Đại tá, nhà văn Trần Phúc Dương: Tâm huyết cùng những trang văn
- Nhà văn Lê Văn Thảo:Người kể chuyện bẩm sinh
- Nhà văn Bùi Việt Sỹ: “Ăn” vào hậu vận
- Nhà văn Trương Anh Quốc: Những câu văn được vớt lên từ biển
- Nhà văn Ngôn Vĩnh và chuyện “Bên kia cổng trời”
Cho đến bây giờ, cái tên Trần Phúc Dương không còn lạ lẫm với người đọc nữa. Anh đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, là tác giả của hàng loạt bút ký, truyện ngắn, thơ… in trên các báo Trung ương và Hà Nội. Đặc biệt là hai tập truyện ngắn "Căn bệnh lạ" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2012) và "Ngã rẽ" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2014), bạn đọc đã có những thiện cảm với anh, một cây bút vào nghề muộn song đã gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận. Trên cơ sở đó, việc anh trở thành hội viên Hội Nhà văn Hà Nội là một sự xác nhận xứng đáng tâm huyết và năng lực của một cây bút văn xuôi.
Là người con sinh ra và lớn lên trên vùng đất Đọi Sơn, thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, anh rất tự hào về quê hương có truyền thống cách mạng và bề dày lịch sử, văn hóa. Là một xã anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, một xã điểm của tỉnh Hà Nam trong xây dựng nông thôn mới, Đọi Sơn còn là vùng địa linh có lễ hội Tịch điền, đã từng đón các nguyên thủ quốc gia về cày Tịch điền, tái hiện hình ảnh vua Lê Đại Hành từ hơn một ngàn năm trước đã đích thân xuống đồng cày ruộng để khích lệ nông dân hăng hái sản xuất, ước mong mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.
Gắn liền với địa danh "Núi Đọi sông Châu" thơ mộng, nơi đây có chùa Long cổ kính được xây dựng từ thời nhà Lý, tọa lạc trên đỉnh núi Đọi uy nghiêm, được Nhà nước xếp hạng là "Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia". Đọi Sơn còn có làng nghề làm trống Đọi Tam nổi tiếng cả nước.
Với hơn bốn mươi năm phục vụ trong lực lượng CAND, Đại tá Trần Phúc Dương đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp "Vì an ninh Tổ quốc". Ở bất kỳ cương vị công tác nào, anh cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và giữ gìn phẩm chất trong sáng của người chiến sỹ Công an nhân dân.
Đại tá, nhà văn Trần Phúc Dương. |
Từ một cán bộ Văn phòng Bộ Công an, anh lần lượt chuyển công tác sang Cục Kỹ thuật (K67), rồi H18, Vụ Kế hoạch Tổng cục IV cho đến khi được bổ nhiệm Phó trưởng phòng Cục H25 (năm 1988) kiêm Phó Giám đốc, rồi Bí thư Đảng ủy xí nghiệp may 19-5. Vốn có năng khiếu và đam mê văn học từ khi còn học phổ thông, nhưng do đặc thù công tác, anh phải dồn sức cho công tác chuyên môn.
Tuy vậy, niềm đam mê văn chương trong anh chưa khi nào ngừng chảy. Khi anh chuyển sang làm Phó trưởng Phòng Chính trị (năm 2000) thuộc Văn phòng Tổng cục VI, rồi Cục Tham mưu Tổng cục IV, anh mới có điều kiện để thực hiện đam mê của mình. Nhưng chỉ đến khi nghỉ hưu, Đại tá Trần Phúc Dương mới có cơ hội dành trọn thời gian và tâm huyết cho sáng tạo văn chương.
Với "Căn bệnh lạ" (10 truyện), "Ngã rẽ" (12 truyện), hai tập sách đã ghi nhận khả năng của Trần Phúc Dương trên con đường thử thách với thể tài văn chương đòi hỏi nhiều năng lực ở người cầm bút này. Tuy không có những đột biến về phương thức tiếp cận hiện thực, chưa có những phát hiện thật sâu sắc cuộc sống, con người, song với thái độ trân trọng hiện thực và tấm lòng nhân ái vốn có của một chiến sĩ CAND, anh đã đưa vào tác phẩm của mình những bức tranh chân thực về đời sống xã hội và các mối quan hệ con người giằng níu, đan xen như nó vốn tồn tại trong cuộc sống hiện nay.
Trong "Căn bệnh lạ", tuy có đôi, ba truyện còn sơ giản, song nhìn chung tác giả đã có nhiều dụng công quan sát, suy tư và đã xây dựng được những mẫu người có phẩm chất đẹp, tâm hồn trong sáng, biết hy sinh lợi ích cá nhân cho nhiệm vụ cao cả và những người thân yêu của mình.
Đó là cô giáo Tâm trong "Mai vàng trên đảo Hòn Mây" đã dũng cảm từ bỏ một vị trí làm việc có nhiều thuận lợi cho cuộc sống vật chất cá nhân để ra hòn đảo nhỏ cách xa đất liền dạy trẻ em học chữ. Bằng cách kể chuyện khách quan, có những thay đổi về trật tự thời gian, tác giả đã đem đến cho người đọc một số truyện ngắn khá hấp dẫn thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ của anh với những con người có tâm hồn và hành động cao quý ở chế độ chúng ta.
Đó là tình đồng đội, tình người trong chiến tranh và sau cuộc chiến trong "Chiếc khăn thêu dở". Đó là những con người chân thành, giàu lòng vị tha trong "Tiếng lòng", "Hạnh phúc trở về", "Trăng vẫn sáng"… Một điều người đọc dễ nhận ra là ngay ở những truyện ngắn đầu tiên của "Căn bệnh lạ", Trần Phúc Dương đã mạnh mẽ tuyên chiến với những tiêu cực trong xã hội. Đó là những thói tham lam, hách dịch, quan liêu của một số người có quyền, có tiền và những thói hư tật xấu của một bộ phận con người lười biếng, biến chất.
Đó là Sùng trong "Căn bệnh lạ", là ông Sìn, bà Toánh trong "Chiếc phong bì màu xanh", là Khanh trong "Tiếng vọng đêm giao thừa"… Có thể nói, truyện ngắn "Căn bệnh lạ" đã thể hiện được phẩm chất của ngòi bút Trần Phúc Dương, nhà văn đã không né tránh những vấn đề gai góc của cuộc sống. Tác giả đã dũng cảm tiếp cận hiện thực dù đó là những vấn đề có nhiều đụng chạm, va đập đòi hỏi người viết phải có bản lĩnh và tầm tư tưởng nhất định.
Nếu trong "Căn bệnh lạ", có truyện còn giản đơn thì "Ngã rẽ" là một bước tiến về cách thức bố trí cốt truyện, phương thức tạo tình huống và cách xây dựng nhân vật của Trần Phúc Dương. Tác giả đã mạnh dạn khai thác những mạch ngầm trong xã hội đương đại với mối quan hệ gia đình, tình yêu, tình vợ chồng, quá khứ, hiện tại xen trộn phức tạp.
"Bức thư để lại" là một trong những truyện có được ấn tượng trong người đọc. Chúc và Thắm là đôi trai gái yêu nhau thắm thiết. Khi biết mình bị ung thư ở giai đoạn cuối, không muốn Thắm phải đau khổ khi gắn bó cuộc đời với mình, Chúc đã nhắn tin bỏ Thắm và chịu mang tiếng là kẻ bạc tình. Rồi không may Thắm bị tai nạn hỏng hai con mắt, Chúc đã lặng lẽ hiến tặng đôi mắt của mình cho Thắm. Đó quả là một nghĩa cử cao cả và cảm động.
Trong nhiều trang viết của mình, Trần Phúc Dương đã dành nhiều tình cảm đối với các nhân vật nữ. Họ là những người phụ nữ nhân hậu, thủy chung, có tâm hồn rộng mở và đức hy sinh cao cả. Đó là Hoài Thu nhẫn nhịn, im lặng chịu đựng để giữ gìn uy tín, danh dự cho chồng mặc dù biết chồng mình không chung thủy và sống buông thả để rồi kiên trì giáo dục, thu phục chồng về với mình và mái ấm gia đình.
Đó là bà Chiến trong "Cuộc tình đêm giao thừa", là Chúc trong "Ngày trở về"… Cái nhìn đầy tính nhân văn đó của tác giả giúp cho những trang viết của truyện ngắn này gây được xúc động và một lần nữa tôn cao vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam.
Bìa một tập truyện ngắn của Trần Phúc Dương. |
Là một nhà văn xuất thân trong ngành Công an, Trần Phúc Dương đã có tình cảm đặc biệt đối với những đồng đội đang công tác, chiến đấu trên mặt trận bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tuy số lượng không nhiều, song hình ảnh người chiến sĩ Công an trong trang viết của tác giả đã có những ấn tượng đặc biệt đối với người đọc.
Hình ảnh của Lĩnh, một cán bộ Công an dũng cảm truy bắt tội phạm ma túy đêm giao thừa là hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ" của các chiến sĩ CAND. Nhân vật nữ chiến sĩ Công an (xưng tôi) trong "Bao dung" đã thể hiện tấm lòng vị tha trong khi thực thi nhiệm vụ mà tổ chức giao phó… Ngoài ra, trong một số trang truyện, khi đấu tranh với tội phạm, với các nhân vật thoái hóa biến chất, các chiến sĩ Công an đã thể hiện được sự dũng cảm mưu trí, thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ được giao.
Trần Phúc Dương là cây bút có trách nhiệm trong việc miêu tả, phản ánh các vấn đề xã hội và luôn đề cao những hành động đẹp của con người trong các mối quan hệ đan xen khá phức tạp trong đời sống xã hội chúng ta. Tuy nhiên về mặt nghệ thuật, người đọc mong muốn anh đầu tư nhiều hơn trong những trang viết của mình để các truyện ngắn thực sự có chiều sâu tâm lý; hành động của nhân vật được hoạt động trong những bối cảnh tiêu biểu cho hiện thực sinh động phong phú của đất nước ta trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Với những thành công bước đầu qua hai tập truyện ngắn "Căn bệnh lạ" và "Ngã rẽ", hy vọng Trần Phúc Dương sẽ có những bước tiến mới trên con đường sáng tác của mình. Chúng ta chào đón và hy vọng ở những tác phẩm tiếp theo của anh.