Bolero giữa hai bờ yêu ghét

Thứ Bảy, 04/03/2017, 08:00
Cuộc thi The Voice – Giọng hát Việt năm nay vừa khởi động đã được chú ý bởi nhiều ý kiến khen chê khác nhau dành cho những người cầm cân nảy mực. Ngoài ca sĩ Thu Minh, ba vị huấn luyện viên còn lại là Đông Nhi, Tóc Tiên và Noo Phước Thịnh dường như chưa đủ uy tín để thỏa mãn sự chờ đợi của khán giả. 


Tuy nhiên, gây sốc nhất là quan điểm của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh trong vai trò giám đốc âm nhạc: “Năm nay ban tổ chức sẽ loại thẳng các thí sinh hát nhạc bolero, nếu hát hay bolero xin mời sang cuộc thi bolero, không hát ở The Voice”. Thực sự, dòng nhạc bolero thì có tội tình gì để bị hắt hủi ở sân chơi Giọng hát Việt nhỉ?

Đến thời điểm hiện tại, dù lạc quan tếu đến mức nào, cũng không ai tin Giọng hát Việt là một thước đo thẩm mỹ cho đời sống âm nhạc. Đơn giản, Giọng hát Việt chỉ là một game show tương tác trên truyền hình, nhằm mua vui cho khán giả màn ảnh nhỏ.

Ca sĩ Phương Dung nổi danh với dòng nhạc Bolero.

Mục đích cuối cùng của Giọng hát Việt cũng như những cuộc thi khác, chính là lợi nhuận từ quảng cáo của các nhà tài trợ và phí nhắn tin bình chọn của đám đông. Do đó, một giám đốc âm nhạc cũng không là gì quá ghê gớm để khẳng định đẳng cấp này đẳng cấp nọ trong sân khấu trình diễn.

Không biết do ngộ nhận quyền lực hay quá mức hồn nhiên, mà nhạc sĩ Hồ Hoài Anh lại cho rằng: "Để đúng với mục tiêu và tạo nên sự khác biệt, năm nay chúng tôi không chọn thí sinh hát bolero, không chọn thí sinh hát "thợ", hát những bài rất giống các anh chị đi trước. Chúng tôi chủ yếu chọn thí sinh có tâm hồn rộng mở, muốn khai phá và sáng tạo. Năm nay, chương trình quan trọng là sự tương tác giữa thí sinh và huấn luyện viên...”.

Tất nhiên, kiểu phát ngôn có vẻ ngạo nghễ của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đã vấp phải sự phản ứng từ phía những người yêu thích dòng nhạc trữ tình bình dân. Tài năng đã định hình cỡ Trần Tiến, Phú Quang hoặc Phó Đức Phương mà nói bỗ bã thế cũng mệt mỏi, huống chi Hồ Hoài Anh cũng chỉ có vài ca khúc sên sến như “Dẫu có lỗi lầm”, “Tình yêu muôn màu” hoặc “Đừng mãi ngồi đây”.

Nhạc sĩ Giao Tiên, tác giả của những ca khúc nổi tiếng như “Tình đẹp mùa chôm chôm”, “Cô Thắm về làng”, “Vó ngựa trên đồi cỏ non”, chia sẻ: “Nếu nói bolero là nhạc sến thì vô cùng thiển cận. Nhưng hiện tại, các kênh truyền hình đang khai thác bolero một cách quá mức, không nghiêm túc làm cho mọi thứ loạn lên.

Bolero cũng không được tôn trọng mà trở nên nhàm chán. Đã gọi là âm nhạc thì nhạc nào cũng hay cả. Nhưng mà mình cách tân nó sao cho hay hơn chứ đừng làm nó dở hơn”. Còn nhạc sĩ Vinh Sử, tác giả của những ca khúc nổi tiếng như “Gõ cửa trái tim”, “Nhẫn cỏ cho em”, “Nối lại tình xưa”, thì bộc bạch: “Quy định là của chương trình đưa ra, họ có quyền đó. Nhưng tôi có ý thế này, thực ra nhạc bolero vẫn có nội dung súc tích và đáp ứng được những tiêu chí của âm nhạc hiện đại. Nên tôi nghĩ nó vẫn có thể phù hợp với các sân chơi âm nhạc. Bolero vẫn có thể đánh theo các thể mạnh hơn thành những giai điệu thích hợp”.

Có vẻ đã cảm thấy há miệng mắc quai nên nhạc sĩ Hồ Hoài Anh lập tức chuyển hướng đính chính vòng vo hơn và mơn trớn hơn. Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cho rằng Giọng hát Việt những mùa trước chọn rất nhiều thể loại kể cả opera, bolero, cải lương nhưng không đậm nét. Sau ngần ấy năm, chương trình nhận ra rằng nên có sự tập trung về một số thể loại âm nhạc nhất định chứ không nên ôm đồm quá nhiều làm giảm sút chất lượng cuộc thi.

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh nhấn mạnh, rất có thể mùa sau khán giả sẽ gặp nhiều hơn thể loại bolero tại sân chơi Giọng hát Việt, vì có hay không một dòng nhạc nào đó phụ thuộc vào từng mùa. Đồng thời nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cũng tiết lộ các vị huấn luyện viên không phải là những người hướng dẫn thanh nhạc, mà chỉ định hướng cho thí sinh, nếu như thật sự có những thí sinh hát bolero thì họ vẫn có thể mời những chuyên gia để hỗ trợ.

Việc hạn chế dòng nhạc bolero theo Hồ Hoài Anh chỉ vì mục đích mang đến cho The Voice năm nay sự đổi mới và ấn tượng hơn. Cũng có thể bình tĩnh phân tích để thấu hiểu rằng, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cũng mong muốn mỗi sân chơi có một màu sắc khác nhau. Thế nhưng, đó là mơ ước quá xa xỉ đối với phép tính lợi nhuận của các đơn vị tổ chức. Càng nhiều thí sinh càng tốt, chia ranh giới với giới trẻ đang hào hứng làm nghệ sĩ thì chỉ thiệt hại mà thôi.

Mặt khác, công chúng cần lưu ý, đơn vị tổ chức Giọng hát Việt cũng chính là đơn vị tổ chức Thần tượng Bolero. Rất có thể giám đốc âm nhạc Hồ Hoài Anh chỉ đại diện bày tỏ thái độ để dành những thí sinh chuyên trị nhạc bolero cho cuộc thi Thần tượng Bolero mà thôi!

Ca sĩ Ngọc Sơn được mời làm giám khảo “Thần tượng Bolero 2017”.

Đã là game show thì phải có chiêu trò. Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh vừa đùng đùng tuyên bố thẳng tay loại thí sinh hát bolero thì ngay tập 2 ở Vòng Giấu Mặt của Giọng hát Việt 2017 đã có thí sinh Trần Anh Đức đến từ Hà Nội được cả bốn huấn luyện viên bấm nút chọn khi thể hiện ca khúc “Thành phố buồn”.

Chỉ cần có chút ít quan tâm đến âm nhạc sẽ dễ dàng nhận ra “Thành phố buồn” của nhạc sĩ Lam Phương là một ca khúc tiêu biểu của dòng bolero, với tâm sự tỉ tê: “Thành phố nào nhớ không em? Nơi chúng mình tìm phút êm đềm. Thành phố nào vừa đi đã mỏi. Đường quanh co quyện gốc thông già”.

Ơ hay, giám đốc âm nhạc tuyên bố loại thẳng tay thí sinh hát bolero mà bốn vị giám khảo lại chọn, hóa ra trống đánh xuôi kèn thổi ngược à? Biết làm sao được, cứ thong dong mà nghĩ thoáng hơn để thông cảm, vì phát ngôn của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh chỉ là một phần trong chiến lược truyền thông của Giọng hát Việt mà thôi.  

Phải tuyên bố một đằng rồi thực hiện một nẻo thì mới có cớ để tạo ra diễn đàn thu hút giới mộ điệu. Trước sự xuất hiện của thí sinh Trần Anh Đức hát “Thành phố buồn” được đắc dụng, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh tiếp tục đong đưa lý lẽ rằng thí sinh mạnh về bolero thường chỉ hát được bolero mà không thể hiện được các nhịp hát khác, trong khi tiêu chí của cuộc thi năm nay là hướng tới sự đa dạng: "Nếu thí sinh có thể hát được nhiều dòng nhạc, đa dạng thì tôi cũng không ngại dựng tiết mục cho họ. Nhưng tôi vẫn mong Giọng hát Việt năm nay thể hiện chất nhạc trẻ trung, hiện đại để hướng đến quốc tế hơn”.

Tài năng ca hát không thể nhiều như lá trên cây. Hiện tại, mỗi năm hàng chục cuộc thi ca hát lớn nhỏ khác nhau trên truyền hình, thì lấy đâu ra nhân tố mới để tôn vinh và cổ súy? Tranh tài trong nước đừng quá tẽn tò đã là may mắn, giấc mộng “hướng đến quốc tế hơn” của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh hơi hư ảo, nhất là đối với Giọng hát Việt.

Nếu chỉ cần tẩy chay dòng nhạc bolero mà có thể hướng đến quốc tế thì nền âm nhạc Việt đã làm từ lâu lắm rồi. Trên thực tế, dòng nhạc bolero không có tội tình gì, và dòng nhạc bolero vẫn đang chiếm thế thượng phong trong đời sống biểu diễn. Ca sĩ Chế Linh, người có nửa thế kỷ hát bolero và được xem như người có công đưa ca khúc “Thành phố buồn” phổ cập rộng rãi, đã cảnh tỉnh những ai xem thường phương pháp thể hiện dòng nhạc trữ tình này: “Khi hát nhạc bolero điều tối kỵ nhất là pha chế.

Có những bài hết sức bình thường, không sôi động thì nhất định không được chuyển tiết tấu để trở nên vui nhộn hơn. Nhiều trường hợp các ca khúc có nội dung chia ly, đau khổ nhưng người ca sĩ khi trình diễn lại hay cười. Hoặc có tiết mục hát nhạc buồn nhưng lại dàn dựng có cảnh vũ đoàn nhảy múa tưng bừng. Như vậy là mất chất.

Dĩ nhiên có một số biến tấu mới rất hay và đáng khuyến khích để lớp trẻ sau này có thể tiếp nhận. Nhưng biến tấu thế nào cũng nhất định không được phá tiết tấu nguyên thủy của bài hát. Nói thật lòng, tôi có thể hát tất cả các dòng nhạc, trong đó có nhiều dòng dễ dàng hơn bolero rất nhiều vì chỉ cần hát bằng phổi chứ không phải bằng cảm xúc. Nhưng bao nhiêu thập kỷ qua, tôi chưa bao giờ lung lay vì lựa chọn của mình”.

Lê Thiếu Nhơn
.
.