Bảo vệ tác quyền văn học: Hành trình lắm nỗi gian nan

Thứ Bảy, 27/01/2018, 08:28
Theo tôi, vấn đề vi phạm bản quyền của các nhà văn gần đây khá phổ biến và đây cũng là một câu chuyện điển hình. Điển hình ở đây thể hiện ở chỗ, khi chuyển thể tác phẩm của một tác giả sang lĩnh vực khác mà theo quy định của pháp luật là "làm cho tác phẩm phái sinh"...


Loại bỏ thói quen "xài chùa"

Hà Anh

Vừa qua, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã "ý tứ" chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của mình về việc vở kịch "Khát vọng" của Nhà hát Kịch Việt Nam (Kịch bản: Tạ Xuyên - Đạo diễn: NSUT Lâm Tùng) đoạt một lúc 6 giải thưởng trong một cuộc thi tại Trung Quốc và được báo chí trong nước loan tin rầm rộ.

Mặc dù là kịch bản được tác giả Tạ Xuyên chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng “Mùa hoa cải bên sông” và từng được Nhà hát Kịch Quân đội dàn dựng, nhưng lần này, với thành công của "Khát vọng" mà báo chí loan tin, đều không thấy ghi thông tin tác phẩm được chuyển thể từ truyện ngắn "Mùa hoa cải bên sông" của tác giả Nguyễn Quang Thiều.

Trả lời báo chí về vấn đề này, NSND Anh Tú, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam đã... mất điểm với công chúng khi nói: "Chỉ có tờ giới thiệu vở diễn đi Thẩm Quyến, do phải in cả tiếng Anh và tiếng Trung Quốc quá nhiều chữ, nên nhà hát đã không có tên nhà văn Nguyễn Quang Thiều trong thành phần sáng tạo. Còn tất cả các buổi diễn trong nước, trước mỗi giờ khai màn đều có giới thiệu vở diễn được chuyển thể kịch bản từ truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

Về vấn đề tác quyền, nhà hát đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của đơn vị dựng vở đối với gia đình cố tác giả Tạ Xuyên". NSND Anh Tú cũng khẳng định, vở diễn này được dàn dựng trên kịch bản sân khấu của cố tác giả Tạ Xuyên chứ không phải dựng từ truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều, nên chuyện tác quyền Nhà hát... không liên quan!

Có thể thấy, vấn đề vi phạm bản quyền văn học hiện xảy ra dưới nhiều dạng thức, trong đó khá phổ biến là khi "làm phái sinh tác phẩm" như: Truyện ngắn "Mùa hoa cải bên sông" của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được chuyển thể thành vở diễn sân khấu mà không đề tên tác giả; nhà văn Trần Đức Tiến bị Công ty Mỹ thuật và Truyền thông (ADC) xâm phạm bản quyền truyện ngắn "Hoa cúc áo" khi chuyển thể thành truyện tranh suốt từ năm 2008 đến năm 2017 mới bị tác giả phát hiện; nhà văn Như Bình nhiều lần phát hiện các câu chuyện trong tập "Những chuyện khó tin nhưng có thật" của chị bị một số chương trình truyền hình Trung ương sử dụng mà không xin phép, không trả tiền bản quyền; hoặc sau khi một câu chuyện khó tin nhưng có thật trên chuyên mục: “Những chuyện khó tin nhưng có thật” của Báo An ninh thế giới Giữa tháng, Cuối tháng do chị phụ trách ra mắt được vài tuần, thậm chí chỉ mấy ngày là đã có phiên bản “nhái” trên các mục “Tâm sự” của một số báo mạng và trang tin điện tử; nhà thơ Đào Phong Lan phát hiện bài thơ "Bóng lá" của mình được phổ nhạc mà không xin phép, không đề tên tác giả...

Tên nhà văn Nguyễn Quang Thiều không được ghi trong  thành phần sáng tạo vở “Khát vọng” của Nhà hát Kịch Việt Nam khi đi biểu diễn ở Trung Quốc.

Chuyện các nhà văn, nhà thơ bị lấy truyện ngắn, thơ đăng ở chỗ nọ chỗ kia, tuyển tập này nọ không xin phép đồng thời "lờ lớ lơ" việc trả tiền tác quyền thì rất nhiều người từng gặp phải. Một số tác giả có lên tiếng, một số đòi được quyền lợi "nho nhỏ", nhưng cũng có người nhận được câu trả lời rất đáng... cáu giận từ các đơn vị làm sách là: "Tôi in cho anh/ chị là tốt rồi, còn đòi hỏi gì nữa!".

Vì thế, đa số các tác giả sẽ để cho sự việc qua đi, dù có bực đến mấy. Vì tâm lý ngại làm to chuyện, ngại phiền hà và mất thời gian nên những sự việc vi phạm như thế này vẫn tiếp tục diễn ra, mặc dù chúng ta đã có Luật Sở hữu trí tuệ được hơn chục năm, quy định rất rõ về "Quyền tác giả và các quyền liên quan", trong đó tác giả có quyền được đơn vị sử dụng tác phẩm xin phép, trả tiền tác quyền cũng như phải ghi đầy đủ tên tác giả trong bất kỳ trường hợp nào.

Nhà thơ Bình Nguyên Trang cũng chia sẻ rằng, chị đã vài lần phát hiện thơ của mình bị vi phạm bản quyền: có người lấy 1 bài đăng báo, có người "xơi" luôn cả chùm 3 bài liền. Đặc biệt, các lần phát hiện sự việc này đều do bạn đọc yêu mến thơ chị phát hiện ra và báo cho chủ nhân thật sự của các bài thơ. Song sau đó, thường là sẽ có các cuộc điện thoại trình bày, xin gặp mặt, xin tha thứ rất khẩn thiết, nên nhà thơ Bình Nguyên Trang cũng âm thầm bỏ qua, không đăng đàn hay khiếu kiện gì.

Qua sự việc xảy ra với nhà văn Trần Đức Tiến và kết quả đấu tranh với vấn đề vi phạm bản quyền của bản thân ông cũng thông qua Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC), nhà văn đã có được lời xin lỗi một cách "đàng hoàng" trên các phương tiện thông tin đại chúng và một khoản tiền nhuận bút "truy thu" không nhỏ.

Đã đến lúc các nhà văn Việt Nam cũng có thái độ thực sự nghiêm khắc với những vi phạm liên quan đến tác quyền của cá nhân mình, góp phần loại bỏ thói quen “xài chùa” tác phẩm. Hiểu được mình có quyền gì, được bảo vệ đến đâu, khi cần gõ cửa nào, đó chính là công cụ hữu hiệu để các nhà văn tự bảo vệ đứa con tinh thần của mình và những thành quả từ lao động sáng tạo “khổ sai” mà mình xứng đáng được hưởng thụ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Nơi vi phạm phải thể hiện lời xin lỗi và thực thi đúng pháp luật”

N. Hà (ghi)

Việc xử lý một vấn đề như thế nào phụ thuộc vào mỗi cá nhân. Họ có thể bỏ qua cũng như trong đời thường, có những vụ án thành án, có những vụ án do gia đình nạn nhân bãi nại, thì có thể được giảm án hoặc không thành án. Không phải tất cả các sự việc đều bỏ qua, ví dụ như với Nhà hát Kịch Việt Nam, bởi vì đây là một cơ quan - là nơi hoạt động văn học nghệ thuật chuyên nghiệp - vì thế họ phải hiểu biết luật pháp và hiểu Luật bản quyền.

Còn những câu chuyện trong quá khứ mà tôi đưa lên, có chuyện từ hơn 25 - 30 năm rồi, lúc ấy hình dung về bản quyền ở Việt Nam còn chưa rõ ràng và chưa trở thành cái gì cấp bách thì lúc đó, sự tha thứ ở trong giai đoạn khác nhau đối với từng cá nhân cụ thể khác nhau: một người rất trẻ lấy truyện ngắn của tôi, nếu tôi làm bung lên thì cũng như con mình, cái phạm lỗi lần đầu tiên thì sự trừng phạt có thể có lợi có thể bất lợi. Lúc ấy cũng là trong một hoàn cảnh khác, trong một tư duy khác, cộng với lối tư duy "vị tha" của người Việt thì tôi hành động như thế.

Còn với Nhà hát Kịch Việt Nam bây giờ thì khác. Đến bây giờ, Luật đã có quy định rõ ràng và đã trở nên quan trọng, là một phần trong đời sống thì tất cả công dân cho đến một đơn vị đều phải thực hiện nghiêm túc. Cái mà tôi có thể nhân hậu được, là tôi không nói những điều nặng nề và muốn có sự ứng xử văn hóa như người Việt ta vẫn thế.

Nơi có hành vi vi phạm quyền tác giả đối tác phẩm của tôi phải thể hiện lời xin lỗi và thực thi đúng luật pháp đối với quyền lợi của một tác giả được hưởng. Người đứng đầu Nhà hát đã trả lời một cách luẩn quẩn, vòng vo, không ổn tí nào về cả tình, về cả lý, về cả văn hóa, về cả luật pháp thì việc này cần phải rõ ràng.

"Mùa hoa cải bên sông" của tôi được chuyển thể sang phim truyền hình "Lời nguyền của dòng sông" và đạo diễn - NSND Khải Hưng đã được giải Vàng đầu tiên cho phim truyền hình Việt Nam ở nước ngoài.

Ông đến gặp tôi, mời tôi cà phê và chia sẻ: "Giải thưởng chỉ là một thùng rượu vang thôi", nhưng bất cứ lúc nào nhắc tới bộ phim, điều đầu tiên bao giờ ông ấy cũng nhắc tới tác giả truyện ngắn mà ông đã chuyển thể. Tôi vô cùng vui mừng cùng với Khải Hưng và không bao giờ đòi một phần rượu vang trong thùng rượu vang đó cả.

Nhưng khi vở kịch “Khát vọng” được 6 giải thưởng ở Trung Quốc và báo chí trong nước đưa tin, nhưng Nhà hát Kịch Việt Nam đã không nói gì hoặc nơi phát tin này ra không nói đến tên tác giả văn học, nên trên báo chí không có dòng nào ghi tên tác phẩm này được chuyển thể từ truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông” của Nguyễn Quang Thiều.

Riêng vở kịch này, anh Lâm Tùng có xin phép tôi lúc anh ấy làm vở tốt nghiệp. Rất nhiều truyện ngắn của tôi cũng từng được sinh viên xin chuyển thể để làm bài tốt nghiệp, tôi luôn ủng hộ, giúp đỡ, gợi mở cho các bạn mà không bao giờ đòi bất cứ tiền bản quyền nào từ các sinh viên đó. Nhưng Nhà hát Kịch Việt Nam đã sử dụng vở diễn này để biểu diễn, để đi thi và đoạt nhiều giải thưởng nhưng chưa bao giờ nói gì về vấn đề bản quyền với tôi cả.

Họ nói rằng, vấn đề bản quyền này do gia đình nghệ sĩ Tạ Xuyên chịu trách nhiệm, nhưng họ nói thế là sai. Tôi đã làm công việc biên kịch với Hãng phim Truyện Việt Nam, Hãng phim Truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam, họ luôn trả tôi tiền biên kịch, còn tiền tác quyền từ tác phẩm văn học như truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp... vẫn được tách riêng và họ nói với tôi: "Anh cứ yên tâm, chúng tôi trả tiền tác quyền, cho truyện ngắn riêng".

Nghĩa là họ rất rành mạch. Cũng như tiểu thuyết "Kẻ ám sát cánh đồng" của tôi được chuyển thành kịch bản phim "Chuyện làng Nhô" thì tôi vẫn nhận tác quyền còn nhà văn Phạm Ngọc Tiến nhận tiền biên kịch riêng. Như vậy có nghĩa không phải ở Việt Nam không rành rõ.

Tôi là người đã ủy quyền cho VLCC, nơi đấy họ sẵn sàng làm tất cả mọi việc cần thiết trên cơ sở luật pháp và họ đề nghị được giúp đỡ tôi. Thế nhưng tôi chưa có ý kiến gì, vì tôi vẫn muốn Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề này một cách êm đẹp, trên tinh thần tôn trọng tác giả, vừa công bằng, vừa đúng luật. Nhưng nếu họ không làm thì VLCC sẽ làm việc đó. Tôi nghĩ rằng, để đi đến cách dùng đến luật pháp thì đó là cách cuối cùng.

Nhà thơ Đỗ Hàn - Phó Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Văn học Việt Nam: Không thể cứ xuề xòa, dễ dãi

PV

- Thưa nhà thơ Đỗ Hàn, vừa qua, sự việc nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bị vi phạm bản quyền được rất nhiều người quan tâm. Là một người sáng tác, đồng thời là Phó Giám Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC), quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

+ Theo tôi, vấn đề vi phạm bản quyền của các nhà văn gần đây khá phổ biến và đây cũng là một câu chuyện điển hình. Điển hình ở đây thể hiện ở chỗ, khi chuyển thể tác phẩm của một tác giả sang lĩnh vực khác mà theo quy định của pháp luật là "làm cho tác phẩm phái sinh".

Ở đây, vi phạm của Nhà hát Kịch Việt Nam đã xảy ra trong quá trình làm tác phẩm phái sinh. Trừ trường hợp tác giả đã mất quá 50 năm rồi thì quá trình sử dụng tác phẩm hay làm tác phẩm phái sinh mới không phải xin phép, nhưng vẫn phải ghi tên tác giả một cách đầy đủ.

Việc chuyển thể một tác phẩm văn học sang hình thức nghệ thuật khác như sân khấu - điện ảnh - âm nhạc... có khi làm mất đi đến quá nửa, thậm chí có những tác giả còn không nhận ra đứa con của mình. Vì thế, nếu nhà văn người ta không đồng ý thì sao? Đó là chưa kể, một đạo diễn sân khấu có khi họ còn "làm mới" gần như hoàn toàn một kịch bản nào đó, vì thế mới cần phải nghiêm túc thực hiện việc xin phép, trao đổi đối với tác giả văn học.

- Ông nhận định thế nào về tình hình xâm hại bản quyền đối với các tác giả văn học - những "chủ nhân"đã ủy quyền cho VLCC trong thời gian gần đây?

+ Như tôi đã nói lúc đầu, vi phạm bản quyền đối với tác giả văn học ở Việt Nam đang là nhiều. Một số tác giả bị lấy tác phẩm in vào chỗ nọ chỗ kia đến hàng năm sau không đọc cũng không biết. Nó khác âm nhạc ở chỗ, âm nhạc thường rộ lên, đập vào tai người nọ người kia ngay.

Ngoài việc các nhà quản lý hoặc những người làm công việc liên quan đến bản quyền phải nghiêm túc, tôn trọng pháp luật thì chính những người sáng tác, các nhà văn cũng phải biết cách tự bảo vệ đứa con tinh thần của mình bằng việc tìm hiểu kỹ hơn về quyền tác giả và các quyền liên quan. Xưa nay, sự dễ dãi của các nhà văn cũng chính là một nguyên nhân tạo ra thói quen tùy tiện trong việc sử dụng tác phẩm văn học.

- Theo quan sát của ông, có đúng là các các nhà văn Việt Nam thường có tâm lý xuề xòa, nhân hậu và cũng "dễ bỏ qua" khi phát hiện tác phẩm của mình bị xâm hại hay không ?

+ Qua một số câu chuyện tôi được nghe kể trước đây và cả 3 câu chuyện bị vi phạm bản quyền mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã kể trên trang cá nhân, tôi cho rằng đó là cách cư xử hết sức nhân văn của người cầm bút. Nhưng cách xử lý để cho êm đẹp mọi bề kiểu như vậy cũng có mặt trái của nó. Trong xã hội, nếu không nghiêm trong việc thực hiện luật pháp thì xã hội cũng không văn minh được và đất nước cũng không hội nhập được. Chúng ta cứ xuề xòa, dễ dãi mãi là không ổn.

Trong đó, điều quan trọng là phải từ bỏ thói quen "xài chùa", kiểu thấy hay thì dùng, thì chuyển thể chứ không cần phải xin phép hoặc trả thù lao. Bên cạnh đó, các nhà văn đừng ngần ngại việc khởi kiện ra tòa hoặc yêu cầu sự hỗ trợ từ phía VLCC để chúng tôi có cơ sở thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết. Sự việc vì phạm bản quyền xảy ra với nhà văn Trần Đức Tiến vào cuối năm ngoái đã được giải quyết ổn thỏa với sự tham gia của VLCC cũng là một ví dụ sinh động để các nhà văn có thể tham khảo.

- Xin cảm ơn nhà thơ Đỗ Hàn!

Nhà văn Trần Đức Tiến: “Tôi không ngại lên tiếng”

Nguyệt Hà (thực hiện)

- Thưa nhà văn Trần Đức Tiến, vụ việc ông bị phía Công ty Mỹ thuật và Truyền thông (ADC) xâm hại bản quyền một số tác phẩm văn học được dư luận hết sức quan tâm. Cuối cùng, phía vi phạm đã thực hiện việc bồi thường cho ông ở mức như thế nào? Ông có cảm thấy hài lòng với kết quả đấu tranh này của mình không?

+ Mấy năm trước tôi đã ký hợp đồng bảo vệ bản quyền với Trung tâm  Bảo vệ quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC - trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam). Vì thế nên ngay từ khi mới phát hiện vụ việc, tôi đã báo cho VLCC biết, và ủy thác cho họ đứng ra giải quyết.

Tôi gần như không phải làm gì, ngoài việc cung cấp cho VCLL vài thông tin ban đầu. Sau vài ba lần làm việc giữa VLCC với Công ty Mỹ thuật và Truyền thông (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), hai bên đã thống nhất: Công ty Mỹ thuật và Truyền thông xin lỗi tôi về vụ vi phạm, và xin lỗi công khai trên báo chí (thực tế, họ đã gửi thư xin lỗi cho tôi, đăng lời xin lỗi trên Báo Giáo dục & Thời đại, xin lỗi thông qua một chương trình trên Đài Truyền hình Trung ương, kênh VTV1); Công ty Mỹ thuật và Truyền thông bồi thường cho tôi các khoản tiền, gồm có: tiền nhuận bút, tiền lãi ngân hàng và tiền phạt vi phạm (cho các tác phẩm bị vi phạm trong khoảng thời gian 7-8 năm, theo chế độ hiện hành của Nhà nước).

Tôi không có gì phải phàn nàn, hơn thế, rất cảm ơn VLCC về kết quả đạt được.

- Trước khi phát hiện một số truyện ngắn của mình bị Công ty Mỹ thuật và Truyền thông xâm hại bản quyền, ông có từng phát hiện các tác phẩm khác của mình bị vi phạm bản quyền không?

+ Có chứ! Và không chỉ một vài lần. Tôi đã từng lên tiếng trên báo chí về việc này. Một số cơ quan báo chí, xuất bản có cách làm việc, hành xử khá tùy tiện với các tác giả. Báo in bài rồi lờ, không trả nhuận bút. Nhà xuất bản cũng vậy. Khi sử dụng tác phẩm cũng không có một lời trao đổi, thông báo cho tác giả biết. Họ “lý do lý trấu” rất giời ơi đất hỡi: không biết địa chỉ, số điện thoại, không liên hệ được với tác giả… Không liên hệ được thì thôi chứ, sao lại tự tiện dùng bài vở của họ?

Thực ra các vị ấy “vụng chèo khéo chống” thôi, chứ muốn biết, muốn liên hệ thì có thể qua nhiều nguồn khá dễ dàng. Tôi làm nghề viết lách mấy chục năm, có giai đoạn phải kiếm sống chủ yếu bằng nhuận bút, nên khi phát hiện ra mình bị vi phạm, tôi không ngại lên tiếng. Viết thư, gọi điện, nói thẳng với biên tập viên, giám đốc, tổng biên tập, đề nghị trả nhuận bút và gửi sách báo biếu theo chế độ. Có người xin lỗi, nhưng cũng có người ghét tôi, nói với cấp dưới “nghỉ chơi” luôn với tôi.

Phải nói thật, đã có lần nhờ cái sự thẳng thừng của tôi mà khá nhiều tác giả khác “bỗng dưng” nhận được một khoản tiền trên trời rơi xuống - tiền nhuận bút của một nhà xuất bản trả cho họ vì chuyện vi phạm bản quyền của họ trong nhiều năm.

- Từng có khá nhiều nhà văn Việt Nam phát hiện mình bị vi phạm bản quyền, nhưng sau đó phía vi phạm tìm cách gặp gỡ, xin xỏ, xin lỗi và hứa rút kinh nghiệm... Thế là nhiều nhà văn đã im lặng bỏ qua. Qua kinh nghiệm đấu tranh với nạn xâm hại bản quyền của mình, ông có lời khuyên nào dành cho các đồng nghiệp khi phát hiện tác phẩm của mình bị xâm hại?

+ Vâng, đúng như thế. Mủi lòng, im lặng bỏ qua, hoặc đi đến một thỏa thuận mới do bên vi phạm đề xuất, với mức độ chẳng khác gì… người ta ban phát cho các nhà văn một chút lòng thương hại! Bốn, năm bài thơ bị một nhà xuất bản vi phạm, xào xáo, sách tái bản đến 4 - 5 lần, mà khi bị phát hiện, nhà xuất bản đề xuất mức bồi thường trên dưới 1 triệu đồng! Chuyện thật đấy nhé. Tôi có lời khuyên nào không ư? Không, tôi không mấy khi khuyên ai và nhất là không dám khuyên các nhà văn. Tôi chỉ nghĩ: nếu cứ tiếp tục cái cung cách xuê xoa, “đi đêm” với nhau như thế, thì chả cứ vấn đề bản quyền, mà với nhiều chuyện khác, vĩnh viễn không có hy vọng thay đổi!

- Xin cảm ơn nhà văn Trần Đức Tiến! 
PV
.
.