Thi sĩ Lưu Trọng Lư: Thanh khiết một hồn thơ

Thứ Bảy, 09/04/2016, 08:35
Bài thơ "Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư có những câu thơ tạc vào tâm trí độc giả, vào ký ức không gian và thời gian của thơ Việt như "... Em không nghe rừng thu/ Lá thu kêu xào xạc/ Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô...". Tuy không phải là bài thơ đầu tay, nhưng lại là bài thơ giàu ấn tượng nhất của Lưu Trọng Lư ở buổi đầu thơ ca, khiến như một tiền định với cuộc đời ông: suốt cuộc đời, người thi sỹ ấy như một con nai vàng ngơ ngác, sống và nghĩ thanh khiết như chính hồn thơ của ông...


Mẹ tôi - nghệ sỹ Tân Nhân, một nghệ sỹ vốn nhiều gắn bó với cả bác Lư trai và bác Lư gái, đã nói như sau về cuộc đời thi sỹ  Lưu Trọng Lư: "Đó là một cuộc đời thi nhân hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng cho đến tận phút chót". Những năm tháng được gần gũi, tiếp xúc với thi sỹ, tôi cũng chiêm nghiệm được điều này. Nhưng không phong phú và sinh động bằng những gì mẹ tôi đã kể lại, nhất là về những quãng đời của ông mà còn nhiều người chưa biết tới.

Đó là giai đoạn ngoài là thi sỹ, ông còn gánh vác công việc quản lý nghệ thuật, cùng với nhạc sỹ Lưu Hữu Phước phụ trách Vụ Nghệ thuật của Bộ Văn hóa. Hay như thời Bình Trị Thiên khói lửa, ông đặc biệt được Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh yêu quý, và được kể như một trong những linh hồn của văn nghệ sỹ kháng chiến Bình Trị Thiên!

Mẹ tôi kể rằng: "Là lãnh đạo văn nghệ, thi sỹ Lưu Trọng Lư có một cách đánh giá nghệ thuật riêng rất thú vị, xuất phát từ một tâm hồn giàu cảm xúc của một nhà thơ. Với bất cứ một tiết mục hát hay múa nào, thấy xúc động là ông liền gật đầu: "Hay, tốt!". Một nghệ sỹ nào gây được "ep phê" mạnh mẽ cho người nghe, ông đều cho là "tuyệt vời" (kiểu như bác Hữu Thỉnh). Với bất cứ diễn viên hay nghệ sỹ nào, ông cũng giàu lòng nhân ái, yêu thương, nhất là với những tài năng. Ai có tài,  ông trân trọng vô bờ bến. Và đều tìm mọi cách để giúp đỡ, lăng xê cho tài năng đó phát triển…".

Nhưng dù ở cương vị gì, trước hết Lưu Trọng Lư cũng là một thi sỹ luôn mang thú say mê, niềm trăn trở khôn nguôi với thi ca. Thơ ca kề theo từng hoạt động, từng hơi thở, từng bước chân của ông. Quản lý nghệ thuật chung với nhiều loại hình, nhưng nghe một diễn viên hay một ai đó nói một câu gì hay, Vụ trưởng Lưu Trọng Lư liền chỉ tay ngay vào mặt: "Mi có tài văn chương đó, sao không làm thơ, viết văn đi?". Sau nhiều cái "chỉ" ấy, ít nhất ông cũng đã phát hiện được một diễn viên múa sau này trở thành một thi sỹ tên tuổi: Nhà thơ Xuân Quỳnh…

Mẹ tôi kể: Bác Lư thực thụ là thi sỹ với tất cả nét đặc thù của nghiệp chướng. Gần như bác toàn tâm, toàn trí cho công việc sáng tạo, sáng tác, nên ngoài đời bác cứ ngơ ngác, đãng trí đến mức sự đãng trí ấy trở thành những giai thoại hết sức đáng yêu. Ví như khi dẫn các đoàn nghệ thuật của chúng ta đi trình diễn nước ngoài, trong khi các diễn viên đi mua sắm đủ các thứ hàng về làm quà, thì đoàn trưởng Lưu Trọng Lư do ham viết nên chỉ đi mua… bút. Túi, cặp… lúc nào cũng có hàng chục cây bút. Nhưng khi cần viết lại chẳng tìm ra một cây bút nào. Bởi đãng trí, "người" thường quăng bút, sổ, đồ đạc của mình nơi này nơi kia, hay để đâu, cho ai cũng chẳng nhớ tới. Đến cây bút là thứ thi sỹ quý nhất, cần nhất, thích nhất thì số phận cũng vậy!

Tính đãng trí này gần như theo đuổi suốt cuộc đời thi sỹ. Đưa con đi bệnh viện, khi bác sỹ bảo làm tờ khai bệnh án, ông dõng dạc quay lại hỏi con: "Mi tên chi?". Đưa vợ đi chơi, đèn đỏ, vợ xuống xe chờ, vậy mà cứ băng băng một mình đạp xe đi, vừa đạp xe vừa nói chuyện hệt như sau lưng vợ vẫn đang còn ngồi đó…

Với các diễn viên: Có lần ông chỉ giữa mặt nghệ sỹ Xuân Tứ (thân sinh của nhạc sỹ Xuân Phương hiện nay) ra lệnh: "Mi đi tìm thằng Xuân Tứ cho tau". Hay một lần kia ở khách sạn nước ngoài, bỗng một buổi nước đâu cứ chảy lênh láng mọi phòng, ướt hết va ly đồ đạc. Đoàn trưởng Lưu Trọng Lư bực tức dựng cả đoàn dậy, kiểm điểm xem ai quên khóa vòi nước? Sau khi truy nguyên, thì mới hay người quên khóa vòi chẳng ai khác, mà chính là… ông! Ngay cả trên các diễn đàn, thỉnh thoảng "người" cũng vẫn cứ thi sỹ như thường. Ví như ở Tiệp Khắc, bỗng đoàn trưởng sau bài "dit cua" hét toáng hội trường: "Việt Đức muôn năm", hay khi ở Đức, lại bỗng giơ tay "Muôn năm Việt Xô" (nhưng may có phiên dịch kịp thời chỉnh trang lại).

Thật đáng yêu thay một con người đầy chất thi sỹ như ông. Nhưng điều quan trọng mọi người đã khẳng định về con người làm việc của ông rằng, ông là một đoàn trưởng giỏi và là một cán bộ quản lý văn nghệ rất bản lĩnh và vững vàng.

"Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ? 

Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

"Con nai vàng ngơ ngác" đã ra đi năm ấy vào tuổi 80, một hồn thơ tinh tế, xao xuyến, một cuộc đời hồn nhiên, trong sáng, một thi sỹ tài năng, đam mê, một nhà quản lý hết sức xốc vác và đôn hậu, với những nét riêng không thể pha lẫn một ai.…

Nhà thơ Lưu Trọng Lưu (ở giữa) với các diễn viên.

Khi nghe tin bác Lư mất, mẹ tôi khóc. Và rồi sau những dòng nước mắt ấy, mẹ tôi ôn lại cho chúng tôi nghe những kỷ niệm về thi sỹ  Lưu Trọng Lư. Những tiếng cười đã xen vào những dòng nước mắt. "Thác là thể phách, còn là tinh anh". Cái còn lại của thi sỹ Lưu Trọng Lư không chỉ là một sự nghiệp thơ văn đáng trân trọng, một con nai vàng ngơ ngác muôn đời tạc lên mùa thu đất nước và hồn thơ dân tộc, mà còn là một tấm gương về cách sống trong sáng, không vụ lợi, thanh khiết một hồn thơ cao đẹp.

Cả những giai thoại về một thi sỹ vô cùng thi nhân giữa cuộc sống còn quá nhiều người tỉnh, người khôn này, quá nhiều vụ lợi và xảo trá, đã làm cho cái tên Lưu Trọng Lư sẽ mãi sống với người trần thế chúng ta, và hơn thế nữa, sống không chỉ ở văn thơ rực rỡ, mà sống với cuộc  đời một cách tươi vui, hóm hỉnh, rất gần gũi và rất đáng yêu…

Và tôi, một người lính tôi sẽ còn nhớ mãi vần thơ thắt ruột của ông viết tặng Lưu Trọng Nông - người con trai của ông, người em, người đồng đội của tôi đã hy sinh bên dòng sông Vàm Cỏ: "Con đi rồi như một cánh hoa bay/ Giờ quê con đó Vàm Cỏ Tây". Nước mắt thương con của ông như làm sông Vàm Cỏ thêm mênh mang, và làm thơ ca chiến tranh của chúng ta sẽ giàu có hơn với hình tượng người chinh phu không về tựa như một cánh hoa bay…

Trương Nguyên Việt
.
.