Thiên tình sử Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà

Thứ Hai, 26/10/2015, 08:00
Người dân Nam Bộ, gần như từ trẻ tới già đều khoái nghe và biết hát vọng cổ. Người ta ghiền hát vọng cổ, ghiền nghe cải lương như đàn ông ghiền thuốc, đàn bà ghiền trầu trong ngót trăm năm qua, kể từ khi xuất hiện bài "Dạ cổ hoài lang" của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu ở xứ Bạc Liêu. Mặc cho bao nhiêu thăng trầm của thời gian, lịch sử và sân khấu, bài vọng cổ vẫn sống mãi trong lòng người dân Nam Bộ. Trong đó có bài Võ Đông Sơ, Tình anh bán chiếu...

Hồi còn nhỏ xíu xiu, người ta nghe nghệ sĩ Minh Cảnh hát bài "Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà" của soạn giả Viễn Châu với tiếng đàn cổ nhạc của đệ nhất danh cầm mù Văn Vĩ ngây ngất, tê mê. Lớn lên, không những học thuộc để hát, mà đi đâu cũng nghe người ta hát bài này, hình như ai cũng thuộc, chí ít cũng một hai câu vọng cổ. Nhưng đâu thể ngờ, có một ngày nghe người đời nói, Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà không phải câu chuyện tình đẫm lệ bên nước Tàu, mà là một chuyện tình của đôi trai tài, gái sắc của xứ mình.

Đến thăm đền thờ Võ Tánh, một danh tướng Vương triều nhà Nguyễn được thờ ở ấp Gò Tre, xã Long Thuận, Thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, trong khói nhang trầm mặc, tiếng loa văng vẳng phát ra bài vọng cổ yêu thích đời người "Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà", du khách sẽ được nghe người hướng dẫn viên kể lại thiên tình sử bi thương nhưng rất đẹp của đôi trai tài gái sắc…

Tác phẩm "Giọt máu chung tình".

Sử sách ghi: Võ Tánh sinh năm 1768, gốc ở làng Phước Tỉnh, thuộc tỉnh Trấn Biên xưa (nay bao gồm cả Bình Dương, TP Biên Hòa, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu). Cha mẹ mất sớm, Võ Tánh cùng với người nhũ mẫu trôi dạt về vùng Gò Công sinh sống. Nhờ sức khỏe hơn người, Võ Tánh tập hợp thanh niên trong vùng lập "đoàn quân nghĩa dõng" đánh cọp dữ, diệt cá sấu, bắt trộm cướp, trừ gian diệt bạo đem lại cuộc sống yên bình cho người dân trong vùng. Sau đó, Võ Tánh theo phò Nguyễn Ánh trong cuộc đối đầu với anh em nhà Tây Sơn lập nhiều công trạng được gả em gái là công chúa Ngọc Du, sinh được một con trai đặt tên là Võ Đông Sơ. Hàng năm vào các ngày 26 và 27 tháng 5 Âm lịch, người dân Gò Công tổ chức cúng miếu thờ Võ Tánh. Năm 2005 miếu thờ Võ Tánh được công nhận Di tích Văn hóa Lịch sử cấp tỉnh. Lăng mộ Võ Tánh được thờ tại thành Hoàng Đế - Bình Định. Tại hẻm số 19, đường Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, người dân đã lập lăng và miếu thờ, mộ gió tưởng kính ông "sanh vi tướng, tử vi thần" từ rất lâu đời…

Câu chuyện tình đẫm lệ về Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà được nhắc đến lần đầu tiên vào khoảng năm 1926 trong cuốn tiểu thuyết "Giọt máu chung tình" của nhà văn Tân Dân Tử (1875-1955). "Giọt máu chung tình" kể về chuyện tình của chàng trai tinh văn, thạo võ tên Võ Đông Sơ và cô con gái của Thượng thư Bạch Công - Bạch Thu Hà. Vốn có hiềm khích từ cuộc thi Hội vì Võ Đông Sơ đã giành ngôi Tiến sĩ, nên anh trai của Bạch Thu Hà là Bạch Xuân Phương đã ép gả em gái cho Vương Bích, một công tử rượu chè, trác táng. Bạch Thu Hà bỏ nhà trốn đi để giữ tròn lời hứa chung tình với Võ Đông Sơ. Sau nhiều biến cố, ngỡ rằng Thu Hà và Đông Sơ sẽ nên duyên nhưng rồi Võ Đông Sơ bị tử trận trong lần ra trận bảo vệ biên cương. Bạch Thu Hà đã tự vẫn theo người thương. Trong tiểu thuyết còn có nhân vật Triệu Dõng, bạn Võ Đông Sơ, cũng là một người chính nghĩa, cùng Đông Sơ đánh giặc ngoại xâm.

Khoảng năm 1927, cụ Nguyễn Tri Khương (1890 -1962), là cậu ruột của cố Giáo sư Trần Văn Khê, ở Vĩnh Kim, Châu Thành (Tiền Giang) dựa theo tiểu thuyết để sáng tác vở kịch "Giọt máu chung tình" và được dựng trên sân khấu gánh hát Đồng Nữ Ban của cô Ba Viện (tức Trần Ngọc Viện, cô ruột của cố Giáo sư Trần Văn Khê). Năm 1928, soạn giả Mộc Quán (Nguyễn Trọng Quyền ở Cần Thơ) cũng soạn vở "Giọt máu chung tình" cho gánh hát Huỳnh Kỳ của vợ chồng Bạch Công tử Lê Công Phước (tự Phước George)- Phùng Há nhân ngày ra mắt gánh hát năm. Người đóng vai đào chánh Bạch Thu Hà trong tuồng không ai khác là NSND Phùng Há lúc này là vợ của Bạch Công tử - đối thủ  số 1 của Hắc Công tử Trần Trinh Huy (Bạc Liêu).

Vào khoảng đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, ở Sài Gòn xuất hiện cuốn sách nhỏ (có hình minh họa) viết về tình sử Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà. Cuốn sách ghi rõ: Võ Đông Sơ là con của Hoài Quốc công Võ Tánh và công chúa Ngọc Du. Còn  Bạch Thu Hà là con quan Tổng trấn Tây Thành Bạch Công (Hà Nội). Sau khi Võ Tánh tuẫn tiết, Võ Đông Sơ sống với người chú ruột tại Bình Định luyện võ, ôn văn chờ dịp cứu nước. Lúc bấy giờ có giặc Tàu Ô đang hoành hành ở biển Đông, triều đình mở khoa thi để chọn tướng tài dẹp giặc. Võ Đông Sơ lên đường ra kinh ứng thí. Trong thời gian lưu lại ở kinh kỳ, chàng làm quen với Triệu Dõng - một người con có hiếu "bán kiếm báu" nuôi mẹ. Cũng tại đây Võ Đông Sơ gặp phải sự đố kỵ tài năng văn võ và sự ganh tỵ của Bạch Xuân Phương - anh ruột của tiểu thư Bạch Thu Hà, là một công tử rất độc ác, bất tài, hãm hại Võ Đông Sơ nhiều lần suýt mất mạng nơi xứ lạ.

Trong một lần Võ Đông Sơ ra tay đánh bọn cướp cứu tiểu thư Bạch Thu Hà trên đường đi lễ chùa, đôi trai tài gái sắc đã phải lòng nhau, đêm ngày nhớ nhung. Dưới ánh trăng rằm, bên ngôi cổ tự, hai người đã thề nguyện chuyện trăm năm, hẹn ước về một cuộc trùng phùng…Sau đó, Võ Đông Sơ thi đỗ võ quan được phong làm Đô úy lãnh quân đi dẹp giặc. Ở nhà, Bạch Thu Hà bị gia đình bắt phải lấy một tên vô lại bạn của anh trai Bạch Xuân Phương tên là Trần Xuân. Với lòng thủy chung son sắt, tiểu thư Thu Hà bỏ trốn khỏi nhà, thân gái dặm trường phiêu bạt với gian truân quyết chí đi tìm người yêu Võ Đông Sơ. Trong cơn hoạn nạn, Bạch Thu Hà được Triệu Dõng và em gái Triệu Dõng là Triệu Nương cứu giúp thoát khỏi tay chủ sơn trại Nhứt Lang ép nàng làm vợ, nên Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà lại được trùng phùng…

Miếu Thờ Võ Tánh ở Tiền Giang, nơi lưu giữ những cứ liệu về nhân vật Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà.

Nhưng không lâu sau, biên ải có giặc xâm phạm, vua ban chiếu cử Võ Đông Sơ cầm binh lên Lạng Sơn đánh đuổi giặc xâm phạm bờ cõi. Nhiều trận đánh nhau ác liệt, Võ Đông Sơ bị tử trận. Trong phút giây hấp hối chàng không ngừng gọi tên Bạch Thu Hà và nhắn gởi ba quân báo hung tin cho nàng hay. Bạch Thu Hà đã khóc thảm thiết bên linh cữu chàng và dùng gươm báu quyên sinh để giữ trọn chung thủy với người tình.

Chuyện tình của Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà cũng là mô típ của nhiều chuyện tình đẫm lệ khác trong văn đàn Việt Nam những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Người dân Nam Bộ cảm nhận gần giống với chuyện tình trong Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga do cụ Đồ Chiểu sáng tác hay như chuyện tình Phù Dung, Nàng Hai Bến Nghé, Lan và Điệp…

Từ câu chuyện tình này, soạn giả Viễn Châu đã viết 2 bài ca cổ "Võ Đông Sơ" (Minh Cảnh ca) và "Bạch Thu Hà" (Lệ Thủy ca), trong đó bài "Võ Đông Sơ" đã trở nên quen thuộc với mọi người yêu thích ca cổ, có những đoạn ca: "Bạch Thu Hà, Bạch Thu Hà ơi! Nàng đã bao phen vượt suối trèo non để giữ vẹn tiết trinh, ta mấy bận lao mình trong nắng gió. Chuyện hàn huyên chưa cùng nhau cạn tỏ, thì giọt máu chung tình đã nhuộm thấm chinh y. Từ đây, hết nợ hết duyên, hết ân hết ái, lưỡi gươm thiêng ta xin gởi lại cho người yêu lý tưởng Bạch Thu Hà…".

Võ Đông Sơ có phải là con trai Hoài Quốc công Võ Tánh hay không? Tiểu thư Bạch Thu Hà có phải là con gái Tổng trấn Tây Thành hay không? Chưa ai tìm ra tư liệu xác thực nào cả, ngoài tiểu thuyết của Tân Dân Tử viết vào năm 1927. Nhưng với người dân phương Nam, qua câu vọng cổ truyền đời, người đời luôn ghi nhớ về thiên tình sử bi thương, rất đẹp như một cách bày tỏ khát vọng về hạnh phúc, về lòng thủy chung son sắt, về tình yêu bất diệt của lứa đôi trong thời chiến chinh ly loạn... Tình yêu mãi muôn được con người thích thú vì những khổ đau, bẽ bàng, ngang trái và hạnh phúc. Do đó, tại miếu thờ Hoài Quốc công Võ Tánh luôn tự hào với nghĩa khí của cha con họ Võ lưu truyền, vì vùng đất Gò Công, Định Tường xưa có nhiều danh nhân, vương chúa chọn làm nơi đến dừng chân dựng nghiệp và yên nghỉ muôn đời. Nơi sinh ra Từ Dụ Hoàng Thái hậu và Nam Phương Hoàng hậu với lăng Hoàng Gia thờ Quốc Công Phạm Đăng Hưng, nơi lưu dấu lưu danh anh hùng Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định, Thủ Khoa Huân…

Hoàng Lan
.
.