Nhà thơ Lưu Trọng Lư: Da diết lòng anh một chữ Nhân

Thứ Ba, 01/05/2012, 08:00
Ngay từ buổi đầu gặp ông, được nghe ông trò chuyện, tôi thấy ở nhà thơ Lưu Trọng Lư một con người rất giàu tình cảm. Bấy giờ ông đã yếu nhiều, suốt ngày nằm trên giường hoặc trên chiếc ghế vải dài, bên cạnh pho tượng bán thân của ông. Gò má cao, đôi mắt trũng sâu, nhưng giọng nói vẫn sang sảng và ấm. Đó là điều tôi rất lấy làm lạ...

Ông nói thật say sưa, rành rẽ, với một trí nhớ kỳ diệu. Nhìn ông, nghe ông, tôi mơ hồ nghĩ: Thì ra, trước mặt tôi đây là con người từng làm chủ tướng của phong trào Thơ mới, tác giả của hàng loạt tác phẩm văn học, bao gồm hầu hết các thể loại, kể từ khi mới ngoài 20 tuổi cho đến cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Lúc này, cây cổ thụ của nền thi ca Việt Nam trông bề ngoài gầy héo, nhưng bên trong vẫn dạt dào nhựa sống.

Tưởng chỉ được gặp và hỏi chuyện ông một vài buổi thôi, nào ngờ ông cho phép tôi ngồi bên ông ngót 10 ngày liền, mỗi ngày 3-4 tiếng, không sót buổi nào, để nghe ông nói và ghi chép. Đó là những ngày cuối cùng của năm 1987 - dạo ấy tôi đang trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu về cuộc đấu tranh giữa nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Hẳn là đã có nhiều người đến gặp ông về việc này, nhưng tiếp tôi, ông vẫn tỏ ra thân ái, ân cần, nhất là khi ông biết tôi đã dịch bài thơ "Việt Nam tình yêu của tôi" của Willi Zahlbaum mà ông đọc trên Báo Nhân dân và có bài bình luận dài, ca ngợi tấm lòng quý mến Việt Nam của người bạn Đức ấy.

Rất nhiều lần, trong câu chuyện cùng tôi, mắt ông chớp chớp vì xúc động. Xúc động khi nói về người mẹ kính yêu. "Tôi thấy ở mẹ tôi cả một cuộc đời đầy tình thương. Mẹ tôi mất, tôi như đứa con hoang". Năm ấy, ông mới lên 10. Lúc vĩnh viễn ra đi, bà cụ dặn lại với người dì ông và đọc câu ca dao: "Ra đi là sự đã liều/ Mưa mai chẳng quản, nắng chiều cũng cam...". Người ra đi, khóc. Người ở lại, đầy nước mắt. Có đêm Lưu Trọng Lư đi thơ thẩn. Bầy ong tự nhiên bay đi. Nhìn lên tường nhà, cây trầu mẹ ông trồng cũng héo tàn. Ông như đứt ruột.

Nhà thơ nói: "Từ khi mẹ tôi mất, tôi đã cất đầu không nổi dưới những nỗi đau, những giọt nước mắt thương mẹ. Tôi đã bồng bềnh từ thuở ấy...".

Vợ chồng nhà thơ Lưu Trọng Lư.

Năm lên 13, 14 tuổi ông đi học ở Trường Quốc học Huế. Mỗi lần nghỉ hè, ông về làng dạy thêm cho một số học trò trong làng hoặc làng bên. Chiều hè, ông hay dẫn học trò lên đỉnh núi "hát thơ" với họ. Chiều tối, ông ở lại, một mình, ngồi dưới gốc thông, nhìn lên núi Thày Bói nhìn ra biển Đông ngắm tận Hoàng Sơn và Cù Lao Nón. Ở tuổi ấy mà ông cứ ngồi nghĩ đến số phận con người và nhiều vấn đề siêu hình quấn quít lấy ông. Khi mặt trời lặn, rừng vắng, không còn một tiếng chim hay một tiếng động khác, ông đứng dậy ra về, lòng đầy hoang mang, lo sợ.

Chưa trở thành người cách mạng, nhưng với tấm lòng yêu nước, Lưu Trọng Lư tìm đến với các cụ Phan Bội Châu, Võ Liêm Sơn, sống tại nhà các cụ, đọc thơ các cụ với một niềm hy vọng vào ngày mai của đất nước. Chưa tìm ra con đường đi tới, nhưng ông xót thương biết bao số phận những con người lao động cơ cực ở quê hương mình - những bà Nèo, bà Mỹ, bà Viêng, anh Xoong và những "cô phụ" có thật được ghi lại trong bài "Tiếng thu" nổi tiếng. Không phải ngẫu nhiên mà Hoài Thanh, Hoài Chân viết: "Thơ Lư nhiều bài thực không phải thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật, mà là tiếng lòng thổn thức cùng hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta...".

Khi kể lại những ngày hoạt động trong Phong trào Thơ mới, Lưu Trọng Lư cho rằng: "Nó đã mở rộng tình người - đó là tình mẹ, tình yêu, tình bạn, tình yêu thiên nhiên, tình yêu đất nước...". Bản thân ông tràn đầy những tình cảm yêu thương ấy, chỉ tiếc rằng nó còn bị giới hạn trong một đất nước không tự do, trong những cách nhìn, những nhân sinh quan hạn chế.

Mắt nhà thơ ứa lệ khi nhớ lại 13 người anh hùng Quốc dân Đảng lên ngọn đầu đài của giặc, kính phục biết bao những cô Giang, cô Bắc, những Lê Tuấn, Trần Huy Liệu, quyết hiến trọn đời mình cho dân tộc. Ông cũng đau đớn khi Xô Viết Nghệ Tĩnh thoái trào. Ông luyến tiếc khi kể lại chuyện sau đây: có một người bạn thấy ông là người hiền lành, say sưa nghiên cứu, học hỏi, đã trao cho ông tác phẩm "Vấn đề dân cày" của Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp in thạch, bảo giữ lấy mà đọc. Lưu Trọng Lư gói lại, cho vào cặp, nhưng đi tàu về đến ga Vinh thì bị thằng cò Le Petit khám xét, ông phải tìm cách vứt quyển sách qua cửa sổ. Ông bảo: "Thế là không đến được với cách mạng. Nếu đọc thì đời tôi khác rồi, có thể như một Tố Hữu!".

Đột nhiên, đôi mắt ông lại sáng lên, giọng nói to: "Từ khi mình có một mục đích sống, một lẽ sống, lại có một đội ngũ cùng đi, có những bàn tay chỉ đạo đầy trìu mến, tự mình đã biết góp một chút mồ hôi, một chút trí tuệ vào sự nghiệp chung, thì đời không còn là một dấu hỏi, không còn là một bóng đen. Mình không còn là "mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm...".

Ấy là khi ông nói về Cách mạng Tháng Tám, về "mùa thu lớn" của đời mình, của lịch sử dân tộc, về tư cách một người cộng sản mà cách mạng đã trao cho ông. Ông đặc biệt vui mừng được nhìn thấy cuộc đổi đời lớn lao: "Cách mạng Tháng Tám đến, không có gì thật bằng tấm lòng của những người lao động. Họ đã làm ra gạo, mà họ là những người chịu nhiều đau đớn. Khi cách mạng nổ ra thì ngàn ngàn người lao động từ nông thôn đều hăm hở, vui hẳn lên".

Ông cũng vậy. Từ đây, niềm yêu thương vốn tiếm ẩn trong trái tim ông, vốn dành cho người thân, cho bè bạn, cho những người bên mình, nay như chắp cánh, thăng hoa, tỏa sáng, được dành trọn vẹn cho nhân dân mình, cho Tổ quốc mình. Hiểu ông, kính trọng ông, nhà thơ Hoàng Trung Thông cảm nhận: "Trong tiếng hô khởi nghĩa thành công có tiếng hô của Lưu Trọng Lư trong đó...".

Tôi chợt nhớ đến lời ông từng nói với một người học trò cũ của ông - nhà thơ Lữ Giang - mà cũng như là nói với tôi vậy: "Em nên chú ý điểm này: Anh là thi nhân, chị là người hoàng tộc, nhưng anh chị đi vào cách mạng một cách ung dung, rất tự nhiên và hăm hở. Vì sao? Vì những bà mẹ Bình Trị Thiên vô cùng nhân hậu, vì nhân dân ta vô cùng tốt, vì những cán bộ cách mạng anh chị tiếp xúc buổi đầu kia mới đáng quý, đáng yêu làm sao!".

Nhà thơ thường nói về việc "tính sổ lại đời mình". Ông sung sướng thừa nhận: "Niềm vui đã đến, khi có sự sáng tạo trong cuộc sống, lại có sự sáng tạo của trí tuệ, của nghệ thuật". Nói về hôm nay, ông lại liên tưởng đến hôm qua. Ông cho rằng, nếu so thơ ông hôm nay với thơ ông trước đây thì quả tình ông thấy thơ mình hôm nay là vàng là ngọc, làm sao có thể thua sút được với thơ mình làm trước đây. Nếu làm một tuyển tập, ông sẽ dành cho thơ trước một phần mười số lượng - như thế cũng là quá đáng. "Không phải là tôi đánh giá thơ bây giờ hay hơn thơ trước kia. Không thể đơn giản như thế được, nhưng bây giờ tôi giàu hơn, tha thiết hơn, thật hơn và công phu hơn".

Vẫn là sự liên tưởng trong sáng tác giữa hai thời kỳ, ông nói với tôi một vài mẩu chuyện mà tôi rưng rưng cảm động: "Trước kia tôi làm thơ khóc mẹ, nay tôi khóc con ("Tiễn con"). Tôi phải đặt lên bàn thờ song song như hai ngọn nến. Bài thơ được dịch ra tiếng Anh, làm cho không ít người mẹ Mỹ khóc - điều ấy làm tôi tự hào, suy nghĩ nhiều lắm. Một người cha khóc một đứa con đánh kẻ thù là người Mỹ, thế mà nay người mẹ Mỹ lại góp nước mắt người cha bên kia Thái Bình Dương, thì quả là điều tôi chưa bao giờ thấy. Một việc nhỏ cho tôi nhiều hạnh phúc, làm tôi thương quý tôi nhiều gấp bội".

Nhân nói về bài thơ "Tiếng thu", ông kể: Một lần có nhà báo nước ngoài nghe ông ngâm bài thơ, hòa trong tiếng đàn thánh thót của vợ ông (bà Lệ Minh), đã xúc động thốt lên: "Ôi! Một đất nước có mùa thu đẹp như thế, có con nai vàng hiền lành, đáng yêu như thế mà bọn giết người đã đến như một bầy ruồi nhặng làm ô uế cả đất nước này!". Ông cũng kể về việc họa sĩ Nguyễn Sáng minh họa cho bài thơ "Tiếng thu" được in ở nước ngoài: "Họa sĩ đã làm u ám toàn cảnh mùa thu, nhưng trên mấy chiếc lá làm cho màu sắc rực sáng cả lên. Vâng, trong cái đêm đen của tâm hồn vẫn có những điểm sáng. Những điểm sáng đó là một số bài thơ của tôi hôm qua dịu dàng, trong trẻo, còn ở mãi với tôi...".

Cũng vậy, ông nhắc đến những cơn mưa xưa kia - "Mưa chi mưa mãi/ Buồn hết nửa đời xuân/ Mộng vàng không kịp hái"... Những cơn mưa ấy đã giam cầm cuộc sống của ông và những người cùng thế hệ. Song họ vẫn nghĩ về những ngày nắng... Mà cách mạng về thì nắng thật, cuộc đời ấm áp, tuổi vui hẳn lên. Nắng ấy là tình thương - Ông nói vậy. Chữ "thương" xưa kia như con suối nhỏ, nay đã trở thành dòng sông lớn đổ vào biển khơi. Rất hiểu ông, nhà thơ Tố Hữu đã viếng ông bằng một bài thơ bốn câu, trong đó có câu "Da diết lòng Anh một chữ Nhân" cũng vì lẽ đó.

Trước khi kết thúc bài viết này về thi sĩ Lưu Trọng Lư, xin bạn đọc cho phép tôi nhắc lại một câu nói của ông, một câu nói mà tôi nghĩ có thể khắc lên tấm bia trước mộ ông: "Xưa kia, tôi vào đời với đôi mắt trong sáng, tươi xanh, giờ tôi có lìa đời vẫn với con mắt trong sáng, tươi xanh...".

Hà Nội, tháng 4/2012

Trần Đương
.
.