Vẻ đẹp mang tên Hải Kiên

Thứ Năm, 31/10/2019, 08:15
Hải Kiên sinh ở Hà Nội. Biết vẽ ngay từ nhỏ, được người lớn khen là đẹp càng vẽ không biết chán. Cho đến khi tự nhận thấy mình vẽ ở một mức độ nhất định thì Hải Kiên xin thi vào Đại học Mỹ thuật Hà Nội (thời chúng tôi, gọi là trường Yết Kiêu, một trường mà tôi chỉ dám mơ chứ không dám thi).


Tôi cứ tự hỏi mãi mà không có câu trả lời vì lẽ gì tôi quay trở lại với hội họa, trong khi mọi việc đang rất thuận lợi. Từ việc viết báo, viết sách, hay làm kinh tế hộ gia đình… Đối với tôi, tất cả đang đều "êm  ả, hiệu quả", tất cả như mong đợi, nếu không nói là mỹ mãn? Hay với một tấm visa thuận lợi luôn có sẵn, tôi cũng có thể du lịch khắp bốn phương trời, nhất là sang Monterey, một vịnh đẹp nhất thế giới, cách nơi con gái tôi ở không bao xa... Ở đó tôi có thể hưởng cuộc sống an nhàn, thú vị.

Vậy mà bỗng dưng, tôi quay ngoắt tất cả, một ngày đẹp trời đắm chìm vào không gian của hội họa, mua mầu toan về vẽ như lên cơn say. Nguyên do của nó có lẽ bởi, tình cờ xem trang của họa sĩ Hải Kiên thấy có nhiều tranh đẹp. Tôi nhờ người giới thiệu, sau khi biết Hải Kiên là giảng viên Trường Sư Phạm Nghệ thuật Trung ương và biết thầy có nhận dạy nếu người học có thực tâm theo đuổi ước mơ vẽ chuyên nghiệp.

Chân dung họa sỹ Hải Kiên. Tự họa.

Tôi không biết có thể trở thành họa sĩ được hay không, chỉ biết những bức tranh đẹp bỗng thôi thúc tôi mãnh liệt, và tôi xin học. Chỉ một thời gian ngắn, không ngờ, tôi có thể  ngồi hằng ngày bên giá vẽ. Cho đến bây giờ, sau nửa năm tôi đang "rắp tâm" bày một triển lãm với chừng hơn 30 bức tranh tĩnh vật và phong cảnh… vào trung tuần tháng 12 năm nay. Thành quả đó, không thể không nhớ đến công người đã hướng dẫn mình.

Vẽ càng đẹp càng khó đỗ?

Hải Kiên sinh ở Hà Nội. Biết vẽ ngay từ nhỏ, được người lớn khen là đẹp càng vẽ không biết chán. Cho đến khi tự nhận thấy mình vẽ ở một mức độ nhất định thì Hải Kiên xin thi vào Đại học Mỹ thuật Hà Nội (thời chúng tôi, gọi là trường Yết Kiêu, một trường mà tôi chỉ dám mơ chứ không dám thi).

Với Yết Kiêu, không ít người phải thi đến vài ba bận mới đỗ (Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam có họa sĩ Hoàng Tích Chù thi đến lần thứ 9 mới đậu, nhưng sau đó ông là một tên tuổi lớn của Mỹ thuật Việt Nam), và Hải Kiên cũng phải thi đến lần thứ 5 mới đỗ.

Thời Hải Kiên học hội họa thì hội họa đỉnh cao cũng như âm nhạc đỉnh cao vẫn chưa có lượng công chúng thích hợp. Nhưng, cũng như những người mê vẽ, Hải Kiên không thấy chuyện đó có thể nản lòng. Điều đó nói lên sự kiên trì và đức tính của kẻ có ước mơ lớn…  

Đỗ vào khoa hội họa (là khoa đòi hỏi khắt khe nhất của trường về năng khiếu/ khả năng), trải qua 5 năm rèn luyện nên ngay từ lúc học đến khi tốt nghiệp, Hải Kiên đã được các thầy và bạn bè nhìn bằng con mắt trân trọng. Người ta kể rằng Hải Kiên nổi tiếng ở lớp luyện thi vì càng giỏi thì càng trượt. Có người bảo anh là: "Cao thủ hình họa". Còn sau này, khi trở thành giảng viên, anh cũng tự hào vì được nhiều thế hệ học trò quý mến.

Trò chuyện với họa sĩ, anh cho biết: "Khi nhỏ đọc cuốn truyện cổ Andersen, tôi nhận thấy Andersen ưa khám phá những điều kỳ diệu tưởng như rất nhỏ nhặt. Những điều hay ở ngay bên cạnh ta không phải đi kiếm tìm ở những chân trời xa lạ. Những đồ vật vô tri sẽ ngân nga lên khi có người biết đọc chúng. Học Andersen, tôi vẽ những điều nhỏ, đồ vật nhỏ. Tôi vẽ, tìm cách để bộc lộ cảm xúc của mình ở đó, và không có tuyên ngôn. Tôi tự thấy không hợp và không thích nói chuyện lớn mà chỉ thích nói chuyện nhỏ, thông điệp kín đáo pha một chút hóm hỉnh…".

Hội họa có nhiều trường phái, dường như không ít họa sĩ đã rời bỏ lối vẽ hiện thực, còn Hải Kiên lại trung thành với quan niệm nghệ thuật của mình. Tôi hỏi anh về điều đó trong những giờ anh hướng dẫn tôi làm bài tập. Anh giải thích:

- Bản thân tôi luôn chú ý đến đậm nhạt/ sắc độ trong tranh và coi tự nhiên là người thầy lớn. Quan sát nhịp điệu về hình, màu trong tự nhiên, thấy được sự sinh động và hài hòa. Việc cúp cắt một khoảng không gian vừa vặn với nhịp điệu đẹp để đưa vào tranh chính là cách người họa sĩ làm bố cục, cái khoảng không gian nói được điều người họa sĩ muốn nói.

Nhiều khi tôi nghĩ, không gian/ thiên nhiên là một tổng phổ, người nghệ sĩ biểu diễn/ biểu đạt lại nó trên sân khấu. Khi đó, sắc độ trong tự nhiên được hiểu như một giai điệu với các nốt nhạc cao, thấp, dài ngắn, những nhịp lượn, dấu lặng, khoảng nghỉ… Tôi chỉ chơi/ biểu diễn lại đúng những nốt nhạc đó bằng bảng màu của mình.

Tôi không sao chép màu từ tự nhiên mà chép tương quan màu đã rất đẹp từ tự nhiên. Do đặc điểm vẽ những gì gần gũi nên màu sắc tôi ưa dùng cũng là màu sắc của đời sống xung quanh. Một bảng màu khá riêng tư, thật thà, ghi xám, trắng bạc...

Hải Kiên chú trọng nhiều đến sử dụng đậm nhạt, sắc độ để tách hình. Với anh, mọi vật đều có khối (một tờ giấy mỏng cũng có ba chiều) và được ghép lại bởi các mảng. Độ đậm nhạt, sắc độ của các mảng tạo nên khối và khiến các vật thể tách biệt với nhau và với không gian chứa chúng. Nét chính là một mảng thu hẹp và được kéo dài. Các mảng hình khẽ chênh nhau về sắc hay độ dày mỏng khiến cảm xúc về không gian tốt hơn.

Khi xem những bức ký họa của Hải Kiên, tôi rất thích, ký họa là điều tôi rất sợ vì rất khó. Tôi bảo, những nét vẽ thế này có lẽ cả đời tôi không làm được. Anh động viên: "Vẽ ký họa cần được xem như một thói quen hàng ngày. Ký họa vừa là hình thức sáng tạo độc lập, vừa để tìm tài liệu xây dựng tác phẩm. Ký họa là ghi nhanh cảm xúc của họa sỹ với sự vật, hiện tượng".

Khả năng hình họa vững vàng cùng thói quen ký họa thường xuyên nên tranh ký họa của Hải Kiên được đồng nghiệp đánh giá cao. Hình, nét sinh động, uyển chuyển giàu cảm xúc. Anh cho biết:

"Khi ký họa anh nhìn vào mẫu, nắm bắt nhanh thế dáng, đặc điểm của sự vật. Chính vì không quan tâm đến nét vẽ trên bề mặt giấy khiến cho nét ký họa sống động, giàu cảm xúc hơn".

Học vẽ thì mới biết xem tranh?

Với riêng tôi, chỉ sau khi học và có thể sáng tạo, tôi mới biết xem tranh. Quả thật, xem tranh/ thưởng thức tiệm cận nhất với giá trị của tranh không đơn giản. Xem tranh của Hải Kiên, tôi thấy những lời nhận xét của các bạn đồng nghiệp và nhà sưu tập là rất xác đáng: "bảng màu gợi cảm giác hoài niệm", "một chút lạnh và sang trọng", hay tính "du dương, thanh thoát", chút "nhạc tính trong tranh" (họa sĩ Trần Việt Phú). Có một bậc thầy trong trường còn nhận xét, Hải Kiên "vẽ hình họa thành tranh"…

Tranh “Tĩnh vật” của họa sỹ Hải Kiên.

Anh thành công trong việc sử dụng các chất liệu Sơn dầu, Phấn màu (Pastel), Bột màu (Gouache), Digital art… Tôi thường nghĩ, vẽ chân dung một ai đó khiến cho người được vẽ (mẫu) thích thú đã khó, vẽ để được mẫu và nhiều người cùng thích trong đó có cả giới chuyên môn là điều không dễ dàng. Những bức chân dung ấy phải miêu tả được cái thần thái thường có của người được vẽ, hoặc thú vị hơn nữa vẽ được cái tâm trạng của khoảnh khắc đó của mẫu.

Tranh chân dung của Hải Kiên làm được điều đó: đứa bé đang chú ý hoàn toàn vào một trò chơi, cô gái trẻ gương mặt rạng ngời hạnh phúc, người đàn bà trễ nải mệt mỏi lúc cuối chiều, người đàn ông đang miên man chìm trong suy tư, hay những thiếu phụ sang trọng, những người phụ nữ bình dân trong trẻo… mỗi người một gương mặt/ một tâm thế/ tâm trạng/ một nỗi buồn… nhưng vẫn là họ, mang gương mặt chính mình…

Anh cho biết:

- Ngoài dạy lớp chính quy tại trường ở Hà Nội, trong một thời gian dài tôi thường phân công đi địa phương dạy sinh viên tại chức (3 ngày cuối tuần và dịp hè). Khi đi xa, không mang được màu, bảng, tôi nảy ra ý định vẽ trên điện thoại (smartphone). Ngoài thời gian trên lớp, rất đông sinh viên muốn xin thầy một bức ký họa về mình. Lúc không có mẫu thì tôi tự họa, hay vẽ cái bàn, cái ghế, đôi dép, cái quạt…

Tôi được biết bộ sưu tập ký họa digital của Hải Kiên lên tới hàng ngàn bức.

Thử thách: Đời sống hôm nay, cho dù đã thịnh vượng lên rất nhiều, nhưng giống như mọi loại hình nghệ thuật khác: những cái nho nhỏ, vừa vừa thì có công chúng đông đảo, những cái vượt khuôn khổ (như giao hưởng, balê, opera hay hội họa ở tầm tương tự luôn là một thử thách với những người có chuyên môn cao, như các nhạc sĩ, nghệ sĩ bậc thầy, như họa sĩ Hải Kiên…).

Tranh của anh không bán được nhiều như dòng tranh đại chúng, nhưng những ai đã thích thì lại mê đắm đuối. Song, anh vẫn không bỏ những giờ lên lớp ở giảng đường, vốn là quãng thời gian khó thích hợp với nhiều họa sĩ nói riêng và với nghệ sĩ nói chung. Còn một sự đặc biệt nữa, cả hai vợ chồng đều là họa sĩ, giảng viên (mọi người vẫn đùa hai họa sĩ Nguyễn Thị Huyền và Hải Kiên là đồng nghiệp cùng trường và cùng nhà). Tranh của cả hai đều đẹp.

Tôi hỏi họ, lương giảng viên làm sao có thể sống giàu? Lại thêm, thời gian luôn gò bó. Họa sĩ cho biết: "Chúng tôi không có cuộc sống cầu kỳ. Vẽ là niềm vui thích lớn nhất của chúng tôi. Và chúng tôi muốn chia sẻ niềm vui ấy với những bạn trẻ cùng có đam mê như mình".

Câu trả lời giản dị đã nói lên tính cách của người họa sĩ mà tôi gọi là Thầy, họa sĩ Hải Kiên.

Trần Thị Trường
.
.