Tài chơi chữ, đối, lái của nhà thơ Văn Lợi

Thứ Sáu, 07/09/2018, 08:35
Đầu tháng 8 năm 2018, ở tuổi 76, nhà thơ Văn Lợi đã cho ra mắt bạn đọc tuyển tập “Văn Lợi tác phẩm” gồm 2 tập văn và thơ cỡ 16x24cm, tổng cộng 1013 trang do NXB Văn học ấn hành. 


Đó là cuốn tuyển chọn sáng tác suốt 35 năm được in trong 23 đầu sách mà tác giả đã trình làng trước đây, được nhiều giải thưởng danh giá từ địa phương đến Trung ương, trong đó có giải A cuộc thi thơ “Em yêu Bác Hồ” do Hội Nhà văn Việt Nam và Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức năm 1960, lúc Văn Lợi là cậu bé 15 tuổi.

Qua “Văn Lợi tác phẩm”, tài chơi chữ, đối lái của tác giả đã làm nổi rõ một “thương hiệu” độc đáo Văn Lợi. Sau đây là một số giai thoại đã được ông ghi lại:

Nhà thơ Hải Bằng từ giận đến cười.

Năm ấy, Chi hội Bến Hải (Bình - Trị - Thiên cũ) tổ chức Đại hội. Đoàn văn nghệ sĩ tỉnh ra dự. Trên xe có nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà văn Nguyễn Quang Hà, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà thơ Hải Bằng và nhà thơ Văn Lợi. Khi đi qua nhà thờ Tây Lộc, nhà thơ Hải Bằng trêu Văn Lợi:

- Này, Văn Lợi, mình đố cậu biết đây là nhà thờ gì?

Văn Lợi cười tủm tỉm, rồi nói tỉnh bơ:

- Thì nhà thờ của anh chứ của ai!

Nhà thơ Hải Bằng cho rằng Văn Lợi nói mình theo đạo Thiên Chúa, nổi khùng lên. Cả xe, anh em đều lặng phắc. Văn Lợi để Hải Bằng nguôi xuống mới thong thả nói:

- Anh đố thì tôi trả lời, trả lời chính xác, anh không thưởng thì thôi, nổi cáu mà làm gì!

Rồi Văn Lợi nói tiếp:

- Đây là nhà thờ Thiên Chúa, nói lái, tức là "Thua Chiến". Nếu không là Hải Bằng thì ai vào đó được?

Cả mấy anh em văn nghệ sĩ trong xe bật cười. Hải Bằng cũng cười thoải mái (chả là vợ nhà thơ Hải Bằng tên là Chiến mà nhà thơ Hải Bằng nổi tiếng “sợ vợ” nên Văn Lợi trêu theo kiểu nói lái thì quả là vui).

Nhà thơ Văn Lợi.

“Bù đại” và “láu bồn”

Trong dịp liên hoan Thông tin Cơ sở các tỉnh khu vực miền Trung tại Tây Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Nghệ  Tĩnh Trần Nhật Tiến nói với Văn Lợi:

- Ở tỉnh mình có một vế mời đối của ông Nguyễn Tài Đại (anh ruột nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ) nguyên Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo ra một vế đối cả năm nay, treo thưởng hẳn hoi mà chưa có ai đối được, Văn Lợi đối thử coi.

Rồi ông Trần Nhật Tiến đọc vế ra:

- "Đại về hưu, Đại trồng bù, hỏi bù ai, bù Đại"

Suy nghĩ một lúc, Văn Lợi có ngay vế đối:

- "Bồn (tức nhà văn Thu Bồn) viết sách, Bồn ở lán, rằng lán ấy, lán Bồn"! (nhà văn Thu Bồn đã dựng một căn nhà sàn tại Quận I - TP. Hồ Chí Minh).

Nhà văn Trần Hữu Tòng lúc ấy là Cục phó Cục Văn hóa - Thông tin cơ sở, được mời làm trọng tài và cả đoàn văn hóa tỉnh Nghệ Tĩnh của ông Trần Nhật Tiến liền vỗ tay ầm ầm, cười vui, sảng khoái.

Ăn cháo lòng và uống bia hơi

Vào khoảng năm 2002, Văn Lợi với tư cách là Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tiếp đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Biên phòng Hà Nội vào làm việc. Trong đoàn đi có Trung tá - nhạc sĩ Phương Minh Quang (bây giờ là Đại tá). Sau buổi làm việc, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh mời cơm thân mật. Tại cuộc vui, nhạc sĩ Phương Minh Quang cầm cốc bia đứng dậy nói:

- Thưa các anh, đoàn chúng tôi đi từ Hà Nội vào, ngang qua Đồng Hới có ghé vào một quán cháo lòng, ăn sáng. Phải nói là cháo ở đây nấu rất ngon mà cô chủ rất đẹp. Vì thế anh em trong đoàn có nghĩ ra vế đối. Nghe nói nhà thơ Văn Lợi, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin “nổi danh” câu đối lắm. Vậy xin mời anh đối cho.

Rồi nhạc sĩ Phương Minh Quang dõng dạc:

- "Đến Quảng Bình, ăn cháo lòng, phải lòng cô hàng cháo" 

Anh em trong bữa tiệc vỗ tay dậy lên, khích lệ. Ngẫm nghĩ một lát, Văn Lợi cầm ly bia đứng dậy:

- "Ra Hà Nội, uống bia hơi, quen hơi chủ bán bia!"

Vậy ra, vế đối Văn Lợi nâng lên một cấp độ tình cảm nữa là “quen hơi, bén tiếng” chứ không chỉ “phải lòng” như đoàn Hà Nội. Cuộc liên hoan bữa ấy rôm rả, đậm đà làm sao.

 “Kim vẫn cương” và “trương càng bé”

Nhà văn - Đại tá công an Kim Cương, quê Bố Trạch, Quảng Bình về nghỉ hưu nhưng viết lách còn rất sung mãn. Vì vậy mà Văn Lợi ra một vế đối vừa trêu chọc, vừa thách anh em văn nghệ sĩ đối cho vui:

- "Kim Cương về hưu, kim vẫn cương"!

Anh em văn nghệ sĩ Quảng Bình đang loay hoay tìm lời giải thì vừa lúc đoàn nhà văn của Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế đi tham quan ở phía Bắc ghé Đồng Hới chơi. Trong cuộc gặp mặt, Văn Lợi xướng vế mời đối với đoàn văn nghệ sĩ Huế. Mọi người cười vui vẻ. Một vế họa được tập thể sáng tác gồm nhà văn Nguyễn Khắc Phê, Tô Nhuận Vỹ, nhà thơ Mai Văn Hoan, Vĩnh Nguyên… được xác lập và “tung” ra:

- "Trương Bé tại chức, trương càng bé"

Trương Bé là họa sĩ, Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Huế. Vế họa đối ấy cũng thật “hết ý”.

 Vị “linh mục”, đúng chưa?

Sau hôm xảy ra sự vụ lộn xộn ở nhà thờ Tam Tòa (Đồng Hới) Văn Lợi đến Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình. Vừa gặp nhà điêu khắc Phan Đình Tiến (hiện đang là Chủ tịch Hội) cũng thuộc diện “tay chơi” câu đối “tấn công” Văn Lợi bằng một lời chào:

- Chào Linh mục!

Văn Lợi giả bộ nghiêm nét mặt chỉ vào Phan Đình Tiến: "Cậu mới là linh mục!". Tưởng Văn Lợi giận nên nói mình như vậy, Phan Đình Tiến tự ái, sửng cồ:

- Cháu chỉ đùa thế, sao chú lại khẳng định cháu như vậy?

Văn Lợi cười rồi chậm rãi nói:

- Này nhé! Chỉ có cậu mới được Lục Minh (Lục là lục soát, Minh là vợ Phan Đình Tiến) tức “linh mục”, đúng chưa? còn mình mà dám à?

Lúc này Phan Đình Tiến mới “ngộ” ra. Văn Lợi nói lái “linh mục” là nói mình và vợ như vậy. Thán phục, Phan Đình Tiến chìa hai tay nắm lấy tay Văn Lợi lắc lắc thích chí.

Bìa sách “Văn Lợi tác phẩm”.

Mỗi lần Tết đến xuân về, nhà thơ Văn Lợi có nhiều đơn đặt hàng của các báo, tạp chí về việc đặt câu đối Tết. Những người có việc như “về nhà mới”, “gặp mặt ngày vui”… đều nhờ Văn Lợi làm câu đối để tăng phần trang trọng cho cuộc gặp mặt. Sau đây là một số câu đối trong hàng trăm câu đối nổi tiếng của nhà thơ Văn Lợi.

Năm 1986, Văn Lợi viết một vế đối chống tiêu cực, gửi báo Văn nghệ đăng tải, mời đối: “Chống tiêu cực, kênh kiệu, lộng hành, chẳng ỏm tỏi, chẳng nhát gừng, với nghệ thuật, tuyên truyền, giáng cho chúng đòn cay hơn ớt”. Vế đối đề cập đến 7 loại gia vị truyền thống đều có chất cay, phù hợp với nội dung chống tiêu cực. Báo Văn nghệ đăng và mời đối trong số Tết âm lịch được nhiều nhà thơ có tiếng tăm về câu đối hưởng ứng. “Xuất đối dị, đối đối nan”, các nhà thơ như Tú Sụn, Đồ Nam, Nguyễn Bảo… đều tham gia đối. Nhưng Văn Lợi vẫn chưa thật ưng ý với các vế họa. Anh bèn tự làm thêm vế đối lại của chính mình. Vế đối lại này, Văn Lợi sử dụng 7 loại nhạc cụ dân tộc để đối với 7 gia vị truyền thống: “Thôi sáo rỗng, ghen tranh, hoa nguyệt, bằng bạn bầu, bằng tế nhị, dựa trống đồng thuyền thống, xây cho ta vẻ đẹp nguyên tiêu”.

Mừng xuân 2017, nhà thơ Văn Lợi có câu đối mà nhiều báo đã sử dụng:

- "Mừng xuân, cả nước chung lòng, đun nóng lò 'Củi ướt, củi khô đều cháy'".

-"Đón Tết, toàn dân dốc sức, thổi bùng lửa 'không còn lạnh dưới, nóng trên'".

(Ý của hai câu đối là câu nói nổi tiếng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc).

Đầu xuân 2018, Văn Lợi đã có câu đối đăng trên Báo Văn hóa:

- "Mừng xuân, phát huy giá trị tinh hoa, nâng cao tầm du lịch"

- "Đón Tết, khai thác tiềm năng nội lực, phát triển thế Thể thao".

Còn Báo Văn nghệ đã đăng cặp câu đối như sau:

- "Mừng xuân mới với nhà văn Phong thái, Phong sương, trau dồi nên Phong cách".

- "Đón Tết đến, cùng bạn viết, Đạo đời, Đạo lý, xóa bỏ thói Đạo văn".

Tài làm câu đối của nhà thơ Văn Lợi ở Quảng Bình toát lên tâm hồn tươi trẻ, trí tuệ, mẫn cán của ông.

Đồng Hới, 13/8/2018

Hồ Ngọc Diệp
.
.