Sớm hoàn thiện bộ máy bảo vệ tác quyền

Thứ Năm, 27/07/2017, 08:23
Có một câu chuyện tưởng như đã cũ, thậm chí là rất cũ, vậy mà chỉ sau một bài phỏng vấn của nhạc sỹ Phú Quang thôi, nó lại trở nên nóng và thời sự vô cùng. Đó là chuyện nhạc sỹ Phú Quang ngờ vực sự minh bạch của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) trong việc thu và thanh toán cho các nhạc sỹ. 


Cụ thể, nhạc sỹ Phú Quang cho rằng mỗi năm VCPMC thu khoảng 100 tỷ tiền tác quyền, nhưng chi trả cho các nhạc sỹ chẳng đáng là bao và VCPMC "không dám công khai số tiền chi trả". Thậm chí, ở một bài phỏng vấn khác, sau khi đã có phản hồi của nhạc sỹ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, nhạc sỹ Phú Quang còn dùng những từ ngữ khá nặng nề cho tổ chức mà đồng nghiệp của mình đang điều hành.

Thực tế, trước Phú Quang cũng đã từng có một nhạc sỹ tên tuổi đặt vấn đề về tính minh bạch của VCPMC. Đó là nhạc sỹ Quốc Trung, với câu hỏi đặt ra cách đây khoảng dăm năm trước. Chỉ có điều, Quốc Trung khác Phú Quang ở chỗ, cách đưa ra câu hỏi của Quốc Trung nhẹ nhàng hơn, hướng tới việc hoàn thiện một bộ máy bảo vệ tác quyền chứ không công kích một cách có thiên hướng "thù địch".

Nhìn nhận lại sự việc giữa nhạc sỹ Phú Quang và VCPMC, nhiều người trong giới đều nhận ra rằng, thực sự đã có sự quá đà của nhạc sỹ với những bản tình ca về Hà Nội. Từ con số về doanh thu của VCPMC cho tới cách chi trả có công khai hay không đều chỉ đến từ cảm tính của Phú Quang mà thôi. Thậm chí, có cả những dữ kiện được khai thác theo kiểu "nghe nói là".

Đã, đang và vẫn có rất nhiều nhạc sỹ đều đặn hằng quý nhận tiền tác quyền từ VCPMC mà không có một thắc mắc nào và họ thực sự được đối soát cụ thể tác phẩm của mình, nguồn thu từ đâu và giá trị ra sao. Không phải tất cả mọi nhạc sỹ đều "hiền lành" đến mức "ừ thôi thì khuất mắt cho qua" và để mặc VCPMC muốn làm gì thì làm.

Cơ bản, họ tin vào VCPMC nên họ mới ủy quyền cho VCPMC đi thu hộ tiền tác quyền. Và VCPMC cũng công khai khoản thu chứ không phải họ giấu nhẹm các con số đến mức phải ngờ vực họ đã "ăn chặn" rất nhiều của các nhạc sỹ. Đơn cử, một ví dụ mới nhất là 1 ca khúc khá nổi tiếng của nhạc sỹ Huy Tuấn. Khi có một đơn vị quảng cáo chỉ dùng đúng 1 câu hát (đúng 4 notes nhạc) của ca khúc ấy cho 1 quảng cáo online, họ đã liên lạc với VCPMC và chi trả khoảng 2.000 USD.

Và nhạc sỹ Huy Tuấn đã liên lạc với VCPMC để kiểm chứng để rồi anh nhận được câu trả lời đúng với giá trị mà nhãn hàng kia đã chi ra. Theo nhiều đồng nghiệp, với 1 ca khúc đã cũ, không phải viết độc quyền cho quảng cáo, việc VCPMC thu được ngần ấy cho tác giả quả thực là một nỗ lực đáng ghi nhận cả về hành động pháp lý lẫn kỹ năng đàm phán giá cả.

Trong giới showbiz gần đây cũng có chuyện 1 nghệ sỹ kiện 1 nhà hát kịch ra toà, và thắng kiện. Nhiều người xót xa khi nhìn thấy cảnh nghệ sỹ đưa nhau ra toà nhưng thực sự, đó lại là tín hiệu đáng mừng. Phân xử phải dựa trên pháp lý còn ứng xử thì nên dựa vào tình cảm. Điều đó cho chúng ta nhận thấy cái lùm xùm kéo dài bao nhiêu năm giữa nhạc sĩ Phú Quang và VCPMC đang được giải quyết một cách rất nghiệp dư, manh mún và chẳng khác gì chuyện hàng xóm láng giềng cãi nhau.

Nếu nhạc sĩ Phú Quang không tin VCPMC nữa, ông có thể rút lại ủy quyền, và tự mình đi thương thảo, thu tiền cho mỗi lần người khác sử dụng tác phẩm của mình. Còn nếu ông bất lực trong việc thương thảo, thu tiền và vẫn muốn ủy quyền cho VCPMC, ông hoàn toàn có quyền kêu gọi các đồng nghiệp đề nghị VCPMC phải để 1 đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán xem thu chi của họ có sòng phẳng hay không. Đó mới là việc cần làm, và nó thể hiện ra thái độ tôn trọng cũng như am hiểu pháp luật của một trí thức, một nghệ sỹ.

Văn Đoàn
.
.