Y Ban, người đàn bà cười trong tiếng khóc thầm

Thứ Bảy, 21/03/2020, 14:07
Lần đầu nói chuyện với Y Ban, nữ sĩ đã khiến tôi há hốc mồm kinh ngạc. Rồi cái miệng tôi cứ mỗi lần gặp Y Ban lại không "khép" được nữa. Chị khiến tôi cười to mà trong tiếng cười ấy lại có nỗi đau thế sự, nỗi đau đàn bà, nỗi đau cuộc đời...


Tôi tin rằng ai gặp Y Ban lần đầu và nghe chị nói chuyện tếu cũng sẽ đều kinh hồn. Y Ban có lẽ là người đàn bà “ghê gớm” nhất Hà Nội, ghê gớm nhất làng văn vì “khẩu khí” và những câu chuyện của chị. Trước khi thân thiết hơn với chị, tôi gặp Y Ban khá nhiều nhưng chủ yếu là xã giao theo phong cách của cánh văn sĩ Hà Nội điển hình, lướt qua nhau một cái, chào một tiếng, bắt tay hoặc kể một câu chuyện vô thưởng vô phạt rồi… quên nếu không có một ngày tôi ăn cơm cùng với Y Ban và hiểu chị hơn.

Bữa cơm hôm đó ở phố Phan Đình Phùng và có vài bạn văn thân thiết, quán ăn không quá đông người để tôi có thể nghe rõ câu chuyện của chị. Y Ban bao giờ cũng là trung tâm của sự chú ý, chị đọc một bài thơ tiếu lâm rất dài. Bài thơ nghe không được nhã cho lắm nhưng có lý và đáng suy nghĩ. Mọi người khi mới nghe thì cười to nhưng như nghe xong thì thẳm sâu là nỗi buồn.

Những câu chuyện của Y Ban khiến người ta vui buồn ngay được trong khoảnh khắc. Tôi tin rằng không người đàn bà nào dám kể những chuyện như  của Y Ban, không nữ sĩ nào dám đọc thơ như Y Ban, những câu chuyện của chị ban đầu nghe rất “mặn tai” nhưng hậu vị của nó thì chua chát và cay đắng!

Rồi một lần tôi được cơ quan giao cho làm “trưởng trại” một trại sáng tác ở thành phố Đà Nẵng, tôi gọi điện mời chị đi cùng vì tôi tính được Y Ban “bảo kê”, tôi sẽ yên tâm hơn về chất lượng tác phẩm và khi có một nhà văn “số má” dự trại, các nhà văn trẻ sẽ học hỏi được ít nhiều.

Y Ban tiếp tục trở thành trung tâm chú ý của trại viết Đà Nẵng, buổi trò chuyện nào không có chị thì mất cả vui. Chị hát, chị cười, chị múa, chị diễn trò, đến cả các chú bộ đội ở Quân khu V trong một buổi giao lưu với các nhà văn trong trại, nghe Y Ban phát biểu thì ai cũng mắt tròn mắt dẹt vì phong cách và tác phong của chị. Không ngờ trên đời này lại một có người đa tài và táo tợn như Y Ban!

Lưỡng lự mấy lần rồi tôi cũng đến thăm nhà chị. Nhà Y Ban ở gần cuối phố Bắc Cầu, quận Long Biên, một khu vực địa lý đặc biệt của Hà Nội nằm kẹp chéo giữa sông Hồng và sông Đuống, nơi có rất nhiều cây xanh và chùa miếu. Nhà Y Ban có một cây nhót rất sai quả và có lẽ cũng giống như một số văn sĩ thong thả của Hà Nội, đất Thủ đô, mỗi tấc mấy lượng vàng nhưng chị vẫn để một khoảng sân ngợp lá cây chỉ dùng làm chỗ để xe và cho ông chồng đặt tượng.

Chồng chị là “ông” Cơ chuyên làm nghề điêu khắc tượng, bất cứ chỗ nào trống trong nhà, ông đều đặt vài pho tượng vào đấy. Trong khoảng mờ mờ của những kho bếp nhà chị, tôi thấy đống tượng lố nhố cái cao, cái thấp, cái ngửa, cái nghiêng, cái cười, cái khóc, nếu mà nửa đêm tỉnh dậy mất điện nhìn thấy đống tượng này chắc cũng hoảng hồn.

Tôi đọc lại truyện Y Ban trước khi đến nhà chị, truyện của Y Ban như nước sông Hồng dào dạt cuộc sống đời thường, nhất là những truyện hồi trẻ, cái nào cũng rừng rực chất đàn bà. Hai tám tuổi chị đã lên ngôi "Hậu" trong một cuộc thi truyện ngắn danh tiếng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội với truyện ngắn “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ”.

Tôi không ngờ một cô gái chưa chồng, chưa con mà viết nổi truyện này. Ở đây, nhân vật chính là một cô gái chưa chồng mà chửa, bà mẹ cô không đồng ý với anh người yêu của cô, bắt cô vào bệnh viện làm “cô vắc” huỷ cái thai đi. Biết bao những đau đớn, tủi nhục phải trải qua cái nạn đàn bà, từ đây cô chính thức là đàn bà, thậm chí hư hỏng. Thế mà trước đó không ai dạy cô một lời nào về chuyện đàn ông, đàn bà, kể cả mẹ cô.

Người ta chỉ biết mắng chửi và sỉ vả. Y Ban tả nỗi đau của đàn bà giỏi vô cùng. Chị tả người đau đẻ cực kì sinh động, nhảy bên trái thì đau bên phải, nhảy bên phải thì đau bên trái, kiễng lên đau phía dưới, quỳ xuống đau phía trên… Một truyện ngắn “quá cỡ” với một cô gái hai tám tuổi đời, mấy chục năm đọc lại vẫn còn thấy ghê.

Y Ban viết khoẻ và nhiều cùng với chất lượng. Tôi không ngần ngại liệt chị vào hàng những cây bút nữ tiêu biểu nhất của văn học Việt hiện nay. Danh sách tác phẩm của chị có hàng chục cuốn, trong số có những truyện từng gây sóng gió một thời như “I am đàn bà” hoặc mang danh tiếng cho chị như “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ”.

Điều tôi khâm phục Y Ban là chị còn viết tiểu thuyết. Tôi nói “khâm phục” vì những cây bút nữ viết được tiểu thuyết không nhiều, một thể loại đòi hỏi trường sức, thời gian và công lực bỏ ra rất nhiều nhưng với tiểu thuyết, Y Ban “xơi” cũng không quá khó, chị bảo mỗi cuốn tiểu thuyết chị chỉ viết trong vòng một tháng, hoặc là “được” hoặc là vứt vào sọt rác!

Một tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Y Ban.

Nhà văn có thể viết nhiều nhưng để người ta nhớ chỉ một tác phẩm của mình đã quý rồi. Xin đừng ảo tưởng hàng đống sách mình viết ra sẽ được lưu nhớ, chúng sẽ nằm phủ bụi trong giá sách, trong kí ức và có thể không bao giờ được đánh thức. Y Ban đã có vé đi vào cuộc sống dân gian khi tên những tác phẩm của chị đã trở thành một phần của ngôn ngữ đời sống hàng ngày như “I am đàn bà”, “Đàn bà xấu thì không có quà”, “Trò chơi huỷ diệt cảm xúc”…

Y Ban thuộc loại đàn bà yêu thì yêu hết mình, ghét thì xúc đất đổ đi luôn, giống như kiểu văn của chị. Trong tất cả các vật dụng, Y Ban yêu bút nhất, cây bút nào chị cũng nâng niu, quý trọng, thấy một cây bút bi tầm thường rơi dưới đất  chị cũng vội nhặt lên lau chùi cho sạch sẽ.

Một lần chị biếu một ông quan nhơ nhỡ một cây bút đẹp, đó là khi cơm còn ngon và canh còn ngọt. Rồi xảy ra xung đột giữa hai người, Y Ban thấy ông kia không xứng đáng được dùng cây bút của chị. Chị đập cửa xông vào rất đáng sợ. Ông quan mặt tái nhợt khi thấy Y Ban xách váy lên, trỏ mặt bảo, mày trả lại tao ngay cây bút! Giá trị thực của cây bút không lớn nhưng với Y Ban, một người không xứng thì không được hưởng cây bút ấy!

Y Ban còn từng khuấy văn đàn “một quả” nữa cũng rất đáng kể. Đó là khi chị từ chối nhận tặng thưởng cho cuốn tiểu thuyết “Trò chơi huỷ diệt cảm xúc”. Đó là một cú chấn động khá lớn với bầu không khí “hiền lành” ngoan ngoãn của làng văn Việt. Đồng thời với việc từ chối nhận tặng thưởng, Y Ban xin rút khỏi Hội đồng văn xuôi. Sau cú shock do Y Ban tạo ra, sau đó trở đi, Hội nhà văn chỉ trao giải thưởng chứ không còn tặng thưởng, hay dở của việc này tôi xin miễn bàn.

Nhưng có phải lúc nào Y Ban cũng sục sôi,  thác lũ như thế. Không phải, thẳm sâu trong Y Ban vẫn là người đàn bà với tất cả những phẩm chất của một người đàn bà Việt. Ông Cơ phải chịu đựng chị và chị cũng nhường nhịn ông chồng mình không ít. Trong bữa ăn tại nhà chị, khi tôi và ông Cơ tranh luận khá hăng về thế thời, thời thế tôi thấy chị đã rất ý tứ nhường nhịn ông chồng nghệ sĩ của mình đôi quãng nhất định.

Ông Cơ đã từng xé bản thảo của Y Ban và Y Ban cũng từng đập nát tượng của ông Cơ (hồi trẻ). Bây giờ thì như tôi đã kể, ông Cơ bày tượng la liệt khắp nhà và Y Ban rất tự hào về ông chồng của mình. Tôi nghĩ với một cặp đôi như thế, họ chịu đựng và sống được với nhau từng ấy năm là một điều rất đáng nể.

Tôi cũng từng nhìn thấy những giọt nước mắt thẳm sâu của Y Ban khi chị kể với tôi chuyện gia đình trong trại Đà Nẵng. Không phải việc gì con cái cũng làm theo ý cha mẹ và chị buộc phải chấp nhận điều ấy, như tuân theo ý trời và quy luật tự nhiên. Chị có những nỗi đau và nỗi buồn riêng, tôi đọc thấy điều ấy trong mắt và trong những truyện chị viết.

Một người đàn bà thành danh với nghề nhưng lúc nào cũng ngổn ngang, đau đáu với gia đình và thậm chí với cả đời sống thế sự. Nhà văn cũng đồng thời là một người mẹ, một công dân. Tôi nghĩ khi viết “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ” có thể Y Ban cũng chưa tiên liệu được cuộc đời mình rồi sẽ thế nào…

Văn chương đôi khi rất xa cách với cuộc đời nhưng có lúc, nó chính là cuộc đời. Văn và đời Y Ban có thể như máu thịt của chính đời chị…

Uông Triều
.
.