Người họa sỹ và những bức vẽ mang hồn cốt làng

Thứ Bảy, 09/07/2016, 08:08
Họa sỹ Ngô Xuân Hoằng gắn bó với hội họa và điện ảnh như một duyên phận. Ông dành trọn đời làm mỹ thuật cho Xưởng Phim truyện Việt Nam. Ông là thế hệ thứ hai của lớp họa sỹ làm việc ở xưởng phim truyện. Trên ông, có các họa sỹ danh tiếng như Đào Đức, Ngọc Linh... Họ từng gắn bó với Xưởng Phim truyện ngay từ ngày mới thành lập. Họa sỹ Ngô Xuân Hoằng đã học được nhiều kinh nghiệm của lớp người đi trước.


Sinh ra và lớn lên ở một làng quê vùng Kinh Bắc (làng Trang Liệt, Từ Sơn, Bắc Ninh), sống trong một gia đình nông dân, đông anh em; đã vậy, thời chiến tranh, giặc Pháp liên tục về làng càn quét nên ông phải rời làng từ rất sớm, theo gia đình tản cư lên Bắc Giang, Thái Nguyên. Năm 1950, khi mới 13 tuổi, ông theo mẹ ra Hà Nội kiếm sống.

Thoạt đầu, vào phụ việc cho một xưởng mộc ở phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến). Vừa học vừa làm, chả mấy cậu bé Hoằng đã có tay nghề mộc thuần thục. Cho đến khi vào làm thợ ở cửa hàng mộc phố Hàng Quạt, niềm đam mê hội họa được thổi bùng lên từ đấy.

Họa sỹ Ngô Xuân Hoằng.

Chả là, ngoài việc làm đồ mộc gia dụng, cửa hàng còn đóng khung tranh, giá vẽ, hộp gỗ đựng màu vẽ. Khách của cửa hàng là học sinh mỹ thuật đến mua giá vẽ, hộp đựng màu. Đặc biệt, thi thoảng có các họa sỹ đem tranh đến thuê làm khung tranh.

Được xem tranh của các họa sỹ, niềm khao khát hội họa trong con người Ngô Xuân Hoằng bừng dậy. Kiến thức hội họa với Ngô Xuân Hoằng khi ấy chưa có là bao, nhưng màu sắc và hình vẽ trong các bức tranh của các họa sỹ đã gây sự đam mê, cuốn hút bồn chồn khó tả cho cậu thợ mộc ít tuổi.

Cuộc gặp gỡ tình cờ, tạo ra sự may mắn cho Ngô Xuân Hoằng, ấy là quen biết anh thợ khắc dấu ở ngõ Hàng Chỉ, sát phố Hàng Hòm. Thấy Hoằng ham mê hội họa, tối tối, anh thợ khắc dấu kia liền rủ Hoằng cùng đến phố Hàng Trống xin vào lớp học vẽ.

Thày giáo dạy lớp vẽ ấy là họa sỹ Mạnh Quỳnh danh tiếng. Thế là mấy năm liền, ngày làm thợ mộc, tối Ngô Xuân Hoằng cắp bảng vẽ đến lớp học vẽ. Họa sỹ Mạnh Quỳnh là người yêu trò và có phương pháp sư phạm rất giỏi, ông nhiệt tình truyền đạt kiến thức hội họa cho lớp học.

Qua mấy năm học, Ngô Xuân Hoằng đã được trang bị bao kiến thức hội họa, đã cầm bút vẽ được những bức tranh chập chững thuở ban đầu. Ngô Xuân Hoằng khao khát một ngày sẽ vẽ được  những bức tranh thật đẹp về người thân trong gia đình.

Đấy là ông bà, bố mẹ, anh em đang sống vất vả ở làng quê vùng Kinh Bắc. Làng quê thanh bình bên ấy rất đẹp. Những cổng làng, cây đa, bến nước, ao làng… và mái đình có những góc đao đình vươn cao như cánh tay múa dẻo.

Ngô Xuân Hoằng mơ ước sẽ vẽ được những bức tranh về bao phong cảnh  ấy. Rồi may mắn đã đến, Ngô Xuân Hoằng được bạn bè học vẽ giới thiệu vào làm việc ở Xưởng Phim hoạt họa. Một thay đổi lớn với cuộc đời Ngô Xuân Hoằng, từ một anh thợ mộc, nay chuyển thành một họa sỹ của xưởng phim. Lại may mắn cho ông, từ xưởng phim hoạt hình, Ngô Xuân Hoằng được đưa sang học Trường Mỹ thuật Yết Kiêu. Rồi đúng thời điểm ấy, Trường Điện ảnh Việt Nam mở khóa học thiết kế mỹ thuật phim, Ngô Xuân Hoằng liền thi và trúng tuyển. Thế là duyên nợ với hội họa và điện ảnh đến với Ngô Xuân Hoằng từ đấy.

Nhìn lại gần bốn mươi năm làm việc ở Xưởng Phim truyện Việt Nam, Ngô Xuân Hoằng thấy đó là thời sống ý nghĩa nhất. Ông đã được tham dự thiết kế mỹ thuật cho mấy chục bộ phim truyện nhựa, trong đó có 15 bộ phim Ngô Xuân Hoằng chủ trì thiết kế mỹ thuật. Nhiều phim truyện mà Ngô Xuân Hoằng tham gia, đã được nhiều giải cao qua các kỳ Liên hoan phim trong nước và ngoài nước. Cũng chính thời gian này, ông đã sáng tác được nhiều bức tranh đẹp, tham gia nhiều triển lãm mỹ thuật toàn quốc.

Một đời gắn bó với điện ảnh, họa sỹ tự hào vì được tham gia cùng các nhà biên kịch, các đạo diễn, diễn viên, các nhạc sỹ, góp phần xây dựng nền công nghiệp phim truyện ngay từ những ngày còn non trẻ. Ngày  đó, nền điện ảnh của ta còn mới mẻ, nhưng niềm đam mê của những người tham gia làm phim thì không có gì sánh được.

Tác phẩm "Cổng làng quê tôi" của họa sỹ Ngô Xuân Hoằng.

Tinh thần trách nhiệm, làm kỹ, làm hết mình đã để lại một số bộ phim truyện còn có giá trị cho đến ngày hôm nay. Một trong những ấn tượng trong đời thiết kế mỹ thuật phim với Ngô Xuân Hoằng, là thể hiện ba kiểu chợ trong ba bộ phim. Ấy là chợ đèn trung thu trong phim "Trăng rằm" do Nguyễn Khánh Dư làm đạo diễn. Chợ đói, trong phim "Sao tháng tám" do  Trần Đắc làm đạo diễn và chợ bong bóng xà phòng ở phim "Ngày về" do Tự Huy đạo diễn. Để thể hiện ba cái chợ với ba phong vị khác nhau, Ngô Xuân Hoằng đã đầu tư nhiều trí tuệ, công sức mà giới điện ảnh còn ghi nhận.

Sau bao năm lăn lộn với phim trường, năm 2000 nghỉ hưu, Ngô Xuân Hoằng về sống ở làng Trang Liệt. Vậy là xa quê từ tuổi thơ, cuối đời, ông lại về cái làng quê lễ giáo, đầy tập tục của mình. Ông và tôi là người cùng làng, thời trẻ, mỗi người mỗi việc, ít gặp nhau.

Sau này, thi thoảng về quê, thường gặp ông ở những đám hiếu hỷ. Một người bỏ làng đi từ lúc tuổi thơ, nay về sống ở làng, theo những tập tục ở làng, liệu ông có khó khăn không? Tôi như thấy ngoài việc sống hòa đồng với thôn xóm, với ông còn có ý nghĩa khác, ấy là sự nhập cuộc, cho con người họa sỹ của ông có thêm vốn sáng tác.

Cái làng tôi cũng thật lạ. Gốc là làng, mà nếp sống lại rất phố. Thời vua Tự Đức từng phong cho làng bốn chữ "Mỹ Tục Khả Phong". Làng xóm văn minh, đường làng có quy hoạch từ thuở lập làng. Làng có nhà văn hóa chỉ thờ tám vị tiến sỹ. Nhưng tập tục cưới xin ma chay lại lề lối, nhiêu khê vô cùng. Làng làm nghề nông siêng năng, nhưng cầm cân đi buôn cũng giỏi.

Thời buổi ào ạt kinh tế, nhiều doanh nhân ra đời. Ấy nhưng lại đẻ ra mấy ông họa sỹ, mấy diễn viên, mấy nhà báo, nhà văn nhà thơ cũng nổi đình nổi đám. Có lẽ yêu cái làng phát triển theo nhiều chiều này, mà từ ngày về hưu ở làng, họa sỹ Ngô Xuân Hoằng càng đam mê ôm giá vẽ đi vẽ. Ông từng vẽ hàng mấy chục bức tranh làng.

Làng có bốn cổng làng rất đẹp, vì thời cuộc, đã phá đi hai cổng làng. Đẹp nhất là cổng làng xóm Né. Cổng có chòi gác tầng trên, nhìn ra bốn phía. Cổng làng xóm Tây, cạnh cây đề gần nghìn tuổi. Cổng nào cũng có hai cánh gỗ lim dày, nặng trịch, mỗi lần đóng mở lại tạo tiếng kêu riêng của làng. Hai cổng này đã phá đi, tiếc quá.

Nhiều người làng và tôi thật xúc động khi xem những bức tranh mà họa sỹ Ngô Xuân Hoằng vẽ những chiếc cổng làng đã bị phá đi ấy. Nhiều bức tranh của ông như chứng tích về cảnh trí làng một thời. Những cây đa, cây si, cây đề đầu làng; những ngõ nhỏ, miếu nhỏ ngoài đồng; rồi những cây rơm, đống rạ, những hình bóng người già trẻ nhỏ trong sân ngoài vườn, như bức tranh toàn cảnh sống động của thôn xóm. Có bạn đồng nghiệp quý ông mà nói, tranh của Ngô Xuân Hoằng là hồn cốt của làng. Qua những bức tranh hồn hậu này, tôi nhận ra cái tình cảm sâu lắng của ông với quê hương.

Cũng bởi lòng yêu quê hương, nên mỗi khi thiết kế mỹ thuật phim truyện nào, ông lại muốn đưa hình ảnh quê hương của mình vào phim. Thời làm phim "Người yêu đi lấy chồng", kịch bản của Lê Ngọc Minh, đạo diễn Vũ Châu, họa sỹ Ngô Xuân Hoằng đã khéo chọn cảnh vùng quê sông Cầu làm phim.

Ngay thời tham gia làm mỹ thuật phim "Đến hẹn lại lên", ông đã cùng họa sỹ Đào Đức chọn nhân vật chính là Vũ Tự Lẫm (diễn viên đoàn Quan họ, quê Trang Liệt) đóng vai Hai Chi. Có một số nhân vật phụ, như trong cảnh thổi kèn đám ma, chọn cụ Tước, nghệ nhân phường bát âm của làng. Những nhân vật quê hương mà ông chọn vào phim đã diễn xuất rất thành công, toát lên cái phong thái, hồn cốt của nét văn hóa làng quê Kinh Bắc.

Đầu năm nay, nhân kỷ niệm tám mươi tuổi, họa sỹ Ngô Xuân Hoằng xuất bản cuốn kỷ yếu, ghi lại chặng đường hoạt động hội họa và điện ảnh của ông. Qua bốn chục bức tranh với các thể loại sơn dầu, bột màu, sơn khắc; qua những tấm ảnh áp phích về những bộ phim truyện nhựa mà ông tham gia thiết kế mỹ thuật, như một lời thuyết trình nhỏ nhẹ về con đường đến với hội họa và điện ảnh của họa sỹ.

Ông tâm sự về  nghề: "Hội họa và điện ảnh nó diễn tả đời sống rất chân thực nhưng cũng rất mơ hồ, để lại trong ta những giây phút bồng bềnh và phiêu lãng". Cả đời dành tâm lực cho hội họa và điện ảnh, khi làm tập sách kỷ yếu, họa sỹ Ngô Xuân Hoằng cũng chỉ khiêm nhường giãi bày "Muốn để cho con cháu, bạn hữu biết được cái cơ duyên của tôi đến với hội họa và điện ảnh ra sao và một số tranh tôi vẽ".

Tháng 7-2016

Vũ Từ Trang
.
.