Vời vợi sông Kỳ Cùng

Thứ Hai, 16/11/2020, 18:48
Lạng Sơn vào mùa mận cơm. Quanh chợ Kỳ Lừa buổi sáng người ta bán hoa quả đầy đường. Tôi đi trong tiếng chào mời ngọt lịm của các cô gái Nùng. Tinh mơ nắng nhưng vẫn quấn quýt sương mây lan quanh chợ. Tôi nghe nói xưa sông Kỳ Cùng còn lan đến sát chợ, thuyền bè chở hàng đến vui như trẩy hội.


Bố tôi kể mỗi lần đến chợ, bạn bè ông đều uống rượu Mẫu Sơn. Khi say ai nấy cứ nhìn thấy nhau là cười tít mắt.Mối tình oan trái nơi thượng nguồn

Dần dần sông Kỳ Cùng đã được chỉnh dòng theo quy hoạch thành phố và giao thông lên biên giới. Dân gian truyền lại với câu ca dao kinh điển mà ai cũng thuộc mỗi khi lên xứ Lạng. Gói trong bốn câu kể rằng: "Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh/ Ai lên xứ Lạng cùng anh/ Bõ công bác mẹ sinh thành ra em". Nhưng họ đã buông mất con sông Kỳ Cùng? Bởi chính con sông này đã làm nên gương mặt thành phố Lạng Sơn. Hai bên bờ sông tại nơi giao kết con đường lên biên ải là những con phố mọc lên. 

Thương hồ từ khắp nơi tới giao thương đều nhờ con sông. Một không gian văn hóa giàu bản sắc dân tộc Tày và Nùng được hình thành từ dòng nước Kỳ Cùng. Hàng trăm năm qua biết bao thăng trầm của đất nước cũng đều diễn ra trên con sông cửa ngõ phía Bắc dài 253 cây số này. Có thể nói, tỉnh Lạng Sơn là tuyến đầu bao lần chống quân xâm lăng. Con sông Kỳ Cùng cũng thật kỳ lạ. Nó bắt nguồn từ dẫy Mẫu Sơn (vùng núi Bắc Xa) với bao câu chuyện cổ tích trên đỉnh cao hơn 1.500 mét.

Lễ hội bên chợ Kỳ Lừa.

Người dân xứ Lạng không thể quên bi tình sử trên núi Mẫu Sơn được truyền lại bao mùa xuân qua. Chuyện kể rằng xưa… thật là xưa... Trên núi có một gia đình trong những gia đình sinh sống rất hạnh phúc. Đôi vợ chồng ấy có những đứa con rất xinh đẹp. Người chồng thì vạm vỡ chịu khó làm ăn nuôi đàn con nhỏ. Người vợ hiền lành, xinh đẹp, dịu dàng, siêng năng việc nhà, suốt ngày thêu thùa khâu vá, chăm lo cho chồng con. Có lần người chồng còn đánh cả cọp beo, hổ đói cứu giúp dân bản thoát nạn, ai nấy đều rất yêu thương đôi vợ chồng trẻ. Nhưng bất ngờ người chồng bị gọi đi lính vì giặc giã xâm lược bờ cõi. Chàng lên đường chiến đấu gửi lại vợ con cho xóm làng dân bản. Tin tức của người chồng cũng biền biệt từ đó.

Ai dè một chủ đất giầu có và đầy thế lực trong bản muốn tán tỉnh cô vợ xinh đẹp. Hắn tìm mọi cách để chiếm đoạt nàng. Nhưng người vợ đã một mực từ chối thủ tiết chờ chồng. Tên này hậm hực nuốt hận chờ dịp trả thù. Ngày đêm hắn rình rập dõi theo từng bước chân của nàng. Đến một hôm người chồng đánh giặc chiến thắng trở về. Bà con xóm làng hân hoan chào đón. Gia đình đoàn tụ, vợ chồng cha con mừng mừng tủi tủi. 

Nhưng ngay trong hôm đó tên chủ đất cho người đến kể với người chồng về chuyện ngoại tình của vợ mình. Hắn nói cô ta đã ăn ngủ với một người làm ăn buôn bán tên là Chóp Chài. Nghe vậy người chồng ghen tuông giận dữ. Anh ta uống rất nhiều rượu trở nên loạn thần mất trí. 

Cô vợ giải thích nhiều lần rằng, Chóp Chài chỉ ngủ nhờ lại ở dưới bếp vì nhỡ đường mưa gió và hổ báo rập rình đêm hôm, rạng sáng hôm sau Chóp Chài xuống núi từ rất sớm. Mọi người trong bản ai cũng đều biết chuyện này. Nhưng cả ghen mù quáng người chồng không tin và đánh đập vợ rất tàn nhẫn. Người vợ đã thề độc và nguyện lấy cái chết để tỏ lòng chung thủy. Không ngờ ra đòn quá tay người chồng đã đánh chết vợ yêu của mình.

Chợ Kỳ Lừa mới.

Khi hồi tỉnh mọi sự đã muộn. Anh chồng chợt nhớ ra dấu vạch mà mình đã kín đáo vẽ dưới bụng vợ. Kiểm tra lại tất cả vẫn còn nguyên, anh ta ôm mặt kêu trời và khóc lóc thảm thiết suốt ba năm liền. Anh đã xây miếu cầu vợ mình tha tội. Oan hồn người vợ bay lên trời mong Ngọc Hoàng giải thoát cho tội lỗi của chồng mình. 

Ngọc Hoàng đã cho bầy tiên nữ xuống hóa giải mọi điều. Nhưng người chồng một mực khóc than và muốn lấy cái chết để đi theo tạ lỗi với vợ. Anh chỉ mong sao sau khi chết cả nhà được đoàn tụ cùng con cháu, gia đình lại hạnh phúc như ban đầu. Anh ta đã khóc cho đến khi kiệt sức và chết trong sầu đau. 

Nguyện vọng của người chồng đã được đền đáp. Ngọc Hoàng đã biến cả nhà họ trở thành dẫy núi gồm 80 ngọn điệp trùng liền tiếp bên nhau. Núi cao nhất là núi chồng (Cha), đỉnh cao thứ hai núi Mẹ, số còn lại là những núi con cháu nhấp nhô đầy đàn đầy dống. Tất cả dẫy núi đó cùng suối thác tạo nguồn nước làm nên con sông Kỳ Cùng bao đời nay.

Chợ Kỳ Lừa bên sông Kỳ Cùng

Chuyện về chợ do bản ghi chép tay của người Nùng kể lại. Nhà văn Nguyễn Thị Mai (Hội Văn nghệ Lạng Sơn) nói cho tôi biết chợ Kỳ Lừa được hình thành khá sớm trên sông Kỳ Cùng. Mọi người đã phạt một đồi cỏ chăn nuôi đàn lừa để dựng chợ. Đồi cỏ này còn có tên là Đồi Lừa. Họ chuyển đàn lừa sang ăn cỏ đồi xa. Khu chợ đã hình thành bên nhánh sông. Hàng hóa đã theo con nước được chuyển lên chợ. Vào mùa cạn họ lại dùng lừa hay ngựa chở hàng vào chợ từ trên các đèo cao. Chợ còn dành chỗ riêng để buộc lừa và ngựa.

Nhưng rồi có chuyện đã xảy ra. Hồi đó ngài Tổng trấn Lạng Sơn cũng có nuôi hai con lừa, chúng lại rất tinh khôn. Trước kia sang đồi ăn cỏ no nê là chúng lại bơi qua sông Kỳ Cùng tìm đường về nhà. Sau khi Đồi Lừa thành chợ thì những con lừa đều sang đồi mới để ăn cỏ non. Không ngờ chiều hôm ấy không thấy hai con lừa về nhà ngài Tổng trấn sai người đi tìm. Ai nấy trong chợ cùng bỏ công kiếm tìm, nhưng do con nước khá to có thể chúng bị chết đuối chăng. 

Mọi người lên thuyền đi suôi dòng Kỳ Cùng để thăm dò tin tức nhưng bặt vô âm tín. Tất cả quay về chợ trong lòng buồn thiu. Họ quý trọng ngài Tổng trấn bao nhiêu lại càng thương hai con lừa bấy nhiêu. Hai con lừa tinh khôn và chung thủy với chủ, chúng chở hàng rất khỏe và dễ thương. Phải nói đó là hai con lừa kỳ lạ nhất vùng. Dân thương hồ ngày đó mới nghĩ đến đặt tên cho chợ là Kỳ Lừa để nhớ đến hai con lừa tinh khôn này. Cái tên Kỳ Lừa phù hợp với con sông Kỳ Cùng là vì thế.

Điều thú vị nhất là mỗi phiên chợ xưa đều là phiên chợ tình diễn ra. Một bên là trao đổi hàng hóa hay mặc cả tiền nong. Còn một phía bên hông chợ là các chàng trai cô gái xòe ô hát Sli trao duyên. Lắm khi các bạn trẻ hát ngay trên thuyền chở hàng. Họ coi đây là những ngày đi chơi chợ (tiếng Nùng là Pây Lin Háng). Người dân tộc Tày còn nói là đi mừng chợ. Ngày đó chỉ trao đổi hàng hóa là chính. Không mấy người tính đếm bằng tiền xu. Có người sáng sớm mang đi con lợn mán vào chợ đổi lấy một mảnh vải về cho vợ. Thế là xong, còn lại thời gian anh ta đi chơi chợ hoặc tham gia hát Sli cho đến tàn phiên mới về. 

Nhà văn Nguyễn Thị Mai nói đến chợ ai cũng kêu: "Hôm nay đi chợ chẳng thấy có gì, chỉ thấy Đông Tây mây slao". Nghĩa là chỉ thấy trai gái đông chật đường kín chợ, chẳng ai biết tình lỗ lãi như bây giờ. Chị nhớ nhà thơ Ninh Tốn đã từng viết: "Bốn bề nước biếc non xanh/ Kỳ Lừa đẹp nhất nơi danh thắng này/ Văn thư xe ngựa đưa tay/ Cửa nhà tiếp nối hàng bày lụa tơ".

Ký ức 500 năm

Chúng tôi dừng chân bên cầu sông Kỳ Cùng. Dòng sông cuồn cuồn trôi về xa. Lời dặn của Phi Khanh với Nguyễn Trãi ngày nào bất ngờ vang lên. Hai người chia tay bên sông Kỳ Cùng trước khi đoàn tù binh lên Mục Nam Quan. Phi Khanh bị giặc Minh bắt đi. Ông truyền lại con trai Nguyễn Trãi một khí phách kiên cường khi nói: "Con xem cha như đã khuất núi lâu rồi. Hãy về đi và hãy thề Tổ quốc là trên hết". Đó chính là hoài bão và khát vọng lớn lao của dân tộc ta bao đời nay. "Tổ quốc là trên hết" trở thành hiệu triệu từ trái tim và tâm hồn Nguyễn Trãi. 

Sau cuộc chia tay đó Nguyễn Trãi đã cùng vua Lê Lợi đánh tan giặc Minh trong trận thành Xương Giang quyết tử. Tổ quốc được độc lập (1428). Những ký ức của thuở "Bình Ngô đại cáo" luôn vang sau cuộc chia tay đầy bi tráng của hai cha con Nguyễn Trãi bên sông Kỳ Cùng.

Vương Tâm
.
.