Viết cho trẻ em là như được trở lại thời hoa niên

Thứ Sáu, 08/09/2017, 13:50
Cần mẫn viết, viết một cách say sưa, thỉnh thoảng gặp nhau ông còn tếu táo: "Tớ dùng ngòi bút làm cần câu cơm để nuôi con ăn học". Đến nay, ông đã có khoảng 30 đầu sách cả thơ lẫn văn được xuất bản nhưng vẫn chưa vào Hội Nhà văn. Ông là nhà giáo Nguyễn Đình Quảng (còn có bút danh Xuân Thọ), thầm lặng sống ngay ở quận Hà Đông - Hà Nội.


Thời trai trẻ và trung niên, Nguyễn Đình Quảng gắn bó với ngành Giáo dục tỉnh Hoà Bình. Những năm tháng dạy học, gần gũi với đồng bào, lăn lộn cùng học trò vào rừng chặt cây dựng lớp, lên núi trồng sắn làm nương ở vùng Kỳ Sơn, Đà Bắc đã giúp Nguyễn Đình Quảng tích luỹ một vốn sống phong phú. Chừng mười năm trước khi về nghỉ hưu, trầy trật mãi ông mới được chuyển công tác về Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, tỉnh Hà Tây (trước đây).

Ngày dạy học, tối đến hoặc lúc rảnh rỗi ông lại cặm cụi viết. Thậm chí có lúc nằm ra giường để viết do nhà chật không có chỗ kê bàn. Hai thể loại ông thường "dụng công" là thơ châm biếm và văn xuôi cho thiếu nhi. Quen biết ông gần 30 năm nay, nên mỗi lần Nguyễn Đình Quảng có thơ đăng trên báo hay có sách được in ông lại đạp xe đến nhà tặng tôi.

Có lần ngồi trò chuyện, ông bảo: "Mình tuổi Tỵ nên bản tính ngay thẳng. Xưa nay sống không quỵ luỵ ai, chỉ sợ lẽ phải nhưng cũng rất dễ rung động trước những cảnh đời éo le, ngang trái". Chẳng thế mà gặp chuyện tiêu cực trong thi cử, nạn "học giả bằng thật", gia đình giàu có nhưng sống mâu thuẫn lục đục, tình trạng cửa quyền trong công tác hành chính, hiện tượng vi phạm Luật Đất đai, tệ quan liêu tham nhũng… đều trở thành đề tài trong thơ châm của ông. Mà nơi chuyển tải là hàng chục tờ báo trong Nam ngoài Bắc như Thiếu niên Tiền phong, Giáo dục và Thời đại, Quân đội nhân dân, Công lý, Cựu chiến binh, Người cao tuổi, Hà Nội mới, Đại đoàn kết, Tuổi trẻ cười…

Tác giả Nguyễn Đình Quảng bên một số tập truyện thiếu nhi của mình.

Tôi là người làm báo nhưng nhiều khi cũng phải ghen tỵ với Nguyễn Đình Quảng vì mỗi tháng mình chỉ viết được bốn, năm bài, trong khi thơ châm hoặc tiểu phẩm của ông có tháng xuất hiện trên 15 - 20 tờ báo khác nhau. Hồi hai đứa con một gái, một trai của ông còn học phổ thông, vợ làm nhân viên y tế không may mất sớm, ông mang tác phẩm mới in đến tặng, tôi nói vui: "Bác cày khoẻ thế", ông cười thủng thẳng: "Thấy nhiều cái chướng tai, gai mắt không viết thì bức xúc lắm. Với lại, tớ viết là để kiếm tiền nuôi con ăn học, chứ lương giáo viên thì…".

Không kể ngót một nghìn bài thơ và tiểu phẩm được đăng trên nhiều tờ báo trong cả nước, đến nay Nguyễn Đình Quảng có khoảng 30 đầu sách được in tại Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản Kim Đồng và Nhà xuất bản Phụ nữ. Điểm độc đáo là, trong khi có những người viết mang tác phẩm của mình chạy vạy nhà xuất bản chỗ này chỗ kia (và tự bỏ tiền túi) để được in thì với Nguyễn Đình Quảng, các nhà xuất bản chủ động tìm đến ông "đặt hàng".

Hữu xạ tự nhiên hương, trong số này, tác phẩm của Nguyễn Đình Quảng được in bằng tiền ngân sách Nhà nước ở Nhà Xuất bản Kim Đồng nhiều hơn cả. Theo thống kê của Nguyễn Đình Quảng thì từ năm 1993 đến 2010, hầu như năm nào ông cũng có tác phẩm cả thơ và văn xuôi được xuất bản. Chẳng hạn "Mẹ gà  con vịt" (năm 1993), năm 1994 tái bản với số lượng 31.100 cuốn; "Hương hoa hương quả" (năm 1995); "Chim bách thanh" (năm 1998), in hơn 34.660 cuốn; "Ngựa con và chó sói" (năm 2004), in 34.650 cuốn…

Đáng chú ý, trong đó có những tác phẩm của ông được Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản nhiều lần như: "Bác rùa tốt bụng" (tái bản 6 lần), "Tình mẹ con" (tái bản 5 lần), "Nghe lời mẹ khuyên" (tái bản 6 lần). Đặc biệt, tác phẩm "Truyện Cò và Cuốc" đã được tuyển chọn đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt bậc tiểu học (năm 2003) của Nhà xuất bản Giáo dục. Ông cũng được chọn và giới thiệu trong tập "Tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam" (Nhà xuất bản Từ điển Bách Khoa, năm 2006), hay vinh dự là một trong 55 gương mặt trong "Một thời và mãi mãi" nhân kỷ niệm 55 năm Nhà xuất bản Kim Đồng (năm 2012)…

Nguyễn Đình Quảng dành tâm sức sáng tác nhiều cho thiếu nhi, vì như có lần ông chia sẻ: "Tôi thích viết cho các em bởi tôi là nhà giáo - một nhà giáo được sinh ra trước Cách mạng Tháng 8. Mà đã là nhà giáo thì không ai không yêu quý trẻ".

Từng nhiều năm gắn bó với nông thôn, miền núi, lại chịu khó quan sát nên thế giới nhân vật trong tác phẩm của ông, nhất là mảng văn xuôi thường là vịt, gà, ngan, ngỗng, chó, mèo, thỏ, rùa, hổ, báo, chim muông cũng như các loại hoa quả. Nguyễn Đình Quảng viết nhiều thể loại, nhưng có lẽ có duyên nhất vẫn là thơ đồng dao, truyện đồng thoại cho lứa tuổi học trò cấp 1, cấp 2. Đến nay, ông đã có ít nhất 5 tập truyện đồng thoại (đều do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành).

Dưới ngòi bút của Nguyễn Đình Quảng, những con vật hiện lên sống động, gần gũi và có các mối quan hệ tình cảm gia đình, bè bạn, anh em không khác gì con người. Chúng cũng thật thà, hồn nhiên, nham hiểm, độc ác, khiêm tốn, háo danh… như chính người đời vậy. Đồng thời, sau mỗi câu chuyện, bạn đọc tiếp nhận được một bài học về đạo đức, luân lý một cách nhẹ nhàng, sâu sắc mà không hề lên gân, rao giảng.

Nhà phê bình văn học Vân Thanh, nhà thơ Nguyễn Thị Mai hay nhà báo Khánh Châm đều có những nhận xét thiện cảm về tính giáo dục trong tác phẩm của Nguyễn Đình Quảng. Có một dạo, sau mỗi truyện ngắn xuất hiện trên Báo Thiếu niên Tiền phong, ông lại nhận được những lá thư kết bạn.

Trong tâm tưởng của độc giả nhỏ tuổi, tác giả Nguyễn Đình Quảng còn trẻ, hoặc tuổi cũng “xêm xêm” như mình thôi. Cho nên hơn 5 chục lá thư kết bạn với ông đều mở đầu bằng "Bạn Quảng thân mến", "Đình Quảng - bạn thân yêu", "Quảng xa nhớ"… mà nào biết rằng tác giả Nguyễn Đình Quảng đã ở tuổi ngũ, lục tuần rồi. Bởi vậy có lần ông bộc bạch: "Thỉnh thoảng đọc thư của các em gửi tới, mình vừa buồn cười nhưng lại thấy như trở về tuổi hoa niên. Chắc những trang viết của mình ít nhiều gây được dấu ấn với chúng nó. Song cũng chỉ biết cảm ơn và mong các bạn ấy thông cảm thôi, chứ khó mà trả lời hết các bạn được". Thật là một hạnh phúc đối với người cầm bút trong thời buổi này.

Cách đây hơn 5 năm, khi đã có hàng chục cuốn sách cả truyện ngắn và truyện tranh được Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành và các Giải thưởng Nguyễn Trãi (Hội Văn học nghệ thuật Hà Tây cũ), giải của Nhà xuất bản Kim Đồng, tôi có hỏi Nguyễn Đình Quảng: "Sao bác không làm thủ tục xin gia nhập hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chứ em thấy có người mới in được hai, ba tác phẩm mà đã vào rồi?". Ông cười vui: "Tính mình nghĩ đến chuyện xin xỏ lòng vòng thấy rất ngại; hơn nữa cũng có tuổi rồi nên chẳng ham hố gì cho mệt".

Tính ông vẫn vậy, giúp người thì rất sẵn sàng, nhưng cái gì liên quan đến mình mà thấy phiền toái người khác thì "cho qua luôn". Để rồi ngày ngày, trong cái sôi động và nhộn nhạo của cơ chế thị trường, giữa phố thị Hà Đông quê lụa vẫn có một Nguyễn Đình Quảng lặng lẽ, cần mẫn "nhả tơ" và "góp mật" cho đời…

Nguyễn Khôi
.
.