Ðoàn Đồng ấu Bạch Long - Dấu ấn một thời

Thứ Hai, 27/11/2017, 08:14
Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, các đoàn cải lương nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh đều bước vào giai đoạn hoạt động kém hiệu quả, có đoàn hát phải hạ bảng hiệu ngừng hoạt động. Đúng lúc đó, với lợi thế mới, lạ và hấp dẫn của sân khấu cải lương thiếu nhi, đoàn Đồng ấu Bạch Long mỗi tuần vẫn mở màn đủ bảy suất diễn, ngày cuối tuần đoàn diễn đến ba suất…


Cơ duyên thành lập bắt đầu từ năm 1990. Nghệ sĩ Bạch Long (anh trai của NSƯT Thành Lộc) được biên tập viên Kim Hà (Ban Văn nghệ Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh) mời dàn dựng vở kịch thiếu nhi “Cóc kiện Trời”. Vì sở trường là cải lương, nghệ sĩ Bạch Long đã đề nghị chỉnh sửa thành kịch bản cải lương để thuận lợi dàn dựng.

Đài đồng ý, nghệ sĩ Bạch Long tập hợp con em các nghệ sĩ cải lương tuồng cổ như: Tú Sương, Lê Thanh Thảo (con gái NSƯT Trường Sơn - NS Thanh Loan); Trinh Trinh, Xuân Trúc (con của cặp NS Xuân Yến - NS Hữu Cảnh); Quế Trân (con của NSND Thanh Tòng); Chinh Nhân, Bình Tinh (con của cặp NS Đức Lợi -NS Bạch Mai); Linh Tý (con của cặp NS Linh Tâm - NS Cẩm Thu), cùng một số bạn có năng khiếu ca diễn… trực tiếp truyền dạy kỹ năng ca ngâm, diễn xuất và vũ đạo cho các thành viên tham gia vở “Cóc kiện Trời”.

Tết Trung thu đó, vở diễn ra mắt khán giả truyền hình, được mọi người hết lời khen ngợi. Được khuyến khích, động viên, nghệ sĩ Bạch Long chính thức thành lập đoàn Đồng ấu Bạch Long, đóng quân tại rạp hát Đại Đồng ở đường Cao Thắng.  Ông chủ rạp lúc ấy rất ủng hộ, đông khán giả thì trả tiền rạp 10% trên tổng số doanh thu, đông hơn nửa rạp thì trả thêm tiền điện nước, ít khán giả thì miễn phí.

Nghệ sĩ Bạch Long.

Các nghệ sĩ nhí của đoàn như: Tú Sương, Trinh Trinh, Lê Thanh Thảo, Quế Trân, Chinh Nhân, Bình Tinh… đều là con “nhà nòi”. Ngoài việc được thầy Bạch Long chỉ dẫn nghề nghiệp, cha mẹ của các diễn viên nhí này đều là nghệ sĩ tài danh của nghệ thuật cải lương tuồng cổ cũng đã hết lòng chỉ bảo những kinh nghiệm trong kỹ thuật ca, phong cách diễn, cho đến động tác vũ đạo và nghệ thuật hóa trang...

Nghệ sĩ nhí của đoàn Đồng ấu Bạch Long tiến bộ rất nhanh, các vai diễn được giới chuyên môn và người mộ điệu đánh giá cao. Cặp đào kép chánh Vũ Luân - Tú Sương diễn xuất khá hòa hợp. Đặc biệt là Vũ Luân, có vóc dáng và phong cách ca - diễn giống hao hao NSƯT Vũ Linh, đang là “ngôi sao”, là thần tượng của giới mộ điệu sân khấu cải lương thời điểm lúc bấy giờ.

Ngoài ra còn phải kể đến sự duyên dáng của “thần đồng Linh Tý”, con trai của cặp nghệ sĩ Linh Tâm - Cẩm Thu. Tuy tham gia những vai diễn rất nhỏ, nhưng với sự lanh lợi, nhạy bén và nét duyên hài dễ thương, Linh Tý đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của đoàn.

Không giống như các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp (các Trường Văn hóa Nghệ thuật) và bán chuyên nghiệp (các đoàn cải lương), học viên bắt đầu học nghề từ các vai làm quân chạy hiệu, quân báo, tỳ nữ; đến những vai kép con, đào con, kép mặt trắng, kép mặt rằn; sau đó tới tướng trung, tướng nịnh; rồi vua, quan thừa tướng…; nghệ sĩ Bạch Long truyền dạy các nghệ sĩ trẻ trong đoàn theo phương pháp riêng của mình. Anh chỉ dẫn học trò cách ca ngâm, diễn xuất, vũ đạo, hóa trang theo từng nhân vật cụ thể trong các vở tuồng do anh biên soạn và dàn dựng. Các diễn viên sẽ tiếp cận và học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ phong cách diễn xuất, kỹ thuật vũ đạo cho đến các làn điệu, bài bản của âm nhạc cải lương tuồng cổ và nghệ thuật hóa trang một cách thiết thực và hiệu quả.

Nhờ phương pháp truyền dạy độc đáo này, các học trò của nghệ sĩ Bạch Long nhanh chóng khẳng định khả năng chuyên môn của mình trên sân khấu cải lương. Không chỉ biểu diễn các vở tuồng dành cho thiếu nhi, với các nhân vật như: Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thiên Lôi, Thần tướng, Tiên nữ, Công chúa, chú Khỉ, chàng Cóc… được các diễn viên nhí thể hiện hồn nhiên, gây thích thú cho các khán giả nhỏ tuổi và phụ huynh.

Thời gian về sau, Đồng ấu Bạch Long còn thành công qua các vở tuồng nổi tiếng của sân khấu cải lương tuồng cổ như: "Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài", "Bao Công vô lò gạch", "Bao Công xử án Trần Thế M", "Xử bá đao Từ Hải Thọ", "Thanh Xà Bạch Xà"… đến độ báo chí và người ái mộ cải lương cho là một “hiện tượng lạ” của sân khấu cải lương.

Dù chỉ hoạt động chưa đầy một thập niên, thế nhưng, đoàn Đồng ấu Bạch Long đã có những đóng góp đáng kể cho sân khấu cải lương tuồng cổ. Phần đông các nghệ sĩ trẻ của đoàn đã tạo dựng được tên tuổi bằng những vai diễn ấn tượng và đoạt nhiều giải thưởng cao tại các kỳ hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, giải tài năng trẻ và giải thưởng Trần Hữu Trang. Tú Sương và Trinh Trinh; Chinh Nhân, Quế Trân, Tâm Tâm, Thy Trang, Vũ Luân, Lê Thanh Thảo…. đã lần lượt thay nhau đạt Huy chương Vàng giải triển vọng Trần Hữu Trang liên tục những năm sau đó…

Đặc biệt, trong số các học trò của nghệ sĩ Bạch Long, có ba nghệ sĩ vinh dự được phong tặng danh hiệu NSƯT dành cho tài năng và những cống hiến của họ cho sân khấu cải lương, đó là các nghệ sĩ: Quế Trân (2012); Vũ Luân và Tú Sương (2015). Những nghệ sĩ kể trên hiện đang là lực lượng “nòng cốt” cho sân khấu cải lương.

Nghệ sĩ Bạch Long hướng dẫn học viên múa rối ngựa.

Đồng ấu Bạch Long đã đào tạo một lực lượng kế thừa khá vững chắc về chuyên môn. Một vài nghệ sĩ của đoàn đã trở thành “thần tượng” của biết bao khán giả yêu mến di sản nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Mặc dù vậy, lực lượng kế thừa cho di sản văn hóa tinh thần này đang là vấn đề nan giải. Kể từ khi sân khấu Đồng ấu Bạch Long tạm ngưng hoạt động, hầu như không có cá nhân nghệ sĩ nào dám “tự thân vận động”, tự đầu tư đào tạo thế hệ kế thừa cho sân khấu cải lương như nghệ sĩ Bạch Long nữa.

Sức ép của cơ chế thị trường, ảnh hưởng của văn hóa ngoại nhập và sự bùng nổ các loại hình nghệ thuật giải trí khác… đã tác động không nhỏ đến các hoạt động sáng tác, biểu diễn và đào tạo của các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc, trong đó có sân khấu cải lương. Vấn đề này được nhiều nghệ sĩ đang hoạt động sân khấu chia sẻ sự lo lắng.

Nghệ sĩ Bạch Long cho rằng: “Sân khấu cải lương là một trong những loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc luôn đòi hỏi những tài năng, những cá nhân có năng khiếu đặc biệt, nhưng điều kiện để người nghệ sĩ làm nghề ít ỏi quá, rất khó tạo được sức lôi cuốn với thế hệ trẻ hiện nay”.

Thiết nghĩ, việc xây dựng đề án Đào tạo diễn viên cải lương với những giải pháp thiết thực, hiệu quả của Nhà nước và ngành chức năng là một việc làm cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Vì đây là nguồn lực quan trọng để bảo tồn, gìn giữ, kế thừa và phát huy các giá trị độc đáo của nghệ thuật cải lương, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ hội nhập.

Nghệ sĩ Bạch Long sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha là cố NSND Thành Tôn, mẹ là NS Huỳnh Mai, đều là những nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho sân khấu hát bội. Các chị gái Bạch Liên, Bạch Lý, Bạch Lê, Bạch Lựu và em trai - NSƯT Thành Lộc đều là những nghệ sĩ nổi tiếng trên sân khấu ca nhạc, kịch và cải lương.

Năm 12 tuổi, anh bắt đầu làm quen với ánh đèn sân khấu, được thọ giáo những người thầy dày dạy kinh nghiệm trên sân khấu cải lương như: NS Minh Tơ (cậu ruột của NS Bạch Long), anh họ - NSND Thanh Tòng và nhạc sĩ Út Trong, NS Bạch Long sớm thích nghi và thành công nổi bật trên sân khấu cải lương tuồng cổ với nhiều vai diễn được khán giả trong và ngoài nước đón nhận như: Thánh Gióng, Quách Hải Thọ, Kim Đồng…

Ngoài việc thành lập đoàn Đồng ấu Bạch Long và rất “mát tay” trong việc đào tạo học trò thành những tài năng cải lương được khán giả yêu mến, NS Bạch Long còn biên soạn, chỉnh lý kịch bản và dàn dựng nhiều vở tuồng cho sân khấu cải lương tuồng cổ như: "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo", "Hầu nhi cứu chủ", "Tiểu anh hùng Nam Quốc"….

Sau khi đoàn Đồng ấu Bạch Long ngưng hoạt động, anh tiếp tục tham gia hoạt động nghệ thuật ở các lĩnh vực khác như: ca nhạc, hài kịch, phim ảnh cho đến ngày hôm nay.

Phạm Thái Bình
.
.