Nhà văn nữ - Gia đình và sự nghiệp:

Nhà văn Y Ban: "Kinh nghiệm của tôi: Hạ thấp mình xuống"

Thứ Năm, 13/03/2008, 15:10
Nhân dịp 8-3, VNCA có cuộc trò chuyện với nữ nhà văn Y Ban về gia đình, sự nghiệp của chị, xin giới thiệu cùng độc giả.

-Thưa chị Y Ban, gia đình của một nhà văn nữ, theo chị, có gì khác so với gia đình của một phụ nữ bình thường?

+ Tôi thấy có một sự khác biệt cơ bản, là người phụ nữ làm văn chương trong gia đình thì luôn luôn phải "bắt" con người mình quay trở về như một người phụ nữ bình thường. Bởi rõ ràng người phụ nữ viết văn là không - bình - thường. Cái không - bình - thường tôi nói ở đây không phải là cái gì cao siêu, mà bởi tính chất công việc của chúng tôi.

Chúng tôi cố gắng trở thành người đàn bà bình thường trong gia đình của mình, để nấu một bữa cơm bình thường, yêu con như người mẹ bình thường. Những đứa con cần một người mẹ bình thường, khi ôm ấp chúng là phải toàn tâm toàn ý yêu thương chúng, đầu óc không được vẩn vơ chuyện khác.

Còn tôi thì đôi lúc vừa bế con vừa nấu ăn lại vừa nghĩ ngợi đến chuyện văn chương. Đến nỗi có lần con gái tôi bảo: "Mẹ ơi, mặt mẹ giãn ra một chút được không ạ". Người ta hay nói phải biết phân thân, hoàn cảnh nào thì con người đó. Thế nhưng, "phân thân" không phải chuyện dễ dàng.

- Câu chuyện gia đình chị đã khi nào trở thành đề tài trong tác phẩm văn học của chị?

+ Tôi có một số tác phẩm lấy chất liệu là câu chuyện gia đình của mình. Nhưng nó đã được thăng hoa, được lọc qua một lăng kính rồi. Chưa có ai đọc xong và bảo đó là chuyện gia đình tôi. Tôi chưa bao giờ kể thật thà mọi chuyện gia đình trong tác phẩm, dù tôi nghĩ, chỉ cần ghi chép lại chân thực cũng đã có thể là một tác phẩm hay.

Bởi tôi sợ sẽ làm tổn thương một thành viên nào đó trong gia đình. Tuy nhiên, những khát vọng gia đình tôi gửi gắm trong những tác phẩm đã viết đều chính là khát vọng của gia đình tôi.

- Người ta bảo, một người đàn ông có vợ là nhà văn cũng chẳng sung sướng gì. Chị có điều gì biện hộ không?

+ Tôi nghĩ hạnh phúc trong một gia đình rất khó mà cân, đo, đong, đếm. Tôi có người chồng làm họa sĩ. Ban đầu khi lấy nhau, chúng tôi cũng có nhiều mâu thuẫn tưởng chừng không thể hòa hợp. Nhưng giờ đây chúng tôi đã học được cách "sống chung với lũ". Khi hai cá tính nghệ sĩ va đập nhau, chúng tôi tìm cách "hòa giải" ngay, không căng thẳng nữa.

Mặt khác, hai đứa con của chúng tôi chính là chiếc máy "điều hòa nhiệt độ" của gia đình. Chúng tôi nhất trí quan điểm dạy con, là biến chúng thành bầu bạn, cho chúng được bình đẳng với mình. Con cái tôi được đối thoại với bố mẹ, nên chúng rất cởi mở, hồn nhiên. Để có một gia đình tồn tại, chúng tôi đều phải hy sinh rất nhiều.

Người ta nói, phía sau một gia đình hạnh phúc là một người phụ nữ biết lo toan, thu vén. Nhưng tôi phải nói rằng, chồng tôi cũng hy sinh cho gia đình, vì gia đình rất nhiều, bởi anh cũng là một nghệ sĩ. Chúng tôi tìm ra cách để "khớp" với nhau, lo chung mọi nỗi lo cùng nhau.

Tất nhiên, tôi là phụ nữ, tôi phải lo lắng nhiều chuyện cụ thể hơn. Có giai đoạn tôi phải lo chuyện cơm áo gạo tiền rất nặng nề. Mà bạn biết đấy, chuyện cơm áo gạo tiền nó kéo con người ta xuống như thế nào, nhất là khi ta lại là một người cầm bút.

- Vậy kinh nghiệm của chị trong việc giữ gìn ngọn lửa của gia đình, để gia đình luôn "trong ấm ngoài êm" là gì?

+ Trước tiên, tôi cho rằng chúng ta phải quan niệm gia đình khác đi. Không nên áp đặt một khái niệm cho tất cả. Mỗi gia đình là một tiểu vũ trụ. Các cụ xưa kia nói: "Nồi nào úp vung ấy" là rất đúng. Khái niệm "trong ấm ngoài êm" nếu áp dụng cho một gia đình bình thường khác thì chưa chắc đã đúng với gia đình tôi. Bởi lẽ, nhiều gia đình thích sự bằng phẳng. Còn gia đình tôi, lúc nào cũng ồn ã và chúng tôi thích sự ồn ã ấy.

Nếu nhìn bằng một cặp mắt bình thường họ sẽ chẳng bao giờ thấy gia đình tôi bằng phẳng cả. Nhưng chúng tôi tồn tại, trọn vẹn là bởi sự ồn ã ấy. Kinh nghiệm của tôi trong gia đình là tôi luôn luôn hạ thấp cái tôi của mình xuống, để trở thành một người phụ nữ bình thường nhất hoặc thấp hơn thế nữa. Người phụ nữ làm nghệ thuật luôn phải biết cách "đi vắng" trong gia đình của mình.

- Gia đình của chị đã bao giờ phải đứng bên bờ vực của sự chia ly chưa?

+ Có đấy. Từng có lần chồng tôi lục trong đống bản thảo của tôi và tìm được 8 lá đơn xin ly hôn. Nhưng thực ra chưa khi nào chúng tôi căng thẳng đến mức phải mang chúng đến tòa án. Có lần tôi đã xách vali, ôm con ra khỏi nhà, đi tìm khách sạn ở. Nhưng chồng tôi cũng đi theo. Chúng tôi chưa bao giờ rời nhau cả. Chúng tôi luôn quần tụ và tồn tại trong sự "nóng bỏng" ấy.

Nhưng cũng có lần vì quá mệt mỏi, chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau, chồng tôi bảo, nếu được làm lại thì bọn mình sẽ không lấy nhau. Hoặc là vẫn lấy nhau thì sẽ không có con nữa. Nhưng tôi phản đối, chúng ta có thể không lấy nhau ngay từ đầu. Chứ không thể lấy nhau mà không có con. Vì không có con thì không thành một gia đình.

- Từng bán gà tần nuôi gia đình trước khi đi làm báo, chắc hẳn chị là người phụ nữ nấu ăn ngon?

+ Tôi có thể làm cả gia đình hài lòng về chuyện nấu nướng. Tôi đi ăn tiệc ở đâu, có món gì mới là tôi về học nấu cho cả gia đình ăn ngay. Tôi cũng không thích đi ăn nhà hàng. Bởi tôi nhìn đồ ăn thừa ở đấy thì hay tiếc xót, hay ngậm ngùi, và chỉ muốn mang chúng về nhà. Đó là dấu ấn từ tuổi thơ nghèo, đói miếng ăn của tôi.

- Thử hình dung nếu chị không viết văn, gia đình hôm nay của chị có khác điều gì không?

+ Trời đã cho tôi một tính cách "vừa độc đoán vừa ghê gớm" từ thuở nhỏ. Nếu tôi không làm văn chương thì mọi thành viên trong gia đình vẫn phải chịu đựng tính cách ấy của tôi, hoặc là tôi phải thay đổi tính cách của mình. Văn chương với riêng tôi cũng là cứu cánh, là lý do để đôi khi mọi thành viên trong gia đình có thể thể tất và tha thứ cho tôi mọi điều.

- Sau những hoạn nạn của đời sống, chị thấy gia đình có ý nghĩa như thế nào đối với mình?

+ Tôi vừa nếm trải một cơn sóng gió trong đời sống, để hiểu ra rằng gia đình quan trọng với mình như thế nào. Tôi đã được chồng, các con hậu thuẫn, làm chỗ dựa trong lúc chới với. Nếu trong những chuyện bất hạnh của cuộc đời mà không có gia đình thì tuyệt vọng lắm.

- Ngày hôm nay khái niệm gia đình hình như có khác. Một người phụ nữ có thể tự làm nên một gia đình với đứa con của mình, mà không cần tới đôi vai của người đàn ông. Nếu chị trong hoàn cảnh ấy, chị vẫn làm tốt vai trò của mình chứ?

+ Tôi luôn nghĩ rằng, khái niệm gia đình có thể thay đổi theo cách nào đó. Nhưng gia đình không có người đàn ông vẫn là một gia đình khiếm khuyết, không thể nào gọi là hoàn hảo được. Bởi vì phụ nữ vẫn chỉ là phụ nữ, dù họ có là ai và làm bất cứ công việc gì.

Phụ nữ viết văn tưởng là mạnh mẽ nhưng về bản chất là vô cùng yếu đuối, dễ tổn thương. Chẳng qua họ phải cố gắng gồng mình lên để che đậy sự yếu đuối trong tâm hồn đó thôi.

- Xin cảm ơn nhà văn Y Ban

Vũ Quỳnh (thực hiện)
.
.