đến thu hình, dù lúc nào cũng có người nhắc tuồng kè kè bên cạnh mà còn quên tên bạn diễn, gọi nhầm lẫn lung tung và nhép miệng sai vì không theo được thoại.

Trong hai năm 1990, 1991, băng cải lương làm ào ạt, mỗi năm có cơ sở làm cả trăm vở. Băng video cho thuê rẻ như bèo, muốn xem tuồng nào có tuồng nấy, muốn nghệ sĩ ngôi sao có nghệ sĩ ngôi sao… Và đương nhiên, đó là lúc sân khấu cải lương tắt ngúm đèn vì các ngôi sao bận lo chạy sô làm băng video. Cũng từ đó, thói quen xem cải lương ở rạp với cảnh trí hoành tráng, với nghệ sĩ bằng xương bằng thịt của công chúng bỗng trở nên xa xỉ. Chính kiểu làm ăn chụp giật, chạy theo đồng tiền làm mất niềm đam mê sân khấu cải lương của khán giả.

Năm 1993, thị trường băng video cải lương vắng lặng hẳn. Giải thích hiện tượng này, các nhà sản xuất đều trả lời: “Thì họ coi riết cũng chán chứ, mình cung cấp cho họ đến mức bão hòa rồi”. Không ai tự nói ra cho đúng với sự thật vốn có của nó. Khán giả không bao giờ quay lưng lại nếu anh biết tôn trọng họ. Nghệ thuật nếu đã đem lại sự nhàm chán và bão hòa cho người xem thì tự thân anh hãy xét lại xem thứ nghệ thuật anh đem đến là thứ nghệ thuật gì?!
PV
.
.