Về đất Tổ đắm mình truyền thuyết Rồng Tiên

Thứ Năm, 21/02/2019, 09:44
Một không khí chuẩn bị cho lễ hội về nguồn đang diễn ra rộn ràng bên cạnh Tết cổ truyền ở kinh đô Phong Châu xưa. Đất Tổ vào xuân có những khác biệt so với cả nước. Theo hướng dẫn của nhà văn Ngô Kim Đỉnh, một “thổ địa” nổi tiếng của đất Phú Thọ, chúng tôi lần lượt đi thăm nhiều thắng cảnh, di tích văn hoá thiêng liêng...


Là người Việt, đặc biệt là dân ở đất mới phương Nam, ai cũng mong một lần về đất Tổ thắp nén hương tưởng nhớ tổ tiên khai sinh dòng giống Lạc Hồng. Đầu Xuân Kỷ Hợi - 2019, chúng tôi vượt hàng ngàn cây số ra Hà Nội, rồi theo quốc lộ 32 lên Ba Vì - Sơn Tây, vượt cầu Văn Lang mới bắc qua sông Hồng, về đất Tổ dâng hương, đắm mình trong truyền thuyết Rồng Tiên và ngắm nhìn sự đổi mới của một vùng đất thiêng được xem là cội nguồn dân tộc.

Một không khí chuẩn bị cho lễ hội về nguồn đang diễn ra rộn ràng bên cạnh Tết cổ truyền ở kinh đô Phong Châu xưa. Đất Tổ vào xuân có những khác biệt so với cả nước. Theo hướng dẫn của nhà văn Ngô Kim Đỉnh, một “thổ địa” nổi tiếng của đất Phú Thọ, chúng tôi lần lượt đi thăm nhiều thắng cảnh, di tích văn hoá thiêng liêng.

Đền Hạ trong Khu di tích Đền Hùng.

Khu di tích lịch sử Đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, chếch về phía Tây Bắc thành phố Việt Trì ngày nay vẫn luôn đông đảo du khách về dâng hương. Hơn nửa thế kỷ qua, được sự quan tâm của nhân dân cả nước và sự bảo tồn, đầu tư xây dựng của Nhà nước, từ một số di tích cổ nhỏ lẻ, quần thể di tích này trở nên bề thế nhưng vẫn giữ được giá trị bản sắc ban đầu.

Chẳng những về kiến trúc mà các loại hình văn hoá tâm linh cũng được bảo tồn, khám phá, phát huy. Nhờ vậy, ngày 6-12-2012, UNESCO đã công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại với những yếu tố thuộc đời sống tâm linh của người Việt đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay.

Bên cạnh Đền Hùng thì Việt Trì còn rất nhiều di tích lịch sử - văn hoá khác, mà tiêu biểu là đền thờ các bậc tiền nhân có công với nước như: Lạc Long Quân, Mẫu Tam Giang Thượng, Quách A Nương, Mộ Chu Thượng, Mộ Chu Hạ,… cùng nhiều đình chùa miếu mạo hình thành từ thời thượng cổ.

Có một điều mà tôi luôn tự hỏi, ai là người có công lớn trong việc sưu tầm lại trong dân gian những truyền thuyết về cội nguồn đất Tổ. Và tôi đã tìm được câu trả lời ở nhà văn Ngô Kim Đỉnh khi đưa chúng tôi đến thắp hương cho nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương, người mới qua đời hơn 60 ngày ở tuổi 97. Nguyễn Khắc Xương là con trai trưởng của thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, được mệnh danh là “nhà Phú Thọ học” bên cạnh “nhà Tản Đà học” từ các tác phẩm nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của cha mình. Ông bỏ ra gần cả đời dày công đi sưu tầm, biên khảo, biên soạn lại các truyền thuyết về vùng đất Tổ rất có giá trị, nhờ vậy ông đã được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012. Từ kho tư liệu của ông, nhiều câu chuyện về cội nguồn dân tộc đã được khai mở, tất nhiên dưới góc nhìn của truyền thuyết văn hoá dân gian…

Nơi cha Lạc Long Quân gặp mẹ Âu Cơ

Dòng sông Đà bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng Trung Quốc chảy vào nước ta, khi vừa qua khỏi tỉnh Hoà Bình thì bị dãy núi Ba Vì chắn phía hữu ngạn, phải đổi dòng lao lên phía Bắc chạm chân núi Đá Chông. Tại khúc ngoặt này sông bồi đắp phù sa màu mỡ bên bờ tả ngạn tạo nên bãi bồi trù phú, nay thuộc xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ.

Và tại động Lăng Xương vùng bãi bồi này ven sông Đà, tương truyền Âu Cơ đã được sinh ra với mây lành che chở trong hương thơm ngào ngạt, lớn lên thông minh xinh đẹp và đã có cuộc kỳ ngộ với Lạc Long Quân - con trai của Kinh Dương Vương cũng nơi bãi cát phù sa. Hai vị thuỷ tổ yêu nhau, quấn quít bên nhau, bén duyên chồng vợ, hạ sinh một bọc trăm trứng nở trăm con tạo nên dòng giống Rồng Tiên.

Khi thấy đàn con đông đúc khôn lớn, cha Lạc Long Quân sau nhiều đêm trăn trở bèn nói với mẹ Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, tuy khí âm dương hợp lại mà thành trăm con, nhưng chung hợp thật khó vì dòng giống bất đồng”. Hiểu được thiện ý của chồng, vì tương lai nòi giống, mẹ Âu Cơ đưa 50 con lên non còn cha Lạc Long Quân dẫn 50 con về phía biển mưu sinh. Riêng đàn con cùng mẹ Âu Cơ khi đến một vùng núi cao, phía dưới có sông dài đồng rộng bèn dừng lại khai khẩn, đào giếng lấy nước, cùng người dân gieo cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, săn bắt thuần dưỡng thú rừng.

Đền Lăng Sương thờ Quốc mẫu Âu Cơ.

Vùng đất mà mẹ Âu Cơ cùng 50 người con dừng chân cũng nằm bên sông Đà, hiện nay là xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ. Từ lâu nhân dân nơi đây đã lập đền thờ Âu Cơ, và vào mùng 7 Tết cổ truyền hằng năm đều diễn ra lễ hội chính thức tưởng nhớ công ơn Tổ mẫu: “Mồng bảy trong tiết tháng giêng/ Dân Hiền tế lễ trống chiêng vang trời” (Ca dao). Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương, trong tâm thức người dân Hiền Lương, mùng 7 tháng giêng là ngày “Tiên giáng”  trần, còn các ngày lễ khác trong năm tính theo âm lịch là 10 và 11-2, 12-3, 13-8 và 25 tháng chạp là những ngày “Tiên thăng” về trời.

Huyền thoại tìm đất dựng đô của Vua Hùng

Theo tư liệu khảo cứu của ông Nguyễn Khắc Xương, sau khi lập ấp an dân, mẹ Âu Cơ cử con trai trưởng làm vua, trở thành Hùng Vương thứ nhất, đặt tên nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, truyền ngôi 18 đời. Chuyện tìm đất đóng đô của Vua Hùng thứ nhất cũng khá ly kỳ. Đầu tiên nhà vua tới một nơi phong cảnh tốt tươi, đất đai bằng phẳng, bèn sai chim đại bàng khổng lồ đắp 100 quả gò và giao hẹn phải hoàn thành trước khi mặt trời ló rạng.

Vâng lệnh, đại bàng gắp đất đá đắp vừa được 99 quả gò thì chợt có tiếng gà gáy vang, đại bàng tưởng trời sắp sáng nên vỗ cánh bay đi. Sự việc dở dang, Vua Hùng cho là điềm chẳng lành nên quyết định đi tìm vùng đất khác. Theo dân gian, 99 quả gò ấy nay nằm ở xã Thanh Vân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.

Nhà vua cùng đoàn tuỳ tùng lạc hầu lạc tướng phi ngựa tìm đến một ngọn núi cao, vây quanh là hàng trăm ngọn đồi, cảnh quan rất lạ. Cảm thấy đẹp lòng, nhà vua lệnh xuống núi, nhưng ngựa vừa quay đầu vó đạp mạnh làm lở một góc núi. Vậy là thế đất nơi này không vững. Vua Hùng nghĩ vậy, liền tìm chọn địa điểm khác để đóng đô.

Nơi núi bị lở ấy nay là núi Sứt đứng giữa ba huyện Thanh Ba, Đoan Hùng và Phù Ninh của tỉnh Phú Thọ. Khi thân chinh lên một ngọn núi dài như con rồng bơi lượn giữa hàng trăm quả đồi tựa sóng cuộn, lại có “đường lên trời” và “hang xuống đất”, Vua Hùng rất ưng ý, nhưng chân vừa bước vào hang động thì gặp một con bạch xà nằm chắn đường, nhà vua cho điềm không hay. Đây chính là núi Thắm ngày nay thuộc huyện Thanh Ba.

Tiếp đó, Vua Hùng lại xuống thuyền đi dọc sông Thao đến một nơi xa, nay là Ao Châu thuộc huyện Hạ Hoà. Ở đây có thế núi cao sông lớn và đầm nước mênh mông vây bọc nhiều đảo nhỏ. Một con rùa vàng bỗng nổi lên mặt nước cúi đầu chào, tự xưng là chúa vùng, mời nhà vua cưỡi lên lưng rùa đi thăm 99 ngõ ngách đầm nước. Dù phong cảnh kỳ thú đáng khen nhưng vua cho rằng nơi đây khó mở rộng kinh đô.

Rời sông Thao, nhà vua lại tìm tới sông Đà cuộn sóng với ngọn núi Ba Vì vút cao, bãi phù sa ven sông xanh um hoa trái, gần nơi trước đây cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ gặp gỡ. Vua ra lệnh chim phượng hoàng đào 100 cái hố, nhưng mới được 99 cái thì nghe tiếng gọi tình chim mẹ liền bay về phía tiếng kêu, cả đàn chim con nháo nhác bay theo, công trình lại dang dở.

Sau nhiều lần kiên trì tìm nơi đóng đô làm chỗ dựa lâu bền cho đất nước Văn Lang, cuối cùng Vua Hùng thứ nhất cũng đã chọn được một địa điểm ưng ý. Đó là nơi hợp lưu ba dòng sông như ba con rồng khổng lồ hội tụ: sông Đà, sông Thao, sông Lô. Hai bên là núi Tản Viên và Tam Đảo chầu về. Giữa vùng trung du bằng phẳng tươi xanh nổi lên những đồi núi vây quanh một ngọn núi lớn hơn như đàn voi con nằm vây quanh voi mẹ. Ngọn núi trung tâm ấy là Nghĩa Lĩnh được nhà vua chọn làm cung điện. Đây chính là Đền Hùng đất Tổ ngày nay cả nước luôn hướng về.

Hoàng Yên
.
.