Vùng trời xám

Thứ Tư, 05/08/2015, 08:07
Sự kiện năm bảy lăm làm ông rơi vào trạng thái hụt hẫng. Ông chơi vơi như người đi hụt vào khoảng không. Lúc bàn giao phòng thí nghiệm cho ban quân quản, ông chẳng khác người mất hết hồn vía. Mãi đến lúc ấy ông mới nghĩ nhiều đến thân phận mình và xa hơn một chút, tới một mái nhà...

Ông Lâm đẩy đống bản thảo đang viết dở sang một bên, gỡ kính ra lau. Dạo này mắt ông làm sao ấy. Ông cảm thấy bất an về đêm. Hay là ông đã quá già? Thường, ông đọc tài liệu hoặc viết đến khuya đậm, mãi tới khi cơn buồn ngủ đè lên mi mắt, ông vẫn cố gắng một lúc lâu nữa mới chịu buông bút đi nằm.

Nhịp điệu ấy kéo dài có hơn ba mươi năm kể từ khi ông làm luận văn tốt nghiệp cử nhân và đậm nét rõ từ khi ông bảo vệ luận án tiến sĩ ở Pháp. Ông quen làm việc lặng lẽ như cuộc sống cô đơn của mình. Công việc nghiên cứu vốn không thể ồn ào được.

Ông Lâm ôm đầu nhìn sững vào khoảng tối ngoài cửa sổ, gió chao rũ những hình khối dị dạng trong đêm, méo mó một cách kỳ dị, trả lại hình dáng ban đầu rồi lại chao đi. Mắt ông nhòa đi. Lại thêm một bầy quỷ xuất hiện, nhảy múa trước mắt ông, như trêu ngươi. Lần đầu tiên sau năm mươi năm ông nghĩ nhiều về cuộc đời mình. Mà không, lần thứ hai, nếu kể thêm những ngày đầy biến động hồi năm bảy lăm.

Ông Lâm gắn bó với ngôi trường và công việc nghiên cứu đã bao nhiêu năm. Phòng thí nghiệm đã trở nên quá quen thuộc với ông, nhiều lúc ông cứ ngỡ nó là cơ ngơi của riêng mình. Ông thuộc từng dụng cụ, từng vị trí của nó, nhớ cả những gì còn thiếu thốn mà mỗi lần tiến hành thí nghiệm ông và cô phụ tá phải chạy đôn chạy đáo mới mượn được, có lúc chẳng tìm thấy và công việc đành phải bỏ dở. Thỉnh thoảng, các đề tài dở dang lại cộm lên trong tâm trí ông cùng với bao nhiêu là bực bội.

Bề dày cứ thế tăng lên, dù rằng công việc nghiên cứu hóa thực phẩm hồi ấy chỉ được xã hội đón nhận một cách thờ ơ, ngoại trừ mấy hãng tư nhân mà ông chúa ghét khi phải cộng tác (như làm thuê, ông nghĩ thế). Rặt một bọn nhà giàu hợm của. Công việc bấp bênh như cái xã hội hồi ấy ông đang sống một cách gượng gạo. Sau, ông chuyển sang nghiên cứu hóa phân tích, một lĩnh vực ông chả có tí ham thích nào.

Sinh ra từ một làng quê nghèo miền Trung, ông hiểu rất rõ tình trạng thiếu dinh dưỡng đang ngày ngày bám lấy bọn trẻ con còi cọc ở quê nhà. Nhưng rồi ông lại cay đắng bỏ dở công việc từ lâu luôn ấp ủ để làm một việc mình chẳng hề thích. Ông không chê bai gì bộ môn hóa phân tích nhưng với ông dù sao nó vẫn chưa cần lắm, nhiều thứ còn cấp thiết hơn nhiều.

Cuộc sống lặng lờ trôi qua với những sách báo, đồ dùng thí nghiệm, những bài giảng, các đề tài nghiên cứu, các hội nghị khoa học… Từng khóa sinh viên đã đến đây, nghe ông giảng, rồi đi. Ít khi ông để ý đến số phận họ. Thi thoảng, vài đứa học trò ghé thăm ông, báo tin đứa này nhảy núi, đứa kia đi lính vừa mới chết trận, đứa nọ du học nước ngoài… Ông thờ ơ nghe, xen lẫn một chút ngạc nhiên. Hình như cuộc chiến ngoài kia đang đè nặng lên cuộc sống bọn trẻ thì phải. Nhiều lúc ông có ý định tìm hiểu xem bọn trẻ của ông đang sống thế nào, xa hơn một chút, xem cuộc sống bên ngoài có những biến động gì, nhưng rồi công việc quá bề bộn khiến ông cứ phải quẩn quanh mãi trong bốn bức tường.

Có lúc ông chặc lưỡi, nghĩ thầm: Thôi, chẳng can hệ gì đến mình. Với ông, chỉ có khoa học. Mọi chế độ xã hội đều phải cần đến khoa học nếu muốn phát triển. Tất nhiên, ông chưa bao giờ phát biểu chính kiến của mình. Một phần do chẳng ai hỏi tới, phần khác do ông mãi khép mình trước thời cuộc. Nhưng làm sao không nghe thấy cho được khi các phương tiện tâm lý chiến ngày đêm cứ ra rả bên tai. Chính quyền liên tục miệt thị người "phía bên kia" nhưng đối với ông những thông tin chắp vá cứ mờ nhạt dần. Chẳng có gì tạo ấn tượng để phải suy nghĩ nhiều. Ông chỉ có cảm giác hình như "phía bên kia" có cái gì đó lạ lẫm. Về khía cạnh khoa học, rất tiếc ông chẳng nghe được thông tin nào cho ra hồn. Cuối cùng, cái lớn nhất đọng lại trong tâm trí ông vẫn là mối ngăn cách giữa các bức tường. Xã hội nào chả cần ông.

Minh họa: Đào Quốc Huy.

Sự kiện năm bảy lăm làm ông rơi vào trạng thái hụt hẫng. Ông chơi vơi như người đi hụt vào khoảng không. Lúc bàn giao phòng thí nghiệm cho ban quân quản, ông chẳng khác người mất hết hồn vía. Mãi đến lúc ấy ông mới nghĩ nhiều đến thân phận mình và xa hơn một chút, tới một mái nhà.

Thời gian ấy ông đang nghiên cứu một đề tài lớn và hai tháng trước đó ông đã cắt đứt các quan hệ với bên ngoài, kể cả các giáo sư đồng nghiệp để tập trung cho công việc. Khi ông mở cửa ra, chế độ xã hội đã đổi khác. Một chút bực bội và sau đó thì ông bừng tỉnh ngộ. Ông chả là gì cả trước một biến cố lớn lao của lịch sử. Rời phòng thí nghiệm cùng nỗi phân vân, ông lần lượt ghé thăm từng người bạn. Té ra nhiều người đã di tản ra nước ngoài mà ông chẳng hề hay biết. Những người còn ở lại thì phát biểu thật dè dặt hoặc chỉ một mực im lặng. Ông càng thêm hoang mang.

Chính lúc ấy giáo sư Tâm, bạn ông, khuyên ông lấy vợ. Ông ngớ người ra rồi ngượng nghịu vò vò mớ tóc bạc. Ông thoáng nhớ đến người phụ tá của mình. Chị cũng rời phòng thí nghiệm cùng lúc với ông sau cái bắt tay hờ hững và ánh mắt ái ngại của ông. Không hiểu lúc này chị đang làm gì, nghĩ gì? Chưa bao giờ ông quan tâm đến người phụ nữ tuổi ngoài ba mươi sống rất lặng lẽ ấy. Hình như ông ít quan tâm đến số phận một người nào cụ thể. Có lẽ, ông chỉ làm việc, quan tâm tới con người chung chung, con người viết hoa kia. Quá buồn và hoang mang, ông đã tìm đến chị. Ông nhớ, người phụ nữ đón ông, vừa mừng rỡ vừa ngạc nhiên bởi sự quan tâm của ông đúng vào lúc tâm trí chị cộm lên bao điều suy nghĩ đầy day dứt. Giọng ông thật lạ, chị chưa nghe bao giờ:

- Chị có thể về ở chung với tôi được chứ? Tôi đang rất cần một người…!

Người phụ nữ sững sờ. Trái tim tưởng đâu mãi im lặng chôn theo lớp bụi thời gian chợt bừng dậy, đập vội vã. Chị cắn môi mà nước mắt cứ chảy. Chị vừa cảm động vừa cảm thấy như đang bị xúc phạm. Lẽ ra lời lẽ ông phải dịu dàng và bớt vẻ mệnh lệnh một chút sẽ dễ chịu hơn. Nhưng rồi chị lại thấy thương ông, bởi ông sắm đâu ra nổi những lời lẽ trẻ trung hoa mỹ!

Cuộc sống ông vốn rất khô khan với công việc lặng lẽ và nghiêm túc. Sống gần ông ngần ấy năm chị hiểu lắm. Chị nhớ từng thói quen, từng điều tốt lẫn tính xấu của ông. Lúc đầu chị còn bực nhưng rồi đâm quen. Mỗi lần bị ông la mắng, chị lại cảm thấy dễ chịu, bởi chị nghĩ ông đang xúc động vì sự làm phiền của chị. Chẳng thà như thế người phụ nữ còn thấy dễ chịu hơn chỉ là sự im lặng kéo dài. Nhiều hôm thấy ông tự nhốt mình trong phòng làm việc liên tục nhiều ngày đến phải gục ngay trên bàn, chị thương ông quá. Thương mà chẳng biết phải làm gì. Chị chẳng có quyền. Ở ông chỉ có công việc và công việc. Ông thờ ơ với tất thảy mọi chuyện trên đời. Thế mà bây giờ…

Chị chống hai tay lên cằm nhìn ông đang ngồi lặng lẽ trước ly nước. Vầng trán như được tôn cao hơn bởi sự thông minh và những nếp nhăn. Mới mấy ngày không gặp mà tóc ông bạc đi nhiều quá. Ông sẽ nghĩ gì nếu bị chị từ chối? Buồn bã, bực dọc như một lần thí nghiệm thất bại? Hay vẫn dửng dưng như khi đọc xong một cuốn sách? Chịu. Mà nguyên nhân nào đã dẫn đến quyết định bất ngờ kia? Hay xuất phát từ sự hụt hẫng giống như chị những ngày qua? Tìm cho nhau một chỗ dựa ư? Chưa bao giờ chị thấy thương ông hơn lúc này.

Chị khẽ khàng gật đầu và không lâu sau họ tổ chức đám cưới.

*

Ông Lâm thừ người. Hồi ấy, khi nghe cách mạng mời lại làm việc ông cứ ngờ vực. Có lẽ họ sẽ đưa mình đi cải tạo tư tưởng như lời đồn đại? Thà họ nói rõ thế còn hơn cái vẻ rào đón ra chiều lịch sự. Dù muốn dù không ông cũng phải trở lại trường thôi, có còn cách nào khác hơn đâu. Người ta đón ông niềm nở hơn ông tưởng. Ông vẫn không hết băn khoăn, dè dặt. Ông thờ ơ đón nhận những bài giảng chính trị cũng chẳng một lời bình luận. Chưa ai đả động gì đến công việc của ông. Khi một cán bộ khoa học tìm đến nhà, ông tiếp một cách dè dặt. Người đàn ông vào chuyện ngay:

- Tôi ở Hà Nội mới vào sáng nay. Lẽ ra phải thăm anh ngay nhưng bận quá. Anh thông cảm. Thôi, ta đi vào việc - Người cán bộ sửa kính. Sao ông ta có thói quen giống mình thế. Ông nghĩ! Sửa kính xong, uống ngụm nước rồi ông ấy nói tiếp - Nghe nói hồi trước anh có nghiên cứu hóa thực phẩm?

Ông Lâm gật đầu. Ông thấy ngạc nhiên trước cách làm việc của người cán bộ xa lạ và nhất là câu hỏi của ông ta. Hóa ra họ biết rất kỹ về mình!

- Chúng ta phải gấp rút tận dụng tất cả những gì có được để chế biến thực phẩm kịp thời phục vụ nhân dân nên rất cần sự giúp đỡ của anh. Anh đồng ý chứ?

Sao lại chúng ta? Họ đang cần sự giúp đỡ của mình, còn sau đó thì sao? Và các đề tài dở dang của mình nữa? Thật lòng mà nói khi nghe người cán bộ nhắc đến bộ môn mình ưa thích ngỡ sẽ vĩnh viễn bỏ quên, ông Lâm thật sự xúc động. Vẫn còn có người nghĩ đến ông, hiểu rõ ông. Nhưng, có thể họ chỉ lợi dụng ông trong lúc thiếu người. Thôi kệ, miễn là mình được làm việc ngày nào hay ngày ấy. Ông Lâm khe khẽ gật đầu với nỗi ngờ vực đè nặng.

Trở lại trường với công việc mới mẻ, ông rất buồn khi phòng thí nghiệm không còn là của riêng ông nữa. Có nhiều người cán bộ trẻ đến cùng làm việc với sự ồn ào sôi nổi của tuổi thanh niên, ông cảm thấy mất mát nhiều quá. Nhiều lúc ông có cảm tưởng mình là người thừa và chỉ còn biết tự động viên, an ủi chính mình.

*

Ông Lâm nghĩ đến những ngày vợ ông mang thai. Mấy ngày ấy sức khỏe chị đột nhiên giảm sút. Chị ăn không nổi, nhá phải cái gì cũng lợm giọng. Ông quáng quàng đi tìm người bạn thân là bác sỹ, người có tay nghề giỏi nhất nhì thành phố. Người bạn già nhìn mái tóc bạc của ông mà thương vô cùng. Ông Lâm ngẩn người trước niềm hạnh phúc lớn lao đến với đời mình. Tưởng đâu chị chỉ đến với ông trong lúc cô đơn và khủng hoảng, vậy thôi. Ông hoàn toàn không ý thức rõ rệt về cuộc sống hạnh phúc gia đình. Có lẽ ông quá già rồi. Hơn nữa, công việc nghiêm túc, nặng nề chi phối mọi suy nghĩ của ông.

Ông không nghĩ rằng mình sẽ là cha của một công dân tí xíu và mỏng manh đang được hình thành. Ông thấy lạ quá, lạ với cả chính mình. Chao ơi, con người quả thật tuyệt diệu. Thế mà bao nhiêu năm trời làm công tác nghiên cứu ông vẫn không hiểu cái điều đơn giản ấy. Bản năng giới tính đến với ông muộn và chậm quá, chậm đến không nhận ra. Ông vui hơn, trẻ trung hơn. Và ông cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn.

Có lần ông bắt chị ngồi bên cho ông ngắm cứ như muốn xem sự kỳ diệu bắt đầu từ đâu. Cái cô phụ tá quả là tuyệt vời. Mười năm cùng làm việc chưa lần ghé mắt đến, thế mới lạ chứ. Chị vừa ngượng vừa run rẩy trước nỗi xúc động của ông. Đôi mắt ông ngây dại vuốt ve khuôn mặt, mái tóc, vuốt ve trìu mến tấm thân hơi gầy và đang nổi rõ những đường gân xanh. Như một tín đồ ngoan đạo, ông quỳ bên chị, lần tay khắp ngực, xoa lên bụng chị, sẽ sàng như sợ làm xao động cái nhịp thở mong manh đang dần dần hình thành trong con người chị. Chị đờ đẫn, nước mắt ứa ra. Chị gục lên vai ông. Vòng tay già nua mở ra, vòng ngang lưng chị, ghì chặt.             

Rồi ông Lâm cũng biết tin chính thức về việc ông được giữ lại trường với tư cách một cán bộ khoa học cốt cán của khoa.

Chị trở dạ đúng thời điểm ông chào đón niềm vui trước những thành công của công việc nghiên cứu mới mẻ mà thiết thực cho cuộc sống con người. Trước niềm vui đem lại từ công việc và hạnh phúc gia đình, ông bỗng biến thành chàng trai ba mươi trẻ trung. Ông chờ đón sự ra đời của đứa con với tất cả sự ngờ nghệch của người đàn ông lần đầu tiên chờ đón vợ sinh.

Nhìn ông già đầu bạc cứ quáng quàng lên, mấy cô y tá bấm nhau cười khúc khích. Chẳng biết nghe lời ai xui về sự cấm kỵ khi sinh nở mà người ta chẳng cho ông vào phòng sinh. Và ông lại cứ nghe lời. Thời gian đối với ông chưa bao giờ trôi qua chậm đến thế! Cố kìm nén nhưng ông vẫn không tránh khỏi xúc động, mặt ông tái hẳn. Ông cố hình dung tất cả những gì xảy ra trên bàn sinh qua lời kể của cô y sĩ. Chị oằn oại, miệng không ngớt réo tên ông, chửi ra rả, khác hẳn bản tính hiền dịu của chị. Mọi người nóng lòng chờ đón người công dân bé bỏng. Giá chi nó là con trai! Mà thôi trai gái gì chả được trước hạnh phúc muộn màng nhưng lớn lao ấy.

Thế nhưng… Từ thân thể chị xuất hiện một khối thịt bầy nhầy, dúm dó trông thật khủng khiếp. Dù đã gần kiệt sức, chị vẫn cố rướn người lên. Tiếng kêu chưa kịp bật ra, chị đã ngất lịm. Người y tá cũng hét lên, buông ống tiêm xuống sàn vỡ tan. Người bạn thân cúi đầu rồi lại lặng lẽ tiếp tục công việc. Không khí trở nên nặng nề. Ai cũng nghĩ tới ông. Mấy cô gái không cầm được nước mắt khi hiểu chị sẽ không còn sinh nở được nữa…

*

Ông Lâm lắc đầu, cố xua đi những hình ảnh quái gở. Rồi ông chợt thấy quê chị hiện ra rất rõ qua câu chuyện chị kể về thời trẻ của mình. Cái làng quê xác xơ vùng cận sơn miền Trung quanh năm khô hạn, nghèo đói, không ngớt bị đào lên vùi xuống bởi bom đạn. Đến khoảng những năm sáu chín, bảy mươi, cuộc chiến đến hồi ác liệt. Quê chị không ngày nào không hứng những loạt ca nông bắn xuống từ căn cứ Dương Lâm đóng trên dãy đồi phía Tây Bắc làng chị. Có lúc có cả pháo bốn trăm ly từ Hạm đội bảy ngoài biển bắn vào. Khoảng hai đến ba ngày máy bay đến ném bom một lần cứ như đã lập trình sẵn. Nhưng kinh khủng nhất là lúc quân đội Sài Gòn mở chiến dịch đánh lấn ra vùng giải phóng. Pháo liên hồi kỳ trận, máy bay quần thảo ngày đêm, rốc két bắn như trút.

Ban đêm, hỏa châu không lúc nào ngớt. Cơ chừng chúng muốn soi và quét con người ra khỏi cái vùng cận sơn có vị trí chiến lược hết sức hiểm yếu này. Ác liệt là thế nhưng cả làng vẫn quyết bám trụ. Họ biết, bật ra khỏi làng khỏi đất thì lấy gì để sống. Và, cán bộ, bộ đội lấy đâu chỗ dựa. Những ngày cuối cùng, từng đàn máy bay quần lên rải thuốc khai quang suốt từ chân núi Dương Lâm lên tận phía dãy Trường Sơn xa lắc phía trên kia.

Thêm nhiều cuộc hành quân lùng sục. Từng xóm từng xóm bị trực thăng xúc ra khỏi làng. Nhà chị cũng bị bật đi. Cả nhà về một khu trại ở phía tây thị xã tỉnh lỵ đâu chừng hai tháng thì chị chịu đựng không nổi đành theo mấy người bà con phiêu dạt vào tận thành phố này. Hơn mười năm rồi mà đám khói màu da cam ấy vẫn chưa tan ư? Lẽ nào một tí khói thoảng qua cứ mãi lẩn quất, ám ảnh số phận con người? Những sợi khói mỏng mảnh như những sợi roi bỗng săn quánh lại quất vào trái tim ông đau buốt. Những sợi roi bằng khói tàn nhẫn quất tới tấp lên cuộc đời chị lẫn cuộc đời ông. Là chiến tranh! Và những ai nữa núp sau những cuộn khói màu da cam ấy?

Ông nghiến răng giận dữ. Ông cứ tưởng cả đời ông chỉ làm khoa học, gần như một đời ông giam mình trong phòng thí nghiệm nào có oán thù gì với ai. Hóa ra cuộc đời ông cũng có kẻ thù, một thứ kẻ thù tinh ranh, quỷ quyệt, dai dẳng quá sức tàn ác. Ông thấy ngạt thở. Trái tim già nua của ông lại sắp giở chứng rồi! Ông với tay lấy ly nước và uống cạn. Mắt hoa lên, ông chập chờn nghĩ tới đề tài định nghiên cứu. Một đề tài khoa học liên quan đến chiến tranh.

*

Nghĩ là làm ngay, ông Lâm sợ mọi chuyện lại sẽ trôi tuột đi như lâu nay đã từng. Ông muốn biết đã xảy ra chuyện gì với những ngày ông giam mình trong phòng thí nghiệm ấy. Ông muốn tìm hiểu những gì đã đến với vợ ông. Lâu nay ông cũng nghe loáng thoáng về cái chất độc ma quái ấy nhưng nghe rồi thôi bởi ông cũng còn quá nhiều chuyện để quan tâm hơn. Và trong lòng lại nghĩ, chuyện ấy chỉ xảy ở nơi diễn ra trận mạc nào có dính dáng gì tới mình. Giờ thì ông thật sự choáng. Nó đã đẩy cả ông cả vợ ông vào ngõ cụt rồi. Nên phải tìm hiểu cặn kẽ để khả dĩ có được một đối sách nào đó, hoặc tệ hơn, vẫn có một tiếng nói có trọng lượng để cảnh tỉnh con người. Nhưng mà sẽ phải bắt đầu từ đâu? Ông thoáng nghĩ đến những câu chuyện đứt đoạn vợ mình thường kể về tuổi thơ với cái quê nhà nghèo nàn của cô. Hay là mình bắt đầu từ nơi ấy?

Đã hai năm ngưng tiếng súng mà mọi thứ vẫn còn quá ngổn ngang. Phải mất đến bốn ngày trời ông mới vượt qua được chín trăm cây số đường khấp khởm những ổ gà và đến quê vợ mình. Rồi những cây cầu được sửa chữa tạm bợ vắt qua những con sông mình đầy thương tích. Lại thêm một đêm vất vưởng ở bến xe nhếch nhác của một thành phố miền Trung đượm vẻ hoang tàn để sớm hôm sau có được chiếc vé xe chuyến đầu. Ông như một con người khác, như mới lọt lòng mẹ. Và rồi ông chợt hiểu ra ngay tình cảnh khốn khó của đất nước sau mấy mươi năm chiến tranh. Lâu nay ông chỉ cảm nhận một cách mơ hồ, không ngờ nó lại cụ thể, khắc nghiệt đến như vậy. Để đến được cái mảnh đất cận sơn ấy, ông Lâm phải ngộp thở trong cái nắng nóng kinh người, trong mùi mồ hôi ngột ngạt, trong cái hỗn độn của hàng hóa, gia súc ken đặc trên chiếc xe đò thổ tả. Rồi cũng đến được nơi cần đến.

Con đường dẫn vào làng mấp mô. Những hố bom cái nông, cái sâu vương vãi khắp nơi. Một vài đám ruộng lúa cấy vội chen với đám cỏ lau cao lút đầu người. Những bóng người chấp chới trong nắng chiều như không hề có thật. "Là vầy sao?", ông Lâm lẩm bẩm. Ông càng thương vợ mình hơn khi tưởng tượng cô đã vật vã sống ra sao trong ngần ấy năm tháng lăn lộn cùng với đạn bom.

Mấy ngày ở lại nơi đó ông đã được nghe nhiều về những đợt thả thuốc khai quang của máy bay Mỹ. Đã nghe kể nhiều về những đứa trẻ sinh ra mà chẳng nên hình hài. Về những người cả dân lẫn lính đã vật vờ sống với bệnh tật ra sao. Nhưng ông thật sự ám ảnh khi thăm "Làng nuôi dưỡng trẻ em bị nhiễm điôxin" do một tổ chức từ thiện lập ra. Ông không khỏi rùng mình trước sự tàn ác khi chứng kiến những hình nhân người không ra người vật vờ lui tới trong khu nuôi dưỡng. Có cả những đứa trẻ thân thể không lành lặn suốt đời nằm im một chỗ. Hồi ở trường đại học ông nghe giảng nhiều về lợi ích của khoa học nhưng ít khi nghĩ đến cái mặt trái nghiệt ngã, tai quái của các thành tựu khoa học. Với điôxin, người ta đã tiêu diệt, đã làm sống dở chết dở bao nhiêu con người. Đã mang đến bất hạnh cho bao nhiêu gia đình. Như ông. Những nỗi bất hạnh khó lòng chấm dứt…

Ông Lâm biết mình phải làm gì. Ông xin phép nhà trường cho ông lưu lại mấy tháng để làm điều tra tư liệu và lấy thêm mẫu vật ở các vùng xung quanh cũng như khu vực sân bay ở tỉnh lỵ, nơi người ta chôn khá nhiều thùng điôxin trong mấy năm chiến tranh.

*

Ba tháng sau ông Lâm mới rời khỏi cái tỉnh đầy nắng gió ấy.

Trước lúc quay về Nam, ông ôm chặt đống tài liệu trước ngực, nhìn lần cuối cái làng quê bán sơn địa nơi vợ ông từng sinh ra, lớn lên rồi nhận lấy bao nghiệt ngã do chiến tranh đem lại. Ông ngước mắt nhìn trời nghĩ đủ thứ. Ông hy vọng cái vùng trời xám xịt thời chiến tranh rồi sẽ sớm tươi xanh lại thôi, trong những ngày sắp tới. "Con hãy yên nghỉ trong lòng quê hương, con nhé!". Ông thì thầm trước khi quay đầu bước về phía con đường lớn dẫn ra thị trấn.

Truyện ngắn của Lê Trâm
.
.