Thi sĩ Xuân Diệu với quê mẹ Gò Bồi

Thứ Hai, 21/11/2016, 08:03
Thật may sao trong chuyến đi Bình Định mới đây, tôi được nhà thơ Trần Thị Huyền Trang cùng mấy người bạn dẫn xuống vạn Gò Bồi, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, quê ngoại của thi sĩ Xuân Diệu. Con sông Gò Bồi xưa nơi cậu Bàng (tên gọi hồi nhỏ của Xuân Diệu) vẫn thường bơi lội vẫn trong mát như ngày nào. Một con thuyền nhỏ côi cút neo đậu bên vạt lau trắng...


Trở về mái nhà xưa

Đó là "Nhà lưu niệm - Nhà thơ Xuân Diệu" lặng lẽ bên bờ sông Gò Bồi. Nơi đây cậu Bàng cất tiếng khóc chào đời (năm 1916). Những giấc mơ đầu tiên mà cậu đã được mẹ ru bên bến cảng sông quê. Hơn mười năm uống nước giếng của vạn Gò Bồi, cậu đã chứng kiến bao đổi thay trên bến sông và học được hàng trăm câu hò và những lời ca đối đáp giữa cha và mẹ trong ngày hội làng.

Gò Bồi là quê thơ, quê của những làn điệu dân ca như men ủ trong tâm hồn cậu Bàng thơ dại. Sau này nhà thơ Xuân Diệu thường nhắc lại: "Gò Bồi là cái nôi đầu tiên của văn học dân gian đã ru tôi ngủ và đánh thức tôi dậy với những thương mến bao la của quê hương thứ nhất: Quê má đẻ ra mình…". 

Chỉ cho tôi chiếc cầu dẫn qua sông, nhà thơ Trần Thị Huyền Trang nói về một quá khứ phồn thịnh nơi đây. Hơn 400 năm trước, Gò Bồi là một thị trấn buôn bán của người Hoa trên sông, kéo dài qua xã Phước Hòa chảy ra đầm Thị Nại (nằm phía trước thành phố Quy Nhơn ngày nay). Vạn Gò Bồi trở thành cảng nước mặn, tàu thuyền tấp nập vào ra buôn bán.

Sông Gò Bồi là một nhánh sông Kôn chảy ra biển nên thương lái tiện đường làm ăn bằng đường thủy. Những hình ảnh xưa còn ghi lại theo lời truyền miệng rằng: "Gò Bồi tiếp biển một dòng sông. Tôm cá tươi màu thuận gió đông. Cá thu sắp dãy người chen chúc. Xuôi ngược thuyền ghe nước mấy dòng".

Cầu trên sông Gò Bồi.

Vậy mà thời gian đã vùi lấp con sông xưa dẫn lối. Phù sa dâng lên xóa nhòa bến cảng. Thuyền bè không còn qua lại. Gò Bồi trở nên vắng lạnh dần. Một con sông quê thấm đẫm lời ru buồn nuôi lớn tâm hồn thi nhân thời thơ bé.

Khi học lên lớp bốn, 12 tuổi Xuân Diệu phải theo cha lên Quy Nhơn học tập mang theo nỗi nhớ quê hương và nhất là người mẹ thân thương cùng giọng hò man mác nỗi quê: "Anh cầm cây viết, day dứt đường ân nghĩa. Em cầm cây kim, em thêu chữ ân tình…".

Những câu ca đi theo Xuân Diệu trong suốt cuộc đời. Nhất là khi lên Hà Nội học tiếp bậc trung học để vào trường chuyên nghiệp, hình ảnh vạn Gò Bồi càng day dứt trái tim nhà thơ, mỗi khi cô đơn trong đêm vắng.

Tôi bỗng nhớ vào những năm giữa thập kỷ 70, thi sĩ Xuân Diệu lên giảng bài cho lớp sáng tác ở Quảng Bá, bao giờ cũng nói về dân ca đầu tiên và những bài học đầu đời của mình bên sông quê. Có những lúc ông hò lên một câu đúng giọng đầy chất "Nẫu" (một sắc thái thổ âm đặc trưng của miền sông nước Bình Định), tha thiết chân tình: "Tiếng ai than khóc nỉ non. Phải vợ chú lính trèo hòn Cù Mông".

Hay lại có lúc thi sĩ ngậm ngùi hát lại lời ca của bà ngoại: "Sớm mai em xách cái thỏng ra đồng. Em bắt con cua em bỏ vô thỏng. Nó kêu cái rỏng. Nó kêu cái rảnh. Nó kêu chàng ơi! Chàng giờ an phận tốt đôi. Em đây lỡ lứa mồ côi một mình". Hát rồi ông ứa nước mắt…

Phải nói, đứng trước bức tượng thi sĩ Xuân Diệu tại ngôi nhà lưu niệm này, không ai quên được những ký ức một thời tiếp xúc và học ông ở Hà Nội. Đó là những bài học trong suốt ba mươi năm, sau khi ông từ kháng chiến trở về, cho đến khi mất tại Hà Nội (1985). Vẫn mái tóc bồng bềnh lãng mạn ấy nghiêng nghiêng bên ngọn đèn dạo nào.

Tôi đứng đây mà ngỡ như đang nghe ông nói chuyện thơ tình trong Thư viện Hà Nội, trên con phố Bà Triệu. Cả cánh trẻ chúng tôi ngày đó đều thuộc câu thơ định nghĩa tình yêu của ông rằng: "Đến như tia chớp ấy thôi. Mà gieo trận bão kinh người trong anh".

Nhà thơ Trần Thị Huyền Trang nói, chị cũng học được ở thi sĩ Xuân Diệu sự say đắm, chân tình. Nói rồi chị dẫn tôi đi xem rất nhiều tư liệu về Xuân Diệu gắn bó với quê hương thế nào. Đó là những bài thơ đầu tiên viết về Gò Bồi và nhất là bài thơ "Đêm ngủ ở Tuy Phước" được Xuân Diệu viết sau hàng chục năm về lại nơi đây.

Giọng đọc thơ của Trần Thị Huyền Trang đúng với thổ âm "Nẫu", mang âm hưởng của nhạc điệu tuồng rành rọt, da diết: "Đêm ngủ ở Tuy Phước là để mà không ngủ/ Những con dế cùng tôi thức suốt năm canh/ Thức những ngôi sao, thức những bóng cành/ Đêm quê hương thương cái hương của đất".

Đúng là bài thơ đậm đặc chất liệu của lời ru bên sông Gò Bồi. Những câu thơ như được bật lên từ dây đàn Kìm thảng thốt: "Ngủ không được bởi gió nồm thổi từ biển cứ nhắc/ Khi má anh sinh ra/ Anh đã thở hơi nước mắm của vạn Gò Bồi…". 

Những chuyện bất ngờ bên sông quê    

Qua thăm chiếc giếng phía sau ngôi nhà lưu niệm. Chiếc giếng vẫn đầy ắp nguồn nước mát lạnh như ngày nào. Chúng tôi vục gầu nước phả vào mặt mà bỗng thấy ánh mắt buồn và trong trẻo của thi sĩ Xuân Diệu hiện lên. Đó là nỗi vọng về cố hương. Ngôi nhà lưu niệm được dựng lên, đúng với nguyện vọng của nhà thơ luôn luôn nhớ ơn quê mẹ, nơi đã nuôi dưỡng suối nguồn thơ ca của mình.

Khi cầm tập tuyển công trình của Xuân Diệu nghiên cứu về Đào Tấn, nhà thơ Trần Thị Huyền Trang tâm sự, đây là công trình lớn mà ông đã theo đuổi suốt hàng chục năm trời. Xuân Diệu coi công trình này là sự đền đáp cho quê hương về một danh nhân của Tuy Phước.

Chân dung thi sĩ Xuân Diệu.

Đào Tấn ra đời trước Xuân Diệu chừng 70 năm. Ông nổi tiếng, không những về thơ cùng các pho tuồng cổ mà còn là một vị quan thanh liêm, một lòng hướng tới nền nghệ thuật dân tộc cho nước nhà. Nhưng cuộc đời Đào Tấn có vướng mắc khi đi làm quan cho triều Nguyễn. Nhiều tranh luận bàn cãi khác nhau về Đào Tấn.

Nhưng hồi kết vẫn chưa được giải tỏa đến nơi đến chốn về ông. Vậy là thi sĩ Xuân Diệu bỏ công sức, trong hàng chục năm nghiên cứu với sự chia sẻ, giải tỏa cho nhân cách lớn này. Xuân Diệu đã miệt mài viết nhiều tham luận và viết một cuốn sách về Đào Tấn. Đó là một minh chứng, khẳng định về một nhân tài đặc biệt của xứ sở Bình Định, cái nôi sản sinh ra những nghệ sĩ tuồng tài năng.

Đáng chú ý, theo như nhà thơ Trần Thị Huyền Trang nói, những dòng cuối cùng của công trình khoa học về Đào Tấn của Xuân Diệu được hoàn thành vào ngày 7-12-1985, chỉ trước khi nhà thơ mất ít ngày (18-12-1985).

 Còn chuyện khá bất ngờ, đến đây tôi mới biết Gò Bồi còn có hai ngôi mộ đặc biệt. Một là mộ người mẹ của thi sĩ Xuân Diệu và mộ còn lại là của người mẹ sinh ra Hàn Mạc Tử. Nhà thơ Trần Thị Huyền Trang nhớ lại, vào năm 1939, Hàn Mạc Tử đã theo mẹ về Gò Bồi để nhờ thày chữa bệnh phong. Mẹ của Hàn Mạc Tử đã sống và làm việc ở trấn Gò Bồi nhiều năm.

Hàn Mạc Tử đến đây lặng lẽ, âm thầm chữa bệnh trong một thời gian dài, nhưng không thấy biến chuyển; nên sau đó phải quay về Quy Nhơn nhập viện phong, bên bãi biển Quy Hòa. Trong thời gian ở Gò Bồi, Hàn Mạc Tử đã đề tặng tập thơ đầu tiên, với dòng chữ lưu niệm trước khi chia tay.

Khi đó thi sĩ Xuân Diệu cũng đã nổi tiếng với tác phẩm "Thơ Thơ" (xuất bản năm 1936) và còn là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn (1938-1940). Hàn Mạc Tử viết những dòng chữ thân tình cho Xuân Diệu: "Tôi gửi anh tập thơ của tôi, vì đọc thơ anh tôi thấy nỗi đau của tôi được xoa dịu nhiều lắm".

Đó là kỷ niệm hết sức quý giữa hai thi nhân của đất Bình Định còn được lưu giữ cho đến nay. Mẹ của Hàn Mạc Tử sau khi đưa con về Quy Hòa rồi trở lại vạn Gò Bồi lần hồi kiếm tiền gửi vào cho con nhưng cuối cùng không thể cứu vãn. Sau này bà mất tại Gò Bồi và được dân làng chôn cất trông nom cho đến nay. Với ngôi mộ của mẹ thi sĩ Xuân Diệu cũng vậy, đều được coi là dấu tích đáng ghi nhận trong khu vườn thi nhân, trên mảnh đất quê hương.

Con gió cuộn lên từ sông Gò Bồi. Những cánh cò bay qua đầm lầy về phía chân trời. Cánh cửa nhà lưu niệm khép lại với nỗi nhớ thương trào lên trong lòng mọi người. Tôi bất chợt nhớ đến câu thơ buồn của Xuân Diệu với nỗi niềm khát khao: "Cho lòng xin chút hương. Cho lòng xin chút lửa. Cho lòng xin chút thương. Cho lòng xin chút nữa" (Chiều chờ đợi). Chúng tôi chia tay hương hồn ông trong một "Chiều" đúng như ông đã viết: "Hôm nay, trời nhẹ lên cao. Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn"…

Vương Tâm
.
.