Kỳ nhân tuồng kiếm hiệp của sân khấu cải lương

Thứ Bảy, 24/06/2017, 08:25
Vùng đất Bạc Liêu ở đồng bằng sông Cửu Long đã sản sinh ra hai cây bút lừng danh trong giới biên soạn cổ nhạc của quê hương Nam Bộ, đó là soạn giả Trọng Nguyễn và soạn giả Yên Lang. Nếu như Trọng Nguyễn từng nổi tiếng với những tác phẩm cổ nhạc thuộc đề tài cách mạng thì Yên Lang là soạn giả thành công qua những vở tuồng mang màu sắc hương xa, kiếm hiệp.


Những duyên ngộ đầu đời

Chào đời năm 1940 tại Bạc Liêu, mảnh đất có nghệ thuật Đờn ca Tài tử và sân khấu Cải lương sớm hình thành và phát triển, với nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, soạn giả, danh cầm cổ nhạc lừng danh như: Lê Tài Khí (còn gọi là Nhạc Khị, Trưởng ban cổ nhạc Bạc Liêu lừng lẫy một thời), Trịnh Thiên Tư, Lư Hòa Nghĩa, Ba Chột, Cao Văn Lầu, Lý Khi, Mộng Vân, Trần Tấn Hưng…; Nguyễn Ngọc Thanh (tên thật của Yên Lang) đã “thẩm thấu” những thang âm ngũ cung của âm nhạc cổ truyền Nam Bộ từ thời niên thiếu. Nó đã ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp biên soạn cổ nhạc của soạn giả Yên Lang sau này.

Năm 1955, chàng thiếu niên Nguyễn Ngọc Thanh giã từ nơi “chôn nhau cắt rốn” Giòng Me - Cầu Kè, một vùng quê nghèo (nay là phường 2 - TP Bạc Liêu -  tỉnh Bạc Liêu) lên Sài Gòn tiếp tục hoàn thành chương trình Tú tài tại Trường Trung học Tân Thịnh và bắt đầu tham gia làng văn nghệ Sài Gòn với tư cách người làm thơ. Ban đầu, ông khởi nghiệp bằng việc làm thơ, viết văn cho tuần báo Tầm Nguyên, báo Nhân Loại với bút hiệu là Huyền Thanh Huyền.

Ngay trong niên học đầu tiên ở đất Sài thành, ông đã sáng tác vở kịch nói có tên gọi “Đường lên ải Bắc”, kể lại đoạn Nguyễn Trãi tiễn cha là Nguyễn Phi Khanh ở biên thùy, được thầy cô và bạn bè nhiệt liệt tán thưởng. Nhờ vậy mà ông được chọn là một trong ba học sinh giỏi dự trại hè Đà Lạt. Từ đó, cuộc sống của ông dần dần thay đổi, có nhiều cơ hội tiến gần với nghệ thuật.

Duyên kỳ ngộ đưa ông gặp gỡ ký giả Phong Vân và nhà thơ Hoài Ngọc. Nhờ sự động viên tận tình của hai đàn anh, cậu học trò Nguyễn Ngọc Thanh chuyển hướng biên soạn tuồng Cải lương với nghệ danh là Yên Lang. Đặc biệt, khi ông lập gia đình với nghệ sĩ Kiều Oanh (đào chánh của gánh hát Song Kiều), ông càng có cơ hội gần gũi và thâm nhập sâu hơn với loại hình nghệ thuật độc đáo của vùng đất phương Nam. Khi ông sáng tác được vài kịch bản Cải lương thì gặp nghệ sĩ Kiều Oanh (con gái của ông bầu Năm Thành, chủ đoàn hát Chấn Hưng và con nuôi của ông Tám Chương, ông bầu đoàn Song Kiều), hai người yêu nhau rồi đi đến kết hôn. Nhờ vậy mà soạn giả Yên Lang kể như may mắn làm rể cùng lúc hai ông bầu đoàn hát Cải lương.

Cuối thập niên 50 của thế kỷ 20, hai vở cải lương do Yên Lang hợp soạn cùng soạn giả đàn anh Nguyễn Liêu là “Nắng chiều lên cổ tháp” và “Bếp lửa chiều ly biệt” được trình diễn lần đầu trên sân khấu Song Kiều và Bạch Vân, được các nghệ sĩ nổi danh của sân khấu cải lương như Kiều Oanh (bạn đời của ông), Tấn Tài, Thanh Sang, Phương Quang… thủ diễn, được nhiều người ái mộ.

Đầu thập niên 1960, lấy cảm hứng từ nỗi nhớ quê ngoại của mình ở Thông Lưu (thuộc thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu ngày nay), soạn giả Yên Lang đã viết vở tuồng “Đường về quê ngoại” (còn có tên gọi khác là “Manh áo quê nghèo”). Sau khi được đoàn Bạch Vân biểu diễn, vở đã ngay lập tức tạo cơn sốt mạnh mẽ trên sàn diễn cải lương. Kể từ đó, nghệ danh Yên Lang được công chúng yêu thích ngang tầm với những soạn giả tài danh khác như: Hà Triều, Hoa Phượng, Thu An, Quy Sắc, Loan Thảo, Kiên Giang.v.v…

Bay xa với tuồng kiếm hiệp

Nhờ am hiểu sâu sắc âm nhạc Tài tử - Cải lương, cộng với trí thông minh và bút pháp sâu sắc, kể từ sau năm 1963, soạn giả Yên Lang được các hãng đĩa thời đó săn đón, mời mọc. Với mỗi soạn phẩm hoàn tất, Yên Lang giao cho một hãng đĩa khác nhau. Ông được một số gánh hát đại bang lúc bấy giờ như: Kim Chưởng, Kim Chung, Dạ Lý Hương, Tinh Thông, Việt Nam… mời làm soạn giả thường trực.

Đa phần các vở tuồng do Yên Lang sáng tác đều mang màu sắc hương xa, kiếm hiệp, có cốt truyện hấp dẫn, bố cục lại gọn gàng hợp lý, có nhiều đất diễn cho diễn viên. Các bài bản cổ nhạc được ông sử dụng không cầu kỳ, rất hợp với từng hoàn cảnh nhân vật, từng tình huống của câu chuyện kịch đang xảy ra. Hơn nữa, từng lời thoại, câu ca của các nhân vật trong vở diễn được ông viết khá mộc mạc, dễ cuốn hút và tạo đồng cảm lớn với người thưởng thức.

Soạn giả Yên Lang trong một lần gặp gỡ, giao lưu với khán giả.

Soạn giả Yên Lang đã góp phần giúp cho sân khấu cải lương được công chúng, mến mộ, giúp cho các hãng đĩa và đoàn hát đoạt doanh thu cao. Đặc biệt, ông là soạn giả đã tạo cơ hội cho nhiều giọng ca vàng của sân khấu cải lương như Minh Cảnh, Tấn Tài, Minh Phụng, Mỹ Châu, Phượng Liên, Lệ Thủy, Thanh Sang, Dũng Thanh Lâm, Minh Vương, Thanh Kim Huệ, Thanh Tuấn… lên hàng ngôi sao. Họ đã hóa thân vào các nhân vật của Yên Lang trong các vở diễn: "Mùa thu trên Bạch Mã Sơn", "Máu nhuộm sân chùa", "Tâm sự loài chim biển" (hay “Áo vũ cơ hàn” viết chung với soạn giả Nguyên Thảo), "Bão biển", "Người phu khiêng kiệu cưới", "Đêm lạnh chùa hoang", "Manh áo quê nghèo", "Băng tuyền nữ chúa", "Tình hận trên băng hồ", "Hỏa sơn thần nữ", "Nhất kiếm bá vương", "Ngựa hoang về núi", "Khi rừng thu thay lá", "Thủ lĩnh Cốc Sơn" v.v… Công chúng và báo giới ấn tượng và đánh giá ông là soạn giả viết tuồng hương xa, kiếm hiệp hay nhất của nghệ thuật cải lương.

Ca lẻ để đời

Yên Lang còn “để đời” với nhiều bài vọng cổ và tân cổ giao duyên ngợi ca về quê hương, đất nước như: "Quán nước quê nghèo", "Thầy cũ trường xưa", "Hương nhãn Bạc Liêu", "Bạc Liêu trời quê mẹ", "Quán nửa khuya", "Vợ chồng quê", "Nỗi buồn hoa phượng", "Chiều lên bản Thượng", "Con thuyền không bến", "Trăng phương Nam", "Đám cưới trên đường quê"...

Đa phần những soạn phẩm vọng cổ của Yên Lang được lấy cảm hứng từ cuộc sống ở làng quê Nam Bộ. Lời văn tuy mộc mạc, bình dị nhưng không quê mùa. Khi thưởng thức, người nghe cảm nhận được ở tác giả có sự chau chuốt trong việc sử dụng ngôn từ và có sự chắt lọc khi chọn lựa nội dung, thể tài của từng tác phẩm. Lời ca trong những bài vọng cổ của ông cũng bộc lộ rõ tính cách của cư dân vùng đất phương Nam, nên thơ và đậm chất trữ tình.

Gia đình của soạn giả Yên Lang còn có một số thành viên tham gia hoạt động nghệ thuật. Em trai ông là soạn giả Nguyên Thảo (từng nổi tiếng với các vở tuồng: “Người tình trên chiến trận”, (cùng với soạn giả Mộc Linh; “Tâm sự loài chim biển”, hợp soạn với Yên Lang); con trai ông là tác giả Lam Tuyền và con dâu ông là nghệ sĩ Giang Bích Phượng đều là những nghệ sĩ có tiếng, có những đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật của vùng đất phương Nam.

Vì bệnh tật và tuổi cao sức yếu, soạn giả Yên Lang mãn phần ngày 5 tháng 6 năm 2017 khiến cho người thân, đồng nghiệp và công chúng ngậm ngùi, luyến tiếc. Cho dẫu soạn giả Yên Lang không còn tại thế, nhưng những vở tuồng và những bài vọng cổ do ông biên soạn vẫn còn sức hút đối với các thế hệ người ái mộ cải lương. Ắt hẳn, người mê cổ nhạc vẫn còn xao xuyến với “Đêm lạnh chùa hoang”, với “Tâm sự loài chim biển”, với “Quán nửa khuya”, với “Đám cưới trên đường quê” và nhiều soạn phẩm ấn tượng khác nữa.

Phạm Thái Bình
.
.