Đường về Tam Chúc bồng lai

Thứ Sáu, 30/10/2020, 16:43
Tam Chúc cổ tự được xây cùng ngôi đình thời nhà Đinh. Ngôi chùa thờ những vị quốc sư có công phát triển phật giáo tại Việt Nam. Nay trên nền đất cũ chùa Tam Chúc được thiết kế với quy mô lớn chưa từng có. Quả thực ai nấy đều choáng ngợp với năm tầng chùa (kể cả Tam quan) vươn tới đỉnh núi.


Người ta nói cảnh quan chùa Tam Chúc ở thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam tựa như vịnh Hạ Long thu nhỏ. Chùa được coi là đỉnh tam giác với hai địa danh Chùa Hương (Hà Nội) và Chùa Bái Đính (Ninh Bình). Nhưng dân Hà Nam luôn tự hào chùa Tam Chúc được coi là có diện tích và cảnh quan rộng nhất thế giới. Đâu đâu cũng vang lên câu ca: "Ai về qua đất Hà Nam/ Dừng chân chiêm ngưỡng cảnh quan tuyệt vời...".

Lên đỉnh Quyển Sơn

Trước khi đến khu du lịch Tam Chúc, anh Quang (cán bộ Đoàn tỉnh Hà Nam) dẫn chúng tôi qua Ngũ động Thi Sơn trong núi Quyển Sơn. Anh nói đây là điểm dừng chân và cũng là huyệt động mạch bên sông Đáy dẫn nguồn vào Tam Chúc. 

Xưa chân núi có cánh rừng trúc vàng rộng khắp vùng. Cảnh sắc chim muông và hươu nai tung tăng bên dòng sông thơ mộng. Trên núi cao chừng 200 mét có một bàn cờ đá. Vào những đêm trăng sáng các tiên ông thường xuống đánh cờ. Họ uống rượu ngâm thơ rồi bay xuống rừng trúc dạo chơi. Rồi lại có khi các nàng tiên xinh đẹp hạ giới xuống bến sông Đáy đùa vui tắm gội. 

Núi non xa xa hòa với dẫy Thất Tinh (chùa Tam Chúc cổ) tạo nên chốn bồng lai bát ngát trong sương mây. Chả thế mà chúa Trịnh Sâm từng đến đây và cất bút đề thơ: "Sông dài vượt sóng cánh buồm reo/ Núi Quyển phương nam nhẹ lướt chèo/ Vách đá chen mây xòe cánh phượng/ Rồng nằm uốn khúc ngậm trăng treo".

Chùa Ngọc trên đỉnh núi Tam Chúc.

Núi Quyển Sơn do danh tướng Lý Thường Kiệt đặt tên. Người coi đền Trúc kể, rừng trúc vàng nơi đây gắn liền với chiến công của Lý Thường Kiệt. Câu chuyện xảy ra vào năm 1089. Một đêm tối mịt mùng đoàn thuyền chiến của Lý Thường Kiệt bí mật đi dọc sông Đáy. Vừa tới núi xã Thi Sơn bỗng nổi cơn gió xoáy giật làm đoàn quân chao đảo. Lý Thường Kiệt vội cho các phương tiện lui ẩn sau núi. Nhưng không ngờ chính chiến thuyền của ngài bị gió quật đổ cột gỗ rồi cuốn lá cờ lên đỉnh núi. 

Thấy sự kiện kỳ lạ, Lý Thường Kiệt cho quân dừng chân nghỉ tại rừng trúc lấy sức. Ngài cho lập đàn tế lễ trời đất trên đỉnh núi và cầu mong chiến thắng giặc phương Nam. Nửa đêm trong giấc mộng tại Ngũ động Thi Sơn ngài thấy một bà cụ tóc trắng hiện lên. Bà là tiên hóa thân thành người bán hàng nước nơi bến sông đã nhiều năm. Lý Thường Kiệt sẽ được bà phù hộ và luôn theo sát đoàn quân để giúp ngài chiến thắng.

Quả nhiên Lý Thường Kiệt đại thắng trở về. Quay lại rừng trúc bên sông Đáy, danh tướng Lý Thường Kiệt đặt cho tên núi là Quyển Sơn (hay dân gian còn gọi là Cuốn Sơn). Trong thời gian lưu lại xã Thi Sơn, Lý Thường Kiệt đã dạy mọi người trồng dâu nuôi tằm và những làn điệu dân ca (hát dặm). Sau này để tưởng nhớ Ngài, dân làng lập đền thờ cuối rừng trúc vàng bên sông Đáy. Đó chính là Đền Trúc dẫn lên cửa Ngũ động Thi Sơn. 

Đứng bên ngôi đền, anh Quang dẫn đoàn bỗng hứng lên cất giọng ngâm mấy câu thơ tự sáng tác. Những lời thơ mộc mạc nhưng thật thi vị: "Cảnh đẹp từ đất Thi Sơn/ Núi đền vẫn đó còn vương vấn người/ Núi cao hang rộng ngời ngời/ Mái đền cổ kính ngất trời trúc xanh/ Dòng sông uốn lượn vòng quanh…".

Sau khi đi qua năm động xuyên lòng núi chúng tôi ra khỏi cửa hang chợt nhìn thấy phía xa xa chùa Tam Chúc mờ mịt trong sương bay. Mọi người dừng chân bên sông ngắm nhìn những cánh đồng ngô xanh mơn mởn. Gió sông cuộn lên sườn núi làm xào xạc rừng cây. Những câu thơ của thi sĩ Nguyễn Quang Thiều trong bài thơ "Sông Đáy" bỗng hiện về trong tâm tưởng. Tôi nhớ nhà thơ đã viết: "Sông Đáy ơi chiều nay tôi trở lại/ Những cánh buồm cổ tích đã bay xa về một niềm tức tưởi/ Em đã mang đôi môi mầu dâu chín sang đò một ngày sông vắng nước/ Tôi chỉ gặp những bẹ ngô trắng trên bãi/ Tôi nhớ áo em tuột rơi trên bến kín một trăng xưa". 

Những cánh buồm cổ tích

Chúng tôi đi theo câu thơ của thi sĩ Nguyễn Quang Thiều trên chiếc thuyền dong buồm quậy sóng mặt hồ Tam Chúc. Đây là hồ tự nhiên rộng nhất nước ta (550ha). Những ngọn núi đá thấp thoáng hiện lên. Sương sớm thu bay dịu dàng như tấm voan mượt mà. Sóng nước dẫn con thuyền dừng bến để chúng tôi lên chùa Tam Chúc. Nắng sớm long lanh chớm gọi xuân về làm tan làn sương mỏng tang. Phía trước chúng tôi là đình làng Tam Chúc. 

Ngôi đình nằm trên đảo hồ tạo nên một lễ hội rước kiệu kỳ lạ ở nước ta. Đình thờ Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt (nhà Đinh). Khi Đinh Bộ Lĩnh về đây tuyển mộ binh sĩ đã được hào trưởng Dương Đình ủng hộ và gả cho con gái. Dẹp loạn 12 xứ quân xong, Đinh Tiên Hoàng lên ngôi vua đã đón Dương Thị Nguyệt lên lập Hoàng hậu. Sau này bà đã quay về quê hương và trở thành hoàng làng Tam Chúc. Bà còn là tác giả của tích trò Xuân Phả. Đây là màn ca múa dân gian nghi lễ (mang tên làng Xuân Phả ở Thanh Hóa). Bà đã truyền dạy cho dân làng trong thời gian theo chồng đi dẹp giặc phương xa.

Thuyền đưa phật tử vào chùa Tam Chúc.

Chùa Tam Chúc từ trên núi nhìn thẳng về đình làng. Một cấu trúc thiên nhiên đẫm chất liêu trai của một ngôi làng ven hồ và chân núi thơ mộng. Nằm trong quần thể du lịch Tam Chúc, hồ chiếm một phần năm diện tích. Riêng dẫy núi cao hơn 450 mét hình thế tay ngai ôm hồ chiếm khoảng 3000ha. Số diện tích còn lại là chùa và công viên (1100ha). Đặc biệt trước chùa là Vườn Cột Kinh có số lượng lớn nhất nước ta (32 cột). Đó là những bài kinh giáo lễ cho các cấp bậc tu hành khác nhau. Mỗi cột đều là đá liền khối nặng 200 tấn. Đế trụ là đài hoa với thân là hình lục giác cao 30 mét. Trên đỉnh là búp sen. 

Người hướng dẫn viên nói, có thể coi đó là những ngọn đèn soi sáng cho mọi người đến với phật pháp qua những bài kinh được truyền lại ngàn năm. Rồi bất ngờ ông đọc những câu thơ thiền được khắc ghi trong dân gian: "Tuyết bay tuyết nở nụ cười/ Trong hoa có tuyết trong người có hoa/ Tuyết mênh mông tuyết bao la/ Tuyết, người, hoa, mộng chỉ là tuyết bay". Ngay lúc đó một đám mây từ trên dẫy núi Thất Tinh ùa xuống. Làn mưa bay mỏng giăng mành quấn quýt bên mái chùa cong vút.

Tam Chúc cổ tự được xây cùng ngôi đình thời nhà Đinh. Ngôi chùa thờ những vị quốc sư có công phát triển phật giáo tại Việt Nam. Nay trên nền đất cũ chùa Tam Chúc được thiết kế với quy mô lớn chưa từng có. Quả thực ai nấy đều choáng ngợp với năm tầng chùa (kể cả Tam quan) vươn tới đỉnh núi. 

Mỗi tầng đều xây cao trên 30 mét và có diện tích từ 3000 đến 5000 mét vuông. Nơi là Điện Tam Thế. Nơi là Điện Quan Âm hay Điện Pháp Chủ. Tầng trên cùng là chùa Ngọc chứa pho tượng phật ngọc nặng gần 5 tấn. Nhưng có lẽ tượng phật ở Điện Pháp Chủ mới lớn hơn cả. Đó là tượng Phật Thích Ca bằng đồng nặng tới 200 tấn được coi là lớn nhất Đông Nam Á. 

Ấy là chưa kể du khách trước khi xuống thuyền đều phải qua nhà khách đón tiếp. Ngôi nhà này còn là công trình Trung tâm hội nghị giáo phật toàn quốc lớn nhất. Riêng điện Tam Thế cao tới 40 mét và rộng 5.400 mét vuông (chứa được 5.000 phật tử và quan khách). Mơ mộng, huyền ảo và hùng vĩ. Đó là những kết luận của những người phương Tây đến du ngoạn thắng cảnh chùa Tam Chúc.

Ngôi chùa quốc tế

Nhiều công trình kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc được xây dựng trong chùa Tam Chúc đều mang tầm thế giới. Không ít nghệ nhân và thợ từ các nước phật giáo đã đến góp công sức tạo nên những nét tinh xảo trong từng góc cạnh. Hơn 12.000 phù điêu được khắc chạm từ đá núi lửa ở Indonesia mang sang ghép lên tường. Đó là bức tranh liên hoàn kể lại cuộc đời của Đức Phật. Chùa Ngọc trên đỉnh núi được các nghệ nhân đến từ Ấn Độ xây dựng toàn bằng đá nguyên khối… Du khách luôn giật mình bởi dáng vóc kỳ vĩ của mỗi điện thờ.

Sau hành trình trải nghiệm, các phật tử luôn dừng chân lại Vườn Cột Kinh. Họ chiêm nghiệm lại cuộc sống đầy gian truân cực nhọc. Tất cả trở nên vô thường. Phía trước là không gian mênh mông như biển cả trùng khơi giữa sóng gió cuộc đời. Tôi thật sự ngỡ ngàng khi người dẫn đường khoát tay đọc lên những lời thơ âm vang: "Định chốn Long-Xà ta trú ngụ/ Thác reo vượn hót suốt ngày vui/ Chợt lúc trèo đầu non đỉnh núi/ Hét lên một tiếng lạnh thấu trời" (Ngôn hoài- Khổng Lộ thiền sư) 

Vương Tâm
.
.