Vùng trời gọi nghĩ

Thứ Sáu, 02/10/2020, 16:37
Người bạn đồng nghiệp từ miền đất ấy, một nhà văn là cô giáo, nói điều gì về quê hương mình, tự dưng làm tôi nghĩ lại những đợt gió chuyển mùa.


Từ cuối hè sang thu mát, từ se se heo may sang ào ạt buôn buốt, tôi nhớ, càng cộng hưởng với những luồng gió khoát đạt ấy khi giữa vùng đồi rộng núi thấp trải dài như những đụn cỏ lớn khổng lồ, tôi đứng trên ngọn con đường đất đá cao, nhìn mây trắng từng bầy lớn lùa về tan tác. Tôi có mấy tháng rời nơi sinh ra, lớn lên, học hành quen thân ấy, đi một thôi đường xa đến ở nơi mấy nhà căn hộ hai tầng cũ mòn xiêu vẹo, hở hoác, ngày ngày đi bộ mỏi chân qua những con đường bụi cuốn giữa hai bên cây cỏ dại thị trấn xứ Đông đồi và dốc chen phố nhỏ nhà thấp này.

Lạ lắm, khi sống hơn trăm ngày ở nơi khác hẳn thành thị của mình vốn trước đây cũng chẳng có mấy dịp đi đâu xa. Thị trấn này, Sao Đỏ - Chí Linh, Hải Dương, con đường dài từ phía Phả Lại dẫn về trung tâm, bên kia đường nhựa là đồng nước suốt tháng năm rộng rãi, loang loáng phản chiếu nền núi, trời, bên này là hè đường mở lên những con dốc dẫn vào các khu dân cư còn thưa thớt với nhiều nhà ngăn sân bằng tường thấp gạch xỉ hoặc bờ dậu thấp um tùm. Những bụi cây xùm xòa, các doanh trại đơn giản, cũ cũ, mấy cửa hàng ăn, hè rộng vương rơm phơi, ngai ngái một cảm giác bình lặng chơm chớm chuyển mình.

Đấy là Sao Đỏ trong trí nhớ tôi 18 năm trước. Nhưng không nhớ được nhiều về phía phố, đèn, hàng vàng, hàng gia dụng mặt phố đang dần tấp nập, vài quán ăn đêm, những cửa hàng truy cập Internet dãy dài bàn phím đang thời kỳ mời gọi thanh thiếu niên phong trào chat qua yahoo messenger. Tôi nhớ vào phía dốc, phía đồi, những đường vắng lắm, dẫn qua những vườn sắn thoai thoải theo sườn núi thấp. Những đường mấp mô chúng tôi thường đi, qua mấy quả đồi, xanh bàng bạc rừng thưa keo tai tượng trên đất cứng pha đá vụn nâu vàng đỏ gợn những vệt rêu. Những bước đi giày vải đế cao su lạo xạo, gập ghềnh, rung rinh từng bụi sim và đám cỏ gà phơ phất. 

Đi lên cao, qua những vị trí được gọi là cao điểm, rồi lại thoải xuống gấp gấp. Cảnh rộng theo triền đồi, mở quang ra với vòm trời, rồi hẹp dần lại trên những đường đất nhỏ lan man cỏ xanh dẫn qua khu gia binh, mấy ngôi nhà giản dị nép bên nhau hiền lành. Một em gái học trò tuổi mới lớn, tóc thả thành hai đuôi sam, đi chiếc xe đạp mi ni ngược lại phía chúng tôi, hình như con của một thầy giáo, mắt em nhìn thẳng, khuôn mặt làm ra nét nghiêm lắm. Chắc nhiều lần như thế rồi, cô bé phải “dọa” trước, trên con đường mà các anh lính mới hay đi qua, tình cờ gặp, rất dễ bật ra vài câu gọi í ới, ai mà xinh thế nhỉ, em ơi em tên gì đấy…

Những sáng ngày cuối thu, ở đây đã lạnh rồi, dần sang đông thì lạnh lắm! Tôi ngồi trên đồi giữa quang đãng bốn phía gió bấc ào ạt. Xa xa kia khởi lên dãy núi Đông Triều vươn về phía Quảng Ninh, như bắt đầu từ một thung lũng rậm rạp. Mây xua về dạt đi lồng lộng trắng, đôi vùng xám mờ quầng lên rất xa. Như trời đang chuyển vận. Như muốn hé cho mình một bí ẩn nào đó. Tự dưng muốn nói gửi điều gì lắm, với cao lớn vời vợi ấy, mà không cách nào được. 

Tôi cứ nhìn mây trời bùng lên như thế có khi cả tiếng đồng hồ, nghĩ và viết vài so sánh vào quyển vở nhỏ mang theo, mây như bầu khói, mây như lửa trắng, mây quyện đuổi phóng túng, và tôi vọng vọng xa xôi trước về sau này, mình sẽ viết, sẽ giữ những điều mình viết, dù ngay khi ấy, thật không thể hình dung nổi mình sẽ viết gì đây chăng. 

Có thể ví dụ như chính trời mây chốn này đây mà tôi đang ngước lên giữa gió lạnh, có thể những con người sống trên miền Tả Phìn núi cao Sa Pa ẩm ướt mây trắng lùa kín mặt kín người mà tôi đã gặp, đã cùng sống ít ngày. Hay những con người một miền đồng đất khác, cũng dưới chân những triền đồi quanh quanh Sóc Sơn miền giáp ranh, mộc mạc và bình dị trong nắng bán sơn địa.

Đền thờ Nguyễn Trãi.

Hay chính nơi này Sao Đỏ, những dáng người thanh thanh hơi cao, những đuôi mắt hơi dài, vùng đất mà khi mới đến, những người thầy, người phụ trách ở đây từ lâu dặn chúng tôi lên đồi khi ngồi cần lưu ý đề phòng vì thỉnh thoảng dễ có rắn. Chính tôi, có lần ngồi giải lao trên lưng đồi, nghe tiếng lao xao chỉ trỏ, ngoảnh lại phía sau không xa lắm, thấy một con rắn nhỏ và dài, như có chút gì hơi tia tía đỏ, trườn như văng mình đi thật nhanh, lạo xạo trên đá vụn.

 Lần khác đi bộ trên hè phố lất phất những sợi rơm khô tơi sót lại, tôi nhìn dưới mặt hè một con rắn con bé xíu đang cố nhoài đi. Vì nó quá nhỏ nên cảm giác cả dải hè rộng sẽ là hành trình xa vời. Lại hôm khác gió rít, trên đường lên đồi, mấy người bạn trẻ phát hiện con rắn lục nhỏ khoanh người ngủ lạnh trong bụi cây thấp, cảm giác như màu xanh rêu thẫm lại ấy, nó mềm nhũn ra vậy.

Sau này có lần tôi cứ lẩn mẩn nghĩ đến câu chuyện dân gian thêu dệt quanh nỗi oan khốc Nguyễn Trãi, mà trong đó đại ý là mấy người học trò của cha ông là cụ Nguyễn Phi Khanh, phá một tổ rắn, giết mấy con rắn con, nên rắn mẹ sau này hóa làm Thị Lộ để trả thù người xưa đã không chịu cứu, hay không kịp cứu rắn con. 

Liên tưởng xa xưa thật hoang ảo và xót đau, liệu có khai thác từ một phần thực tế khi những vùng đất xưa vốn nhiều rắn. Ám ảnh chuyện hoang đường còn làm tôi nghĩ ngợi và phấp phỏng đề phòng khi về sau có dịp đến đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, chỉ cách trung tâm Sao Đỏ một đoạn, nơi đường sá làng mạc xanh cây còn phảng phất niềm thôn dã xa vời. 

Cũng ám đọng mãi là ấn tượng một lần xuôi sông Đuống trên phà, chúng tôi đến nhìn hai khúc xương chân voi dựng trong đền Kiếp Bạc thờ đức Hưng Đạo Vương. Chuyện xưa còn kể đó là con voi mà người cưỡi đi đánh giặc, qua sông voi bị sa lầy, không cứu lên được. Việc quân cấp bách, người phải gạt lệ mà ra đi, con voi nhìn theo chủ chảy nước mắt. 

Loài vật có những liên đới với con người thật lạ lùng. Kể cả câu chuyện thật hơn về hai khúc xương chân voi lẫn sự hóa thân hoang đường của con rắn mẹ, đều thấp thoáng điều đó. Rồi nữa, chuyện thầy Chu Văn An cáo quan về miền Côn Sơn, ở trên núi Phượng Hoàng, chọn thông tùng suối reo để đối lòng mình, như Nguyễn Trãi đã từng, chọn đỉnh núi như chim lớn vươn lên, thanh cao và trong sáng, nghe thật là huyền vĩ!

Bao nhiêu điều nữa lạ lẫm ở miền đất khác này, nơi tôi chưa hiểu được. Chỉ biết những gì mới mẻ luôn gọi mình, thúc mình nhìn, nghe nhiều hơn, để nghĩ gì đó, ngẫm ra gì đó. Từ miền đất ấy, đã có những điều cho tôi khởi lên suy nghĩ. Cũng như bao nhiêu đất lạ, cây đồi cỏ núi vươn cao, với những dòng suy ngẫm người xưa còn quyện hòa với trầm tích đất đai nhà cửa, khiến cho mình phải ngắm nhìn, phải cảm và nhận, phải dưn dứt trong lòng mà ngợi nghĩ. 

Có cái chuyện này trong những ngày xa xa trẻ trai ấy mà tôi vẫn nhớ đến. Chúng tôi có xuống tập dưới thôn Mật Sơn ven đồi, ngay sát khu nhà dân, trời nắng ngồi nghỉ trong sân nhà. Chị chủ nhà chắc ra vườn đồi về, như đã quen nhiều lần rồi, chị lấy nước cho uống. Rồi cứ nói chuyện say sưa với thầy giáo chúng tôi hôm ấy. Mấy hôm sau, vẫn thôn ấy chúng tôi quay lại, lần này với thầy khác. Nghỉ giải lao ngồi chơi, chị cứ nhìn tôi và cười, em giống thầy ấy nhỉ!

Nhà thầy ở Sóc Sơn, cũng đã nhiều năm rồi, chúng tôi không gặp lại, tôi cũng chưa trở lại ngôi trường ấy, ngôi trường trải dài trên dốc, những khoảng sân lớn giật cấp để nhiều năm trước người ta xây nhà, láng sân thể thao, trồng những hàng cây, những cây đại lớn đầu sân, cuối sân, hoa rơi xuống làm mềm mặt đất. 

Tôi cũng chưa trở lại được, thôn Mật Sơn đất nâu quánh pha pha vàng nhạt, cuộc sống bàng bạc lầm lụi những đồi, vườn, những cuộc gặp ngắn và ý nghĩ mơ hồ giấu lại. Tôi muốn biết, những năm tháng sau đấy, thầy giáo và chị chủ nhà ấy, chắc còn gặp nhau, nói chuyện nhiều lần, có thể đến khi thầy nghỉ hưu, về nhà mình, nơi một vùng đồi núi khác. Chắc những dịp kỷ niệm thành lập trường năm chẵn, thầy cũng quay lại trường đấy nhỉ! Chắc thế… Tôi mong thế…

Đi qua miền Hải Dương, tôi lại nghĩ về những ngày Sao Đỏ, ngắn ngủi vài tháng trong chuỗi dài những chục năm qua. Chỉ vài tháng thôi, vắt qua mùa hạ, đi hết mùa thu, nhưng vẫn nối tôi hôm nay vào những ngày đông ngập đầy mây đầy gió. 

Nguyễn Quang Hưng
.
.