Vui buồn - chợt nhớ...

Thứ Sáu, 25/01/2019, 19:28
Quá khứ có thể buồn vui, xấu đẹp… nhưng đó là một thời ta đã đi qua, nó là của riêng ta, và đó chính là một thời mãi mãi để ta ghi nhớ… nhất là mỗi dịp Tết đến xuân về, con người ta lại hay ngẫm ngợi, nhiều cảm xúc để nhớ về những kỷ niệm của một thời đã qua…


Người ta thường nói, đời người trôi đi như bóng câu qua cửa sổ. Có một thời đã thuộc về quá khứ. Có một thời đang chờ phía trước là tương lai. Tương lai mỗi người không thể biết trước, đó chính là bí ẩn diệu kỳ của cuộc sống, nhưng quá khứ bao giờ cũng là những ký ức hằn sâu trong trí nhớ, trong trái tim và tâm hồn mình.

Quá khứ có thể buồn vui, xấu đẹp… nhưng đó là một thời ta đã đi qua, nó là của riêng ta, và đó chính là một thời mãi mãi để ta ghi nhớ… nhất là mỗi dịp Tết đến xuân về, con người ta lại hay ngẫm ngợi, nhiều cảm xúc để nhớ về những kỷ niệm của một thời đã qua…        

1.Nhớ lại những năm tháng chiến tranh, những ngày máy bay Mỹ ném bom miền Bắc, tuy có khó khăn, gian khổ, nhưng cũng có nhiều niềm vui bất chợt… nhất là trong mấy ngày Tết. Từ nơi sơ tán về, mọi người tụ tập, gặp nhau chia sẻ, tay bắt mặt mừng, hỏi han đời sống, rồi thơ ca nhạc họa… cứ vui ầm lên!

Họa sĩ, nhà thơ Tường Vân từ Hải Phòng về, nhà thơ Lưu Quang Vũ, họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhà thơ Phùng Quán và đạo diễn điện ảnh Trần Thịnh vẫn lang thang mấy cái quán rượu nghèo phố Tạ Hiện; cùng dăm bảy anh em diễn viên Đoàn Kịch Hà Nội là Hoàng Quân Tạo, Nhật Đức, Trần Kiếm, Quốc Toàn… Chúng tôi ngồi nhâm nhi tí rượu “cuốc lủi” và mấy củ lạc luộc, gói lạc rang, bìa đậu phụ nướng vàng cháy cạnh, điếu thuốc lào, góc bánh chưng…

Cố nhà thơ Lưu Quang Vũ, cố nhà thơ Phùng Quán, Cố danh họa Bùi Xuân Phái, cố nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Ấy thế mà các thứ chuyện trên trời, dưới bể - trong giới văn chương ngày ấy - cứ nở bùng như ngô rang. Họa sĩ Bùi Xuân Phái thường cười nhẹ nhẹ, mặt ửng hồng vì tửu lượng ông vốn rất ít, chỉ để lấy vui với bạn hữu thân tình… Rồi một lúc sau, như người “lên đồng”, ông vẽ ký họa gương mặt hầu hết mọi người. Ông vẽ bằng bút chì, bút bi, bút mực, mẩu than, trên các vỏ bao thuốc lá, trên các vỏ bao diêm, trên một tờ giấy gói hàng, trên một tờ báo cũ…

Cứ thế, các ký họa nhanh, sống động về gương mặt các nghệ sĩ trẻ chúng tôi cứ hiện dần lên, vui vẻ, hào hứng cùng nhau đón mừng năm mới. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn lưu giữ một vài chân dung mà danh họa Bùi Xuân Phái đã ký họa tôi ngày ấy…

2. Năm 2009, tôi in tập thơ “Phải khác” (NXB Hội Nhà văn). Nhà văn Nhật Tuấn từ TP. Hồ Chí Minh đã gửi cho tôi một bài viết dài “Về một thời đã đi qua”, nhắc lại một thời vẫn tụ tập tại căn nhà nhỏ của anh ở ngõ Thọ Xương, Hà Nội, vào những dịp năm hết, Tết đến…

Ngày đó gặp nhau, chúng tôi thường có thói quen đọc thơ mới cho nhau nghe “Ta dài mùa khóc mướn thương vay”; có Hoàng Hưng “chờ gió thu sao chẳng tới”, có Trí Dũng “trăm ruộng dâu không chín một nong tầm”. Có Lê Xuân Đố, có Chu Hoạch. Rồi nhà văn Trần Hoài Dương, nhà thơ Trúc Thông, nhà thơ Trúc Cương, nhà thơ Tạ Vũ…

Ngày đó, đất nước còn chiến tranh chống Mỹ nên khó khăn, thiếu thốn, cả nghèo đói nữa cũng là lẽ đương nhiên, và ai ai cũng thấy nó là quá bình thường… Nhưng chúng tôi tụ hội ở căn phòng của nhà văn Nhật Tuấn còn một lẽ này nữa: Nhà anh lúc nào cũng sẵn các loại thực phẩm như vó bò, chân giò, tai, lưỡi lợn và đậu phụ nướng… để nhâm nhi với tí rượu “cuốc lủi” đón xuân là rất phù hợp - vì phu nhân của nhà văn Nhật Tuấn ngày đó là nhân viên cửa hàng thực phẩm trong chợ Cửa Nam, nên được mua với giá cung cấp…

Cũng chợt nhớ lại một lần, nhà thơ Phạm Tiến Duật ở chiến trường ra, gặp chúng tôi ở nhà Nhật Tuấn. Anh mở cái ghi âm bé tí (mà ngày đó anh gọi là cát - sét “cục gạch”), mở những bài thơ ghi âm của anh cho chúng tôi nghe. Lạ quá, và giỏi quá nhỉ, vì đây là lần đầu chúng tôi được nhìn thấy nó thu, phát, cả lũ phục lăn. Thế rồi tất cả được thực hành: Mỗi người đọc một bài thơ để Phạm Tiến Duật ghi âm lại, rồi phát lại cho mọi người cùng nghe… vui vẻ, cười vang và thán phục!         

Chao ơi! Nghĩ đi nghĩ lại. Cũng chợt giật mình. Đã nửa thế kỷ vèo qua chớp mắt. Từ lúc bước vào tuổi hoa niên trên dưới đôi mươi, nay đã ngoài “nhân sinh thất thập” cả rồi, kẻ còn đây và cũng nhiều người khuất núi.

Nhưng những kỷ niệm một thời trai trẻ với những vui và buồn, no và đói, thành và bại, lợi và danh… đã trôi đi. Nhưng đó là một thời để nhớ, một thời đẹp đẽ… mà thế hệ chúng tôi đã cố gắng sống hết mình, cháy hết mình để trở thành một người tử tế, đó là một chữ “Người” viết hoa theo nghĩa đẹp nhất của nó. Nhất là mỗi độ Tết đến, xuân về… nỗi nhớ một thời càng thêm da diết!

Lê Huy Quang - Xuân 2019
.
.