Viết cho trẻ em là một thử thách khắc nghiệt

Thứ Sáu, 13/07/2007, 14:00
Chọn viết cho thiếu nhi, là một thử thách khắc nghiệt, vì thực tế, văn học cho thiếu nhi hiện nay vẫn chưa được nhìn nhận đúng giá trị của nó. Quá nhiều yêu cầu, quá nhiều hy sinh, cho nên phải có sự đam mê mãnh liệt thì đội ngũ sáng tác cho thiếu nhi mới có khả năng phát triển được.

Trong rất nhiều loại hình sách cho trẻ em, sách văn học bao giờ cũng chiếm một vị trí đặc biệt. Chúng ta có một nền văn học thiếu nhi với rất nhiều tác giả, tác phẩm nổi tiếng, nhiều thế hệ nối tiếp như Tô Hoài, Phạm Hổ, Định Hải, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn, Trần Hoài Dương, Nguyễn Ngọc Thuần...

Nguyễn Nhật Ánh là một trong những nhà văn viết cho thiếu nhi được các em yêu mến nhất những năm gần đây qua các tác phẩm như “Kính vạn hoa”, “Trại hoa vàng”, “Bồ câu không đưa thư”, “Thằng quỷ nhỏ”, “Chuyện xứ Langbiang”... Anh chia sẻ với VNCA về công việc yêu thích của mình...

-  Thưa nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, anh nhận định thế nào về tình hình văn học thiếu nhi của nước ta hiện nay?

+ Hiện nay chúng ta có một hệ thống báo chí rất phong phú dành cho các lứa tuổi từ bé đến lớn, từ Rùa Vàng, Nhi đồng, Thiếu niên tiền phong, Khăn quàng đỏ đến Mực tím, Hoa học trò, Áo trắng, Sinh viên… Các NXB như Kim Đồng, Trẻ hằng năm cũng in rất nhiều đầu sách cho thiếu nhi, lại tổ chức các cuộc thi định kỳ với giá trị giải thưởng khá cao, từ đó chúng ta có thể thấy nhu cầu về bản thảo sách dành cho trẻ em là rất lớn.

So với thời tôi mới bước vô nghề viết, bây giờ cơ hội dành cho các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn trẻ, lớn hơn rất nhiều. Với những mảnh đất màu mỡ như vậy năm nào cũng xuất hiện thêm nhiều cây bút mới viết cho trẻ em. Nhưng điều đó thường chỉ sôi nổi trên bề rộng, vì hầu hết những cây bút này khi trưởng thành, nếu còn đeo đuổi chuyện viết 1ách thì mối quan tâm của họ thường là khác đi.

- Số lượng người tham gia vào địa hạt viết cho thiếu nhi ngày càng trở nên ít ỏi. Một số người ghé vào khu vườn này cũng chỉ là ghé chơi, chứ không chuyên tâm hoàn toàn như anh. Vậy, anh có thể cắt nghĩa điều này?

+ So với các ngành nghề khác trong xã hội, nghề văn là một cuộc phiêu lưu thú vị nhưng rất bấp bênh, bước vào đó không thể biết trước mình sẽ thành công hay thất bại. Những bạn trẻ yêu văn chương thường chọn giải pháp viết văn bằng tay trái bên cạnh một nghề chính thức. Nhưng khổ nỗi, nghề văn khắc nghiệt đến mức viết bằng… cả hai tay còn chưa biết sẽ thành công hay không, nói gì đến chuyện viết bằng tay trái.

Chọn viết cho thiếu nhi, thử thách càng khắc nghiệt hơn, vì thực tế cho thấy văn học cho thiếu nhi hiện nay vẫn chưa được nhìn nhận đúng giá trị của nó. Quá nhiều yêu cầu, quá nhiều hy sinh, cho nên phải có một sự đam mê mãnh liệt, phải vào cuộc không tính toán so đo, chấp nhận mọi rủi ro, thậm chí bất công, thì đội ngũ sáng tác cho thiếu nhi mới có khả năng phát triển được.

- Không ít người cho rằng văn học thiếu nhi là văn học loại 2, không thể đề cập đến những vấn đề lớn, “quốc gia đại sự” và rất khó để tạo ra danh tiếng cho nhà văn...

+ Ai xem văn chương thiếu nhi là văn học loại 2 là chuyện của họ, các bạn đọc nhỏ tuổi, tức là đối tượng mà những nhà văn viết cho thiếu nhi hướng tới, xem nó là loại 1 là được rồi. Đó mới là điều quan trọng. Viết văn là sự đam mê vô điều kiện. Ngồi vào bàn viết mà nghĩ đến viết về đề tài này danh tiếng hơn đề tài kia thì khó mà viết cho hay.

Thực ra thì việc đánh giá thấp văn học thiếu nhi là một quan điểm hết sức sai lầm. Vì văn học loại 1 hay loại 2 tùy thuộc vào chất lượng nghệ thuật chứ không nằm ở đề tài hay thể loại. Ở Đan Mạch chẳng hạn, nhà văn danh tiếng nhất là một nhà văn viết cho trẻ em -  Christian Andersen, như chúng ta đã biết. Rõ ràng, có những nhà văn lớn viết cho bạn đọc nhỏ và có những nhà văn nhỏ viết cho bạn đọc lớn.

- Cũng không ít nhà văn lắc đầu than rằng, viết văn cho trẻ em đọc là vô cùng khó. Là một trong những nhà văn giành được rất nhiều tình yêu mến của độc giả nhỏ tuổi, điều gì quan trọng nhất đối với anh khi cầm bút viết cho các em?

+ Đó là sự đồng cảm giữa người viết và người đọc. Tôi vẫn thường nói đùa “Trong người tôi lúc nào cũng có một đứa trẻ con”, đó là cách nói khác về sự đồng cảm. Không có yếu tố quan trọng đó, các thao tác văn chương dù khéo léo và điêu luyện đến đâu cũng khó mà tạo được sự tự nhiên nơi người viết và sự tin cậy nơi người đọc.

- Theo anh, nhu cầu đọc sách của độc giả nhỏ tuổi ngày hôm nay khác với các thế hệ đi trước như thế nào?

+ Tôi nghĩ trong một xã hội trên đà công nghiệp hóa như hiện nay, nhịp sống sinh học và tốc độ tư duy của trẻ em hiển nhiên nhanh hơn trước rất nhiều. Trẻ em bây giờ có ít thời giờ hơn nhưng lại có nhiều lựa chọn hơn những thú vui cho mình nên cách đọc của các em dĩ nhiên cũng khác trước.

Sách bây giờ đã không còn là cánh cửa duy nhất mở ra thế giới như vài chục năm trước đây, nên để cạnh tranh với các loại hình khác, sách viết cho trẻ em có thể phải giàu tính hành động hơn, diễn biến truyện phải nhanh hơn, những trang tả cảnh hay độc thoại dài lê thê có thể phải giảm bớt. Tất nhiên, tính nhân văn muôn đời của tác phẩm thì không có gì thay đổi. Điều tôi muốn nói là hình thức thể hiện phải thích ứng với hoàn cảnh xã hội.

- Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Vũ Quỳnh Trang
.
.