Nhà thơ, Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Tôi “nhiễm bệnh” thi sĩ từ Hàn Mặc Tử

Thứ Sáu, 28/12/2007, 15:00
Hỏi mãi mới đến nhà D4 - một chung cư tập thể rêu phong có từ thời bao cấp trên đường Lương Định Của. Leo mãi 12 nhịp cầu thang mới đến tầng 6, nghỉ để thở rồi bấm chuông... Khá lâu, sau tiếng két két của cánh cửa sắt han gỉ, nhà thơ mà tôi hằng ngưỡng mộ mới xuất hiện. Lại đợi nhà thơ quay vào tìm chìa khóa và sau tiếng két két của cánh cửa sắt đầu hành lang, mới có thể tay bắt mặt mừng dẫn nhau vào nhà.

Với khoảng diện tích nho nhỏ bị bao vây bằng bàn làm việc, bàn kê hai máy tính, vài giá sách, giá băng đĩa nhạc, tranh của bạn bè tặng, ảnh của nhà thơ chụp với hai người bạn vong niên: cố nhạc sĩ Văn Cao và Trịnh Công Sơn... Sực nhớ đến những câu thơ vài chục năm trước mà nhà thơ đã viết "Ôi ngày tháng gian nan/ Tôi như kiến gặp mưa bò nhanh về tổ/ Ở trên cao biết mình là con nợ/ Khi nghe nước dưới đất nâu thương nhớ chảy lên trời!"; tôi nảy ra vài câu hỏi quấy quả chủ nhà.

-  Thưa nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, từ cuối những năm 80 tôi đã được đọc những câu thơ như thế này của anh: "Ngọt ngào cái thuở chín, mười/ Em đi mua "rượu", còn tôi xây nhà/ Tôi xây lầu tháp nguy nga/ Một mình em ở đến ba bốn phòng"... Trong một bài thơ khác, anh lại viết: "Tôi xây phố rộng nhà to/ Để em đến ở chẳng chờ đợi lâu"... Cứ cho rằng ngoài nghĩa bóng của câu chữ mà thơ muốn gửi gắm, có vẻ như suốt thời trai trẻ anh thường mơ đến một ngôi nhà hạnh phúc... Vậy mà giờ đây, "quá nửa đời phiêu dạt" anh chỉ có một căn phòng nhỏ lưng chừng trời, một mình sớm tối đi về. Và nghe anh nói, để có căn phòng "bồ câu" này, anh đã phải xây bằng các con chữ trong mấy năm vật vã…

+ (Cười thật hiền): Không hẳn thế, tôi có một tổ ấm và căn nhà nhỏ của bố mẹ vợ ở trong Huế. Còn căn hộ này tôi được "sở hữu" từ sau ngày ra Hà Nội nhận việc ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam... Nhưng để mua được căn hộ với giá hơn 70 triệu đồng này tôi đã phải vay bạn bè tới... 70 triệu. Chuyện vui lắm!

Trong một cuộc rượu với bạn bè chào đón tôi trở lại Hà Nội, biết tôi còn đang tá túc nhờ một số bạn bè, nhà văn Nguyễn Quang Lập gợi ý tôi phải mua nhà. Tôi cười mà rằng: "Có mà mua bằng thơ", cả cơ nghiệp trong túi tôi lúc ấy chỉ còn gần năm triệu. Lại còn phải chi tiêu ăn mặc hàng ngày nữa chứ.

Nguyễn Quang Lập quả quyết: "Thì mua bằng thơ. Ai là người yêu quý nhà thơ, yêu thơ Nguyễn Trọng Tạo thì cho vay. Chỉ cần anh hô một tiếng!". Nghe lời Nguyễn Quang Lập, tôi cũng "hô" một tiếng.

Tưởng tiếng hô trong lúc cao hứng khi có hơi men chẳng ai thèm để ý, nào ngờ sáng hôm sau, một người bạn yêu thơ đang làm ở nhà in cho người mang đến cho tôi vay luôn 10 triệu. Lại ngỡ mình đang mơ màng trong men rượu đêm trước. Nhưng cầm tiền mới biết là thật. Đành phải viết một lá thư cảm ơn anh bạn yêu thơ thay tờ giấy biên nhận, kèm theo một dòng tái bút: 2 năm sẽ hoàn trả.

Rồi lần lượt mấy ngày sau, bạn bè, người nhiều, người ít, tiếp tục đến cho vay. Tổng cộng số tiền bạn bè mang đến nhiều hơn cả số tiền phải trả cho chủ nhà. Nhưng đã vay thì phải trả. Vậy là tại căn phòng 605 nho nhỏ ấy tôi phải vật vã với từng con chữ. Làm thơ, viết báo, sáng tác nhạc, làm bìa sách...

Một năm rưỡi với số tiền nhuận bút góp nhặt được, tôi đã trả xong cái nợ mua nhà.  Những ngày "xây nhà" bằng chữ ấy bỗng nảy ra những câu thơ tự sự, bây giờ đọc lại vẫn thấy xúc động: "Ta như kiến gặp mưa bò nhanh về tổ...".

- Có vẻ như mấy câu thơ ngày trước đã vận vào đời anh. Trong khi đợi "em đi mua rượu" anh bắt đầu xây nhà, mà lại còn xây lầu tháp nguy nga để một em ở tới ba bốn phòng... Có thể hình dung, 3, 4 "phòng" trong lầu tháp, các tác phẩm của Nguyễn Trọng Tạo hiện có bây giờ là thơ, là nhạc, là họa và cả báo nữa. "Phòng" nào cũng lung linh cả. Nhưng nếu chỉ được chọn một nghệ danh, anh thích được gọi là nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ hay nhà báo?

+ Chắc chắn là nhà thơ rồi. Từ năm 14 tuổi tôi đã làm thơ và có những câu khiến cho người bố thân yêu phải lo lắng: "Tôi nằm nhoài giữa ánh trăng/  Lưng tôi thảm cỏ rối hăng hương nồng/ Bạn ơi, trăng hóa dòng sông/ Tôi như thuyền lớn đi trong nỗi niềm/ Bây giờ tôi dịu, tôi hiền/ Biết đâu tôi dại, tôi điên bao giờ/ Mai kia tôi chết trong thơ/ Hay là thơ chết bên bờ hồn tôi?...

Được đọc những câu thơ trên đây, cha tôi, một nhà nho nhưng có thể đọc nguyên bản tác phẩm "Những người khốn khổ" của Víchto Huygô bằng tiếng Pháp, nhận xét: "Nếu viết được như thế này thì khá. Nhưng lúc này người ta không ưa loại thơ này đâu".

Nghe lời bố, tôi đã cất giấu bài  thơ ấy suốt 26 năm. Đợi đến năm 1987, thời Đổi mới tôi mới dám đưa in trong tập thơ tình "Gửi người không quen". Dẫu cha tôi đã mất từ 12 năm trước đó, nhưng tôi mừng thầm vì người đã là độc giả đầu tiên bài thơ của tôi.

- Đọc những câu thơ trên, có thể thấy khi bắt đầu đến với nàng thơ, nhà thơ chịu ảnh hưởng khá nhiều Hàn Mặc Tử?

+ Có thể nói một cách hình ảnh rằng, thuở nhỏ tôi đã "nhiễm bệnh" thi sĩ của Hàn Mặc Tử. Thuở ấy, vào một ngày đẹp trời, tôi đọc được cuốn sách của Trần Thanh Mại viết về Hàn Mặc Tử. Nhiều bài thơ của ông khiến tôi ngây ngất, nhiều câu thơ của ông khiến tôi nhập tâm.

Những câu thơ như "Người đi một nửa hồn tôi mất/ Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ"... Hay "Bây giờ tôi dại tôi điên/ Chắp tay tôi lạy cả miền không gian..." vẫn ám ảnh tôi đến bây giờ.--PageBreak--

- Thì  ra những câu thơ: "Mai sau tôi chết trong thơ/ Hay là thơ chết bên bờ hồn tôi" vừa ảnh hưởng Hàn Mặc Tử, vừa là "tử vi" bằng thơ dành cho một thi sĩ suốt đời đắm đuối với thơ. Nhưng nhiều người cho rằng thơ anh sau này có vẻ đã cách tân rất nhiều so với dòng thơ truyền thống

+ Thực ra sau rất nhiều thể nghiệm cách tân theo khuynh hướng thơ phương Tây, cuối cùng tôi đã yên lòng theo đuổi dòng thơ cách tân theo hướng phương Đông. "Đồng dao cho người lớn" và "Thế giới không còn trăng" là hai trong số những tập thơ theo khuynh hướng cách tân ấy.

Mùa hè vừa rồi tôi đã giới thiệu tập thơ này ở Canada và đã được bạn đọc đón nhận. Bởi thơ tôi luôn hướng về công chúng, nhưng công chúng có thẩm mỹ văn học cao hơn bình thường một chút.

- Với khuynh hướng sáng tác đang theo đuổi nói trên, anh là một trong số không nhiều nhà thơ được độc giả yêu thích hiện nay. Nhưng có vẻ như anh vẫn ủng hộ các khuynh hướng sáng tác khác.

+ Đúng vậy. Trong vườn thơ muôn hương, ngàn sắc, khuynh hướng thơ nào tôi cũng ủng hộ, nhất là thơ mới của thế hệ trẻ, miễn là thơ hay.

- Trở lại chuyện buổi đầu sáng tác, anh nói là đã nhiễm bệnh thi sĩ từ Hàn Mặc Tử. Và anh còn "nhiễm" cả bệnh ham vui bạn bè và bia rượu. Có người kể rằng, Nguyễn Trọng Tạo  có thể ngồi uống với bạn bè từ sáng đến tối, và từ tối đến sáng hôm sau.

+ (Cười). Ham vui và nể bạn mà ngồi... chứ rượu bia vào người càng nhiều, càng tỉnh. Này nhé, đã có thời tôi viết: "Sông Hương hóa rượu ta đến uống/ Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say"... Xa hơn nữa là thời trai trẻ: "Rượu ngon uống với mắt huyền/ Chiếc xe đạp cũ bình yên đường dài/ Đèo bòng cũng tới ban mai/ Yêu nhau trời rộng sông dài xuân sang"...

- Anh là người đa tài, hẳn là thế rồi. Theo tôi được biết anh đã có 10 tập thơ, trên dưới 100 bài hát, hơn 500 bìa sách. Về thơ, có năm anh ẵm liền 3 giải của 3 tờ báo. Về bìa sách, anh đã từng đoạt hai giải. Còn về âm nhạc, nói đến Nguyễn Trọng Tạo, mọi người đều nghĩ ngay đến ca khúc "Làng quan họ quê tôi" phổ thơ Nguyễn Phan Hách và "Khúc hát sông quê" phổ thơ Lê Huy Mậu. Vì thế chắc anh cũng là người đa tình. Ngoài tập thơ tình "Gửi người không quen", các  tập thơ khác của anh còn có nhiều bài thơ tặng phái đẹp nữa... Anh có thể bật mí những rắc rối về những người đẹp yêu thơ, yêu nhạc của mình không?

+ Cũng có vài ba lần. Nhưng rắc rối nhất là lần phải chia tay với người vợ đầu. Chuyện xảy ra từ năm 1981. Hồi ấy tôi đang là lính, đóng quân tại "nhà sáng tác quân đội" Vân Hồ, Hà Nội.

Có một cô diễn viên múa, vì mê thơ tôi mà thỉnh thoảng ghé thăm. Vẻ đẹp của cô gái khiến trái tim thi sĩ không thể không rung động. Nhiều bài thơ, trong đó có những áng thơ tình khá hay mà tôi có được là lấy cảm hứng từ người con gái ấy.

Nhưng chuyện người con gái thơ Hà Nội của tôi đã loang vào tận miền trong. Vợ tôi khăn gói quả mướp ra tận Hà Nội làm to chuyện. Cái đận "ghen tuông" của nhà tôi là một trong những cái cớ để tôi phải chuyển vào quân khu 4. Gần gia đình rồi mà những rạn nứt với vợ vẫn không sao hàn gắn được.

Sau này vào làm việc ở Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên, được các bạn văn giới thiệu, tôi đã xây lại tổ ấm mới. Cho đến khi cháu gái đầu lòng của tôi được vào đại học, tôi quyết định lại chuyển ra Hà Nội, vừa là để bù đắp cho cháu những thiệt thòi vắng bố thời thơ bé vừa là làm những việc phù hợp với sở trường sở đoản của mình.

Người vợ thứ hai của tôi là một trí thức lại đảm đang nên việc quán xuyến cửa nhà và nuôi dạy các cháu ở trong Huế khá ổn thỏa. Bây giờ cháu Ly đã xây dựng gia đình và ra ở riêng. Thế mới có cảnh, tôi lại một mình khuya sớm lên xuống căn hộ cao ngất ngưởng.

Được cái là căn hộ nhỏ này chẳng mấy khi vắng khách. Khách đến trò chuyện văn chương thế sự, khách đến đặt bài, đặt làm bìa sách, rồi các nhà báo trẻ đến phỏng vấn liên miên. Lại có những người bạn, bạn nghèo, chọn nơi đây là "khách sạn ngàn sao miễn phí" mỗi khi về Hà Nội công tác... Càng vui...

Đã trót nhiễm bệnh thi sĩ, tôi nghĩ những gì mình có được như bây giờ là hạnh phúc và giàu có lắm rồi...

-Xin cảm ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện

Nguyễn Xuân Hải (thực hiện)
.
.