Vĩnh biệt nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Anh đã sống một cuộc đời mênh mông

Thứ Sáu, 11/01/2019, 08:00
Nguyễn Trọng Tạo là một nghệ sĩ đa tài, làm thơ, viết văn, sáng tác nhạc, vẽ tranh, làm bìa sách, viết phê bình, làm báo… và trong lĩnh vực nào cũng đạt những thành công. Anh được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012.


LTS: Những năm tháng cuối đời, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo có một người em, một người bạn rất đỗi gắn bó, đó là nhà báo Ngô Đức Hành. Anh đã yêu nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bằng một tình yêu tận tụy vô bờ, một tình yêu đúng nghĩa tri âm, tri kỷ trong mọi nỗi buồn vui, trong trăm công ngàn việc và cả chuyện đời... Anh bên cạnh nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo như một người ruột thịt cho đến giây phút cuối. Văn nghệ Công an xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của anh, như một nén tâm hương tưởng nhớ, tiễn đưa người nghệ sĩ tài danh về cõi Vô Cùng...

Thế là con người tài hoa - nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo đã từ biệt chúng ta, đúng 19h 50’ ngày 7-1-2019. Dẫu biết, sinh - lão - bệnh - tử là quy luật của đời người. Dẫu biết, sau cú đột quỵ đêm 30-12-2017, sức khỏe anh giảm sút nhiều. Đặc biệt, từ tháng 4-2018 đã phát hiện ra anh “có vấn đề” ở phổi, sau đó các bác sỹ đầu ngành khẳng định là ung thư… Tuy nhiên, với những người yêu mến anh, bạn hữu gần anh nhất vẫn cảm thấy quá đột ngột.

Hà Nội, sáng ngày 7-1, trời đất cũng lạ lùng. Buổi sáng sương mù dày đặc và giờ anh “ra đi” thì mưa. Mưa thay cho lòng người, thay cho những trái tim rưng rức yêu mến anh, còn chưa kịp tin anh đã rời xa họ vào cõi vĩnh hằng.

Buổi sáng, con gái anh alô cho tôi: “Cậu gay rồi chú ơi”. Linh tính chẳng lành, tôi vào viện Bạch Mai ngay. Trên đôi mắt con gái, con rể, con út và một số cháu vừa ở quê, cả trong Tây Nguyên vừa ra kịp đã lặng đau. Anh nằm đó. Đặt bàn tay lên cánh tay anh, tôi khẽ gọi: “Anh ơi, em đây”. Có thể một khoảng ít ỏi nào đó của bộ óc thông thái ngày nào bây giờ đã bị hủy hoại bởi tế bào K nhưng vẫn “bắt sóng” được tiếng gọi của tôi. Cơn nấc của anh nhẹ hơn. Thương anh đến vô cùng nhưng phải ra theo yêu cầu của bác sỹ. Vả lại, ở bên anh cũng không làm gì hơn được.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (1947-2019).

Buổi chiều đầy âu lo. Rất nhiều bạn bè gần gũi của anh có mặt. Trên khuôn mặt mỗi người đều hiện rõ cảm xúc thảng thốt và bất lực khi thấy mình không giúp được gì anh vào lúc này. Thế rồi, anh đi.

Nguyễn Trọng Tạo là một nghệ sĩ đa tài, làm thơ, viết văn, sáng tác nhạc, vẽ tranh, làm bìa sách, viết phê bình, làm báo… và trong lĩnh vực nào cũng đạt những thành công. Anh được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012.

Nguyễn Trọng Tạo là người tài hoa, “của hiếm” của làng văn nghệ. Nói đến cái tên “nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo” thì mọi người sẽ nhớ ngay ra nhữngca khúc như “Làng quan họ quê tôi”, “Khúc hát sông quê”, “Đôi mắt đò ngang”... Có những bài thơ của anh đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc như bài thơ có tựa đề “Chia” được nhạc sĩ Phú Quang phổ thành ca khúc “Một dại khờ một tôi”, hoặc như bài “Cỏ và mưa” Giáng Son phổ nhạc..., đó cũng là một con đường đưa thơ anh đến với công chúng.

Nói về thơ và trường ca của Nguyễn Trọng Tạo, người ta không thể quên "Đồng dao cho người lớn", "Nương thân", "Thế giới không còn trăng", "Con đường của những vì sao", "Biển mặn" ... những tác phẩm ghi dấu ấn trong sự nghiệp thơ ca của anh. Đã có những nhận xét về thơ của anh như thế này: “Thơ anh thản nhiên, nhẹ nhàng và dễ dàng như những hình tượng đã có sẵn trên cây, anh chỉ việc rung cây là chúng rụng xuống". Đặc biệt, nhà thơ Vũ Cao đã viết về Nguyễn Trọng Tạo: “Ta thấy thơ anh không nhằm phục vụ hoặc cổ vũ một trào lưu gì. Anh như một người lẻ loi đứng trên các nẻo đường, mặc cho các lớp người cứ trùng điệp ồn ào qua lại... Thật khó có thể xếp Nguyễn Trọng Tạo vào một lớp nhà thơ nào”. Tôi hiểu rằng, “Nhà thơ Núi Đôi” đã đánh giá rất cao bản ngã thi sĩ độc đáo riêng biệt của Nguyễn Trọng Tạo trong lớp nhà thơ cùng thời, ông không chạy theo “phong trào”, không “vụ đề tài” như là mặt nổi của văn chương, mà chỉ luôn hướng tới rung cảm nhân văn về thân phận con người và thời đại.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từng tuyên bố: “Tôi không sợ phải công khai những bí mật của hồn mình”. Quả thật, những bí mật của anh lộ thiên lớp lớp đằng sau những “vết nứt của bức tường ngôn ngữ”, không dễ gì lặp lại.

Trong cả thơ và nhạc Nguyễn Trọng Tạo đều có những tác phẩm neo giữ được trong lòng người. Người thơ Nguyễn Trọng Tạo còn là một nhà báo sắc sảo, biết cách nói thật. Có lẽ, cần độ lùi của thời gian để người ta nhận ra, ra đi ở tuổi 72 nhưng anh đã để lại gia tài đồ sộ về văn chương, âm nhạc và nhân cách văn hóa lớn. Anh đã sống một cuộc đời mênh mông hơn những gì hôm nay ta mới cảm nhận.

Có lẽ chính vì như thế, nhà thơ - nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo được tôn trọng, yêu mến. Tôi còn nhớ, hôm 4-12-2018, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đến thăm anh. Không hẹn mà gặp, hôm ấy có nhà thơ Lê Huy Mậu, đồng tác giả ca khúc “Khúc hát sông quê” từ Vũng Tàu ra, nhà văn Phạm Ngọc Tiến và một số tác giả khác. Nhà thơ Hữu Thỉnh sau khi thông báo việc Hội Nhà văn quyết định in bộ sách, tạm gọi là “Tổng tập Nguyễn Trọng Tạo”, hai người còn đàm đạo khá lâu về văn chương. Dù đã có một “gia tài đồ sộ” nhưng Nguyễn Trọng Tạo luôn khát khao cống hiến, khát khao kết nối và giao lưu cùng bạn đọc, công chúng của ông.

 Những ngày đầu anh tỉnh lại sau cú đột quỵ cuối năm ngoái, tôi trêu anh: “Có lẽ những ngày đó, anh nhớ nhất là chiếc điện thoại?”. Nhà thơ cười. Chắc chắn anh là người giao đãi, người của mọi người, điện thoại để trả lời các cuộc gọi, nhắn tin, lên fb… là giao thiệp hằng ngày của anh sau những giờ giấc làm việc trên máy vi tính. Anh ngã bệnh, anh em bạn hữu đều buồn. Nói như nhà thơ Vương Cường: “Nguyễn Trọng Tạo không còn uống được rượu, không khí anh em chùng hẳn xuống”.

Tiếp xúc nhiều với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, không ai không nhận ra trong những cuộc chơi, cùng với rượu, giữa những người bạn là doanh nhân, trí thức, cả các quan chức nữa… anh là một người thật quyến rũ.

Những câu chuyện tiếu lâm văn nghệ đôi khi hàm chứa những minh triết của anh là một thứ thức nhắm nhiều dư vị. Giọng hát anh sâu lắng. Sau những xã giao, chúc tụng, chia sẻ rủi may của một cuộc hội ngộ, khi rượu bắt đầu làm chùng xuống những tâm hồn ngỡ như đã được lập trình chỉn chu, những bài thơ, những ca khúc của anh lập tức được nhớ tới. Có anh, họ năn nỉ van nài anh đọc hoặc hát. Vắng anh, họ tự đọc, tự hát với nhau rồi mở điện thoại di động bắt anh lắng nghe… “Bạn bè ơi nếu mà không các bạn / ta như chai rượu đã cạn rồi”.

Trong những cuộc ngồi, cũng với rượu, giữa những đồng nghiệp bạn bè văn nghệ, anh là một người đầy cá tính. Bản lĩnh quyết liệt, sự sòng phẳng không nhân nhượng, ý thức coi sự trung thực lớn hơn sự lịch duyệt thông thường trong ứng xử - nơi các ý kiến của anh đối với những sự kịên - nhân vật của đời sống văn nghệ thường làm giật mình những người yếu bóng vía. Có anh, họ tranh luận, chia sẻ, tán thưởng hoặc phản bác. Không anh, họ nhắc để tán đồng, để ngẫm ngợi, có người để chê bai… “Bạn bè ơi nếu mà không các bạn/ những lúc lang thang ta về đâu?”.

Trong ngôi nhà của mình, dẫu là căn nhà ở Linh Đàm, hay về nhà sàn ở ngoại ô, mé sông Hồng, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là người đàn ông gương mặt phong trần, cái nhìn trầm buồn, nhiều khi đến cô đơn, lặng lẽ. Đằng sau vẻ tưng tửng, ngang tàng, đôi chút bông lơn; đằng sau nét ngả nghiêng, lãng đãng, đôi chút ma mị… là con người với khát vọng đã trở nên nhức nhối về niềm tin, về chân  lý, về sự thật; là thi nhân với những xác tín nội tâm rạn vỡ và những quả quyết, bất cần; là người tình bạo liệt, đam mê đến… mắc nợ. Những ngày trên giường bệnh, anh vẫn đau đáu về “món nợ” dẫu đã trả bằng cả “gia tài”, nhưng anh vẫn thấy mình như người “thiếu nợ”.

Phong trần, nóng tính nhưng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là người ân cần đến mức dễ mềm lòng, tinh tế đến như giọt nhạc. Tôi cứ nhớ mãi, sau ngày anh tai biến, thuốc và rượu bỏ hẳn, khi nhớ bạn, anh lại gọi tôi xuống làm cơm và nhận “nhiệm vụ” tiếp khách thay anh. Chẳng đâu xa, giữa tháng 12, nhà thơ Lăng Hồng Quang ở Nghệ An và vài người bạn nữa ra thăm anh. Chia tay bạn bè, anh dặn tôi: “Em mời các anh ra ngoài ăn cơm giúp anh”. Anh cẩn thận và chu đáo như vậy đấy.

Ngay trong chiều 7-1, nhà thơ Tuyết Nga ôn lại kỷ niệm với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo 40 năm qua. “Năm nào cuộc gọi điện thoại chúc Tết đầu năm anh cũng gọi cho em”, Tuyết Nga rưng rưng. Với những người số phận không may, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo càng quan tâm đặc biệt. Gần như anh biết “Chia” cuộc đời mình cho mỗi số phận như trong bài thơ “Chia” anh đã viết.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã đi xa. Có được hạnh phúc gần anh, tôi hiểu rằng, trước hết người làm thơ phải làm người cho ra người, sau đó mới làm thơ. Phải sống cho ra sống, sống vượt lên mình để dâng hiến. Đó mới thực sự là thi nhân! Vĩnh biệt anh!

Ngô Đức Hành
.
.