Thêm một tình yêu Xuân Diệu

Thứ Bảy, 09/01/2016, 08:00
Cách nay 30 năm, vào một chiều mùa đông xám xịt, rét cắt da, tôi tất tả bươn lên chuyến xe ca cuối cùng ở một phố nhỏ Thái Nguyên, mong kịp về Hà Nội để đưa tang nhà thơ Xuân Diệu. Tôi muốn được về tiễn ông như tiễn một người nổi tiếng mà lâu nay mình thường tự hào là đồng hương, theo cách nghĩ “nghĩa tử là nghĩa tận”. Bởi ông cùng quê Trảo Nha (Hà Tĩnh). Còn tôi chỉ là một công dân vô danh cùng xã, đang làm anh cán bộ văn hoá ở một xí nghiệp vừa di chuyển từ Thủ đô lên, đang tập tọe chuyện văn chương. 


Ngày còn nhỏ, tôi cũng mới chỉ gặp nhà thơ đâu như vài ba lần chi đó. Mà lần nào cũng để lại những cảm xúc mơ hồ. Nghĩa là cũng chẳng biết nhà thơ Xuân Diệu nổi tiếng thế nào và vì sao mà nhà thơ nổi tiếng.

Còn lần này, tôi sẽ được biết về tình yêu người đời dành cho ông. Mà là người Hà Nội, người Thủ đô.

Đám tang nhà thơ đã phải đợi đến mấy ngày. Nghe bạn bè người Hà Nội của tôi nói rằng, ngoài việc chờ người bạn chí cốt của ông, nhà thơ Huy Cận đang công công tác ở châu Phi chưa về kịp, Ban tổ chức lễ tang còn chưa quyết định được sẽ an táng nhà thơ Xuân Diệu ở chỗ nào? Văn Điển hay Mai Dịch? Nghe đâu, chuyện phải trình lên Thủ tướng. Rồi lại nghe: Xuân Diệu nằm đâu cũng là nằm trên đất mẹ. Những người bạn công nhân của tôi thì thào, rằng, câu đó là của cụ Đồng (Thủ tướng Phạm Văn Đồng).

Trong đợi chờ, trong rét buốt, tôi nhắn lên cơ quan xin nghỉ có việc riêng rồi lang thang chờ lễ tang nhà thơ cùng người bạn vong niên là hoạ sĩ Chu Hoạch, người mà tôi và vài bạn khác nữa từng giúp anh tá túc tại Thái Nguyên hồi anh nghỉ việc minh hoạ ở Báo Tiền phong. Hai anh em dặt dẹo trong cái lạnh khủng khiếp của mùa đông năm ấy, từ góc phố này đến góc phố khác. Chu Hoạch uống rượu vặt, còn tôi gặm bánh mì khô. Tới đâu cũng nghe chuyện về đám tang Xuân Diệu. Ai cũng hào hứng như mình là thi sĩ, từ bà bún ốc béo tròn tới bác xích lô đen đúa. Ngà say, Chu Hoạch lôi từ túi của anh, cuốn sổ tay, xé đưa tôi một tờ, nói: “Đọc, đọc bằng mắt, dự đám tang Xuân Diệu nên đọc bài này mà thương đến kẻ cô đơn, tớ viết hồi tháng 5”:

Có một nấm mồ không đáy:
thời gian
Có một nỗi buồn không tan trong thời gian
không đáy
Đó là nỗi buồn của chiếc giày chân trái
Không tìm thấy chiếc giày chân phải
Để thành đôi.

Tôi nói với Chu Hoạch rằng, chuyện này anh nên nói về lứa đôi hay lý tưởng gì đó, chứ ở đây, đám tang Xuân Diệu thì dính dáng gì. Anh bất ngờ phẩy tay rồi bỏ mặc tôi với mấy đồng nợ quán mà ngật ngưỡng sang phía bên kia hồ Ha Le (hồ Thiền Quang). Có thể anh cho là tôi không hiểu thơ anh, hoặc nhớ ra, đã đến giờ lao động.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh dâng hương tưởng niệm nhà thơ Xuân Diệu tại Nhà lưu niệm Xuân Diệu ở quê hương ông, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Hồi này, anh đang đầu quân cho Công ty Vệ sinh - Môi trường Hà Nội, làm cả nghề móc cống. Có thêm thu nhập độc hại để nuôi vẽ và thơ và rượu. Chu Hoạch đi rồi tôi mới thật bơ vơ trong đám tang. Người đông chật kín con phố. Tôi đứng xa, cố nghển lên để nhìn xe tang phủ đầy hoa đang chậm chậm lăn bánh, bên cạnh là những người lao động áo quần tùm hụp, xo ro vì lạnh cóng. Chưa hôm nào tôi thấy lạnh như thế và bơ vơ như thế giữa một đám đông đang đưa tiễn một con người về thế giới bên kia. Đám tang một nhà thơ đông nhất ở Hà Nội mà tôi từng biết. Toàn những người tự giác mà đến với nhà thơ. Đứng chật đường.

Tôi, với cái cảm giác bị ông bạn say rượu bỏ mặc giữa biển người, một mình dõi theo đám tang của một người thân thuộc trong tâm tưởng mà xa xôi quá trong thực tiễn, thấy mình rõ ràng là hạt bụi cô đơn. Thấy mình già đi, nghèo khổ quá, như vừa bị mất cắp. Hụt hẫng trong lòng. Sau này, khi đọc cảm tưởng của các nhà văn cùng thế hệ trong sổ tang, thấy nhà văn Nguyễn Tuân chỉ ghi độc một dòng ngắn ngủi: “Nhà thơ Xuân Diệu mất đi, tôi thấy như có  mang theo một quãng đời văn của tôi…” thì lúc ấy, tôi mới thấm thía được việc ra đi của Xuân Diệu đã mang theo biết bao quãng đời văn của biết bao người, như tôi, như Chu Hoạch, đã đến tiễn nhà thơ. Bởi sự ra đi của ông đã lấy đi của họ một quãng đời văn, một tình yêu văn chương trong trẻo giữa ngày giá, lương, tiền khốn khó. Và cũng trong cái lạnh giá ngày đông năm đó tôi mới thấy buốt tim khi đọc bài Viếng mộ Diệu của nhà thơ Huy Cận,  khi bạn đã xuống mồ: Lạnh lắm trời ơi! Lạnh lắm không?/ Cận về không kịp, chỉ còn trông/ Đất vàng một nấm hoa vừa héo/ Nằm một, giờ đây Diệu lạnh lùng...

Nghĩ đến cảnh nằm một của bạn mình dưới mộ, bởi khi xưa, Huy Cận từng nguyện nằm chung:

 ...Một mai ta chết xin chôn
Hai ta sát cạnh xương luồn qua xương
Đất già lạnh toát đêm trường  
Huy-Xuân nằm dệt tấm thương muôn đời...

Huy Cận đã suýt thực hiện được lời nguyện đó. Ông hồi ký: Ngày Diệu mất, lúc 7h40 phút ở Hà Nội thì đúng lúc ấy ở Dakar (Senegan) là 12h40 trưa, tôi bị xuất huyết nặng. Thần giao cảm cách: nhân điện của Diệu truyền thông cho tôi giây phút ấy. Ngày 19-12-1985 về đến Paris được Sứ quán ta báo tin Diệu mất, tôi sửng sốt, bàng hoàng, máu vẫn chảy vì xuất huyết nặng ở mũi. Tôi và con tôi (cháu Vũ) trong cơn đau đớn, cố trấn tĩnh để đi đổi vé máy bay về cho kịp đám tang, nhưng ngày 23 tôi về thì đã chôn Diệu ngày 21 rồi. Từ Paris, tôi đánh 10 bức điện về Hà Nội (cho Hội Nhà văn, cho Liên hiệpVHNT, cho Bộ Văn hoá, cho anh Tố Hữu...) đề nghị chờ tôi về hãy chôn bạn tôi, nhưng không kịp...

Từ đám tang Xuân Diệu ngày ấy, tình yêu đối với nhà thơ quê nội Trảo nha, nay là thị trấn Nghèn cứ thêm mãi trong tôi. Ngày làm Địa chí Can Lộc, ông Thái Kim Đỉnh đã lấy từ một trang báo ngoại văn những nhận xét  của Mi-rây Giăng-xen, một học giả lớn nước Pháp về Xuân Diệu khi bài viết trong tập sách đã lên khuôn:  “...Một nhà thơ là rễ cây và gió-là đất và nhạc. Khi một nhà thơ lớn đi xa, nhân dân của nhà thơ khóc trước hết. Và nhân dân các nước sẽ dần khám phá ra anh, có khi là nhiều năm sau, có khi những thế kỷ sau, và một ngày nào đó sẽ biết được cái chết của anh và nghe được tiếng nói của anh. Xuân Diệu là rễ cây và gió, là đất và nhạc…”.

30 năm sau, cũng vào một ngày cuối đông lạnh giá năm 2015, tôi quả thật đã được gặp nhà thơ của lòng ngưỡng mộ. Thêm một tình yêu Xuân Diệu, khi tôi, lần này với tư cách những người con của Trảo Nha - Thị trấn Nghèn, tổ chức lễ tưởng niệm 30 năm ngày mất của nhà thơ. Các quan chức văn hoá của tỉnh, của huyện cùng bà con nội thuộc đã đông đảo dâng hương tại nhà lưu niệm Xuân Diệu nơi xóm tôi. Rồi về hội trường lớn của thị trấn làm lễ tưởng niệm. Có diễn văn khai mạc long trọng.

Các cô giáo, các em học sinh đọc thơ Xuân Diệu, rồi các nhà thơ nhà văn đọc thơ tình  Xuân Diệu. Và linh diệu thay, trong những người thân của nhà thơ về quê lần này có vợ chồng cháu Cù Huy Xuân Đức, cháu đích tôn của nhà thơ Huy Cận. Cháu Đức đưa tặng tôi bài viết “Nhớ về một người cha-Xuân Diệu” do bố mình viết từ Chicago, Hoa Kỳ. Trong đó có đoạn: “Tôi được ông (Xuân Diệu) nuôi làm con vì ông không có gia đình riêng. Chị Lê Chiều, con o Trà, em ruột bố tôi (Cù Huy Cận), ở cùng nhà thời gian đó kể lại: “Vũ mới mấy tháng tuổi, đường ruột kém nên bác Diệu luôn dặn mọi người giữ lại bình sữa để xem Vũ uống hết đến đâu. Và giữ lại phân để bác Diệu về tự tay kiểm tra...”. Đứa con nuôi trong tình thương thật sự của Xuân Diệu ngày ấy đã có hai con, tức là lúc sinh thời Xuân Diệu đã “lên chức” ông nội. Cù Huy Xuân Đức, tên thằng cháu do Xuân Diệu đặt:

Cu Đức

Thằng Đức từ đâu đến với ông
Trên tay âu yếm mẹ mi bồng
Biết gì đâu có, hiền như đất
Em ngủ như là một đoá bông

Tuổi mới năm ngày bé tý hon
Chao ôi nhỏ xíu nắm tay tròn
Ngủ thôi bất kể trời hay đất
Hai cái tai dày, cái mũi con                       

Ấy thế mà trông rất hẳn hoi
Hoàn toàn số phận một con người
 Là mày, là nó, không ai khác
Thương bé người đây, chính nó thôi.                     

Từ lúc nâng niu bố Vũ mày
Đang còn ẵm ngửa, bú bằng tay
Đến nay lại đến thương con Vũ
Ôi! Cuộc đời, hoa, chim, bướm, cây.

Tôi ôm chặt Cù Huy Xuân Đức, người mà Xuân Diệu đã đặt tên, rồi truyền lại một tình yêu, hồ hởi trước sự sinh sôi của vạn vật, như cuộc đời, hoa, chim, bướm, cây mà rưng rưng, thảng thốt thấy Xuân Diệu đang hiện hình. Đỡ xót lòng, hụt hẫng tuyệt vọng khi đọc Chế Lan Viên viết trên xe 30 năm trước tiễn Xuân Diệu về cõi vô cùng: “Chuyến xe sau sẽ không còn Anh nữa/ Xe vẫn chạy nghìn đời chỉ vắng Anh thôi/ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từng qua chuyến trước/ Những chuyến xe không có khứ hồi”.

Đức nói trong rân rấn nước mắt: “Hôm kia, vợ chồng con có đến thăm ông Cát (Hoàng Cát - người em nuôi của Xuân Diệu). Ông đã qua trọng bệnh rồi, nhưng có lẽ cũng khó... Chiều nay chúng con đi vãng lăng tổ của họ Ngô Trảo Nha...”.

Không có chuyến xe khứ hồi nào chở Xuân Diệu bằng xương bằng thịt về với chúng ta, nhưng hôm nay, linh hồn ông như đã có mặt ở đây, khi tình yêu Xuân Diệu còn vẹn nguyên trong lòng người sống. Với tôi, với Đức, với tất cả bà con họ mạc, với bạn đọc gần xa, càng ngày càng thêm yêu nhà thơ lớn. Như đã có một chuyến xe khứ hồi đưa Xuân Diệu về với chúng tôi khi trong lòng trọn vẹn một niềm yêu. Lại thấy ấm lòng.

Trảo Nha, 12-2015

Trần Đắc Túc
.
.